Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2018

Thể thao Việt Nam 2018: Dấu ấn Asiad và đích ngắm Olympic

 - Sau hai kỳ Asiad liên tiếp chỉ giành 1 HCV, tại kỳ Á vận hội 2018, đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN) đã xuất sắc giành 4 HCV, trong đó có hai môn thuộc hệ thống Olympic là điền kinh và rowing. Liệu những tín hiệu vui từ sân chơi Asiad có mở ra cơ hội tranh huy chương tại Olympic 2020 của TTVN?

Vượt qua Quang Hải, Bùi Thị Thu Thảo xuất sắc nhất 2018

Golfer Thái Lan vô địch FLC Vietnam Masters 2018

Khoảnh khắc nâng cúp của Annop tại FLC Vietnam Masters 2018

Những điểm nhấn Asiad

VĐV xuất sắc nhất năm 2018 là Bùi Thị Thu Thảo ở môn nhảy xa (điền kinh), chứ không phải là Quả bóng vàng Việt Nam Nguyễn Quang Hải. Thực tế mọi sự so sánh là khập khiễng, nhưng tất cả phải thừa nhận, Thu Thảo hoàn toàn xứng đáng giành chiến thắng.

Kết quả cuộc bầu chọn VĐV tiêu biểu toàn quốc năm 2018 phản ánh khá chính xác năm thành công của TTVN. Dù bóng đá gây tiếng vang lớn với những chiến tích ở sân chơi khu vực cũng như châu lục, nhưng không thể phủ nhận thể thao thành tích cao cũng chẳng thua kém về thành tích, thậm chí có phần hơn với điểm nhấn ở Asiad.

Thể thao Việt Nam 2018: Dấu ấn Asiad và đích ngắm Olympic
Thu Thảo xuất sắc trên hố nhảy xa tại Asiad 2018

Sau gần 40 năm, điền kinh Việt Nam mới có VĐV giành HCV Asiad, mà lại ở môn có độ khó cao như nhảy xa. Thu Thảo không phải là VĐV có thể hình lý tưởng, và trong suốt nhiều năm trước cô không đạt nhiều thành tích đáng chú ý.

Tuy nhiên, sau khi có tấm HCB ở Asiad 2014, Thảo “bò vàng” đã được đầu tư trọng điểm, để rồi chỉ trong 4 năm, cô gái quê Ba Vì (Hà Nội) này có sức bật đáng kinh ngạc, với những tấm HCV SEA Games, các giải Grand Prix châu Á, và đỉnh cao nhất là HCV Asiad 2018.

Thành công của Bùi Thị Thu Thảo cho thấy điền kinh chính là môn thể thao rất tiềm năng của TTVN ở sân chơi châu lục, sau khi thống trị ở SEA Games 2017. Và chắc chắn môn này trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự đầu tư cao nhất.

Thể thao Việt Nam 2018: Dấu ấn Asiad và đích ngắm Olympic
Tấm HCV của 4 cô gái đầy nghị lực môn rowing

Ngoài điền kinh, tấm HCV của rowing không phải là một bất ngờ lớn. Điều đáng khâm phục là trong nhiều năm qua, đua thuyền nói chung, rowing nói riêng là môn thể thao gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn đủ thứ, đến thuyền cũng phải thuê, nhưng đã gặt hái được trái ngọt.

Hai tấm HCV ở môn pencak silat vốn không thuộc trong hệ thống Olympic, nhưng cũng phần nào cho thấy TTVN vẫn giữ được những mũi nhọn của mình trong khu vực.

Trong năm 2018, môn bơi để lại những cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Người hâm mộ vui vì tấm HCB mà quý hơn vàng của kình ngư trẻ Huy Hoàng ở Asiad, nhưng buồn và lo với sự đi xuống của Ánh Viên. Nhiều năm “làm mưa làm gió” ở sân chơi SEA Games, nhưng Ánh Viên vẫn thiếu một sự bứt phá về chuyên môn để có thể làm nên chuyện ở sân chơi châu lục.

Ở môn bắn súng, thất bại của Hoàng Xuân Vinh nằm trong dự đoán, khi xạ thủ Quân đội không giữ được phong độ đỉnh cao sau tấm HCV lịch sử ở Olympic 2016.

Olympic vẫn là sân chơi quá tầm

Nhìn chung, bức tranh TTVN 2018 là một màu tươi sáng, với sự khẳng định và đi lên của các môn thể thao cơ bản nhất của Olympic như điền kinh, bơi, cử tạ, TDDC…

Vấn đề là sau những thành công này, các nhà quản lý thể thao nước nhà định hướng thế nào để TTVN vẫn bước tới SEA Games trong năm 2019 với vị thế của một quốc gia Top đầu khu vực, nhưng cũng không phải vì thế mà đầu tư dàn trải, đặt nặng thành tích.

Thể thao Việt Nam 2018: Dấu ấn Asiad và đích ngắm Olympic
Tham dự SEA Games cũng là sự chuẩn bị cho Olympic

Nên nhớ là cũng trong năm nay, vòng loại Olympic 2020 sẽ bắt đầu diễn ra, và TTVN có bao nhiêu suất đi Thế vận hội bằng cửa chính thức (chứ không phải suất mời) mới là thước đo chuẩn cho sự phát triển và hiệu quả từ đầu tư.

Điền kinh với gương mặt Thu Thảo cần phải "bay" qua mức 6m80 – 7m mới có hy vọng đạt chuẩn A dự Olympic (trong khi thành tích HCV Asiad của Thảo là 6m55). Tương tự đội rowing, Huy Hoàng cũng phải cải thiện được thông số của mình mới mong đi Thế vận hội. 

Thể thao Việt Nam 2018: Dấu ấn Asiad và đích ngắm Olympic
Hoàng Xuân Vinh có bảo vệ được tấm HCV Thế vận hội?

Riêng với trường hợp của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh – đương kim HCV Olympic 2016, để có thể lặp lại được kỳ tích ở Tokyo 2020 là vô cùng khó. Tại Olympic 2016, TTVN có tổng số 23 VĐV vượt qua vòng loại, giành 1 HCV, 1 HCB nhờ công của Hoàng Xuân Vinh.

Chia sẻ với chúng tôi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho biết: “TTVN đang được đầu tư kiểu 3 trong 1, tức là cả SEA Games, Asiad và Olympic, với những môn cơ bản. Trước mắt Việt Nam cần có nhiều suất vượt qua vòng loại Olympic rồi khi đó mới tính tới cơ hội tranh huy chương ở sân chơi này”.

Từ sự vươn lên mạnh mẽ ở sân chơi Asiad 2018, hy vọng là TTVN có bàn đạp "tấn công" đấu trường Olympic 2020, với nhiều niềm hy vọng huy chương chứ không phải chỉ trông chờ vào 1-2 gương mặt.

Bằng Lăng

 

Let's block ads! (Why?)



Unknown

About Unknown

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :