"Mỗi người dân là 1 phóng viên, đi đâu dân cũng giám sát hết. Nếu mình không gương mẫu thì báo chí, người dân phát hiện ngay".
Chia sẻ với VietNamNet nhân dịp năm mới, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho rằng mỗi thành viên Chính phủ phải tự soi xét mình, vị trí càng cao càng phải tự giác hơn để xây dựng một Chính phủ nêu gương.
Tự soi mình
Vừa rồi, TƯ ban hành quy định về trách nhiệm nêu gương, theo Bộ trưởng, một Chính phủ nêu gương thì đòi hỏi phải làm gì? Bản thân Bộ trưởng sẽ thực hiện quy định này như thế nào?
Tôi cho rằng trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH TƯ là rất quan trọng, mang tính giáo dục, tính tự giác.
Từ quy định này, mỗi thành viên Chính phủ phải tự soi xét mình, vị trí càng cao thì càng phải nêu gương, càng phải sáng hơn và tự giác hơn.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng. Ảnh: Phạm Hải |
Với trách nhiệm của Chính phủ, thành viên Chính phủ, trước hết phải làm theo chức trách được giao và phải làm tốt. Đồng thời phải rèn luyện bản thân, cái gì được giao thì phải làm đàng hoàng, làm tốt để cùng nhau xây dựng một Chính phủ nêu gương.
Từ ngày công tác ở đây, tôi thường xuyên chủ trì phiên họp báo Chính phủ thường kỳ, chưa vắng buổi nào, tức là tôi cũng chưa vắng buổi họp Chính phủ nào. Mình đã được phân công thì phải làm trọn vẹn, không thể vì việc này việc kia mà né tránh.
Kỷ cương này phải mang tính tự giác, ban đầu tạo sức ép nhưng dần dần về sau thành ý thức tự giác và thực hiện nhiệm vụ theo hướng tốt hơn.
Hay như trong dịp tết này, VPCP tham mưu Thủ tướng ban hành Chỉ thị 34 liên quan đến Tết thì tất cả điều gì liên quan đều phải gương mẫu. Cụ thể là không đi xe công vào chùa chiền miếu mạo. Bây giờ, mỗi người dân là 1 phóng viên, đi đâu dân cũng biết và giám sát hết. Nếu mình không gương mẫu thì báo chí, người dân phát hiện ngay.
Nhưng ở đây không có nghĩa là co mình lại, không dám làm gì. Cơ quan tham mưu mà không dám đề xuất, cái gì cũng rụt rè thì không được. Rất nhiều trường hợp, tôi phải báo cáo Thủ tướng, nếu sai thì tôi phải chịu trách nhiệm, chứ đâu đơn giản.
Trong quy định về trách nhiệm nêu gương có nhấn mạnh đến việc, uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH TƯ "phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống việc để vợ con sống xa hoa, phô trương, lãng phí”, Bộ trưởng suy nghĩ gì về điều này?
Quy định này rất đúng. Xa hoa lãng phí nghĩa là tiêu pha lãng phí không cần thiết, không tiết kiệm, phô trương, lợi dụng việc này việc kia thì không nên.
Còn gia đình có điều kiện thì có thể dùng những đồ tốt như vợ, con mặc bộ quần áo đẹp, đeo chiếc đồng hồ tốt một chút cũng là chuyện bình thường.
Trong lúc đang thực hiện việc chấn chỉnh công tác cán bộ, nâng cao chất lượng cán bộ công chức của cả hệ thống chính trị thì quy định trách nhiệm nêu gương có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.
"Không làm thì có tội"
Bộ trưởng từng nói, làm cải cách phải đau đáu, tâm huyết mới làm được; cán bộ làm cải cách phải dám đối mặt, đương đầu với lợi ích nhóm. Vậy Bộ trưởng đã từng đối mặt với vấn đề này chưa?
Có chứ. Hôm họp Chính phủ tôi có nói với Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng là phí đương nhiên phải thu rồi vì đầu tư thông qua cơ chế chính sách thì phải thu phí để hoàn vốn.
Nhưng lệ phí thì phải xem xét điều chỉnh, cần thiết thì phải bãi bỏ. Có quy định 1 triệu, 5 chục liên quan đến lệ phí thì người ta phải đến mà đến thì lệ phí chính thức thì ít, lệ phí phi chính thức thì nhiều. Chính việc cắt giảm những cái như thế này là đối mặt với lợi ích nhóm.
Ảnh: Phạm Hải |
Vì vậy mình cứ minh bạch, anh em đi làm việc, có sự tham dự của báo chí, nói sai tôi chịu, nhận lỗi, nói đúng thì không sợ, cứ làm. Quan trọng nhất, nếu đúng, DN, người dân ủng hộ thì mình phải làm, không khác được.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng mạnh mẽ như thế mà mình không làm thì có tội; thấy những việc chướng tai gai mắt mà mình cứ lờ đi là không được, thế thì gọi gì là tổ công tác, là cơ quan tham mưu, cơ quan phát hiện để ngăn ngừa.
Bản thân tôi từ quê, cũng tham gia DN rồi nên những bức xúc, nỗi khổ của dân, DN chúng tôi biết rồi. Nếu người ta có cơ hội trong một thời gian tích tắc thì người ta sẽ nên cơ đồ, nếu mất cơ hội thì cũng thôi luôn.
Qua nửa nhiệm kỳ giữ chức bộ trưởng và hơn 2 năm làm Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng, ông muốn xây dựng cho mình tác phong như thế nào và định danh cho mình là Bộ trưởng gì: Bộ trưởng gần dân hay Bộ trưởng hành động, Bộ trưởng không ngại va chạm…?
Tôi chả định danh gì (cười).
Tổ công tác của chúng tôi phải dựa vào tất cả các thành viên, các chuyên gia. Chúng tôi đồng tâm làm tất cả mọi việc.
Tôi quan niệm, cải cách như thế nào đi nữa thì quan trọng nhất vẫn là con người. Vì vậy, mình cũng phải cố gắng khi lãnh đạo yêu cầu để cải cách thực chất, để thấy sự hài lòng của người dân, DN chứ không phải làm hình thức.
Nếu chúng ta không thay đổi cách làm, vẫn bảo thủ thì rất khó, nhưng để tự giác thì không bao giờ có nên phải áp đặt. Giúp cho Thủ tướng thì chúng tôi phải gương mẫu, không để anh em VPCP "đánh võng" lung tung.
Tôi cũng hạ bệ mấy anh vụ phó. Lên được thì xuống được, anh không làm thì có người khác làm.
Nói tóm lại, thay con người là được hết, vì thay người này, người khác vào trách nhiệm tốt hơn. Tất nhiên, phải có một thời gian cùng với anh em tháo gỡ nhưng mãi không thay đổi thì phải thay. Thái độ phải cương quyết như vậy.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Làm việc bằng cái tâm, không 'đánh võng'
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chia sẻ những áp lực sau gần 1 năm làm người phát ngôn Chính phủ.
Thu Hằng