Thứ Năm, 25 tháng 11, 2021

Randori - bí quyết thành công của judo Nhật Bản

Dành rất nhiều thời gian để tập randori (đối luyện) đúng cách là một trong những nguyên nhân giúp judo Nhật Bản ngày càng khẳng định được vị trí số một thế giới.

Judo trở thành môn thể thao Olympic từ lâu, và các cường quốc về thể thao đều tham gia môn võ này. Nhưng vị trí số một của Nhật vẫn không thay đổi - dù khi thì "nhất tuyệt đối", khi lại "nhất suýt soát". Lý do thì nhiều, nhưng dễ nhận thấy nhất chính là lối đánh. VĐV judo Nhật đều có kỹ thuật rất cao, không bao giờ lạm dụng sức mạnh, nên ngay cả ở phút cuối cùng của trận đấu, họ vẫn có thể ra đòn tấn công như ở phút đầu tiên.

Ví dụ gần nhất là trường hợp Takanori Nagase, võ sĩ vô địch hạng dưới (-) 81kg tại Olympic Tokyo vừa qua. Đây là hạng cân mà người Nhật gặp khá nhiều khó khăn để có thể trở lại bục cao nhất ở Thế Vận Hội và các giải Vô địch Thế giới, vì quá nhiều hảo thủ châu Âu và Tây Á có ưu thế về thể hình và sức mạnh tập trung vào. Trước Nagase, lần gần nhất judo Nhật Bản có HC vàng Thế Vận Hội -81kg là năm 2000 tại Olympic Sydney với chiến thắng của VĐV Makoto Takimoto.

So với các đối thủ ở cùng hạng cân, Nagase không hề vượt trội về mặt sức mạnh, nhưng anh có cách nắm áo linh hoạt giúp lợi hại khi tấn công, hóa giải hiệu quả những lần ra đòn của đối thủ và tận dụng tốt cơ hội để phản đòn. Những võ sĩ đấu anh, càng về sau, uy lực càng giảm, trong khi đó, nhờ lối đánh này, Nagase không quá "hao" thể lực. Khi ưu thế về sức mạnh của đối thủ không còn, chính là lúc kỹ thuật vượt trội của anh được phát huy để ghi điểm. Tại Olympic Tokyo 2020 hồi tháng Tám, trong 5 trận đấu, Nagase thắng 4 trận ở phần đấu thêm giờ, và trận còn lại thì thắng ở những giây cuối của phần thi đấu chính thức.

Lối đánh đậm chất kỹ thuật giúp Nagase (võ phục trắng) vượt qua nhiều đối thủ nặng ký để giành HC vàng tại Olympic Tokyo hè vừa qua. Ảnh Kyodo News

Dù thắng một cách nhanh chóng hay thắng vào cuối trận, lối đánh của Nagase và các đồng đội đều là kết quả từ cách tập randori "kiểu Nhật", cũng là cách mà Tổ sư Jigoro Kano đã sáng tạo và trở thành một trong những nền tảng quan trọng của judo. Randori, theo đúng nghĩa nguyên thủy, là một phương thức để thầy truyền thụ cho trò, đàn anh hướng dẫn đàn em, để mỗi võ sinh tự học hỏi, thử nghiệm, cảm thụ, định hình kỹ thuật và tiến bộ. Trong randori, người thua vẫn hoàn toàn có thể thắng và ngược lại, người thắng vẫn có thể đã thua - mà - không - biết.

Chuyên san L’Esprit du Judo của Pháp đã mở một diễn đàn nhỏ để các võ sư danh tiếng chia sẻ, phân tích về randori - bí quyết của judo mà người Nhật đang áp dụng rất thành công.

Võ sư Waldemar Legien: "Randori như trò chơi kiểm soát"

Hơi khó để giải thích thật ngọn ngành về randori vì có nhiều khía cạnh để bàn. Bạn có thể tìm thấy mọi thứ về judo trong đó, nếu chịu tìm tòi. Điều đầu tiên, mà ai, dù trình độ nào, đều muốn đạt được khi tập randori là: "Tôi thử xem có làm được không?". Bạn đánh té được đối phương, đương nhiên là bạn thấy hài lòng. Nhưng trong randori, sự hài lòng đúng nghĩa phải là đánh ghi điểm Ippon (điểm tuyệt đối trong judo) một cách "hoàn hảo": đúng tư thế, đúng thời điểm, làm mất thăng bằng được đối phương như ý.

Võ sư Legien, 61 tuổi, 6 đẳng, 2 lần vô địch Olympic ở 2 hạng cân khác nhau. Ông là người Ba Lan nhưng nhiều thập niên qua sống ở Pháp và dạy tại CLB Racing Club de France giàu truyền thống ở Paris.

Vấn đề là muốn làm được như vậy, hay nói chính xác hơn là muốn tập "randori đúng nghĩa" thì bạn phải có một "hành trang" kha khá về kỹ thuật. Nếu kỹ thuật của bạn không đa dạng, bạn không thể thoải mái để thử nghiệm, và sau một hồi loay hoay, bạn sẽ chỉ biết dùng đến sức mạnh. Một nghệ sĩ không thể tưởng tượng bay bổng nếu có góc nhìn quá đơn điệu. Một võ sĩ judo cũng thế. Nếu nhìn vào một giải thi đấu mà các võ sĩ chủ yếu chỉ đấu sức với nhau thì không ổn chút nào! Teddy Riner, có cao lớn thật đấy, có nặng 140kg đấy, nhưng cậu ấy biết cách "chơi đùa" randori với Shohei Ono hay Ilias Iliadis, những nhà vô địch nhẹ hơn tới 50-70 kg. Và Rinner thật sự được nể trọng vì điều này, bên cạnh 10 chức vô địch thế giới.

Vấn đề nằm ở đâu? Ở chỗ có quá nhiều võ sĩ muốn "chiến thắng" trong randori. Nhưng "chiến thắng" trong randori là thế nào? Một võ sinh nhỏ tuổi, té hơn chục lần trong một buổi tập, nhưng té tốt, không bị chấn thương thì cậu ấy không "thắng"? Trong một trận, tôi bị bạn đánh té 3 lần bằng Uchi Mata (một đòn chân của judo), nhưng đến lần thứ tư, tôi tránh được và phản lại, "tỉ số" là 1-3 đấy, nhưng ai là người thắng cuộc? Hai người cùng thua? Hai người cùng thắng? Tập sai cách, không rút ra được gì sau một buổi tập, ngay cả khi thắng đối phương, thì vẫn là thua cuộc. Tôi đến Nhật lần đầu năm 18 tuổi và việc tập luyện ban đầu thật vô cùng khó khăn với tôi. Mỗi ngày, chúng tôi tập 6 giờ. Có một võ sĩ tên Hara, là á quân thế giới, chỉ thua Shozo Fuji, nhưng lúc ấy, tôi nào có biết anh ta là ai. Mà thật ra, tại Nhật, tôi chẳng quen ai cả. Điều tôi quan tâm duy nhất là... số lần Hara đánh tôi té. Một ngày nọ, sau khi bị thua 10 Ippon và trước khi bị thêm 10 Ippon khác, tôi thắng được Hara một... Koka (điểm nhỏ nhất trong thang điểm cũ của judo). Với tôi, đó là một trong những chiến thắng lớn nhất trong đời.

Trở lại với giá trị thật sự của randori: Giúp tiến bộ. Như võ sĩ Hà Lan Sanne Verhagen từng nói: "Trong randori, tôi hạn chế dùng đòn sở trường mà tìm cách đánh những đòn tôi chưa thật sự giỏi. Cứ đánh, không được thì không sao cả. Còn lúc nào khác để áp dụng những đòn mình không giỏi ngoài lúc tập randori? Chắc chắn, bạn sẽ không dùng trong thi đấu chính thức rồi!".Vì sao nhiều võ sĩ tập randori sai cách? Vì trên thực tế, họ không tìm kiếm điều gì cả. Nhiều trung tâm huấn luyện đã trở thành một chiến trường để khẳng định cái tôi, nơi các võ sĩ chỉ nghĩ mỗi chuyện kèn cựa với người khác mà không nhìn xa hơn, không có mục tiêu cụ thể. Và họ có lối nghĩ như thế một phần cũng vì HLV. Ở các trung tâm huấn luyện, điều đáng tiếc là chúng ta có quá nhiều huấn luyện viên nhưng lại rất thiếu những người thầy. Đừng quên, randori là tập luyện. Và chúng ta không phải là nhà vô địch trong tập luyện.

Teddy Riner, từng đoạt 2 HC vàng Olympic, 10 lần vô địch thế giới, thường xuyên sang Nhật tập huấn để có được nhiều buổi tập randori chất lượng. Ảnh: AFP

Chính vì lúc nào cũng muốn thể hiện bản thân, nên nhiều võ sĩ không phân biệt được đâu là randori, đâu là giải đấu mang tính quyết định. Khi tập luyện randori, đừng nên nghĩ rằng nếu đấu một trận mà té hai lần là rất tệ, từ đó cứ chăm chăm thủ, gồng cứng, dùng sức mạnh để "trấn áp" đối phương... Kết quả của kiểu đấu này là... chẳng ai làm gì được ai. Và khổ ở chỗ, các võ sĩ ngày càng khỏe hơn. Ở một góc độ nào đó, tập thể lực quá nhiều đang giết chết judo, thay vì là công cụ để bổ trợ cho judo. Việc các võ sĩ lạm dụng sức mạnh trong thi đấu, và nhất là trong randori, sẽ dẫn đến một thứ judo rất nghèo nàn.

Tôi có dịp dự một đợt tập huấn quốc tế, trong buổi tập, một võ sĩ trẻ Nhật Bản tấn công được 40 lần. Trong 40 lần đó, 10 lần em đánh té được đối phương và bị phản 5 lần, những lần còn lại tấn công mà không ghi điểm. Hết buổi tập, một võ sĩ trẻ của Pháp vào và nói với bạn: "Người Nhật cũng chẳng ghê gớm gì lắm". Cậu ấy không thua, nhưng trong suốt 2 giờ chắc chỉ xoay lưng ra đòn được chừng năm lần. Trong khi đó, chỉ trong một buổi tập, võ sĩ Nhật đã tiến bộ rất nhiều. Một năm, em có thể té cả ngàn lần trong các trận randori, nhưng sau này, em có thể vô địch thế giới.

Randori giống như một "trò chơi về kiểm soát", và chơi với hai người. Đương nhiên, randori có nhiều kiểu "chơi", từ rất cởi mở đến đối kháng gần như thi đấu, thầy cô cũng có thể ra các chủ đề khác nhau cho một số buổi tập... Nhưng, điều cần nhắc nhở học trò là phải học hỏi từ bạn tập của mình. Làm sao có thể tập cách né rồi phản đòn bằng Harai Goshi (đòn hông) nếu không để cho đối phương tấn công trước? Làm sao hiểu làm thế nào bạn mình đánh Sasae Tsuri Komi Ashi (đòn chân) hay đến thế, nếu cứ gồng cứng, thẳng tay hoặc không cho bạn nắm áo? Vậy nên trong randori, chỉ cần tránh né, kiểm soát bằng cách nắm áo, vẫn có thể dùng sức mạnh khi cần thiết, nhưng tuyệt đối đừng lạm dụng. Hãy để cho cơ thể thật sự cảm nhận được nhiều tình huống khác nhau, dần dần mới có được phản ứng phù hợp và đa dạng. Hãy học cách cảm nhận đối phương ngay từ giây phút đầu nắm áo.

Võ sư Lionel Langlais: "Một năm rưỡi chỉ toàn té!"

Võ sư Langlais 68 tuổi, 6 đẳng, cựu huấn luyện viên đội tuyển Canada. Ông từng sang Nhật từ năm 1974-1976 để thọ giáo võ sư Isao Okano - người nhẹ cân nhất, chỉ khoảng 80 kg, từng vô địch Giải Zen Nihon không kể cân toàn Nhật Bản. Võ sư Langlais thị phạm kỹ thuật trong một buổi tập huấn ở Quetigny, Pháp. Ảnh: Le Bien Public

Tôi may mắn được sang Nhật vào năm 22 tuổi. Những buổi đầu tiên, tôi đã rất ấn tượng khi chứng kiến mọi người có thể tập luyện thật lâu mà không tỏ ra mệt mỏi. Đó là lúc tôi hiểu ý nghĩa của "seiryoku zenyo" (sử dụng năng lượng một cách hiệu quả nhất). Người Nhật tập judo nhìn rất tự nhiên, nhẹ nhàng vì họ không thường xuyên dùng sức mạnh của bản thân. Những bạn tập randori với tôi không hề "thả" để đối phương thắng, nhưng họ hoàn toàn chấp nhận rủi ro, ưu tiên cho tấn công, không ngại bị phản đòn, tìm cách di chuyển linh hoạt, nắm bắt và thích nghi với lối đánh của đối phương. Nguyên tắc ở đây là khẳng định mình không phải để chứng tỏ mình là số một mà để cả hai cùng tiến bộ. Họ muốn đánh té bạn, nhưng họ không ngại đánh một cách cởi mở và sẵn sàng té nếu đòn của bạn đánh tốt - đúng thời điểm, làm mất thăng bằng được đối phương.

Phải thừa nhận rằng trong suốt một năm rưỡi, tôi toàn té. Nhưng chính cách tập luyện này đã làm tôi vô cùng hứng thú và luôn cố gắng hết mình. Một điều quan trọng nữa là tôi đã hiểu, bị đánh té trong randori không bao giờ đồng nghĩa với thất bại mà là cách để học hỏi, giúp tôi tự điều chỉnh để di chuyển tốt hơn, tránh né tốt hơn, kiểm soát tốt hơn, xác định được những điểm còn dở của mình để khắc phục. Bước vào võ đường tập luyện, bạn phải quẳng "cái tôi" đi, và hãy quên chuyện "bắt buộc phải chiến thắng". Bởi mục tiêu thật sự của randori không phải là chiến thắng người khác mà là chiến thắng bản thân.

Một điểm khác cũng rất quan trọng trong randori là kumi kata (cách nắm áo). Kumi kata của người Nhật rất hay, nhưng trong randori, kumi kata không bao giờ dùng để "khóa cửa" mà dùng để cảm nhận đối phương, kiểm soát tình thế và tấn công. Chỉ cần nắm áo, họ đã có thể "hiểu" được người đối diện, nhanh và hiệu quả hơn cả nhìn. Họ không bao giờ gồng cứng tay, dùng sức mạnh để khóa đối phương. Khi trận đấu cởi mở thì cả hai sẽ cùng có nhiều cơ hội để tấn công, "mở" cho người nhưng hơn hết, chính là "mở" cho mình.

Võ sư Hiroshi Katanishi: "Khả năng thích nghi với đối phương"

Võ sư Katanishi 68 tuổi, 8 đẳng, xuất thân từ CLB Judo của Đại học Tenri nổi tiếng của Nhật. Ông sống ở Thụy Sĩ từ nhiều thập niên qua và hiện là chuyên gia của Liên đoàn Judo châu Âu. Ảnh: Judoclub Reinach

Ở Nhật, randori, uchi komi (bài tập lặp đi lặp lại các động tác của một kỹ thuật), nage komi (bài tập đánh té) là những nền tảng quan trọng nhất để tiến bộ. Mục đích của randori là áp dụng kỹ thuật đã học với nhiều đối thủ khác nhau về mọi mặt: thể trạng, tính tình, trình độ... Giá trị đầu tiên thu nhận được nếu tập đúng "tinh thần randori" chính là khả năng thích nghi với đối phương. Nếu người đấu chung nhỏ tuổi hơn, trình độ thấp hơn, yếu sức hơn thì "liệu cơm gắp mắm". Bạn có thể đánh té đàn em rất nhiều lần, có thể đánh rất mạnh nhưng không phải để "dằn mặt" mà để truyền thụ, để người ấy biết mình yếu ở điểm nào và cảm nhận được kỹ thuật tốt, thực hiện chuẩn là thế nào. Đương nhiên, trong lúc tập, bạn cũng sẵn sàng chỉ dẫn, hoặc tạo tình huống để một đai trắng có thể đánh được đòn sở trường một cách phù hợp nhất. Với hai người có trình độ ngang nhau, có thể việc đánh té đối phương sẽ không dễ dàng, nhưng khi bạn làm được thì cả bạn lẫn đối phương đều thu được những thông tin rất bổ ích

Tôi nhớ, khi còn ở Nhật, một lần, tôi được xem Ryoko Tamura - khi ấy mới khoảng 14 tuổi - tập randori với thầy - võ sư Sonoda. Thầy Sonoda khoảng 70kg, nặng hơn Tamura nhiều, nhưng "định lượng" sức mạnh một cách hoàn hảo. Trong lúc đấu, thầy té nhiều lần, nhưng mỗi một lần là một tình huống khác nhau trong đối kháng. Bạn có thể thấy ngay, Tamura đã được xây dựng nền tảng bằng cách này qua từng buổi tập, và từ cái nền đó, cô đã trở thành một huyền thoại của judo - 2 HC vàng Olympic, 7 lần vô địch thế giới).

Randori là một cuộc đối thoại. Khi đối thoại, chúng ta phải lắng nghe, để người khác nói, và đến lượt mình thì đưa ra luận điểm, tìm cách thuyết phục, cả hai cùng trao đổi. Randori luôn là niềm vui được gặp gỡ. Judo là randori.

Võ sư Daniel Pinatel: "Không phải là đối thủ mà là bạn tập"

Võ sư Pinatel, 78 tuổi, 7 đẳng, là chuyên gia về đào tạo của Liên đoàn Judo Pháp.

Randori rất thường bị hiểu sai và bị thực hành sai. Đó là điều đáng tiếc. Mới đây, tôi có dịp sang Đại học Tokai, "lò" judo hàng đầu của Nhật. Và thật tuyệt vời khi được xem những võ sĩ trình độ cao của trường này luyện "randori thứ thiệt"! Chỉ cần đi một vòng xem thử các võ sinh nhỏ tuổi ở Nhật tập ở CLB, bạn sẽ hiểu vì sao khi đạt được trình độ cao như sinh viên Tokai, họ có thể đấu liên tục 20 trận randori một cách thoải mái. Vì ngay từ nhỏ, các em đã được học rất nhiều kỹ thuật, học thế nào là làm mất thăng bằng và học là randori thì phải cởi mở, phải tấn công, phải di chuyển... Còn hai người ra đấu mà chỉ chăm chăm gồng cứng, thủ, sợ té, sợ thua thì cuối cùng chẳng ai tấn công được, chẳng ai di chuyển linh hoạt, chẳng ai làm mất thăng bằng ai...

Ở Pháp, nhiều bạn trẻ khi tập randori lập tức xem nhau là "đối thủ". Nhưng randori là đối luyện giữa hai "bạn tập"! Bạn tập, chứ không phải là đối thủ, tôi luôn nhắc nhở học trò mình như thế. Khi hiểu được điều này, bạn sẽ tập randori theo đúng tinh thần của randori: Tôn trọng nhau, tiến bộ bằng cách giúp bạn tập cùng tiến bộ, ngay cả khi mình thắng Ippon bạn. Randori là để thử nghiệm, để hoàn thiện kỹ thuật và hệ thống tấn công của mỗi người.

Với học trò, khi cho tập randori, tôi đặt ra nguyên tắc: muốn nắm áo thế nào, kiểu nào thì tùy, nhưng phải để bạn tập nắm áo như ý muốn. Chúng ta không đổi cách đánh của mình vì đối phương nhưng phải thích nghi được với sở trường và cách đánh của đối phương. Đừng gồng cứng tay, vì khi không gồng mới mềm dẻo để tấn công hiệu quả hơn và tránh né cũng dễ dàng hơn. Ngoài ra, chấp nhận rủi ro khi không gồng cứng, để đối phương tấn công thì bạn cũng sẽ cảm nhận được tốt hơn lối đánh của người ấy và tìm được cách ra đòn phù hợp hơn.

Cá nhân tôi thì ít cho võ sinh đai trắng tập randori, vì các em chưa có đủ kỹ thuật, chưa hiểu biết và chưa đủ tự tin để tập đối luyện cho đúng cách. Đai trắng sẽ được tôi rèn kỹ về kỹ thuật, cho tập nhiều uchi komi, nage komi, tập cách di chuyển... Khi tôi cảm thấy một đai trắng có nền tảng kỹ thuật tương đối ổn, tôi bắt đầu cho tập randori với võ sinh có cấp đai cao, biết cách "định lượng" và thích nghi với sự vụng về của bạn tập. Tôi cũng hay cho học trò bịt mắt để tập randori, vì khi bị hạn chế một giác quan, các em sẽ học cách cảm nhận nhiều hơn với những giác quan khác, đặc biệt là với những "thông tin" có được khi nắm áo.

Adblock test (Why?)

Unknown

About Unknown

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :