Một màn ảo thuật đỉnh cao thường gồm ba phần, và trận chung kết World Cup 2022 vừa qua có những nét tương đồng với những diễn biến không thể lường trước.
"Mọi trò ảo thuật tuyệt đỉnh đều gồm ba phần, hoặc ba chương hồi. Phần đầu tiên được gọi là ‘bảo chứng’. Ảo thuật gia cho bạn xem một thứ gì đó hết sức bình thường, chẳng hạn: một bộ bài, một con chim hoặc một người đàn ông. Nhà ảo thuật ấy cho bạn xem đồ vật đó. Có thể anh ta còn yêu cầu bạn kiểm tra nó để chắc chắn rằng món đồ ấy là thật, còn nguyên, bình thường. Nhưng tất nhiên... nó không hẳn là vậy. Phần thứ hai được gọi là ‘bước ngoặt’. Nhà ảo thuật lấy đồ vật bình thường kia và biến nó trở nên phi thường. Bấy giờ, bạn sẽ tìm kiếm bí mật... nhưng bạn sẽ chẳng thể tìm thấy, vì thực ra bạn có đang tìm kiếm đâu. Bạn đâu hề muốn biết bí mật đó. Bạn chỉ muốn bị lừa. Nhưng đến đây, bạn và khán giả chưa thể vỗ tay tán thưởng. Bởi vì làm một cái gì đó biến mất là chưa đủ; nhà ảo thuật cần mang vật đó xuất hiện trở lại. Đó là lý do vì sao mọi trò ảo thuật đều có phần thứ ba, cũng là phần khó nhất, mà chúng tôi gọi là 'cao trào'".
Đấy là nội dung lời thoại ngay phần mở đầu và cũng là phần kết thúc của tựa phim điện ảnh đặc sắc nổi tiếng "The Prestige" có tựa tiếng Việt là "Ảo thuật gia đấu trí" vào năm 2006 của đạo diễn tài ba Christopher Nolan, dựa trên tiểu thuyết cùng tên của Christopher Priest. Phim kể về cuộc cạnh tranh và nỗi ám ảnh nghề nghiệp của hai nhà ảo thuật Robert Angier và Alfred Borden, với phong cách kể chuyện theo kiểu đảo lộn trật tự thời gian cùng những nút thắt bất ngờ đầy quen thuộc của Christopher Nolan.
Ba phần "bảo chứng", "bước ngoặt" và "cao trào" của một trò ảo thuật siêu hạng cũng chính là ba chương hồi của trận chung kết World Cup 2022 giữa Argentina và Pháp.
Bảo chứng
Bảo chứng hay sự đảm bảo, là diễn biến suốt hơn một giờ đồng hồ của trận chung kết, khi Argentina áp đảo hoàn toàn thế trận lẫn số cơ hội dứt điểm, và đương nhiên là cả bàn thắng trước Pháp. Đến hết phút 67, Argentina tạo ra chín pha dứt điểm và ghi hai bàn. Trong khi, "Les Bleus" không có lấy một tình huống dứt điểm nào.
Suốt quãng thời gian ấy, viễn cảnh Argentina rồi sẽ lên ngôi trên đất Qatar trở thành điều hiển nhiên. Dường như tất cả đều không mảy may nghi ngờ. Cả hành trình World Cup 2022 của thầy trò Lionel Scaloni trở thành một bảo chứng; một hành trình vượt khó, không nao núng và trưởng thành qua từng trận đấu.
Sự trưởng thành ấy được thể hiện rõ qua sự linh hoạt về đấu pháp chiến thuật lẫn cách sử dụng con người của HLV trẻ tuổi nhất giải đấu.
Trước Pháp, Scaloni khiến tất cả những nhận định và dự đoán đầu trận đều việt vị. Nhiều người dự báo Angel Di Maria sẽ đá chính và cầu thủ của Juventus sẽ vẫn được bố trí đá cánh phải như từ đầu kỳ World Cup. Xếp Di Maria đá cánh phải cũng sẽ là phương án khoét mạnh vào những hạn chế đã được bộc lộ trong hệ thống phòng ngự ở cánh trái của Pháp, bởi thiên thướng dâng cao tấn công của Theo Hernandez và vai trò gần như được giải phóng khỏi nhiệm vụ phòng ngự của Kylian Mbappe. Nhưng không, Scaloni có suy nghĩ khác. Ông xếp Di Maria đá cánh trái, chơi đúng kèo của một tiền đạo cánh thuận chân trái.
Hệ thống nhập cuộc của Argentina về cơ bản là 4-3-3, nhưng với xu hướng dâng lên và lùi xuống tùy từng giai đoạn có bóng – không bóng của Di Maria, hệ thống ấy có lúc trở thành 4-4-2 khi phòng ngự. Trong khi, Pháp vẫn giữ nguyên cấu trúc 4-2-3-1, mà thường trở thành 3-2-5 khi tổ chức tấn công, với Aurelien Tchouameni là tiền vệ đá thấp nhất, Adrien Rabiot di chuyển trục dọc, Theo Hernandez dâng lên rất cao như một tiền đạo cánh và Mbappe bấy giờ di chuyển tự do từ biên trái vào phía trong, và Antoine Griezmann tiếp tục đóng vai một cầu thủ hybrid (lai) linh hoạt dâng lên và lùi về giữa hai tuyến đầu.
Khi Argentina không bóng, Messi như thường lệ luôn được đặc cách khỏi trách nhiệm lùi về hỗ trợ phòng ngự. Điều này, kết hợp cùng việc Di Maria đá cánh trái, dẫn tới một nguy cơ về mặt lý thuyết là cánh phải của Argentina sẽ bị Theo và Mbappe liên kết khoét vào. Khi ấy, vai trò bao quát vùng không gian rộng lớn ở cánh này của Rodrigo De Paul là cực kỳ quan trọng.
Nhưng suốt một giờ bóng lăn tại Lusail, Pháp gần như chỉ có đúng hai lần tạo ra được những pha bóng mà Theo và Mbappe có cơ hội để phối hợp nguy hiểm cùng nhau.
Ngược lại, nước cờ mạo hiểm của Scaloni được đền đáp bằng thành quả không thể tuyệt vời hơn, khi Di Maria trở thành cơn ác mộng trong suốt thời gian anh có mặt trên sân đối với cánh phải của Pháp.
Từ đầu giải cho đến trước trận chung kết, cánh phải nơi hàng phòng ngự của Pháp chưa bị thử thách quá nhiều. Vì vậy, Jules Kounde, người vốn chủ yếu chơi trung vệ lệch phải thay vì hậu vệ phải, cũng chưa gặp quá nhiều vất vả. Nhưng trước Argentina là một câu chuyện khác.
Cách bày binh bố trận của Argentina có nghĩa Messi gần như độc quyền di chuyển tự do vào vị trí ưa thích là khu vực hành lang trong, gần với trung lộ. Phỏng tỏa Messi chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng với bất kỳ đội bóng hay cá nhân nào. Bố trí một-kèm-một với anh cũng là một con dao hai lưỡi, như cách người Hà Lan từng nếm trải ở tứ kết.
Vì lẽ đó, khối hàng thủ bốn người của Pháp luôn có xu hướng co cụm và chơi cự ly hẹp gần nhau quanh vị trí của Messi. Điều này còn xuất phát từ vị trí đứng và sự nguy hiểm trong các pha di chuyển đâm ra sau lưng hàng thủ của tiền đạo Julian Alvarez.
Nếu cả tiền vệ Alexis Mac Allister cũng lựa chọn di chuyển vào khoảng trống giữa hai tuyến tiền vệ và hậu vệ của Pháp, bấy giờ, bộ tứ vệ "Les Bleus" đứng trước nhiều mối nguy phải để mắt. Xu hướng di chuyển đánh chiếm những khoảng trống sau lưng hàng tiền vệ tuyển Pháp của Mac Allister diễn ra thường xuyên trong trận.
Thầy trò Didier Deschamps không trung thành với hệ thống phòng ngự tầm trung theo cấu trúc 4-4-2 quen thuộc. Thay vào đó, họ lựa chọn 4-3-3 với Griezmann hoặc Rabiot hoặc cả hai thường xuyên dâng lên gây áp lực. Bấy giờ, vùng không gian quán xuyến trước mặt hàng thủ của Tchouameni là quá lớn.
Do Pháp tập trung vào những mối nguy ở hai hành lang trong và trung lộ trước sự hiện diện của những Mac Allister, Julian Alvarez và Messi, chính Kounde luôn bị đặt vào thế tiến thoái lưỡng nan. Nhiều lúc, hậu vệ của Barca như rơi vào trạng thái tự hỏi "Có nên dạt ra biên theo kèm Di Maria?". Nếu Kounde theo sát Di Maria ở biên, khoảng trống giữa anh và Raphael Varane sẽ bị kéo rộng, dẫn tới đường chạy lớn đánh vào sau lưng hàng thủ mở ra. Đó là thời cơ cho các pha di chuyển tấn công theo chiều sâu của Mac Allister.
Đến đây, vai trò lui về hỗ trợ phòng ngự của tiền đạo cánh phải Ousmane Dembele là bắt buộc. Nhưng đó chưa bao giờ là công việc mà người đồng đội của Kounde trong màu áo Barca được đánh giá cao.
Dembele không những bị hút sâu vào trong, mà anh cũng dễ dàng để Mac Allister lẻn ra sau lưng. Và khi phòng ngự như vậy, Kounde không thể được giải phóng bớt áp lực. Tất cả trở thành tiền đề cho Di Maria hoành hành bên cánh phải của Pháp, trở thành điểm đến ở biên trong các đường chuyền dài chéo sân từ tuyến dưới, hay các pha hút quân số đối phương về một bên rồi đột ngột chuyển hướng tấn công của Argentina. Kounde liên tục phải xoay cơ thể hướng ra biên và đấu tay đôi với Di Maria. Trong một ngày dù không đạt thể trạng tối đa và cũng được rút khỏi sân sau khoảng hơn một giờ đồng hồ, những gì Di Maria mang đến cho Argentina trở thành lịch sử!
Điểm đáng chú ý trong cách tổ chức tấn công qua cánh trái của Argentina còn là việc hậu vệ cánh trái Nicolas Tagliafico thường xuyên được chỉ đạo di chuyển chéo từ biên vào nách trung lộ, không những trở thành thêm một mối đe dọa trước mặt hàng thủ tuyển Pháp, mà còn giữ vai trò hút theo Dembele. Điều này có nghĩa, Kounde lúc thì phải dè chừng Mac Allister, lúc thì phải để ý Tagliafico. Di Maria nhờ vậy càng có thêm không gian để đánh biên.
Việc phong tỏa, hạn chế tầm ảnh hưởng của Messi không bao giờ là chuyện đơn giản. Ngay cả khi hàng thủ Pháp đã luôn để mắt tới siêu sao người Argentina, anh vẫn tìm thấy những khoảng trống ở không gian ưa thích. Những Tchouameni, Rabiot hay cả Griezmann lùi về hỗ trợ phòng ngự đều không thể khóa nổi số 10. Nhìn rộng ra, tuyến giữa của Pháp đã bị quá tải.
Một Messi được đặt vào vị trí ưa thích, một Di Maria cày nát biên trái, một Mac Allister di chuyển vào hành lang trong ở giữa hai tuyến đối thủ, một Tagliafico ghim lấy Dembele, chính là bức tranh quen thuộc của suốt 60 phút bóng lăn và cũng là mô hình chính xác dẫn tới quả penalty đầu tiên của trận đấu, khi Di Maria bị Dembele phạm lỗi.
HLV Scaloni vạch ra một kế hoạch, đặt từng cá nhân vào vị trí phù hợp để họ tỏa sáng. Nhưng tự thân những cầu thủ Argentina đã có một màn trình diễn nỗ lực và đầy khát khao.
Nếu sức tấn công rõ rệt ở cánh trái của Argentina được định hình chủ yếu bởi vai trò của Di Maria, thì đội bóng của Scaloni luôn cho thấy sự nguy hiểm tiềm tàng với các miếng phối hợp nhóm qua cánh phải. Không chỉ bởi Messi đứng gần khu vực này, không chỉ bởi De Paul luôn sẵn sàng lao nhanh về phía trước, mà còn bởi điểm yếu cố hữu của hệ thống phòng ngự Pháp ở cánh trái. Khoảng trống sau lưng Theo Hernandez cùng cự ly rất rộng giữa cầu thủ của AC Milan với người đồng đội Dayot Upamecao không khác gì lời mời gọi một khi đối thủ say máu dâng lên.
Để rồi, nhát dao thứ hai mà Argentina tung ra trước đối thủ - nhát dao sắc lẹm như cắt gọn miếng bơ - là kết quả sau những lời cảnh báo trước đó. Lần này, là sự kết hợp của những cú chạm tinh tế và gọn gàng từ bộ ba Messi, Allister và Alvarez, tạo nên pha chuyển trạng thái đẹp bậc nhất của kỳ World Cup 2022.
Cả hai bàn Argentina ghi trong hiệp 1 đều đến từ những kịch bản là bài vở hẳn hoi mà họ tạo dựng, chứ không hề là những pha bóng đơn lẻ hoặc mang tính tình huống.
Bước ngoặt
Nếu cách Argentina ghi liền hai bàn trong hơn nửa giờ bóng lăn là "bảo chứng" của trò ảo thuật, mang đến cảm giác về một cái kết được định sẵn, không thể lay chuyển, phản ứng sau đó của Deschamps và tuyển Pháp tạo nên "bước ngoặt".
Hai bàn gỡ hòa trong 97 giây từ Les Bleus chính là phần hai của trò ảo thuật, khi chúng làm cảm giác chuẩn bị được ăn mừng chức vô địch của người Argentina tạm thời biến mất. Bí mật nằm ở đâu?
Nhiều ý kiến rằng việc Scaloni rút khỏi sân Di Maria mới là bước ngoặt. Chất lượng các pha xử lý của Marcos Acuna - người vào thay - là không thể sánh được với Di Maria. Tuy vậy, Acuna khi vào sân vẫn làm công việc tương tự như người tiền nhiệm, ở cùng vị trí. Cấu trúc của Argentina không thay đổi khi sự thay đổi người ấy diễn ra.
Bước ngoặt là sự quyết liệt trong sự thay đổi nhân sự, để rồi sau đó là cả hệ thống của Deschamps. Một HLV từng vô địch World Cup không phải là tay mơ, và Deschamps đã chứng minh như vậy.
Đầu tiên là việc ông rút cả Dembele lẫn Olivier Giroud khỏi sân khi hiệp 1 còn chưa khép lại. Dẫu vậy, hai phương án thay người là Randal Kolo Muani và Marcus Thuram chưa phát huy ngay tác dụng. Sự thay đổi dễ thấy nhất lúc này là việc Mbappe dạt vào trong, chơi ở trung tâm hàng công và Pháp có được pha dứt điểm đầu tiên của Muani, từ tình huống phạt góc.
Tiếp đến là phút 71, dù rõ ràng là cột mốc thời gian này cho thấy lời giải được đưa ra hơi muộn, Deschamps tung thêm Kingsley Coman thay Griezmann, đồng thời đưa Eduardo Camavinga vào đá hậu vệ cánh trái thay Theo Hernandez.
Khi trên sân có cả Muani, Thuram và Coman, cùng Mbappe ngay từ đầu, tuyển Pháp chuyển thành hệ thống 4-2-4. Vì Argentina lúc này chưa kịp phản ứng theo, bộ tứ vệ của đội tuyển Nam Mỹ rơi vào thế một-đấu-một trước bộ tứ tấn công của Pháp.
Từ phút thứ 72 trở đi, Pháp tạo ra thêm chín trong 10 pha dứt điểm của họ cả trận. Đáng nói, từ mốc thời gian này đến hết hiệp phụ thứ hai, Pháp có 10 tình huống chuyền bóng dài và bổng lên khu vực một phần ba sân phía cầu môn đối phương, tận dụng thế quân số đông đảo của hàng tấn công so với hàng thủ Argentina, cũng như cả sức vóc và thể trạng của những cầu thủ này. Trong khi suốt quãng thời gian trước đó, con số này là 6 đường chuyền.
Cả hai bàn gỡ hòa trong thời gian chính thức của Pháp đều có dấu giày của những cầu thủ được Deschamps tung vào sân. Bàn rút ngắn tỷ số 1-2 của Mbappe là quả phạt đền, xuất phát từ chính pha đua tốc độ của cầu thủ vào sân thay người Muani khiến Nicolas Otamendi phạm lỗi. Còn bàn thắng quân bình tỷ số 2-2 cũng của Mbappe được khởi nguồn từ pha đoạt bóng trong chân Messi của Coman, cùng khoảnh khắc mà De Paul không thể lùi về kịp để hỗ trợ phòng ngự phong tỏa Mbappe như vốn dĩ anh đã làm từ đầu trận đấu. Pha phối hợp cùng Thuram mở ra cú vô lê miễn chê của Mbappe.
Cao trào
"Bước ngoặt" xong vẫn chưa đủ tạo nên một màn ảo thuật tuyệt đỉnh, khán giả vẫn chưa thể vỗ tay tán thưởng. Khi cảm giác chiến thắng bỗng chốc tan biến, thầy trò Scaloni đã mang nó trở lại. Đó là lúc cần tới "cao trào", hay sự "khẳng định" thanh thế.
Cái hay của cao trào này là việc Argentina một lần nữa vượt lên và một lần nữa Pháp đưa trận đấu về thế quân bình tỷ số. Nếu bàn gỡ hòa 3-3 của Mbappe từ chấm 11m là hệ quả tình huống Gonzalo Montiel - một trong những sự thay người cuối hiệp phụ thứ hai của Scaloni - để bóng chạm tay trong vòng cấm, thì bàn nâng tỷ số lên 3-2 của Messi cũng đến từ điều chỉnh nhân sự của HLV 44 tuổi.
Khi Scaloni đưa vào sân Leandro Paredes, Enzo Fernandez được đẩy lên cao hơn vì sau lưng anh đã có Paredes bọc lót. Trong khi đó, dù Lautaro vẫn bỏ phí các cơ hội dứt điểm theo cách quen thuộc từ đầu giải, không thể phủ nhận những pha di chuyển không bóng thông minh của cầu thủ này.
Chỉ thi đấu 21 phút, tính đến hết hiệp phụ thứ hai, song Lautaro lại là cầu thủ dứt điểm nhiều thứ hai của Argentina, với bốn lần, chỉ sau năm lần của Messi. Chính từ sự kết hợp giữa Enzo với Lautaro cùng Messi trong một pha phản công, mà Argentina đã ghi bàn.
Những nét chấm phá còn lại của màn cao trào là pha cứu thua đẳng cấp thế giới của Emi Martinez từ cú đá cận thành của Muani, và là loạt đá luân lưu. Trong loạt đá cân não ấy, Messi mở hàng suôn sẻ để rồi các đồng đội tiếp theo của anh cũng sút thành công, còn Emi Martinez lại tiếp tục cứu thua xuất sắc cũng như vận dụng chiêu trò tâm lý hiệu quả một lần nữa.
Ngoài ra, cũng phải kể đến Enzo Fernandez - người không chỉ điều phối ở tuyến giữa, mà còn khôn ngoan trong các pha chạy chỗ không bóng, lẻn ra sau lưng lớp pressing đầu tiên của tuyển Pháp để mở ra cửa thoát từ tuyến dưới. Trong tình huống dẫn tới quả penalty của Argentina, chính Enzo đã di chuyển như vậy, trước khi tung ra đường chuyền khai mào. Hoặc Mac Allister chơi hay ở cả mặt trận tấn công lẫn hỗ trợ phòng ngự, khi khóa chặt Griezmann ở cùng khu vực hoạt động, biến cầu thủ quan trọng bậc nhất kỳ World Cup 2022 của tuyển Pháp trở thành người vô hình trong trận chung kết. Còn De Paul đã lo liệu cả vùng không gian cánh phải của Argentina cũng ở cả hai mặt trận. Mbappe thường xuyên đói bóng trong suốt hơn một giờ đồng hồ, vì luôn được chăm sóc đặc biệt bởi De Paul. Đến khi Argentina tổ chức tấn công, chính De Paul lại lao lên một mạch, sẵn sàng đón lõng những cú trả ngược của đồng đội.
Sau cùng, khi buổi ảo thuật đỉnh cao tại sân khấu Lusail khép lại, khán giả vỗ tay và người Argentina một lần nữa hiện diện trên bục chiến thắng. Argentina trở lại với đỉnh cao chiến thắng không chỉ trong màn ảo thuật trước Pháp, mà còn là sự trở lại sau 36 năm chờ đợi.
Hoàng Thông