Chủ Nhật, 31 tháng 5, 2020

Runner cho con bú khi chạy ultra trail

Bức ảnh Sophie Power cho con bú tại trạm nghỉ năm 2018 gây tranh cãi lớn về chính sách của ban tổ chức giải Ultra-Trail du Mont-Blanc với phụ nữ mang thai.

Khoảnh khắc Power cho con trai út bú ở trạm nghỉ UTMB gây ra những tranh cãi lớn trong cộng đồng chạy bộ. Ảnh: Strava.

Khoảnh khắc Power cho con trai út bú ở trạm nghỉ UTMB gây ra những tranh cãi lớn trong cộng đồng chạy bộ. Ảnh: Strava.

Power là VĐV ultra marathon nổi tiếng đến từ Islington, London, Anh. Năm 2014, cô đủ tiêu chuẩn tham gia Ultra-Trail du Mont-Blanc (UTMB) - giải chạy địa hình đường trường danh giá nhất thế giới. Tuy nhiên, Power khi đó đang mang thai con trai đầu lòng Donnacha. Ban tổ chức không chấp nhận cho cô hoãn một năm bởi có thai là "việc có thể lựa chọn".

"Họ cho phép hoãn vì chấn thương, nhưng không chấp nhận lý do mang thai bởi theo họ đó là điều 'có thể lựa chọn'", Power kể với Metro. "Tôi thực sự muốn truyền đi một thông điệp. Hầu hết các giải chạy quốc tế đều thay đổi chính sách để công bằng hơn với phụ nữ".

Power trở lại UTMB vào tháng 9/2018, ở tuổi 36, chọn cự ly 106 dặm (khoảng 170 kilomet). Cuộc đua lần này cũng rất đặc biệt bởi cô vừa sinh con trai thứ hai, Cormac, được ba tháng. Cormac thường bú mẹ sau mỗi ba giờ.

Giờ xuất phát là 18h00, thời gian được cho là không mấy thuận lợi, bởi đôi chân các VĐV thường sung sức hơn vào buổi sáng.

"Điều may mắn là Cormac không cần bú mẹ vào ban đêm. Do đó, tôi cho Cormac bú ngay trước khi bắt đầu cuộc đua", Power chia sẻ. John, chồng cô sau đó đưa hai con đến các trạm nghỉ - tiếp sức bố trí sẵn trên đường chạy để chờ.

Power cho con bú trước khi xuất phát. Ảnh: Strava. 

Power cho con bú trước khi xuất phát. Ảnh: Strava

"Tôi cảm thấy đau đớn bởi tôi mất 16 giờ để đến trạm tiếp sức đầu tiên ở Courmayeur, Italy. Tôi phải tự vắt sữa bằng tay mọi lúc có thể trên đường chạy để giảm tức ngực". Không có chỗ cho sự e thẹn trong chạy siêu marathon. Người tham gia còn sẵn sàng tiểu tiện ngay bên đường. "Tôi kéo áo phông và áo lót thể thao lên và vắt sữa sau các thân cây, về cơ bản là mọi nơi có thể".

Theo Power, John không thể đưa Cormac đến gặp mẹ giữa đường chạy bởi hành động này bị cấm trong giải. Có khoảng 6 hay 7 trạm tiếp sức trên lộ trình, và nếu tiếp xúc người hỗ trợ ngoài trạm, vận động viên sẽ bị loại.

"Tôi không muốn bị loại vì cho con bú", Power trả lời phỏng vấn Telegraph. "Gặp được Cormac, tôi thấy nhẹ nhõm".

Không ai trong trạm nghỉ đầu tiên quan tâm việc Power một tay hút sữa, một tay cho con bú cho đến khi Alexis Berg, nhiếp ảnh gia của nền tảng xã hội thể thao Strava, tiến đến và xin phép được chụp một tấm ảnh.

"Nếu góc chụp rộng hơn, mọi người có thể thấy John đang cố thuyết phục tôi ăn sandwich bơ, sạc đèn pin đội đầu cho tôi, xếp thêm đồ ăn vào balo của tôi. Chúng tôi không nghĩ gì nhiều về Alexis, cho rằng cùng lắm chỉ là một câu chuyện nhỏ trên Strava về một nữ VĐV hành động khác thường giữa cuộc đua", Power mô tả.

Power trải qua đêm đầu tiên không ngủ giống như nhiều VĐV khác trên đường chạy UTMB. Nhưng với cô, trải nghiệm này đã trở nên quen thuộc kể từ khi làm mẹ.

"Tôi chắc chắn là người được chuẩn bị tốt nhất về khoản này. Tôi đã thiếu ngủ suốt nhiều tuần liền", cô trả lời ESPN.

Tuy nhiên, Power vẫn phải bắt đầu cuộc đua một cách chậm rãi và ổn định, tránh để nhịp tim tăng quá cao, không chạy đổ dốc để bảo vệ xương chậu. "Trong cuộc đua bình thường, tôi sẽ lao vào trạm tiếp sức và rời đi nhanh nhất có thể, nhưng lần này, tôi cần ăn uống đầy đủ để có sữa cho Cormac, năng lượng cho bản thân và nghỉ ngơi".

Vất vả, nhưng Power xem UTMB 2018 là một trải nghiệm quý giá trong sự nghiệp chạy bộ của cô. Ảnh: AFP.

Vất vả, nhưng Power xem UTMB 2018 là một trải nghiệm quý giá trong sự nghiệp chạy bộ của cô. Ảnh: AFP.

Power xuống tinh thần thực sự khi leo dốc lên hồ Champex-Lac, Valais, Thụy Sỹ, vào đêm thứ hai. Chân chạy này vẫn không ngủ, gặp ảo giác - cảm thấy có những con vật lao về phía cô khi ở trong rừng - và không thể tập trung.

"Tôi tới trạm nghỉ nơi John đang chờ và chợp mắt 20 phút, ăn nhẹ và lại vắt sữa. Tôi cảm thấy tốt hơn nhiều".

Đích đến của Power là Chamonix, Pháp. Donnacha xuất hiện và chạy cùng mẹ.

"Tôi phải bảo Donnacha chạy chậm lại. Chân tôi khi đó đã quá mỏi. Tôi đón Cormac khi cách vạch đích 50 mét, và hoàn thành cuộc đua cùng hai con".

Thành tích của Power là 43 giờ 33 phút. Cô cùng gia đình từng đặt ra ba mục tiêu. Thứ nhất là xuất phát trong trạng thái tốt nhất, vượt qua đêm đầu tiên trên dãy núi. Thứ hai là đến Courmayeur, nơi gia đình chờ Power và sẵn sàng đưa cô về nhà nếu cần. Thứ ba chính là hoàn thành giải đấu - mục tiêu trong mơ.

Bà mẹ hai con nói: "Tôi chưa từng tin mình có thể về đích. Tôi sẽ không thể làm được nếu thiếu đội hỗ trợ của mình. Đó là chồng tôi, vú em cùng hai HLV. Khoảnh khắc chạy cùng Donnacha, đón Cormac và về đích thật tuyệt vời, không gì có thể mô tả được".

Dù vậy, Power tin bản thân sẽ vượt được mốc 36 giờ nếu tham gia UTMB một năm trước đó. 

Sophie Power cùng hai con về đích ở UTMB 2018

Power cùng hai con chạy về đích tại UTMB 2018. 

"Tôi bắt đầu chạy bộ từ năm 2009, chủ yếu là tùy hứng. Tôi chưa từng chạy quá một dặm (khoảng 1,6 kilomet) trước khi đăng ký Marathon des Sables dù không thực sự biết đó là gì. Tôi đăng ký một giải Ironman khi phải chật vật mới bơi hết chiều dài bể bơi", cô kể trên website cá nhân. Marathon des Sables mà Power đề cập là giải chạy ultra marathon (hơn 250 kilomet) kéo dài sáu ngày trên sa mạc Sahara, được tổ chức thường niên tại Morocco.

"Sau đó, tôi đã hoàn thành hơn 40 giải ultra marathon, bao gồm Spartathlon cự ly hơn 246 kilomet ở Hy Lạp, UTMB 170 kilomet và Spine Fusion hơn 430 kilomet tại Anh, có vô địch tại một số lần", Power kể tiếp. 

Để được dự UTMB, VĐV phải tích lũy đủ điểm nhất định từ các giải ultra marathon khác. Năm 2014, Power đủ điều kiện tham gia UTMB 2015, nhưng buộc phải từ bỏ vì khi đó, cô đang mang thai 6 tháng.

Trái với bị chấn thương, UTMB không cho phép VĐV  nữ hoãn chạy sang năm kế tiếp nếu họ mang thai. Những trường hợp như Power không hiếm. Năm 2017, một nữ VĐV khác, Stephanie Case, từng phản đối chính sách này. Nhưng UTMB dứt khoát không thay đổi. "Sắp sinh con là điều do bạn lựa chọn, còn bị chấn thương là điều không mong muốn", Catherine Poletti, một trong các giám đốc đường chạy UTMB, trả lời Case qua email.

Bức ảnh Power cho con bú, sau khi bất ngờ được lan truyền mạnh trên Internet, một lần nữa dấy lên cuộc tranh cãi về bổn phận làm mẹ và thi đấu thể thao.

"Tôi chưa từng có ý định đó. Tôi chỉ cho con bú tại trạm tiếp sức", Power trả lời 33 Fuel. "Tôi lỡ mất UTMB khi mang thai Donnacha. Họ không cho tôi chuyển sang chạy năm kế tiếp. Đó là chính sách của họ. Tôi đề nghị họ thay đổi. Họ kiên quyết nói không. Sau nhiều năm nỗ lực, tôi sớm nhận ra mình sẽ phải đứng trước vạch xuất phát với cậu con trai ba tháng tuổi tại giải năm 2018".

Bên cạnh sự đón nhận, đồng cảm và chia sẻ, ảnh của Alexis cho con bú cũng vấp phải một số quan điểm trái ngược. Một tạp chí về chạy bộ lập khảo sát trên Twitter, hỏi độc giả của họ cảm thấy thế nào về hành động của Power, "thô tục, có phần ích kỷ" hay "đó là việc của cô ấy". Khảo sát này phải gỡ bỏ vì bị độc giả chỉ trích.

Nhiều giải chạy trên thế giới đã áp dụng chính sách hoãn chạy cho VĐV đủ điều kiện tham gia nhưng đang mang thai. Trước đây, họ không nghĩ đến điều này bởi trong các giải chạy đường dài, chỉ có khoảng 10% người tham gia là nữ, số ít ở độ tuổi sinh con. Dù vậy, UTMB dường như chưa thay đổi. "Tôi hy vọng họ sẽ nghĩ lại", Power nhấn mạnh. 

Power hy vọng câu chuyện xoay quanh bức ảnh cô cho con bú năm 2018 sẽ làm các nhà tổ chức thay đổi chính sách dành cho những VĐV mang thai khi đã lỡ đăng ký dự giải chạy. Ảnh: Telegraph.

Power hy vọng câu chuyện xoay quanh bức ảnh cô cho con bú năm 2018 sẽ làm các nhà tổ chức thay đổi chính sách dành cho những VĐV mang thai khi đã lỡ đăng ký dự giải chạy. Ảnh: Telegraph.

Với Power, câu chuyện xoay quanh bức ảnh cho con bú trên đường chạy UTMB không phải về bản thân cô, về cho con bú trong giải chạy. Cô xem đó là sự kỳ diệu của cơ thể phụ nữ, về sự phi thường sau khi sinh con.

"Chúng tôi có thể tiếp tục chơi thể thao. Chúng tôi chỉ cần sự ủng hộ", Power khẳng định. "Làm mẹ không có nghĩa chúng tôi từ bỏ giấc mơ của bản thân".

Hôm 20/5, ban tổ chức UTMB ra thông báo hủy giải chạy này năm nay. Quyết định này được mô tả là "rất khó khăn và chỉ được đưa ra sau khi cân nhắc kỹ lưỡng mọi yếu tố thiệt hơn".

Theo kế hoạch ban đầu, UMTB 2020 sẽ diễn ra từ 24/8 đến 30/8, với xuất phát và đích đến tại Charmonix, một thị trấn trên dãy Alps thuộc địa phận Pháp. Nhưng vì Covid-19, chính phủ Pháp ra lệnh cấm mọi hoạt động thể thao trên toàn lãnh thổ tới tháng 9. 

UTMB, diễn ra lần đầu tiên vào năm 2013, được xem là giải chạy địa hình đường trường thường niên danh giá nhất thế giới, diễn ra trong sáu ngày. Sau khi xuất phát tại Charmonix, các VĐV sẽ chạy qua một phần lãnh thổ qua Italy, Thụy Sỹ rồi trở lại về đích tại Charmonix, trên cung đường dài 171 km được mô tả là đẹp mê hồn, nhưng cũng đầy khắc nghiệt.

UTMB 2020 có 10.000 VĐV đăng ký tham dự. Trong thông báo hủy giải, ban tổ chức nói sẽ hoàn lại 55% phí đăng ký cho các VĐV.

Như Tâm tổng hợp

Let's block ads! (Why?)

Unknown

About Unknown

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :