Hà NộiMắc Covid-19 lâu nhất đội tuyển, Nguyễn Thị Bích Thuỳ kịp trở lại và ghi bàn thắng để đời vào lưới Đài Loan, đưa Việt Nam tới World Cup nữ 2023.
- Trong 11 bàn ghi cho đội tuyển Việt Nam, đâu là bàn đáng nhớ nhất của Bích Thùy?
- Chính là bàn gần nhất - ấn định thắng lợi 2-1 trước Đài Loan ở lượt cuối play-off hôm 6/2. Trước đó, tôi hơi tâm lý do đá hỏng phạt đền ở trận tứ kết gặp Trung Quốc. Thể lực cũng giảm sút sau khi mắc Covid-19. Nhưng, tôi vẫn nhủ lòng phải cố gắng và tận hiến vì đội bóng. Bàn thắng vào lưới Đài Loan khiến tôi vô cùng hạnh phúc, cảm xúc cứ lâng lâng. Nó sẽ đi theo tôi đến hết cuộc đời cầu thủ.
Trước đó, tôi thấy mình vô duyên ở các giải lớn, khi vắng mặt bởi chấn thương tại hai kỳ Asian Cup trước đấy. Trong 11 năm thi đấu, tôi chưa từng gặp Nhật Bản hay Hàn Quốc. Cứ khi đội tuyển đối đầu hai đội bóng này, tôi lại chấn thương hay mắc Covid-19 như giải năm nay. Nhưng đổi lại, tôi đã thành công ở giải này. Đúng là mất cái này thì được cái kia.
- Là tiền vệ phải, nhưng tình huống đó Bích Thuỳ xuất hiện trong cấm địa để khống chế rồi ghi bàn. Đây là thói quen hay yêu cầu từ Ban huấn luyện?
- Tôi có xu hướng tấn công nhiều hơn phòng ngự. Nhưng giải này Việt Nam rơi vào "Bảng tử thần", nên phải đá phòng ngự là chính. Tôi thường phải lùi sâu và khó lên công. Kiểu ghi bàn trước Đài Loan thì tôi tập luyện nhiều rồi. Tôi nghĩ, nhiệm vụ của mình không chỉ là chạy cánh, mà còn xâm nhập cấm địa nhiều. Đấy không phải yêu cầu từ HLV Mai Đức Chung, mà do tư duy của tôi.
- Bích Thuỳ là một trong 14 cầu thủ mắc Covid-19 trong khi tập huấn ở Tây Ban Nha. Điều này ảnh hưởng ra sao đến khả năng thi đấu sau này?
- Tôi mắc Covid-19 lâu nhất, thậm chí sợ không kịp hồi phục để thi đấu. Trong lúc cách ly, tôi vẫn cố gắng tập luyện, chạy nhẹ nhàng khoảng 20 phút theo lời khuyên của bác sĩ. Khi nhận kết quả âm tính hôm 26/1, tôi lao vào tập luyện ngay và đến trận thứ ba, gặp Myanmar ở lượt cuối bảng C, tôi vào sân thay người. Nhưng lúc đó, quả thực tôi chưa lấy lại phong độ và thể lực tốt nhất. Các bác sĩ cũng lo ngại biến chứng của Covid-19, nên Ban huấn luyện thường rút tôi ra sớm.
Đến giờ, tôi chưa có trải nghiệm nào giống như đợt tập huấn vừa qua ở Tây Ban Nha. Đại dịch bùng phát nội bộ khiến hơn nửa cầu thủ mắc bệnh. Tâm lý toàn đội lúc đó bị ảnh hưởng đáng kể. Mọi người đều hoang mang và lo sợ hơn nhiều so với khi vào giải. Nếu sau này có con, chắc chắn tôi sẽ kể lại cho chúng câu chuyện này.
- Bích Thuỳ đánh giá thế nào về lối chơi của bản thân, so với các đồng đội cùng vị trí như Nguyễn Thị Tuyết Dung hay Nguyễn Thị Thanh Nhã?
- Tôi không muốn so sánh lối chơi với ai, vì mỗi người có phong cách riêng. Thanh Nhã còn trẻ và tốc độ tốt, nhưng cần luyện chơi cả hai chân. Tuyết Dung chơi bóng có thiên hướng cá nhân hơn, nhờ kỹ thuật điêu luyện. Còn tôi bám biên nhiều và ưa thích tạt bóng hơn, đi mặt đường để đá. Tôi hợp với lối chơi của tiền đạo Huỳnh Như, vì hai chị em thi đấu cùng nhau lâu rồi. Từ AFF Cup tới SEA Games, tôi thường chuyền bóng để Huỳnh Như ghi bàn.
- Vậy Bích Thuỳ thần tượng ai?
- Tôi không lấy cầu thủ nào ra để bắt chước. Nhưng có một cầu thủ mà tôi rất ngưỡng mộ, đó là Cristiano Ronaldo. Anh ấy không sở hữu năng khiếu bẩm sinh, nhưng là tấm gương cho sự kiên nhẫn, chăm chỉ tập luyện. Anh ấy luôn trau dồi năng lực và phát huy khả năng của bản thân.
Còn cầu thủ nam Việt Nam tôi thích lối chơi của Quang Hải. Nhiều người cũng nói tôi có phong cách và gương mặt hao hao Quang Hải, kiểu thi đấu máu lửa và không nể nang ai.
- Sự nghiệp bóng đá đến với Bích Thuỳ thế nào?
- Đó có lẽ là cơ duyên. Khi tôi còn học ở Quảng Ngãi, một thầy giáo ở CLB TP HCM đến trường thực tập. Thầy phát hiện ra khả năng của tôi, và đề nghị trường cho tôi đi tập cùng CLB TP HCM.
Tôi về xin phép gia đình. Bố tôi khi đó còn sống, và đồng ý luôn. Nhưng mẹ thì không vì tôi là con út, lại là con gái. Mẹ sợ tôi vào TP HCM sẽ lạ nước - lạ cái, không chịu được môi trường nhiều áp lực. Mẹ còn bảo 'Cuộc sống tập thể không hề đơn giản'. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn đi.
Vào TP HCM, tôi phải đá luôn sân 11. Ở quê tôi chỉ đá sân 5 người nên bỡ ngỡ không biết thế nào. Khi đó, tôi đá tiền đạo, thậm chí còn không biết luật việt vị. Tôi lạ lẫm với nhiều thứ lắm nên được một thời gian lại về quê. Đến cuối 2010, tôi mới quyết định vào lại. Khi đó, tôi rất biết ơn HLV Đoàn Thị Kim Chi. Cô là người đầu tiên đào tạo tôi ở vị trí tiền vệ phải, dạy cho tôi những đường chuyền, những cú sút phạt đầu tiên. Cô đánh trúng tâm lý, khơi dậy cho tôi niềm đam mê và cảm hứng chơi bóng. Cô luôn tạo tôi cảm giác rằng: 'Cô tin tưởng em'.
Năm đầu tiên tập ở TP HCM, tôi thấy các chị như thủ môn Đặng Thị Kiều Trinh, hậu vệ Trần Thị Kim Hồng được lên đội tuyển. Khi đó tôi đã khát khao được khoác áo đội tuyển, với lá cờ Tổ quốc ở trên ngực. Tháng 5/2010, tôi được triệu tập lên U19 Việt Nam, khi mới 16 tuổi, để thi đấu với các chị. Tính tôi kiên trì nên có vật cản phía trước là quyết tâm vượt qua. Tôi không bao giờ từ bỏ. Khi còn sống, bố thường nói với tôi rằng: 'Đã đi là phải đi đến cùng, nhất định phải theo đuổi đam mê. Con đừng đi lững chững, để cho tương lai bị phá bỏ'. Nói thì dễ, nhưng để theo được nghề này cũng cần cả may mắn và cơ duyên.
- Khi đó mức lương khởi điểm của Bích Thuỳ ở TP HCM là bao nhiêu?
- Khi được lên lớp năng khiếu tập trung ở TP HCM năm 16 tuổi, mỗi tháng tôi nhận được khoảng 1,2 triệu đồng. Trước đó, tôi chưa biết tiêu tiền, vì ở quê đã có bố mẹ lo. Tôi dành tháng lương đầu tiên để mua xe đạp, còn lại gửi hết cho mẹ.
- Bích Thuỳ nhận xét sao về HLV Mai Đức Chung?
- Tôi gọi thầy Chung là bác, vì bác gần gũi như gia đình. Bác rất tình cảm với các cầu thủ. Bao nhiêu thành công vừa qua của chúng tôi đều nhờ vào bác. Bác hiểu tâm lý, tình cảm của các học trò, biết cách động viên và xoa dịu nỗi nhớ nhà của chúng tôi. Nói chung không có gì để chê bác Chung.
Cũng có lúc bác la mắng khi tôi chuyền hay sút bóng sai kỹ thuật, thiếu hợp lý. Nhưng tôi biết bác mắng cũng vì muốn chúng tôi tiến bộ, và mắng xong cũng thôi. Sau đó, bác lại tâm sự và trấn an chúng tôi. Tôi thấy may mắn vì lên tuyển được gặp bác Chung. Có những lúc chúng tôi gặp áp lực và muốn từ bỏ, bác lại động viên 'Mấy đứa cố gắng, chuyện gì rồi cũng sẽ qua'. Tôi tự hào vì làm học trò của bác.
- Bích Thuỳ nghĩ sao nếu HLV Mai Đức Chung thôi dẫn dắt đội tuyển?
- Bác Chung đã có tuổi. Nhưng chúng tôi đều mong muốn bác tiếp tục đồng hành cho đến hết chặng đường World Cup.
Còn nếu để kế nhiệm, thì HLV Đoàn Thị Kim Chi hoàn toàn đủ sức. Cô từng là cầu thủ giỏi, thi đấu lâu năm và tích luỹ nhiều kinh nghiệm. Cô cũng làm việc và gặt hái nhiều thành công cùng TP HCM. Dù thế nào, cả hai cũng là thần tượng trong lòng tôi.
Nguyễn Thị Bích Thuỳ sinh ngày 1/5/1994 tại Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Tiền vệ phải này thi đấu cho TP HCM từ năm 2010, và khoác áo đội tuyển Việt Nam năm 2013. Cô ghi bàn quyết định giúp Việt Nam thắng Đài Loan 2-1 hôm 6/2, để lần đầu dự World Cup.
Xuân Bình