"Trung phong là gì" cũng chính là tựa bài của Jonathan Wilson, một cây bút phân tích chiến thuật hàng đầu, tác giả của nhiều đầu sách về chuyên môn bóng đá, đăng trên tờ Guardian (Anh quốc). Câu hỏi ấy vốn không dễ trả lời, nay lại càng khó khăn hơn bao giờ hết. Bởi nếu như định nghĩa trung phong là người săn bàn, vậy thì tại sao HLV Pep Guardiola vẫn còn đặt ra nhiều yêu cầu với Sergio Aguero?
Xét theo số bàn thắng, Aguero là một máy ghi bàn, nhưng với Guardiola ngần đó vẫn chưa đủ để đáp ứng đòi hỏi của ông về vị trí trung phong. |
Thật vậy. Khi Guardiola cho Aguero ngồi dự bị ở trận gặp Barca tại Champions League cách đây chưa lâu, ông thể hiện rõ thái độ chưa hài lòng với những gì trung phong người Argentina thể hiện. Ở đây là sự không hài lòng về mặt chiến thuật. Bởi nếu chỉ là chuyện ghi bàn thuần túy, Aguero phải được xem là chân sút thượng thặng, với 109 bàn qua năm mùa Ngoại hạng Anh trong màu áo Man City.
Nhưng trong bóng đá hiện đại, việc của trung phong không chỉ là săn bàn nữa. Guardiola nói: "Tôi chưa từng nói mình không hài lòng với hiệu suất ghi bàn của Aguero. Bởi nếu chỉ tính về bàn thắng thì cậu ấy rất ổn. Ở trong khu vực cấm địa, Aguero có thể sánh ngang được với đẳng cấp của Lionel Messi hay Cristiano Ronaldo..."
Guardiola muốn học trò có những đóng góp khác ngoài bàn thắng. Cũng giống như nhiệm vụ của một thủ môn không chỉ là cản phá mà còn phải biết phân phối bóng bằng chân, tiền đạo cũng phải tham gia nhiều hơn về phòng ngự. Và nhà cầm quân của Man City đánh giá cả hai yêu cầu ấy ngang nhau.
Guardiola có thể là một HLV "độc nhất", nhưng cách đánh giá hiệu quả trung phong của ông không hề "vô nhị". Trước khi Guardiola đến Anh, Jurgen Klopp đã thể hiện rất rõ quan điểm bàn thắng không phải là thước đo duy nhất dành cho một tiền đạo. Đấy là lý do Daniel Sturridge vẫn phải ngồi dự bị. Hay như ở Chelsea, Diego Costa phải khởi đầu trận đấu với việc đuổi theo tiền vệ và hậu vệ của đối phương để giành lại bóng. Khi một đội bóng tiến hành pressing, gây sức ép để đoạt lại bóng, tiền đạo phải là người lĩnh ấn tiên phong.
Costa đang được xem như một hình mẫu về trung phong kiểu mới, khi tích cực tham gia phòng ngự ngay từ tuyến ... phòng ngự của đối phưong. Ảnh: Reuters. |
Yêu cầu này dành cho tiền đạo kỳ thực không mới. Từ khi chiến thuật bóng đá ra đời, đã có nhiều góc nhìn về việc một trung phong nên làm gì. Ở Áo, trung phong huyền thoại Matthias Sindelar trong thập niên 1920, vốn nhỏ con đến mức có biệt danh là "Người Giấy", đã được xem là người đầu tiên khai sinh ra khái niệm "số 9 ảo". Ông đá trung phong, nhưng thường xuyên rời xa khung cấm và di chuyển rộng.
Không dễ để chỉ ra đâu là đội bóng đầu tiên sử dụng trung phong của họ như tuyến phòng ngự đầu tiên. Nhưng người ta thống nhất là khái niệm này được nhắc đến với tần suất lớn trong thập niên 1960. Anatoliy Puzach đã chơi như thế ở Dynamo Kyiv, Johan Cruyff ở Ajax Amsterdam và Roger Hunt ở Liverpool. Đến thập niên 1980, nó trở thành một trào lưu khá rộng rãi. Ian Rush, huyền thoại của Liverpool và Juventus, là bậc thầy trong việc đoạt lại bóng ngay bên phần sân đối phương.
Cũng thời gian này, chiến thuật bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ cùng sự bùng nổ của truyền hình. Băng ghi hình cho phép các nhà phân tích chỉ ra điểm yếu trong hàng phòng ngự đối phương. Thay vì phản kháng khi đối phương đã dẫn bóng đến gần khung thành, tại sao không làm việc ấy ngay khi đối phương còn đang giữ bóng ở sân nhà. Đây chính là phát kiến của Marcelo Bielsa.
Khi nhận lời cầm quân cho Vélez Sarsfield hồi 1997, một trong những yêu cầu đầu tiên của Bielsa là phải trang bị cho ông đầu thu video và phần mềm để chuyển dữ liệu hình ảnh lên máy tính. Ông nghiền ngẫm hàng nghìn tiếng để xem đối thủ triển khai bóng từ sân nhà lên như thế nào. Để rồi từ đó, ông thiết lập ra những lối di chuyển để chặn đứng một pha tấn công của đối thủ ngay từ điểm khởi phát.
Bóng đá hiện đại ngày càng hiếm những trung phong kiểu truyền thống, chỉ chuyên rình rập trong vòng cấm và chờ đợi cơ hội ghi bàn như kiểu Klose (số 11). |
Ngay cả khi Michael Owen ghi hơn 40 bàn cho tuyển Anh, Ronaldo phá toang những hàng phòng ngự với tốc độ kinh hoàng, Van Nistelrooy và Pippo Inzaghi ghi bàn liên tục với những pha đệm bóng cực kỳ đơn giản, các anh vẫn là những người lỗi thời vĩ đại trong dòng chảy chung của chiến thuật hiện đại. Bởi vì thời của những "poacher", tức những người chiếm lĩnh không gian, đánh hơi bàn thắng đã qua. Các HLV không còn cái ý niệm xa xỉ - hy sinh một tiền đạo chuyên làm nhiệm vụ săn bàn như trước nữa.
Những năm gần đây, khái niệm "tiền đạo phòng ngự" mới trở thành một trào lưu rộng rãi, thậm chí là một thứ "thời trang chiến thuật". Bởi vì khi chiến thuật đã phát triển đến mức cực thịnh, người ta buộc phải đẩy biên độ hoạt động của từng vị trí trên sân ra xa hơn. Hậu vệ phải biết ghi bàn, thủ môn phải biết chuyền bóng và tiền đạo, vì thế, cũng phải biết phòng thủ.
Đã có lúc, các tiền vệ cánh là những người hoạt động vất vả nhất trên sân. Họ vừa tấn công, vừa phải lo hỗ trợ phòng ngự khi hậu vệ biên của đối thủ dâng lên. Mùa 2008-2009, quá vất vả trong việc khống chế Aly Cissokho của Porto, HLV Alex Ferguson đã phải dời Wayne Rooney ra cánh để khắc chế đối thủ, đưa Cristiano Ronaldo vào trung lộ, bởi Rooney chịu khó phòng ngự hơn.
Sự ra đời của những tiền vệ kiến thiết lùi sâu, chẳng hạn như Sergio Busquets, Andrea Pirlo hay Xabi Alonso càng buộc tiền đạo phải di chuyển nhiều hơn nữa. Đấy là lý do vì sao Roberto Firmino lại đáng giá đến thế với Liverpool. Mùa này, cứ mỗi trận anh lại chạy bình quân 11,5 km, tung ra 78 pha nước rút, ba pha xoạc bóng và có 0,7 pha cắt bóng thành công. Đấy là những con số không tưởng ở Klose, Ronaldo, Owen, Van Nistelrooy hay Inzaghi trước đây. Firmino quan trọng với Klopp không phải ở số bàn anh ghi mà ở hiệu quả trong pressing.
Firmino (trái) là quân bài chủ chốt của Klopp ở Liverpool nhờ tích cực di chuyển, tham gia vào lối chơi chung. Ảnh: Reuters. |
Guardiola rất muốn Aguero làm được điều tương tự. Những con số của Aguero (ngoại trừ bàn thắng) đều đang kém xa Firmino. Anh chạy 9,9 km mỗi trận, tung 63,4 pha nước rút cho dù đấy đã là một sự nâng cấp so với mùa trước (44 pha nước rút và chạy 8,9 km mỗi trận).
Từ đầu mùa, Aguero mới xoạc bóng một lần, có hai pha cắt bóng thành công. Trung phong người Argentina còn phải nỗ lực nhiều để trở thành một Firmino. Hoặc cũng có thể anh không cần xoạc mà chỉ cần chạy nhiều hơn. Bởi áp lực buộc đối phương chuyền hỏng cũng giá trị không kém gì một pha tắc bóng.
Có một điều chắc chắn: lối chơi của Aguero đã thay đổi rất nhiều dưới thời Guardiola, và nó sẽ còn thay đổi tiếp tục đến cuối mùa. Từ sau khi bị loại khỏi trận đấu với Barca tại Champions League, rất dễ thấy ngay sự thay đổi trong lối di chuyển của Aguero.
Ghi bàn, tạo khoảng trống và lôi kéo sự chú ý của các hậu vệ từng là thước đo của một trung phong giỏi. Nhưng bây giờ chỉ chừng đó là chưa đủ, khi pressing đang là từ khóa của các cuộc luận bàn về chiến thuật.
Hoài Thương