TP HCMTheo cựu HLV Đoàn Minh Xương, thất bại ở bán kết AFF Cup 2020 không phải bi kịch nhưng là chỉ dấu cho thấy thầy trò Park Hang-seo cần sự tươi mới.
- Việt Nam đã không thể hoàn thành mục tiêu bảo vệ ngôi vương AFF Cup. Ông đánh giá thế nào về quá trình cũng như kết cục của đội tuyển?
- Trước hết, phải rằng AFF Cup 2020 có tính cạnh tranh cao, dẫn đến nhiều bất ngờ. Ví dụ như sự tiến bộ của Singapore và Indonesia. Với lứa cầu thủ mới và cảm hứng sân nhà, Singapore thi đấu thăng hoa và sớm giành vé đi tiếp ở bảng A. Ở bảng B, ai cũng nghĩ Việt Nam và Malaysia sẽ vào bán kết. Nhưng Indonesia đã tiến bộ rất nhiều và nhanh, nhất là so với giai đoạn hai vòng loại World Cup.
Còn Việt Nam, ngoại trừ trận thắng Malaysia, các trận còn lại không đáp ứng kỳ vọng, và không thể hiện đúng đẳng cấp vốn có. Theo tôi, có hai nguyên nhân. Về chủ quan, các cầu thủ không có trạng thái tâm lý tốt nhất, đặc biệt là đội chính. Đội tuyển đã tập trung trong thời gian kéo dài. Tháng 5 dự vòng loại World Cup, rồi từ tháng 8 phải sinh hoạt trong "chế độ bong bóng". Đến nay, họ đã xa nhà ít nhất năm tháng và luôn ở vào trạng thái bị áp lực thành tích. Điều đó khiến họ kém hứng khởi. Ngoại trừ Hồ Tấn Tài, do ít được thi đấu nên khi vào sân vẫn sung mãn, các vị trí còn lại đều thiếu hưng phấn tâm lý và mệt mỏi về thể lực.
Bộ mặt tích cực ở trận gặp Malaysia bởi đội tuyển được nghỉ sáu ngày sau trận ra quân thắng Lào. Nhưng các trận khác, Việt Nam đều đuối sức trong 30 phút cuối cùng. Kể cả trận thắng Campuchia 4-0, chúng ta không thể ghi bàn trong khoảng thời gian đó, dù đã đưa các cầu thủ dự bị vào sân, bởi lối chơi không còn hiệu quả. Sự suy giảm tâm lý và thể lực khiến đội tuyển lực bất tòng tâm dù biết cần thêm bàn thắng. Đấy là điều đáng tiếc vì trong lúc chúng ta sa sút, đối thủ đã nghiên cứu kỹ điểm yếu để khai thác. Nhìn các cầu thủ đá buồn lắm, bởi họ không ở vào thời điểm phong độ tốt để thể hiện đúng năng lực.
Về khách quan, như tôi đã nói, thể lực của Việt Nam còn hạn chế dù đã được cải thiện thời gian qua. Càng vào sâu giải, điểm yếu càng bộc lộ. Đội tuyển gần như đá cho vui chứ nói về độ hiệu quả, chiến thuật, mảng miếng thì không có. Việc vắng mặt của một số cầu thủ chủ chốt cũng là tổn thất không nhỏ. Hồng Duy và Văn Thanh bị quá tải, không thể làm vơi đi nỗi nhớ Văn Hậu và Trọng Hoàng. Ở giữa sân, Hoàng Đức rất tiến bộ, nhưng có thể thấy HLV Park Hang-seo vẫn loay hoay, liên tục thay đổi cặp tiền vệ trụ. Lúc thì Hoàng Đức, Tuấn Anh, lúc thì Hoàng Đức, Quang Hải hay thậm chí cả Xuân Trường.
- Vậy còn Thái Lan thì sao?
- Nếu Việt Nam thi đấu đúng năng lực, Thái Lan không phải đối thủ đáng ngại. Qua những gì Thái Lan thể hiện ở giải này, tôi không nghĩ họ xứng đáng là nhà vô địch một cách thuyết phục. Ở trận lượt đi bán kết, Thái Lan chơi đòn tâm lý khiến Việt Nam ức chế dẫn đến bị sa vào lối chơi ăn miếng trả miếng rồi đánh mất bản thân. Chưa kể, bàn thua đầu tiên có yếu tố không may. Sai sót có phần tai nạn của Hồng Duy khiến chúng ta lọt lưới quá sớm, dẫn đến việc mất tinh thần và ảnh hưởng đến lối chơi. Rồi những quả sút dội cột dọc hay xà ngang của Quang Hải nữa. Trọng tài cũng mắc sai sót, nhưng tôi không cho rằng đó là yếu tố chính. Nếu chính xác hơn, trọng tài có thể cho Việt Nam hưởng một quả phạt đền vào cuối trận. Tuy nhiên, ngay cả như vậy cũng chưa chắc thay đổi kết quả, bởi Chanathip cũng đã đá hỏng một quả phạt đền. Trách trọng tài nhưng cũng phải nhìn nhận chúng ta đã để thủng lưới trước khi ông ấy mắc sai sót.
Thái Lan không hay ở giải này bởi họ chơi thực dụng và không có mảng miếng như dưới thời Kiatisuk. Có lẽ HLV Mano Polking chưa có thời gian làm việc nhiều với cầu thủ nên phải "liệu cơm gắp mắm", tùy vào đối thủ mà điều chỉnh. Đá với Việt Nam, họ sẵn sàng chơi phòng ngự phản công, dùng tiểu xảo để khiêu khích. Thái Lan đúng là nhỉnh hơn nhờ những cá nhân có khả năng tạo đột biến và dày dạn kinh nghiệm như Chanathip hay Teerasil, nhưng nói về lối chơi, tôi nghĩ xem Indonesia thi đấu thích hơn.
- Có ý kiến rằng, nếu nhất bảng và không gặp Thái Lan ở bán kết, cửa vô địch của Việt Nam sẽ rộng hơn. Ông nghĩ sao về nhận định này?
- Trong chừng mực nào đó, tôi cảm thông và chia sẻ nhận định ấy. HLV Park chắc chắn đã vạch ra lộ trình ở vòng bảng cho đội. Ông tính rằng Việt Nam sẽ đánh bại Malaysia và Indonesia. Thậm chí, trong buổi tập cho trận đấu Indonesia, HLV Park đã chuẩn bị đội dự bị để đá với Campuchia. Nhưng rồi Việt Nam không thể thắng Indonesia, dẫn đến HLV Park phải sử dụng đội hình chính ở trận gặp Campuchia để cố gắng thắng với cách biệt nhiều bàn. Tuy nhiên, không ai nghĩ Malaysia sa sút đến thế, không ai nghĩ Indonesia có thể thắng Malaysia với cách biệt ba bàn. Đây giống như một sự trục trặc, khiến những tính toán của HLV Park bị phá sản.
Đây có thể xem là điều đáng tiếc. Trận đấu với Thái Lan luôn là cuộc chiến nóng không chỉ trong mà còn ngoài sân. Cho nên nếu nhập cuộc với tâm thế chủ động hơn, không bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tâm lý trước trận đấu, có lẽ cầu thủ Việt Nam sẽ kiềm chế hơn, không bị tác động bởi những chiêu trò của đối thủ dẫn tới mất bình tĩnh như trận lượt đi.
- Sau thất bại của Việt Nam, việc tạo điều kiện để những cầu thủ giàu tiềm năng như Quang Hải hay Hoàng Đức ra nước ngoài thi đấu một lần nữa lại được nhắc đến. Theo ông thì thế nào?
- Tất nhiên, tôi luôn ủng hộ việc các cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu. Vì như thế, họ sẽ học được nhiều hơn. Điều đó không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân cầu thủ mà còn giúp ích cho đội tuyển quốc gia. Tôi nghĩ, cửa xuất ngoại của Hoàng Đức sáng hơn Quang Hải. Quang Hải nhỏ con, lại có sở trường là một cầu thủ mũi khoan. Thể hình nhỏ mà chơi như vậy, đẳng cấp phải cỡ Lionel Messi mới có thể thành công. Chanathip thì khác. Cậu ấy nhỏ nhưng lại hoạt động rộng. Chanathip là dạng cầu thủ dẫn dắt trận đấu, kiến thiết cho đồng đội. Về điểm này, lối chơi của Hoàng Đức có phần tương đồng hơn.
Có một thực tế là trình độ cầu thủ Việt Nam không thua kém Thái Lan, nhưng ở mức độ va chạm, kinh nghiệm thi đấu tại môi trường đỉnh cao thì chưa bằng họ. Cầu thủ Thái Lan đều lì lợm hơn, nhiều kinh nghiệm hơn nhờ chinh chiến ở các giải lớn như J-League. Ví dụ, Chanathip cũng bị chúng ta phạm lỗi nhưng cậu ta không phản ứng thái quá, không càm ràm với trọng tài. Hoặc Teerasil, hết bị Tiến Dũng, Thành Chung đến Ngọc Hải vào bóng nhưng chỉ cười. Cậu ta xác định vị trí tiền đạo phải ăn đòn và sẵn sàng hi sinh để chọc giận hàng thủ Việt Nam, qua đó tạo cơ hội cho đồng đội. Trong khi đó, cầu thủ Việt Nam bị chọc giận là trả đũa. Thấy chúng ta nóng mặt, họ lại không đá rắn nữa mà đợi tình hình nguội xuống rồi tiếp tục chơi tiểu xảo rất kín. Họ chỉ phạm lỗi ở những tình huống cần thiết rồi kết hợp tiểu xảo chứ không chủ động phá bóng vào mặt đối phương như kiểu của Quế Ngọc Hải. Vừa thua sớm, vừa bị chơi tiểu xảo, cho nên Việt Nam càng đá càng đánh mất mình.
- Vậy đội tuyển cần rút ra bài học gì và chuẩn bị gì cho năm 2022?
- Trước mắt, ở những trận vòng loại thứ ba World Cup 2022 sắp tới, nếu được, nên cho các cầu thủ đá chính thời gian qua được nghỉ. Nếu sử dụng họ, chỉ cần dùng ở hai trận gặp Trung Quốc và Oman trên sân nhà để kiếm điểm, qua đó tránh khỏi việc trắng tay khi rời vòng loại World Cup. Được nghỉ sẽ giúp nhóm cầu thủ này sạc lại năng lượng, tìm lại cảm hứng thi đấu, tránh khỏi độ ì như hiện nay.
Thứ hai, cần đẩy nhanh tiến trình điều trị chấn thương cho các vị trí chủ lực như Đặng Văn Lâm, Văn Hậu, Hùng Dũng, Trọng Hoàng để họ sớm trở lại.
Thứ ba, cần đầu tư cho đội U23 để đá SEA Games và U23 châu Á, qua đó tạo ra những nhân tố mới. Đội bóng nào cũng vậy, sau một chu kỳ thành công thường chững lại. Ngay cả Italy, sau khi vô địch Euro đang phải đá play-off World Cup. Vì vậy, Việt Nam cần làm mới, cần những con người mới. Những con người cũ có thể chỉ thích hợp với lối chơi phòng ngự phản công. Đá mãi như vậy cũng không được. Đã đến lúc Việt Nam cần cách tân lối chơi, tìm sự tươi mới và hiệu quả hơn.
HLV Park vẫn còn phù hợp với đội tuyển giai đoạn này. Nhưng đi kèm với đó, đội tuyển cần sự cải tiến. Lúc này, chúng ta đã đi qua chu kỳ bốn năm, gặt hái nhiều thành công. Đội tuyển cần những sự điều chỉnh về con người, lối chơi. Biết đâu những gương mặt mới có thể tạo động lực để HLV Park xây dựng lối chơi mới. Phải được tạo điều kiện thi đấu những cầu thủ này mới tiến bộ được.
Một vấn đề khác là cần tổ chức tốt V-League 2022. Không nên hủy giải nữa. Việt Nam đang từng bước thích nghi với đại dịch Covid-19. VFF, VPF nên soạn ra một bộ quy tắc tổ chức thi đấu trong thời kỳ "bình thường mới". Tùy vào mức độ dịch bệnh của địa phương để cho phép lượng khán giả nhất định vào sân. Qua thất bại của đội tuyển tại AFF Cup 2020 mới thấy hủy V-League vừa qua ảnh hưởng đến cầu thủ lớn như thế nào. Trên thế giới, các giải đấu lớn đều diễn ra chứ không hủy. Phải đá, phải thích nghi và có những biện pháp phòng chống dịch tốt. V-League thi đấu mới có điều kiện phát hiện nhân tố mới để ban huấn luyện xây dựng lực lượng.
Quang Huy