Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường"
- Không kịp thời đổi mới đường lối, chính sách là tự mình đánh mất những cơ hội thuận lợi để góp phần phát triển đất nước và tụt hậu so với các quốc gia khác.
LTS: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.
Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.
Trong hai bài viết “Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ kinh tế?” và “Vì sao Việt Nam tụt hậu?”, người viết đã 2 lần nêu “cần có hàng loạt các nghiên cứu thực sự nghiêm túc về nhiều lĩnh vực mà phải bắt đầu từ đường lối, chính sách phát triển đất nước” bởi đường lối, chính sách đúng, phù hợp sẽ thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững, còn ngược lại thì tác động kìm hãm sự phát triển cũng rất ghê gớm.
Trong bài viết tiếp theo này, tôi muốn nhắc lại vàì chuyện cũ liên quan đến “đổi mới tư duy” trong hình thành đường lối, chính sách phát triển đất nước, từ đó rút ra những bài học thời sự trong bối cảnh hiện nay.
Ai cũng biết, tất cả đường lối, chính sách lớn, nhỏ của mọi quốc gia đều do con người nghĩ ra, tức phụ thuộc vào tư duy của con người. Chính vì vậy, cách đây đã hơn 30 năm, Đảng ta đã mở đầu công cuộc đổi mới bằng “đổi mới tư duy”.
Xin kể vài “sản phẩm” của “đổi mới tư duy” hồi bấy giờ để cùng tham khảo.
Suốt chiều dài 30 năm, kể từ năm 1957, tư duy về xây dựng chủ nghĩa xã hội theo chủ nghĩa Mác-Lênin ở nước ta là phải tuân thủ các quy luật phổ biến, hay quy luật cơ bản, nêu trong Tuyên bố chung của 12 Đảng cộng sản và Công nhân các nước xã hội chủ nghĩa (XHCN). Hồi bấy giờ Đảng ta xem Tuyên bố chung nói trên, trong đó có nêu “các quy luật phổ biến”, là “Cương lĩnh chung của chúng ta”.
Sự việc đã xảy ra trên 60 năm, nhưng đối với chúng ta vẫn còn mang tính thời sự nên người viết bài này muốn giải thích rõ sự ra đời của “Tuyên bố” này.
Nhân dịp họp mặt kỷ niệm 40 năm Cách tháng Mười Nga, 12 Đảng Cộng sản và Công nhân đang cầm quyền ở các nước xã hội chủ nghĩa đã ra Tuyên bố chung với tên đầy đủ “Tuyên bố của Hội nghị Đại biểu các Đảng Cộng sản và Công nhân các nước xã hội chủ nghĩa họp tại Máts-cơ-va từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 11 năm 1957” (dưới đây gọi chung là “Tuyên bố Moscova 1957”).
Không kịp thời đổi mới đường lối, chính sách là tự mình đánh mất những cơ hội thuận lợi để góp phần phát triển đất nước. Ảnh: Lê Anh Dũng/VietNamNet |
Trong “Tuyên bố Moscova 1957” có phần nêu những quy luật phổ biến rút ra từ chủ nghĩa Mác-Lênin và đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn 40 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Liên Xô, được coi là nguyên lý mà mọi nước tiến hành cách mạng XHCN và xây dựng CNXH theo chủ nghĩa Mác-Lênin phải tuân thủ.
Bản “Tuyên bố Moscova 1957” được đăng trong cuốn “Cương lĩnh chung của chúng ta” do NXB Sự thật Hà Nội xuất bản năm 1957, trong đó, các quy luật phổ biến đăng ở trang 15. Các quy luật này bao trùm toàn bộ quá trình phát triển của một đất nước, gồm cả chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, đối nội, đối ngoại.
Đếm kỹ, thì các quy luật phổ biến nêu trong “Tuyên bố Moscova 1957” có 9 quy luật tất cả. Từ đó để cho gọn, dưới đây người viết ghi “9 quy lật”. Một số các quy luật về xây dựng CNXH mà người viết đề cập dưới đây đều trích từ trang 15 cuốn sách nói trên.
(i) Về công hữu tư liệu sản xuất, “9 quy luật” ghi: “thủ tiêu chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa và kiến lập chế độ sở hữu công cộng về những tư liệu sản xuất cơ bản...”. Ai cũng biết, thực hiện quy luật này, Đảng ta đã tiến hành công cuộc cải tạo XHCN, tiến hành cách mạng về quan hệ sản xuất…nhằm “xóa bỏ chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất”, thay bằng chế độ công hữu dưới hai hình thức sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể lúc đầu ở miền Bắc và sau năm 1975 ở miền Nam, thực ra đây là công cuộc biến nền kinh tế từ đa thành phần sở hữu thành nền kinh tế đơn thành phần sở hữu.
Mô hình phát triển kinh tế nói trên tồn tại ở đất nước ta gần 30 năm và càng ngày càng bộc lộ sự bất cập, không những không đẩy nền kinh tế của nước ta phát triển, mà còn đẩy lùi về nhiều mặt trọng yếu, thậm chí đẩy đất nước rơi vào “khủng hoảng kinh tế, xã hội”. Và để khắc phục, đến năm 1986, Đảng ra Nghị quyết phát triển nền kinh tế nhiều thành phần sở hữu…
Thử hỏi, nếu không đổi mới tư duy, thậm chí không có cách mạng trong thay đổi tư duy thì làm sao phát hiện sự không phù hợp, thậm chí là sai trái của một trong những vấn đề hệ trọng một thời được cho là quy luật, là nguyên lý mà mọi nước tiến hành cách mạng XHCN và xây dựng CNXH theo chủ nghĩa Mác-Lênin phải tuân thủ.
Và đặc biệt, nếu không đổi mới tư duy thì làm sao đề ra và thông qua được đường lối phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, tức làm ngược với những điều rất nhạy cảm, một thời được xem là cấm kỵ để thực hiện ít nhất là từ 1986 đến nay, đưa lại kết quả ra sao ai cũng biết.
(ii) Về tập thể hóa trong nông nghiệp, “9 quy luật” ghi: “cải tạo dần dần nền nông nghiệp theo chủ nghĩa xã hội”. Thực hiện quy luật này, chúng ta đã tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp, tức tiến hành thành lập hợp tác xã nông nghiệp lúc đầu ở miền Bắc, sau đó là ở miền Nam. Với cách tổ chức quản lý sản xuất nông nghiệp này, chúng đã đã phải đi vay lúa mì, bo bo về cho dân ăn.
Thế rồi, chính sách “khoán hộ” ra đời, mà thực chất là xóa bỏ hệ thống hợp tác xã nông nghiệp theo kiểu cũ. Chỉ trong thời gian rất ngắn, Việt Nam đã chuyển từ nước nhập khẩu lương thực sang nước xuất khẩu lương thực. Và nay đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, trong khi mỗi năm dân số tăng thêm trên 1 triệu người, đất canh tác nông nghiệp hẹp lại do phát triển đường giao thông, công nghiệp và đô thị.
Môt lần nữa nhắc lại, nếu cứ khư khư thực hiện “quy luật phổ biến” của “Tuyên bố Moscova 1957” thì làm gì có bức tranh sản xuất nông nghiệp như hiện nay?.
(iii) Về kế hoạch hóa phát triển kinh tế quốc dân, xóa bỏ kinh tế thị trường, “9 quy luật” ghi: “phát triển nền kinh tế quốc dân một cách có kế hoạch, hướng vào xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản…”.
Thực hiện “quy luật” này, trong suốt 30 năm chúng ta thực hiện quản lý nền kinh tế phát triển theo kế hoạch tập trung cao độ của Nhà nước thay cho cơ chế kinh tế thị trường bị coi là tự phát, vô tổ chức.
Nhờ có thay đổi tư duy mới nhận ra được sự không phù hợp với cuộc sống của cái “quy luật phổ biến” trong Tuyên bố Moscova 1957, mới đưa ra được quyết định xóa bỏ cơ chế quản lý “kế hoạch hóa tập trung, quan liêu, bao cấp” và thay vào đó là “cơ chế thị trường”.
Mấy điều vừa nêu trên đã chứng minh sự đúng đắn chủ trương của Đảng là đổi mới phải được bắt đầu từ đổi mới tư duy.
Tuy vây, một câu hỏi nữa vẫn phải đặt ra: đổi mới tư duy bắt đầu từ ai?
Câu trả lời từ kinh nghiệm lịch sử là phải bắt đầu từ lãnh đạo cấp cao. Lần theo quá trình chuẩn bị và thông qua Nghị quyết Đại VI, năm 1986 thì thấy rất rõ điều này. Điều quan trọng không phải là lãnh đạo cấp cao tự mình phát hiện ra khiếm khuyết, không phù hợp, sai trái của đường lối, chính sách cụ thể nào đó và đề xuất đường lối, chính sách thay thế, mà quan trọng nhất hồi bấy giờ là lãnh đạo cấp cao đã “mở rộng không gian” tư duy của cả hệ thống chính trị, tư duy không có “vùng cấm” như trước trước đó.
Cũng từ kinh nghiệm của quá khứ, đồng thời xuất phát từ thực tiễn tình hình hiện nay, chắc chắn còn nhiều câu hỏi rất quan trọng khác cần được đặt ra. Chẳng hạn, đổi mới đối với nhiều nội dung cụ thể về đường lối, chính sách đã đủ nhanh chưa, đồng bộ chưa, kịp thời chưa?
Không kịp thời đổi mới đường lối, chính sách là tự mình đánh mất những cơ hội thuận lợi để góp phần phát triển đất nước. Đồng thời không kịp thời đổi mới đường lối, chính sách, tức là tụt hậu so với các nước, nhất là các nước trong khu vực. Theo quan điểm của người viết, tụt hậu về đường lối, chính sách là nguy hại hơn cả.
Lần nữa, tôi cho rằng Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” của VietNamNet mở Diễn đàn là nơi rất tốt để mọi người tâm huyết nêu thực trạng, nguyên nhân cốt lõi của tình hình và kiến nghị của mình để làm sao cho Việt Nam thịnh vượng. Nếu được phép, tôi sẽ cùng mọi người tìm cách trả lời các khía cạnh khác nhau của câu hỏi nêu trên.
Hải Lộc
Trân trọng kinh mời quý vị độc giả gửi bài cho Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” theo địa chỉ email: tuanvietnam@vietnamnet.vn
>> Xem thêm các bài viết khác của Diễn đàn Vì Việt Nam hùng cường đăng tải trên Chuyên trang Tuần Việt Nam/ Báo VietNamNet:
Diễn đàn: Vì Việt Nam hùng cường
Hãy cùng tham gia Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường” của chúng tôi bằng những bài viết, những góp ý trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai đất nước.
"Phải làm chính quyền tin mình và mình cũng tin chính quyền"
Tiến sỹ Phạm Duy Nghĩa, thành viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nên xây dựng niềm tin với chính quyền, làm cho chính quyền tin mình và mình cũng tin chính quyền.
Vì sao Việt Nam tụt hậu?
Câu hỏi đặt ra, tại sao chúng ta không những không đạt được mục tiêu đề ra trong hai chính sách lớn tôi nêu ở đây, mà ngược lại?
“Khát vọng Việt Nam” khi tụt hậu không còn là "nguy cơ”
"Chúng tôi thừa nhận Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều nguy cơ, trong đó nguy cơ bị bỏ lại và rơi vào bẫy thu nhập trung bình của Việt Nam là rất lớn”.
Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ kinh tế?
Câu hỏi đặt ra là tại sao chúng ta không đẩy lùi được “nguy cơ tụt hậu” về kinh tế như đã chỉ ra 30 năm nay và “tụt hậu” cứ đeo đẵng chúng ta?
Khát vọng Việt Nam đang ở đâu?
Để có thể đạt được điều mong ước, khát vọng và quyết tâm làm cho bằng được là điều tiên quyết Việt Nam cần phải có.
Vượt trần thể chế
Nếu không quyết tâm cải cách, chúng ta mãi chỉ là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, không có gì đáng tự hào.
Đã giải phóng sức dân, cần giải phóng sức Nhà nước
Việc thực hiện mục tiêu Dân giầu, Nước mạnh, Dân chủ, Công bằng, Văn minh đã đặt ra yêu cầu phải giải phóng sức Nhà nước tương xứng với sức dân đã được giải phóng.