Novak Djokovic tìm tới kim tự tháp Visoko để chữa lành các tổn thương tâm lý, trong thời gian nghỉ thi đấu vì chưa tiêm phòng Covid-19.
Djokovic có mặt ở khu đồi kim tự tháp Visoko tại Bosnia & Herzegovina hồi đầu tháng này để tham gia một số hoạt động trị liệu tâm lý và thể chất. Lần thứ năm tay vợt Serbia có mặt ở khu du lịch nổi tiếng nhưng cũng gây tranh cãi này. Anh được cho là đưa cả gia đình tới đây, trong kỳ nghỉ ngắn ngày.
"Novak thường ở đây hai, ba ngày", Semir Osmanagic – chủ sở hữu của khu đồi – chia sẻ với phóng viên TV Prva. "Anh ấy bắt đầu bằng các buổi thiền trên đồi, rồi leo núi, trượt tuyết. Chúng tôi cũng đi bộ cùng nhau khoảng bảy km. Đó là buổi tập nhỏ mà Novak yêu thích. Anh ấy muốn có một cơ thể tràn đầy năng lượng, sung mãn về tinh thần và thể lực. Novak tin vào khoa học tâm linh, chúng làm sạch cơ thể, giúp tái tạo năng lượng. Ở đây, chúng tôi có 50.000 ion âm và Novak trân trọng điều đó".
Djokovic từng công khai ca ngợi các ngọn đồi kim tự tháp ở Visoko là "thiên đường dưới mặt đất". Khu vực này có hệ thống đường hầm mà Osmanagic cho rằng nó được xây bởi một nền văn minh cách đây 12.000 năm, với nhiều năng lượng tốt. Osmanagic và Djokovic đã cùng nhau xuống hầm để "cảm nhận linh khí". Nhà thám hiểm tự phong này cũng quả quyết thảm thực vật được bao phủ bởi cây linh sam ở đây không phải thành quả tự nhiên, mà là công trình của nền văn minh có "công nghệ vượt trội" từ hàng nghìn năm trước.
Những thông tin Osmanagic đưa ra từng bị nhiều nhà địa chất phản đối. Họ khẳng định khu đồi Visoko hoàn toàn là tác phẩm tự nhiên và không có gì đặc biệt về địa chất. Một số thậm chí gọi khu du lịch tâm linh này là "trò lừa bịp độc ác", vô nghĩa với khoa học chân chính.
Năm ngoái, Djokovic thực hiện chuyến hành hương thứ ba tới Visoko, trước thềm Roland Garros. Anh sau đó chơi thăng hoa tại Grand Slam đất nện, phục thù Rafael Nadal ở bán kết, rồi thắng ngược Stefanos Tsitsipas ở chung kết. Tay vợt 34 tuổi cho rằng những năng lượng tích cực ở kim tự tháp Visoko giúp tâm trí minh mẫn và cơ thể được thanh lọc.
"Novak rất thích môi trường ở đây", Osmanagic nói thêm. "Anh ấy gặp những người cùng hệ tư tưởng, và ăn những món yêu thích. Tôi luôn cung cấp cho anh ấy những điều mới mẻ, khiến anh ấy thích thú. Novak là vận động viên hàng đầu, sở hữu nguồn năng lượng tuyệt vời nhưng vẫn có thể cải thiện tốt hơn. Chúng tôi đều gặp rắc rối nào đó trong cuộc sống và ở đây chúng tôi giúp nhau vượt qua".
Nhờ hiện diện của Djokovic, khu đồi kim tự tháp ngày càng đông khách. Mỗi năm, Osmanagic đón hàng chục nghìn người từ khắp nơi trên thế giới đến tìm hiểu, thỏa trí tò mò.
Djokovic dự kiến thi đấu trở lại ở Monte-Carlo Masters, khởi tranh ngày 10/4. Tháng trước, chủ nhân 20 Grand Slam nói không tiêm phòng Covid-19 vì chưa hiểu rõ thành phần của vaccine, thứ anh cho rằng có nguy cơ tác động xấu đến cơ thể. Trong quá khứ, tay vợt Serbia từng bị rạn xương tay nhưng cố chờ vết thương tự lành, trước khi bắt buộc phải lên bàn mổ.
"Novak yêu cơ thể của anh ấy và muốn bảo vệ nó", Pepe Imaz – cựu cố vấn tinh thần của Djokovic – chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với báo AS tuần trước. "Novak lắng nghe trái tim và làm theo. Đối với một số người, anh ấy đã sai vì không tiêm phòng. Nhưng anh ấy chấp nhận điều đó để sống thật với bản thân. Anh ấy có thể trở thành biểu tượng tự do của thế giới".
Vy Anh (theo Telegraf)