Thứ Năm, 28 tháng 5, 2020

Khúc tráng ca Sao Đỏ Belgrade

Thứ sáu, 29/5/2020, 10:23 (GMT+7)

Hai năm trước khi mang tên Champions League, giải đấu số một châu Âu cấp CLB chứng kiến hành trình đi vào lịch sử của Red Star Belgrade.

Ngày 29/5/1991, Red Star Belgrade - Olympique Marseille đọ tài trong trận chung kết Cup C1 (European Cup). Đại diện ưu tú nhất của bóng đá Nam Tư cũ - Red Star - lên ngôi sau trận cầu này. Nhưng, đó là chức vô địch mà họ không thể đứng lên để bảo vệ, vì đất nước Nam Tư đã tan rã trong một cuộc nội chiến kinh hoàng nhất lịch sử châu Âu kể từ Thế chiến II.

"Trong quá khứ, nhiều trận chung kết Cup C1 thật tẻ nhạt, nhưng đây quả là một buổi tối của dải ngân hà lấp lánh", Bình luận viên David Coleman nói oang oang trên sóng phát thanh BBC tối 29/5/1991, vài phút trước giờ bóng lăn, trên sân San Nicola, Bari, Italy.

Trong sự nghiệp bình luận lừng lẫy với rất nhiều tuyên bố điên khùng, những lời về trận đấu đó vẫn là ấn tượng nhất của Coleman. Ông làm Bình luận viên bóng đá chính của BBC, và tính tới năm 1991 đã có 37 năm trong nghề. "Đây là hai đội bóng đều chơi tấn công điên loạn, cả châu Âu đang chờ đợi một màn pháo hoa tưng bừng", Coleman nói thêm.

Nhưng thực tế suốt gần hai giờ đồng hồ sau đó thì nặng nề và tẻ ngắt, trái ngược hoàn toàn với sự phấn khích thái quá của Coleman trước giờ bóng lăn. Dù vậy, cách tiếp cận thiên về phòng ngự của Red Star, đến giờ, vẫn là một chủ đề nghiên cứu cho giới am hiểu bóng đá.

Đó là trận chung kết của nhiều điều đầu tiên. Cả Pháp lẫn Nam Tư đều chưa từng có nhà vô địch Cup C1, dù Stade de Reims, St Etienne và Partizan Belgrade từng góp mặt ở nhiều trận chung kết.

Marseille thời bấy giờ là đội bóng nhà giàu mới nổi, tuyển mộ được rất nhiều tên tuổi lớn nhờ tiền bạc và tài tháo vát của chính trị gia Bernard Tapie. Cách làm bóng đá này về sau có thể thấy ở Real Madrid của Chủ tịch Florentino Perez từ đầu những năm 2000, với chính sách "Los Galaticos".

Chris Waddle, ngôi sao tiền đạo người Anh ở World Cup 1990, và chân sút cự phách người Pháp Jean-Pierre Papin dẫn dắt hàng công. Và họ được hỗ trợ bởi một Jean Tigana đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Marseille khi đó còn sở hữu người hùng cũ của Red Star, Dragan Stojkovic - một trong những tài năng lớn nhất mọi thời đại của bóng đá Nam Tư. Trong trận chiến tại Bari, Stojkovic sẽ mặt đối mặt đội bóng thời thơ ấu của anh. Bên cánh trái là Abedi Pele - một những ngôi sao châu Phi tiên phong sang châu Âu thi đấu. Băng ghế dự bị của Marseille khi đó cũng có nhiều tên tuổi lớn, trong đó có tiền đạo Philippe Vercruysse của tuyển Pháp.

Phía bên kia, Red Star là một tập hợp những cái tên lúc bấy giờ còn lạ hoắc, và chỉ chiến thắng nhờ vào lối chơi phòng ngự tổ chức cực tốt. Robert Prosinecki, bảy năm trước khi đưa Croatia vào bán kết World Cup 1998, chơi bên cạnh kèo trái thiên tài Sinisa Mihajlovic. Ở phía trên, đội bóng Nam Tư có Dragisa Binic, người tự tin với tốc độ đến mức từng quả quyết có thể chạy 100 mét trong 10,5 giây và muốn chạy thi với nhà vô địch Olympic Carl Lewis. 

Trận bán kết lượt đi, trên sân Bayern, là minh chứng cho tốc độ kinh hoàng của Binic. Ông nước rút, theo đường chọc khe của Prosinecki rồi căng ngang, dọn cỗ cho Darko Pancev gỡ hòa 1-1, tạo tiền đề cho Red Star thắng ngược đối thủ Đức 2-1.

Pha làm bàn tại Munich đó cũng toát lên những phẩm chất hay nhất của Red Star thời ấy: nhãn quan sắc sảo, kiểm soát và tốc độ khó lường. Họ chỉ mất đúng 12 giây để đưa bóng từ đầu kia sân tới nằm gọn trong lưới Bayern.

Pancev gỡ hòa 1-1 trong trận Sao Đỏ hạ Bayern 2-1

Bàn gỡ 1-1 của Red Star trong trận bán kết lượt đi thắng chủ nhà Bayern 2-1.

Khi Glasgow Rangers của HLV Graeme Souness bắt trúng lá thăm mang tên Red Star ở vòng 2, trợ lý HLV Walter Smith đã được cử tới Nam Tư để điều tra về đối thủ lúc đó hãy còn là ẩn số với giới bóng đá tại Tây Âu. Khi trở về Scotland từ Belgrade, bản báo cáo của Smith thẳng thắn đúng kiểu Glasgow: "Tiêu đời rồi!". 

John Motson, một mình luận viên kỳ cựu khác của BBC, cũng bị ngợp bởi lối chơi của Red Star, khi đội bóng Nam Tư này đè bẹp thầy trò Souness. "Những cầu thủ này di chuyển quá nhanh", Motson nói sau khi Pancev ghi bàn thứ ba trong trận lượt đi thắng Rangers 3-0 tại Belgrade. Về sau, Souness thừa nhận đội bóng của ông chưa bao giờ lép vế như thế, trên sân khách.

Sao Đỏ 3-0 Rangers

Diễn biến chính trận Sao Đỏ 3-0 Rangers.

Binic, từng đánh bại một VĐV chạy nước rút chuyên nghiệp của Nam Tư chỉ để lên báo, không phải là người duy nhất có quyền ngạo nghễ trong đội hình Red Star ngày ấy.

Trung vệ Miodrag Belodedici bỏ chạy khỏi chế độ độc tài Ceausescu ở Romania vào năm 1989, lãnh án 10 năm tù vắng mặt. Anh gia nhập Red Star bằng cách tự tìm tới sân của đội ở Belgrade và hỏi liệu đội có cần một cầu thủ hay không.

Từng giành Cup C1 với Steaua Bucharest năm 1986, Belodedici ngay lập tức được chào đón. Chính trung vệ Romania này phát động tình huống phản công ở Munich mà Prosinecki đã đưa Binic vào thế kiến tạo. Vào tối 29/5/1991, ở Bari, Belodedici trở thành cầu thủ đầu tiên trong lịch sử dự trận chung kết và giành Cup C1 với hai CLB khác nhau.

Người kết thúc những đường chuyền từ Mihajlovic và Prosinecki, ngoài Pancev, còn có Dejan Savicevic, tiền đạo đồng về nhì ở bình chọn Quả Bóng Vàng 1991. Savicevic suýt đưa tuyển Nam Tư vào bán kết World Cup 1990 ở Florence - nơi họ dừng bước trước đội vào chung kết Argentina. Pancev thì ghi 34 bàn cho Red Star mùa 1990-1991 và giành Chiếc Giày Vàng châu Âu.

Cả bốn người Nam Tư này về sau đều tỏa sáng ở những giải đấu hàng đầu châu Âu khi bóng đá xứ Balkan gặp đại hoạ. Nhưng trước đó, họ đã cùng nhau giúp Red Star thắng trận chung kết Cup C1, nơi đối thủ là Marseille - một đội chơi cũng tấn công điên loạn, khiến cả châu Âu phải ngả mũ.

Với Waddle (trái) và Papin (phải), Marseille có hỏa lực tấn công mạnh bậc nhất châu Âu năm 1991.

Đội bóng Pháp khi đó ghi 22 bàn trong bốn vòng (vòng một, vòng hai, tứ kết và bán kết) trên đường tới trận chung kết tại Bari. Cả Red Star lẫn Marseille đều ghi được ít nhất bốn bàn ở mỗi vòng (gồm hai lượt, đi và về). Marseille thậm chí còn sút tung lưới Lech Poznan tới tám lần qua hai lượt trận vòng hai vào tháng 10/1990. Vì thế, David Coleman không hề lạc quan tếu, với dự báo về một trận chung kết rực lửa bởi lối đá tấn công.

Nhưng thực tế được lột tả qua lời Mihajlovic nhiều năm sau: "Tôi cho rằng đó là trận chung kết Cup C1 tẻ nhạt nhất trong lịch sử". Suốt hai tiếng đồng hồ, không bàn thắng nào được ghi. Papin và Waddle đều bỏ lỡ các cơ hội ngon ăn. Tại sao hai đội bóng chơi tấn công dồn dập nhất châu Âu lại trở nên như thế?

"Nếu chúng tôi vào trận với tinh thần tấn công, chúng tôi có lẽ đã thua, không hẳn vì Marseille mạnh hơn, mà vì các cầu thủ của họ quen với những trận đấu lớn thế này hơn. Chúng tôi thì có cả một đội hình gồm toàn những chú nhóc 21, 22 và 23 tuổi", Mihajlovic lý giải về cách tiếp cận trận đấu của Red Star.

Ngay trước trận, Chủ tịch Marseille Tapie đã nghĩ rằng những chú nhóc của Red Star có thể bị mua đứt. "Chuyện chả có gì bí mật. Tôi chưa bao giờ phủ nhận chuyện này. Chúng tôi đã được đề nghị 500.000 mark Đức để buông trận đấu. Chúng tôi từ chối, nhưng mọi người đều biết là có chuyện đó", Mihajlovic kể vào năm 2011.

Tuy nhiên, bên cạnh danh dự, còn một vấn đề nữa đặt ra với Red Star khi ấy: Làm sao để đánh bại một Marseille đầy rẫy siêu sao thời đó?

Chiến thuật phòng ngự có phần tiêu cực giúp Red Star hóa giải sức tấn công của Marseille, trước khi giành chiến thắng ở loạt đá luân lưu.

"Vài giờ trước trận, chúng tôi được xem các đoạn ghi hình những trận đấu của Marseille. Tôi nhớ HLV Ljupko Petrovic nói với cả đội rằng nếu chúng tôi chơi tấn công thì sẽ bị họ phản công. Tôi liền hỏi lại rằng 'Thế bọn cháu phải làm gì?', Ông ấy đáp: 'Khi có bóng, hãy trả lại cho họ'. Vì thế, chúng tôi trải qua 120 phút trên sân về cơ bản là không có bóng", Mihajlovic nhớ lại. Petrovic - vị HLV được nhắc tới ở đây - về sau từng sang Việt Nam dẫn dắt CLB Thanh Hóa năm 2017.

Đó là lần thứ tư một trận chung kết Cup C1 phải quyết định bằng loạt đá luân lưu, và Red Star có được ngày may mắn nhất lịch sử CLB. Ở giải VĐQG Nam Tư mùa ấy, nếu hòa, các đội đều phải đá 11m để phân định thắng thua. Các cầu thủ Red Star, nhờ đó, có nhiều dịp thực chiến với trò cân não.

Không những thế, hai cầu thủ Marseille ra sân tại Bari hôm ấy - Stojkovic và Wadle - đã trải qua những cảm xúc tồi tệ với những quả 11m ở World Cup 1990.

10 tháng trước, trong khi Prosinecki và Savicevic sút thành công cho tuyển Nam Tư ở loạt luân lưu trận tứ kết World Cup với Argentina, Stojkovic, người bây giờ khoác áo Marseille, đá hỏng quả quyết định khiến Nam Tư bị loại. Waddle thì sút phạt đền hỏng, đưa bóng đập xà trong trận gặp Đức, khi tuyển Anh dừng bước ở bán kết.

Cả Waddle lẫn Prosinecki đều không tình nguyện tham gia loạt đá cân não ở Bari.

Hậu vệ phải Manuel Amoros được chọn thực hiện cú đá đầu tiên cho Marseille, và anh bị thủ môn, đội trưởng Red Star, Stevan Stojanovic từ chối. Bảy quả 11m sau đó đều thành công, trước khi Pancev bước lên sút bóng qua tay Pascal Olmeta ghi bàn quyết định.

Sao Đỏ Beograd đánh bại Marseille trên chấm 11m giành cúp châu Âu năm 1991


Red Star đăng quang sau khi hạ Marseille ở chung kết năm 1991.

Nhưng vào lúc các cầu thủ Red Star ăn mừng danh hiệu lớn trên đất Italy, ở quê nhà, đất nước Nam Tư của họ bắt đầu tan tác. Khi Red Star Belgrade chuẩn bị vào chiến dịch bảo vệ danh hiệu vào tháng 9/1992, Nam Tư không còn là Nam Tư nữa. Nội chiến bùng phát trên bán đảo Balkan - khu vực địa chính trị dữ dội nhất châu Âu. Đội hình vĩ đại của Nam Tư bị cấm tham dự Euro 1992, góp phần tạo nên câu chuyện cổ tích Đan Mạch. Thế hệ lẫy lừng năm 1991 không bao giờ còn có dịp chơi cùng nhau trên sân khấu quốc tế nữa.

"Chúng tôi lẽ ra có thể cùng nhau chiến thắng thêm nhiều năm nữa, nếu không có cuộc chiến. Một số cầu thủ bắt buộc phải ra đi, nhưng chúng tôi vẫn còn những người trẻ rất giỏi", Belodedici nói.

Stojanovic nhiều năm sau vẫn còn tiếc nuối về những năm tháng hào hùng mà đau thương đó. Cựu thủ môn này nói: "Bi kịch là ở chỗ chúng tôi không bao giờ được biết chúng tôi có thể tiến xa tới đâu".

Lật lại một chút hồ sơ có thể giúp chúng ta tưởng tượng ra sự kỳ vĩ của đội tuyển Nam Tư không bao giờ trở thành hiện thực đó. Năm 1998, Prosinecki và đất nước Croatia mới độc lập của anh đoạt HC đồng World Cup 1998.

Nếu ở giải đấu trên đất Pháp đó, Savicevic - người lúc ấy là tuyển thủ Nam Tư, và bây giờ mang quốc tịch Montenegro - chơi tiền vệ tổ chức đằng sau bộ đôi Pancev - người Nam Tư, sinh ở Macedonia, và Vua phá lưới Davor Suker - người Croatia, với Mihajlovic - người Nam Tư, sinh ở Croatia - cầm trịch thế trận, cùng một Robert Jarni - người Croatia - chơi tuyệt hay bên cánh trái, ai có thể cản nổi Nam Tư ở Pháp? 

Bóng đá, vì thế, đã phải trả cái giá rất đắt cho cuộc chiến Balkan.

Chiếc HC đồng World Cup 1998 của Croatia, chỉ với một vài trụ cột còn lại sau khi tuyển Nam Tư tan rã như Suker, Boban, Prosinecki, Jarni, làm dày thêm tiếc nuối về một đội tuyển Nam Tư hùng mạnh không bao giờ thành hiện thực. Ảnh: Reuters.

Chỉ trong một năm, nhà vô địch ở Bari đã tan tác. Prosinecki sang Tây Ban Nha chơi cho Real Madrid. Pancev, Mihajlovic cùng Savicevic chọn Serie A của Italy làm bến đỗ, và chơi tổng cộng hơn 400 trận ở đó.

Di sản mà Red Star để lại, vì thế, có thể thấy ở khắp châu Âu. Với những người hâm mộ bóng đá chân chính, sẽ chỉ có một Red Star của buổi tối hào hùng tại Bari, dù cho các chính trị gia có nói gì đi nữa. Đội bóng đó đã không còn sau trận chung kết, cũng như số phận của Liên bang Nam Tư và Cup C1 châu Âu - giải đấu được thay đổi thể thức và mang tên mới Champions League từ mùa 1992-1993.

Trâm Anh (theo Vice)

Let's block ads! (Why?)

Unknown

About Unknown

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :