Theo FIFA, đội phòng ngự chắc chắn sẽ có khả năng vô địch cao hơn các đội giỏi tấn công ở World Cup năm nay.
Tám đội lọt vào tứ kết World Cup 2022 đều sở hữu những ngôi sao tấn công hàng đầu. Ấn tượng nhất có lẽ là Brazil, đội mang đến chín tiền đạo tới Qatar, trong khi Argentina có Lionel Messi và Pháp là Kylian Mbappe.
Tuy nhiên, lịch sử các kỳ World Cup trước cho thấy, để dự đoán chính xác đội vô địch, cần nhìn vào hàng thủ. Tây Ban Nha ở World Cup 2010 là ví dụ điển hình khi thắng với tỷ số 1-0 trong tất cả các trận knock-out. Bốn năm trước, nếu chỉ số bàn thắng là yếu tố tiên quyết chức vô đich thì Bỉ mới là đội tuyển đăng quang chứ không phải Pháp. Trong sáu World Cup gần nhất, các đội vô địch đã giữ sạch lưới tới 17 trong 24 trận knock-out.
Cho đến lúc này, khá bất ngờ khi "ngựa ô" Morocco là đội phòng ngự tốt nhất. Họ mới thua một bàn sau bốn trận. Bàn thua đó thậm chí không đến từ cầu thủ đối phương mà là pha phản lưới của trung vệ Nayef Aguerd ở trận thắng Canada 2-1. Morocco đã giữ sạch lưới khi đối đầu ba đội mạnh ở châu Âu gồm Bỉ, Croatia và Tây Ban Nha.
Mức độ tổ chức và tinh thần chiến đấu là nền tảng cho sự chắc chắn của đội bóng Bắc Phi. Tuy chỉ có ba tháng làm việc, HLV Walid Regragui xứng đáng được khen ngợi khi "Sư tử vùng Atlas" chỉ thủng một bàn trong tám trận ông cầm quân. Sự chắc chắn ở hàng phòng ngự sẽ giúp Morocco tự tin khi đối đầu Bồ Đào Nha - đội đang ghi nhiều bàn nhất tại World Cup 2022 (12 bàn, bằng Anh).
Ngược lại, Bồ Đào Nha thủng lưới nhiều nhất trong các đội vào tứ kết. Ở vòng bảng, họ thua bốn bàn, hai trước Ghana và hai trước Hàn Quốc. Ở vòng 1/8, ghi sáu bàn vào lưới Thụy Sĩ, nhưng thầy trò Fernando Santos cũng lọt lưới một lần. Trận duy nhất Bồ Đào Nha sạch lưới là khi họ đánh bại Uruguay 2-0.
Trên lý thuyết, hàng thủ Bồ Đào Nha là sự kết hợp giữa kinh nghiệm của Pepe và đẳng cấp của Ruben Dias, cùng hai hậu vệ cánh có khả năng tấn công tốt Joao Cancelo và Raphael Guerreiro. Có lẽ, cách bố trí đội hình của Santos, khi chỉ dùng một tiền vệ phòng ngự Ruben Neves, khiến hàng phòng ngự Bồ Đào Nha mỏng manh hơn.
Một điểm đáng chú ý là khi đăng quang tại Euro 2016, Bồ Đào Nha cũng thua bốn bàn ở vòng bảng. Nhưng khi vào vòng knock-out, họ không để Croatia, Xứ Wales hay chủ nhà Pháp chọc thủng lưới.
Bên cạnh Morocco, tuyển Anh cũng giữ sạch lưới ở vòng 1/8 khi đánh bại Senegal 3-0. Cả hai bàn thua của họ đều ở trận ra quân, thắng Iran 6-2 và đều được ghi bởi tiền đạo Mehdi Taremi. Anh vừa giữ sạch lưới nhiều trận nhất (3, bằng Morocco), vừa ghi nhiều bàn nhất (12, bằng Bồ Đào Nha).
Màn trình diễn của thầy trò Gareth Southgate tại Qatar khác hẳn trước đó, khi chỉ giữ sạch lưới một trong sáu trận trước World Cup. Đã có những lo lắng dành cho "Tam sư" bởi sự vắng mặt của hai hậu vệ cánh Reece James và Ben Chilwell. Southgate cũng gây tranh cãi khi triệu tập hai cầu thủ chưa khỏi chấn thương Kalvin Phillips và Kyle Walker, đồng thời tin tưởng Harry Maguire - người mất suất đá chính tại Man Utd ở đầu mùa giải 2022-2023.
Tuy nhiên, ba trận giữ sạch lưới liên tiếp trước Mỹ, Xứ Wales và Senegal chứng tỏ Southgate có lý khi tin tưởng những cầu thủ đã chứng tỏ năng lực trong tay ông như Maguire, John Stones hay Kieran Trippier. Dẫu vậy, có ý kiến rằng các đối thủ của tuyển Anh chưa xứng tầm và gặp Pháp tại tứ kết sẽ kiểm chứng năng lực của họ.
Pháp là đội duy nhất vào tứ kết mà không giữ sạch lưới trận nào. Ở trận ra quân gặp Australia, tuy thắng 4-1, họ bị Craig Goodwin chọc thủng lưới trước. Ba trận tiếp theo, gặp Đan Mạch, Tunisia và Ba Lan, mỗi trận họ thua một bàn. Bốn năm trước, trên đường đăng quang tại Nga, Pháp đã giữ sạch lưới bốn trong bảy trận, trong đó có hai trận vòng bảng.
Tuy nhiên, với những hậu vệ đẳng cấp thế giới trong đội hình, sự thiếu chắc chắn của Pháp có thể chỉ là nhất thời. Bốn năm trước, thầy trò Didier Deschamps giữ sạch lưới ở cả tứ kết lẫn bán kết. Không những vậy, hai trung vệ của họ còn ghi những bàn quan trọng - Raphael Varane lập công trong trận thắng Uruguay 2-0 ở tứ kết còn Samuel Umtiti ghi bàn duy nhất khi Pháp thắng Bỉ 1-0 tại bán kết. Hai hậu vệ cánh Benjamin Pavard và Lucas Hernandez cũng thi đấu thăng hoa.
Tuy đã thủng lưới hai bàn, nhiều người cho rằng hàng thủ Brazil ít bộc lộ điểm yếu nhất. Khi thua bàn đầu tiên trước Cameroon ở lượt cuối vòng bảng, Tite sử dụng đội hình dự bị còn bàn thua ở trận gặp Hàn Quốc diễn ra khi Brazil dẫn 4-0. Khó có thể đổ lỗi cho Thiago Silva và đồng đội ở tình huống đó khi Paik Seungho tung ra cú vô-lê không thể cản phá từ khoảng cách 28m.
Brazil từng chịu tổn thất bởi chấn thương của các hậu vệ. Họ mất Danilo ở trận ra quân, thắng Serbia 2-0, rồi đến Alex Sandro khi thắng Thụy Sĩ 1-0. Ở trận thua Cameroon, Alex Telles cũng chấn thương và phải chia tay World Cup. Danilo đã bình phục và đá chính trước Hàn Quốc nhưng Sandro vẫn chưa chắc có thể ra sân khi gặp Croatia.
Do Tite mang chín tiền đạo đến Qatar, hàng thủ của Brazil tương đối mỏng manh. Bước vào những trận quan trọng ở vòng knock-out, canh bạc này càng trở nên mạo hiểm hơn với đội bóng Nam Mỹ. Một điểm sáng Brazil có thể trông cậy là phong độ của thủ thành Alisson, người đã có năm pha cứu thua trong ba trận.
Đối thủ của Brazil ở tứ kết, Croatia, cũng đã thủng lưới hai bàn, một ở trận thắng Canada 4-1 ở vòng bảng và một ở trận gặp Nhật Bản tại vòng 1/8. Tuy nhiên, có thể xem Croatia là đội dựa nhiều vào hàng thủ nhất trên đường vào tứ kết. Ba trong số bốn trận họ đã đấu có kết quả hòa trong thời gian chính thức, trong đó, hai trận hòa không bàn thắng trước Morocco và Bỉ đóng vai trò quan trọng để thầy trò Zlatko Dalic đi tiếp.
Croatia đã chứng tỏ bản lĩnh của đội á quân World Cup 2018, khi thắng ngược Canada và loại Nhật Bản ở loạt luân lưu. Thành tích của họ có đóng góp không nhỏ của Josko Gvardiol, người theo HLV Dalic đang là trung vệ hay nhất thế giới dù mới 20 tuổi. Pha cản phá trước mũi giày Romelu Lukaku trong những phút cuối trận gặp Bỉ của Gvardiol là một trong những khoảnh khắc ấn tượng nhất cho đến lúc này tại World Cup 2022.
Bên cạnh đó, thủ thành Dominik Livakovic thể hiện anh là người kế thừa xứng đáng đàn anh Danijel Subasic trong khung gỗ. Livakovic đã cản ba trong bốn lượt đá luân lưu của Nhật Bản, giúp Croatia thắng luân lưu lần thứ ba liên tiếp tại World Cup.
Argentina mở màn World Cup đầy thất vọng với trận thua Saudi Arabia. Đó là màn trình diễn đáng quên của trung vệ Cristian Romero khi mắc lỗi ở cả hai bàn thua, dẫn đến việc anh phải rời sân ở đầu hiệp hai. Đến lúc này, bài toán lớn nhất với HLV Lionel Scaloni vẫn là chọn Romero hay Lisandro Martinez đá cặp với lão tướng Nicolas Otamendi. Martinez chơi xuất sắc mỗi lần vào sân, nhưng chiều cao 1m75 của anh bị cho là bất lợi khi tranh chấp với những tiền đạo có thể hình tốt.
Ở tứ kết, Scaloni nhiều khả năng vẫn tin tưởng Romero, bởi Hà Lan được xem là một trong những đội không chiến tốt nhất châu Âu. Sau khi thắng Australia 2-1, tuy được trao giải Cầu thủ hay nhất trận, Lionel Messi đánh giá hai trung vệ Otamendi và Romero mới là những người góp công lớn nhất. Nếu cú sút của Craig Goodwin không chạm vào Enzo Fernandes đổi hướng, có lẽ Argentina đã bước vào tứ kết với ba trận giữ sạch lưới liên tiếp.
Hà Lan là đội duy nhất chơi ba trung vệ trong tám đội vào tứ kết. Đây được xem là sở trường của HLV Louis van Gaal, người từng đưa chiến thuật này trở lại tại World Cup 2014 và gây tiếng vang khi giúp Hà Lan đứng thứ ba. Năm nay, "Cơn lốc màu da cam" thậm chí sở hữu những hậu vệ giỏi hơn tám năm trước, với thủ quân Virgil van Dijk cùng hai trung vệ không cao nhưng rất thông minh Nathan Ake và Jurrien Timber. Sự xuất sắc của bộ ba này khiến Van Gaal mạnh dạn để trung vệ đắt giá Matthijs de Ligt dự bị.
Hà Lan đã thủng lưới hai bàn, một ở trận hòa Ecuador 1-1 tại vòng bảng và một trước Mỹ ở vòng 1/8. Cùng với tuyển Anh, họ là đội thắng nhiều (ba) và thua ít nhất (0) sau bốn trận. Màn đối đầu giữa hàng thủ Hà Lan và hàng công Argentina là một trong những điều đáng chờ đợi nhất ở vòng tứ kết.
Vĩnh San (theo FIFA)