Thêm một trận đấu nữa của CLB Hà Nội bị hoãn, vô tình tạo ra hoàn cảnh thú vị để có cái nhìn rõ ràng nhất về vai trò của đội bóng thủ đô trên bàn cờ V-League.
Nói theo kiểu "phủi" thì Hà Nội FC coi như đang "chấp" phần còn lại của V-League xuất phát trước đến một phần ba chặng đường của giai đoạn một. Việc chậm chân như thế này, về lý thuyết có thể là một bất lợi đối với nhiều đội bóng vì có thể phải xuất phát ở vị trí của đội chót bảng, đá trong áp lực. Chưa kể những trận đấu bù sau này sẽ dồn dập, và có thể diễn ra trong một hoàn cảnh mà các đối thủ đang ở trạng thái tâm lý tốt hơn. Nhưng trong trường hợp của Hà Nội, cũng có khi lại là một hoàn cảnh "tọa sơn quan hổ đấu" hoặc "bất chiến tự nhiên thành".
Vì một đội chậm chân như Hà Nội chỉ gặp khó khăn nếu các đối thủ tăng tốc quá nhanh, tạo ra một khoảng cách đủ để gây áp lực về tâm lý cho họ. Trong ba mùa giải mà Hà Nội không vô địch gần nhất (2017, 2020, 2021), họ đã rơi vào tình huống này, tức là kết quả thi đấu ban đầu không tốt, luôn phải bám đuổi nên kể cả khi tăng tốc cuối mùa vẫn không đuổi kịp. Ở chiều ngược lại, Hà Nội chưa đá nhưng nếu cũng chẳng có đội nào bứt lên quá xa, họ lại tự nhiên hưởng lợi khi quan sát được toàn bộ điểm mạnh - yếu của các đối thủ, cũng như dư thời gian lên kế hoạch "đá trận nào, bỏ trận nào". Hiện V-League chỉ còn đá một vòng nữa là nghỉ đến tận tháng 7, Hà Nội càng có lợi khi cầu thủ của họ đều đang khoác áo tuyển quốc gia, không phải làm nhiều nhiệm vụ trong khoảng thời gian đó.
Và có vẻ như Hà Nội đang ở trường hợp thứ hai, tức là không ra sân vẫn không thiệt thòi. Sự vắng mặt của họ vô tình đã chứng minh "Không có mợ thì chợ... không đông". Chưa có màn ra mắt nào tại V-League 2022 gây được ấn tượng mạnh. Việc Hải Phòng toàn thắng hai trận để dẫn đầu không nói lên được nhiều điều khi sáu điểm trọn vẹn ấy đều được thực hiện trước hai ứng viên rớt hạng là Hà Tĩnh và Nam Định, lại chỉ nhờ các pha làm bàn phút bù giờ. Mùa trước, Hải Phòng cũng thắng hai trận đầu nhưng đến vòng thứ 12 lại rơi xuống... thứ 12. Mùa trước nữa, họ bất bại ba trận đầu nhưng cuối mùa suýt rớt hạng.
Hai ứng viên Viettel và HAGL cũng chưa có gì đặc biệt. Chiến thắng của Viettel trên sân Quy Nhơn có yếu tố ngoại cảnh khá lớn, do Bình Định thiếu quân trong khi HAGL lại phô diễn một gương mặt nhợt nhạt, thiếu sự sáng tạo và nhiều khả năng đã bị bắt bài. Những đội bóng giàu tài chính, nhiều tiềm năng như Bình Định, TP HCM hay Bình Dương vẫn đang trong tiến trình tìm kiếm lối chơi mang bản sắc của mình. Nói cách khác, V-League 2022 đang thực sự "nhớ" Hà Nội, đơn giản vì không ai đủ sức thay họ "dẫn dắt" cuộc chơi.
Mùa trước có thể xem là rất tệ đối với đội bóng của bầu Hiển, suýt phải đi play-off trụ hạng và phải thay HLV giữa chừng. Thế nhưng trong 28 trận đấu có tỷ số cách biệt từ hai bàn trở lên sau 12 vòng, Hà Nội có mặt trong tám trận. Đá rất tệ, nhưng Hà Nội vẫn kịp ghi 17 bàn, xếp thứ tư. Điều này cho thấy, dù ở hoàn cảnh nào, các trận đấu có mặt Hà Nội vẫn đem đến cho V-League một màu sắc cuốn hút nhờ kiểu đá áp đặt toàn diện mà họ đang theo đuổi. Đó không chỉ là việc ghi nhiều bàn thắng, mà là thái độ "ông chủ" của Hà Nội, tạo ra sự thách thức lớn cho phần còn lại của V-League. Đá với Hà Nội, các đội bóng sẽ đầu tư nhiều hơn cho khía cạnh chiến thuật để đánh bại họ. Nó khác hẳn với những trận đấu thừa căng thẳng nhưng thiếu cảm xúc giữa những đội bóng ngang bằng trình độ hiện nay.
Không ai muốn phải "nhớ" Hà Nội mãi, thế nên nhiều người kỳ vọng vào màn trình diễn của Viettel và HAGL tại vòng 3 cuối tuần này với hai cặp đấu hứa hẹn nhiều điều thú vị. Nhà vô địch mùa 2020 sẽ tiếp Sài Gòn trên sân Hàng Đẫy trong một trạng thái khá sung sức nhờ không phải đá với Hà Nội tại vòng 2, hơn nữa Sài Gòn không còn là một "ẩn số" như hai năm trước. Trong khi đó, HAGL sẽ đến sân Vinh, nơi mà suốt cả chiều dài V-League, họ thường phải ra về với đa số nỗi thất vọng. Đây đã là trận đấu thứ ba của thầy trò Kiatisuk, nếu sau trận đấu tại Vinh mà số điểm của HAGL không vượt quá con số ba, thì sẽ có một nụ cười phớt nhẹ trên gương mặt của các thành viên Hà Nội vì ...bớt đi một đối thủ.
Song Việt