Ngay cả penalty cũng không ân sủng Barca, khi Memphis Depay sút hỏng trong trận gặp Rayo Vallecano ở La Liga tối 27/10. Gã khổng lồ Catalonia một lần nữa sụp đổ, còn số phận của Ronald Koeman cuối cùng cũng được định đoạt.
Thất bại 0-1 tại Vallecas, lẫn những kết quả tồi tệ từ đầu mùa giải của Barca nói chung, chẳng thể bào chữa bằng vận may. Một khi bạn không giỏi, may mắn dẫu có tìm đến cũng không cứu vớt nổi.
Bất kể đối thủ là ai, sân nhà hay sân khách, bất kể cái tên nào được lựa chọn, lối chơi của Barca vẫn vậy. Không sức sống, dễ vỡ, buồn bã và tinh thần rệu rã. Barca như một con thuyền long đong ngoài biển mà không có hoa tiêu. Đến cuối cùng, Chủ tịch Joan Laporta biết ông phải làm gì.
Cách đây vài ngày, 45 phút đầu tiên của Barca trước Real tại Camp Nou không hề thảm họa, ngoại trừ cú sút cận thành lên trời của Sergino Dest. Cách tiếp cận của Real hôm đó không có gì đặc sắc. Công thức hết sức đơn giản: Phòng ngự với khối đội hình thấp 4-5-1 hoặc 5-4-1, sau đó phản công nhanh thông qua cửa thoát Vinicius. Và người Madrid thành công với kế hoạch đó bằng chiến thắng 2-1.
Trận El Clasico vì thế như một thước phim cũ của cách đây cả thập kỷ, với tiết tấu chậm, không phảng phất thứ bóng đá pressing hiệu quả như Real thời Zinedine Zidane từng tạo ra trước Barca, và lại càng rời xa dòng chảy đương thời của bóng đá châu Âu.
Nhưng sau tất cả, với một đội bóng cần kết quả để cứu rỗi niềm tin và tia hy vọng như Barca, thất bại vẫn là thất bại và nhìn toàn cục 90 phút, trận đấu ấy không mang lại bất kỳ sự tiến bộ nào ở tính hệ thống lẫn lối chơi. Vả lại, một thất bại trước đối thủ không đội trời chung luôn để lại những hệ lụy lớn gấp bội.
Laporta có vẻ vẫn lưỡng lự, cho đến khi Radamel Falcao của Rayo Vallecano ghi bàn duy nhất tại Vallecas, quãng thời gian chờ đó kết thúc. Ngay trong đêm, một cuộc họp khẩn giữa các thành viên trong ban bệ Barca được tổ chức. Tất cả cùng chờ phán quyết được ra. Không lâu sau, đúng 5h02 phút sáng nay theo giờ Hà Nội, trang chủ Barca phiên bản tiếng Catalan xác nhận việc sa thải Koeman. Nội dung thông báo còn cho biết đích thân Chủ tịch Laporta đã truyền đạt quyết định này đến HLV người Hà Lan. Hôm nay, Koeman sẽ gặp mặt, nói lời chia tay các cầu thủ tại Trung tâm tập luyện Ciutat Esportiva Joan Gamper.
Vậy là hết, chấm dứt hơn một tháng đồn đoán và dự báo về tương lai của Koeman tại Camp Nou.
Một Koeman liều mình vì Barca
Triết gia Cicero từng kể một câu chuyện ngụ ngôn vào năm 45 TCN về vị vua Dionysius sống trong nhung lụa và cao sang, nhưng luôn lo sợ kẻ thù ám hại. Một ngày nọ, tên nịnh thần Damocles ca thán rằng "Cuộc sống của vua Dionysius hạnh phúc biết bao". Thế là y được trao cho vận may thử kiếp sống của một vị vua. Nhưng Damocles chợt nhận ra, ngay trên đầu luôn là một thanh gươm treo lơ lửng chỉ bằng một sợi lông ngựa.
Khó có thể nói ghế HLV trưởng Barca là một vị trí hấp dẫn lúc này, bởi vị thế CLB không còn như xưa, cùng những vấn đề tài chính nội tại đẩy đội chủ sân Camp Nou vào giai đoạn lầm than. Nhưng với một huyền thoại CLB như Koeman, được trở về dẫn dắt đội bóng cũ, nơi tên tuổi ông từng được tạc vào lịch sử khi giúp mang về chiếc Cup C1 đầu tiên cho CLB, luôn là một khát khao khó cưỡng. Koeman đã sẵn sàng từ bỏ ghế HLV trưởng Hà Lan để nghe theo tiếng gọi từ Chủ tịch khi đó Josep Maria Bartomeu. Có lẽ ngày đó, Koeman cũng hiểu ngay trên đầu ông là một thanh gươm Damocles đang treo lơ lửng.
Thành công đi kèm rủi ro và dám chấp nhận mạo hiểm. Nhưng so sánh thiệt hơn cùng giá trị cơ hội, Koeman đã thật sự liều lĩnh và nếu có điều gì đó xứng đáng để nhà cầm quân người Hà Lan nhận được sự tôn trọng, đó chính là ông đã dám đánh đổi tất cả để nhảy vào dầu sôi lửa bỏng tại Camp Nou.
Có thể, Koeman không lường trước những gì chờ đợi ông ở CLB cũ lại rối ren và hỗn độn đến vậy. Từ bức bình phong mang tên Lionel Messi, bằng tài năng xuất chúng che lấp đi những lở loét về mặt lối chơi của tập thể Barca; cho đến cái hố sâu thăm thẳm của nền tài chính CLB chỉ được bóc trần trong sự ngỡ ngàng của chính tân Chủ tịch Laporta về sau. Thử hỏi ngày đó, có ai dõng dạc tin rằng Barca lại rơi vào sự lụn bại sâu đến vậy.
Simon Kuper, ký giả nổi tiếng người Anh với nhiều đầu sách bóng đá hàng đầu, khi thực hiện cuốn sách mới nhất mang tên "Barca: The Inside Story of the World’s Greatest Football Club" đã phải thốt lên rằng: "Khi tôi bắt đầu những nghiên cứu, tìm tòi, tôi cứ nghĩ mình sẽ viết về sự trỗi dậy thành một thế lực vĩ đại của Barca. Nhưng đến cuối cùng, tôi phải nói về sự thoái trào và sụp đổ của CLB này."
Nếu cầm trên tay quyển sách này, người ta có thể hiểu cái mộng tưởng của Simon Kuper đã tiêu biến thế nào. Xuyên suốt bốn chương đầu tiên, ông viết về những điều vĩ đại của CLB xứ Catalonia. Nhưng có lẽ, kế hoạch của ông bị đảo lộn, để rồi chương cuối cùng buộc phải nói về sự suy tàn của một đế chế.
Những trang cuối, Kuper kể lại kỷ niệm khi theo dõi trận lượt về vòng 1/8 Champions League mùa giải trước giữa PSG và Barca. Hy vọng ngày ấy với đại diện Tây Ban Nha rất nhỏ, sau trận thua 1-4 ở lượt đi. Nhưng ít ra, trong trận lượt về, nhất là trong 45 phút đầu tiên, những người Barca tìm thấy ánh sáng lạc quan. Kết quả 1-1 không đủ để ánh sáng kia dẫn lối Barca. Lần đầu tiên từ năm 2007, Barca dừng bước trước vòng tứ kết tại Champions League.
Kuper tự hỏi liệu bản thân lúc đó đã chứng kiến sự sụp đổ của Barca? Ông có những niềm hy vọng rằng câu trả lời là không, nhưng nỗi ngờ vực lại quá lớn. Chưa bao giờ Barca trở thành một đội bóng một người lớn đến vậy, FC Barcelona đã trở thành FC Messi với căn bệnh Messidependencia (Sự phụ thuộc vào Mess) trầm trọng hơn bao giờ hết và gần như vô phương cứu chữa.
Nếu cuốn sách ấy ra mắt muộn hơn, có lẽ Kuper đã kết lại một cách chắc nịch. Đúng thế, Barca đã sụp đổ. Và đồng thời, để chấm dứt căn bệnh phụ thuộc Messi, đội bóng này quyết định chọn giải pháp đau đớn nhất, là nói lời chia tay người thủ quân của họ hè 2021.
Sự chia tay được báo trước
Giữa tháng 2/2021, sau khi thua PSG 1-4 ở lượt đi vòng 1/8 Champions League, Koeman nói trong họp báo rằng: "Tôi đã nói vài lần rằng chúng tôi đang đi đúng hướng. Sergino Dest, 20 tuổi, trong 4 năm nữa sẽ xuất sắc hơn nhiều. Pedri, ở tầm tuổi này đã thật sự xuất sắc, trong 5 năm nữa cậu ấy sẽ hay hơn bất kỳ một tiền vệ nào của PSG. Barca của hiện tại thiếu đi nhiều thứ, nhưng đây chưa phải là dấu chấm hết. Có vẻ như chỉ mình tôi là người thực tế."
Lời nói của kẻ bại trận không bao giờ có trọng lượng. Nhưng một vài điều trong câu nói của Koeman không phải không có cơ sở. Kỳ Euro 2021 phần nào đã cho thấy, Pedri thật sự có triển vọng. Nhìn vào Pedri nói riêng và những gương mặt trẻ khác của Barca nói chung lúc này, người ta nhìn thấy tương lai.
Nhưng Barca của những ngày tháng mới với nhiều gương mặt trẻ từ La Masia không đủ lông đủ cánh để sống mà thiếu đi hơi thở của Messi. Khoản nợ kỷ lục 1,136 tỷ euro được công bố đầu tháng 10 khiến Barca đồng thời mất đi sức mạnh trên thị trường chuyển nhượng để mang về những tân binh chất lượng. Họ vì thế lao đao trong chính tình hình nhân sự của đội bóng.
Ngày 21/9, khi tiếng còi kết thúc vang lên sau phút 90+6 tại Camp Nou, những âm vang của bài hát truyền thống "Cant del Barca" cũng không đủ sức át đi những tiếng huýt sáo của khoảng 27.000 CĐV. Hôm ấy, Barca hòa Granada 1-1. Đó không phải là cách để xua đi dư âm của trận thua 0-3 toàn diện trước Bayern Munich. Càng không phải là cách để xoa dịu đám đông thất vọng bằng một thứ bóng đá tạt cánh đánh đầu với 54 quả tạt.
Tròn 2 tháng qua, trải qua 10 trận trên mọi đấu trường, Barca chỉ giành được ba chiến thắng, còn lại là hai trận hòa và năm thất bại. Bản thân những kết quả đã là một sự cảnh báo, nhưng cách đội bóng này thi đấu mới khiến tất cả thất vọng. Sau trận thua Real, Koeman đã rời Camp Nou trong sự bủa vây tức giận của các CĐV nhà.
Việc Barca có những thời điểm như trước Bayern hay Benfica chuyển sang đá với hệ thống ba trung vệ, hay áp dụng hệ thống 4-2-3-1 trước Atletico, thay vì tiếp tục tôn sùng 4-3-3 nằm trong mong muốn thay đổi của Koeman. Song, những lần thay đổi đó đều chỉ mang về những trận thua.
Koeman từng giải thích rằng đã qua cái thời Barca của những năm về trước, chất lượng đội hình hiện tại, cùng những ca chấn thương không còn cho phép đội bóng chơi thứ bóng đá tiki-taka trứ danh. Đồng ý rằng thực tế ấy không thể phủ nhận, nhưng việc tuyên bố lứa cầu thủ hiện tại không thể chơi theo thứ bóng đá truyền thống là một sự phủ nhận với giá trị của La Masia. Trong khi, đó lại chính là thứ mà Laporta từng tuyên bố muốn đề cao.
Lối chơi tiki-taka tại Barca từng thành công vang dội khi đội bóng còn được dẫn dắt bởi Pep Guardiola. Laporta từng là Chủ tịch CLB nhiệm kỳ đầu trong giai đoạn đó và ông luôn bị ám ảnh bởi quá khứ ấy.
Hình ảnh của những Eric Garcia, Sergio Busquets hay Gavi trong màu áo tuyển Tây Ban Nha của Luis Enrique càng cho thấy, thứ bóng đá mang bản sắc "juego de posicion" vẫn có đất diễn và có thể gặt hái thành công nếu một hệ thống kiểm soát bóng chặt chẽ và đồng bộ được xây dựng. Ngược lại, cũng những cá nhân này trở về màu áo CLB, vừa không phát huy được những điểm mạnh, đồng thời những điểm hạn chế về kỹ năng trong lối chơi lại bị phơi bày và được đối phương khai thác triệt để.
Rõ ràng, nếu Laporta tìm kiếm một tham chiếu để đánh giá Koeman, ông dễ dàng chỉ vào Luis Enrique – một người cũ của chính Barca.
Garcia Pimienta, người từng dẫn dắt đội U19 của Barca vô địch giải trẻ UEFA Youth League năm 2018 và dẫn dắt đội Barca B cho đến hết mùa giải trước, từng nói một điều đáng suy ngẫm về Koeman và Barca hiện tại: "Vấn đề của Barca trước Bayern là đội bóng đã chơi một thứ bóng đá chưa từng có ở khía cạnh phòng ngự, còn trước Granada là một thứ bóng đá chưa từng có ở khía cạnh tấn công. Các cầu thủ ở Barca không quen với những điều đó, họ không biết chơi phòng ngự như trước Bayern, và không cũng không biết chơi tấn công theo kiểu tạt bóng như trước Granada. Koeman là một người có ý tưởng bóng đá, ông ấy muốn giành chiến thắng và sẽ làm mọi cách ông ấy nghĩ là tốt nhất để đạt được điều đó. Xét ở khâu tấn công lẫn phòng ngự, chúng ta sẽ không được thấy một Barca quen thuộc mà ai nấy cũng mong muốn."
Điều đó có nghĩa, Barca hiện tại là một bức tranh nửa nạc nửa mỡ, dẫn đến các cá nhân trên sân mất phương hướng. Chất lượng nhân sự có thể không bằng như trước, nhưng đấy vẫn là một tập thể có những ngôi sao. Thất bại 0-1 trước một Rayo Vallecano vừa thăng hạng mùa này với tên tuổi dễ dàng nhận biết nhất chỉ có Radamel Falcao, trở thành giọt nước tràn ly. Barca đã ở dưới đáy rồi.
Cái ly ấy vốn đã đầy từ chính sau trận thua 0-3 trước Bayern và trận hòa 1-1 trước Granada. Cụm từ "án trảm" dành cho Koeman từng xuất hiện dày đặc trên các trang báo Tây Ban Nha bấy giờ. Nhưng vì bế tắc trong việc tìm kiếm các phương án thay thế và bởi gánh nặng tài chính khi phải đền bù 12 triệu euro nếu sa thải Koeman, Laporta đã phải thỏa hiệp.
Nhiều năm về trước, Laporta và Koeman gặp nhau trong một bữa tiệc tại nhà của cố huyền thoại Johan Cruyff. Bấy giờ, HLV hiện tại của Barca tham dự cùng vợ của ông. Họ đơn giản chỉ chào hỏi nhau và mối quan hệ chỉ có thế. Koeman vốn dĩ là sự lựa chọn từ đời ban lãnh đạo cũ Bartomeu. Và trong mắt Laporta, những tàn dư của quá khứ không gắn với những điều tốt đẹp. Chúng cần phải loại bỏ.
Ngày 4/3 năm nay, tức một ngày sau khi Barca đánh bại Sevilla 3-0 ở bán kết Cúp Nhà vua, trong một cuộc phỏng vấn với tờ El Periodico của Catalonia, Laporta – người lúc này vẫn chỉ là một ứng viên trong cuộc bầu cử chủ tịch CLB – đã nói: "Tập thể Barca hiện tại làm tôi cảm thấy thuyết phục. Hệ thống vận hành trơn tru, linh hoạt và sự biến hóa là cần thiết. Tôi vốn thích hệ thống 4-3-3, nhưng nếu HLV chọn 3-4-3 và các cơ hội ăn bàn được tạo ra thêm, điều đó lại càng tốt."
Tuy nhiên, ai cũng đã rõ, ngoại trừ việc giành được Cup Nhà vua, niềm hy vọng La Liga của mùa giải 2020-2021 với Barca đã tiêu tan kể từ sau trận thua trước chính Granada. Từ niềm tin được nhen nhóm, tất cả những gì còn đọng lại chỉ là nỗi thất vọng và nuối tiếc. Đó cũng là lúc, Laporta cân nhắc lại tương lai của Koeman. Trong suốt mùa hè đã qua, Laporta thực tế đã tìm người thay thế vị HLV 58 tuổi, nhưng kế hoạch ấy bất thành.
Hồi tháng 9, sau khi Laporta thực hiện một cuộc phỏng vấn, ngay ngày hôm sau rộ lên những thông tin về ba điều kiện để hợp đồng của Koeman được gia hạn, đó là trao cơ hội cho Riqui Puig, trao cơ hội cho Umtiti và khôi phục lại bản sắc bóng đá tấn công thông qua hệ thống 4-3-3.
Ít lâu sau, tất cả được chứng kiến những phát biểu đáp trả của Koeman: "Mối quan hệ giữa tôi và Laporta đã cải thiện thời gian qua. Dù vậy, vào tuần trước, truyền thông phát đi một số thông tin mà tôi nghĩ không xác thực. Từ những thông tin đó, người khác có thể lập luận rằng HLV trưởng không có thực quyền. Đáng lẽ ra mọi thứ có thể được giải quyết qua những cuộc nói chuyện riêng. Ông ấy đã nói... hơi nhiều trên các mặt báo. Tôi muốn thấy một chủ tịch đưa ra những câu hỏi rõ ràng dành riêng cho tôi, thay vì đề cập trên truyền thông."
Ngày 19/9, Lluis Canut, một nhà báo thân tín với Koeman đã nói trên kênh truyền hình TV5 rằng: "Tôi không biết liệu Koeman có trụ được tới tháng 11 hay không."
Ngày 22/9, Koeman bước vào phòng họp báo tại Camp Nou, ông đặt cặp kính xuống bàn, từ chối nhận bất kỳ câu hỏi nào từ cánh ký giả. Thay vào đó, HLV người Hà Lan mở ra một trang giấy, đọc những dòng do chính ông soạn sẵn trong vòng 2 phút 49 giây. Trong những thông điệp gửi đi, Koeman khẳng định "kết thúc mùa giải La Liga ở một thứ hạng cao sẽ là thành công", đồng thời "đừng trông chờ vào phép màu ở Champions League."
Ngày hôm sau, Sergi Roberto tuyên bố "kết thúc La Liga ở một vị trí trong top 4 là không đủ". Pique thì nói: "Tôi không khoác lên mình màu áo này chỉ để cán đích ở vị trí thứ 3, tôi khoác lên mình màu áo Barca để vô địch."
Về phần mình, Laporta từng nhấn mạnh: "Những gì tôi không ưa là một thái độ cam chịu, chấp nhận, một tư tưởng chủ bại. Đó là thứ không thể tồn tại ở Barca. Tất cả các HLV đều sẽ được đánh giá dựa trên kết quả và thành tích, trong trường hợp của chúng tôi, còn là cả lối chơi."
Cuộc chiến nơi hậu trường giữa Laporta và Koeman đã bùng phát một thời gian dài. Nếu xem mối quan hệ căng thẳng giữa hai con người này là một võ đài, thì những thứ bủa vây lấy xung quanh, là kết quả và lối chơi của Barca, đều không cổ vũ cho HLV người Hà Lan. Muộn hơn những gì người ta nghĩ, nhưng thanh gươm Damocles cuối cùng cũng đã rơi.
"Barca nhờ tôi mà có tương lai" là câu nói của Koeman hồi tháng 9. Bây giờ, tương lai ấy không có ông.
Hoàng Thông tổng hợp