Thứ Tư, 27 tháng 10, 2021

Yến Hoàng - đoá hồng gốc Việt của điền kinh Paralympic Mỹ

Không nhiều người Việt Nam chạy đua và thắng các đối thủ phương Tây trên đường chạy điền kinh, nhưng VĐV khuyết tật Yến Hoàng là một ngoại lệ.

Cô gái Việt kiều này góp mặt trong đội tuyển điền kinh Paralympic Mỹ thi đấu tại Olympic Tokyo và vào tới phần thi chung kết nội dung 800m xe lăn. Chỉ một tháng sau khi trở về từ Nhật Bản, Yến Hoàng (Yen Hoang) lại tranh tài ở Chicago Marathon hôm 10/10 và giành HC bạc nội dung xe lăn, chỉ chịu thua Tatyana McFadden - VĐV từng tám lần vô địch giải đấu này. Và một ngày sau đó, cô tiếp tục có mặt trên đường đua Boston Marathon danh giá và giành HC đồng.

Yến Hoàng trước cuộc thi chung kết 800m xe lăn Paralympic Tokyo 2020 hè vừa qua. Ảnh: NVCC

Yến Hoàng trước cuộc thi chung kết 800m xe lăn Paralympic Tokyo 2020 hè vừa qua. Ảnh: NVCC

Yến sinh năm 1997 tại TP HCM và cùng gia đình di cư sang Mỹ khi lên 3 tuổi. Ngay sau đó, cô bé được chuẩn đoán mắc hội chứng cauda equina - hội chứng tổn thương bó dây thần kinh ở phần cuối của tủy sống, khiến Yến phải gắn bó với chiếc xe lăn khi mới 4 tuổi.

Khuyết tật này khiến bố mẹ Yến lo lắng cho tương lai con gái. Nhưng với Yến, việc không được dùng đôi chân chẳng ảnh hưởng tới niềm tin vào cuộc sống và khả năng của bản thân. Như để chứng minh cô có thể làm được mọi thứ một cách bình thường, Yến tìm đến với thể thao từ rất sớm. Cô tham gia đội bóng rổ xe lăn của trường trung học cơ sở. Dù từng cùng đội tuyển của trường dự giải VĐQG tuổi thiếu niên, Yến tự thấy cô không quá xuất sắc trong môn thể thao này. Nhưng cũng nhờ chơi bóng rổ, Yến cảm nhận rõ hơn về tốc độ của bản thân, nên quyết định chọn điền kinh để gắn bó khi lên cấp ba. Sau đó, cũng nhờ điền kinh, Yến được nhận học bổng thể thao để tiếp tục theo học tại trường ĐH Illinois Urbana-Champaign.

Với bộ môn điền kinh, Yến bắt đầu gặt hái được những thành công nhất định trên đường chạy ở cấp độ trường học và quốc gia. Và tới năm 2015, Yến lần đầu tham gia đấu trường châu lục tại giải Parapan American Games ở Canada. Parapan American Games, tương tự Olympic và Paralympic nhưng ở quy mô châu lục, là giải thể thao người khuyết tật được tổ chức bốn năm một lần với sự tham gia của các quốc gia châu Mỹ. Nhưng cũng phải tới năm 2019 Yến mới giành được tấm HC vàng châu lục đầu tiên ở cự ly đua 800m xe lăn tại giải Parapan American Games tổ chức tại Lima, Peru. Trong cùng giải đấu đó, Yến còn giành HC bạc 400m. Thành công này là cơ sở để Yến đặt mục tiêu cao hơn - chinh phục Paralympic Tokyo 2020.

Giành vé dự Paralympic là thành tựu lớn nhất trong sự nghiệp điền kinh của Yến Hoàng. Ảnh: US Paralympic Team

Giành vé dự Paralympic là thành tựu lớn nhất trong sự nghiệp điền kinh của Yến Hoàng. Ảnh: US Paralympic Team

Paralympic là giải đấu lớn nhất hành tinh của người khuyết tật, và Yến không phải là ngoại lệ. Cô chú tâm luyện tập sáu ngày mỗi tuần, kèm thêm hai buổi tập gym để bổ trợ thân trên và lực tay. Khi Paralympic bị hoãn do Covid-19, thay vì buồn phiền, Yến lại cảm thấy may mắn vì có thêm thời gian để hoàn thiện kỹ thuật đua xe. Khác với chạy bộ, điền kinh bằng xe lăn cần nhiều kỹ thuật đặc thù như cách đẩy bánh xe, điều khiển xe... Nhờ có thêm một năm để tự rèn giũa ấy, cô gái Việt kiều lọt vào top 5% VĐV đạt thành tích tuyển chọn cao nhất ở Mỹ, qua đó giành suất vào đội tuyển quốc gia dự Paralympic Tokyo hè vừa qua.

Dù chưa thể lên bục podium tại Tokyo, ở tuổi 24, Yến chắc chắn còn nhiều cơ hội. Và kỷ lục cá nhân (PB – personal best) lập được ở cự ly 800m xe lăn tại Tokyo như minh chứng cho sự tiến bộ không ngừng và cơ hội đó. Sau khi giành tấm HC bạc nội dung full marathon (42,195 km) cho xe lăn tại Chicago Marathon với thành tích 1 giờ 50 phút 14 giây, và HC đồng tại Boston Marathon với 1 giờ 51 phút 24 giây, Yến cho biết sắp tới sẽ tham gia New York Marathon vào ngày 03/11/2021 và rồi Boston Marathon 2022 vào tầm tháng Tư tới. Cả ba giải kể trên đều là những giải danh giá, thuộc hệ thống sáu giải lớn nhất hành tinh - World Marathon Majors.

Tuy nhiên, các cự ly ngắn mới là cái đích cô hướng đến. "Với đặc thù của môn điền kinh xe lăn, tôi có thể tham gia rất nhiều cự ly khác nhau, từ 400m tới marathon 42,195km mà không cần thay đổi quá nhiều đối với giáo án hiện tại. Nhưng tôi vẫn muốn gắn bó với cự ly ngắn 400m và 800m sở trường. Mục tiêu cao nhất tiếp theo của tôi là giành huy chương tại giải vô địch thế giới điền kinh sẽ diễn ra tại Nhật Bản vào tháng 11/2022", Yến kể với VnExpress.

Theo VĐV xe lăn 24 tuổi này, thành công của cô không đến từ tố chất thể thao hay sức mạnh bẩm sinh, mà là kết quả từ nỗ lực luyện tập bền bỉ không ngừng nghỉ. Và song song với việc chinh phục các mục tiêu thể thao, Yến còn thành công cả trong con đường học vấn. Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành tài chính - kế toán ở Đại học Illinois, cô hiện đầu quân cho bộ phận thuế của KPMG - một trong bốn công ty kiểm toán hàng đầu thế giới.

Dù công việc chiếm rất nhiều thời gian, Yến luôn cố gắng dậy từ 6h sáng mỗi ngày, và đến sân tập của trường Đại học Illinois - nơi cô tập cùng đồng đội tới 9h. Sau đó, Yến mới tới công ty làm việc đến chiều. Sau buổi tập trong phòng gym buổi chiều, cô tranh thủ làm nốt công việc vào buổi tối rồi lên giường ngủ từ 21h. Đều đặn như vậy mỗi ngày.

[Caption] àd

Nụ cười toả nắng của Yến Hoàng trên đường đua 800m xe lăn nữ tại cuộc thi tuyển chọn VĐV Mỹ dự Paralympic Tokyo 2020. Ảnh: Wheelchair Sports Federation / Michael Clubine

Khi được hỏi vì sao phải nỗ lực tập luyện và làm việc như vậy, Yến cho biết cô luôn có một ý chí kiên định, sắt đá là chứng minh cho mọi người rằng những người khuyết tật cũng có thể làm và thành công như những người bình thường, kể cả trong thể thao hay trong công việc. Với Yến, cố gắng và nỗ lực chính là chìa khoá giúp cô gái bé nhỏ, mang dòng máu Việt Nam này đánh bại các đối thủ Âu, Mỹ có tố chất điền kinh hơn.

Minh Quang

Adblock test (Why?)

Unknown

About Unknown

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :