Thứ Tư, 2 tháng 9, 2020

Messi ra đi là đòn bẩy kinh tế cho Barca

Nếu Lionel Messi gia nhập Man City, những người mừng nhất không chỉ là đội bóng Anh mà còn là các kế toán dưới quyền Chủ tịch Bartomeu.

Khi Messi gửi fax, đề nghị hủy hợp đồng với Barca, đa số mọi người đều coi đó là tổn thất cho CLB xứ Catalonia. Hàng trăm CĐV Barca tụ tập trước sân Camp Nou, phản đối ban lãnh đạo hiện tại ngay trong tối mà nội dung bản fax của Messi ngập tràn trên Internet. Thêm hàng trăm người nữa kiên nhẫn chờ Messi bước vào đại bản doanh Ciutat Esportiva Joan Gamper để kiểm tra sức khỏe hôm 30/8, rồi lắc đầu bỏ về vì không thấy bóng dáng Messi đâu.

Cùng Barca, Messi đã giành sáu Quả Bóng Vàng, bốn Champions League, 10 La Liga, sáu Cup Nhà Vua. Không ai nghi ngờ đóng góp của siêu sao người Argentina trên phương diện thể thao. Nhưng nếu chỉ xét thuần kinh tế, mất Messi không phải thảm họa, mà còn là cơ hội để Barca tái cấu trúc và phát triển bền vững hơn.

Chủ tịch Bartomeu sẽ hết nhiệm kỳ vào năm 2021. Ảnh: PA.

Chủ tịch Bartomeu sẽ hết nhiệm kỳ vào năm 2021. Ảnh: PA.

Mọi chuyện bắt nguồn từ chính cơ cấu tổ chức của Barca. Đội bóng của Messi có slogan "Hơn cả một CLB", ám chỉ việc CLB thuộc sở hữu của hơn 142.000 hội viên (socio) này luôn tái đầu tư tất cả lợi nhuận vào đội bóng. Khi lợi nhuận dự kiến tăng, lương cầu thủ sẽ tăng theo. Từ năm 2017 đến 2019, doanh thu Barca tăng 44%. Cũng trong hai năm này, chủ sân Camp Nou nổ một loạt "quả bom" lương với Messi, Antonine Griezmann, Luis Suarez và Frenkie De Jong.

Bắt đầu từ Messi, trong lần gia hạn thứ chín, cũng là thứ 10 ký với Barca, siêu sao người Argentina được nâng lương trước thuế từ 47 lên 84 triệu USD, dù con số 47 triệu mới được ký trước đó một năm (2016). Griezmann hưởng lương cao thứ nhì Camp Nou, ở mức 55 triệu USD một năm trước thuế. Con số này bất hợp lý ở chỗ, tiền đạo người Pháp được đãi ngộ gần gấp đôi Luis Suarez (28 triệu USD), công thần được gia hạn năm 2016, nhưng không được nâng lương như Messi sau đó một năm.

Lương luôn là thứ được giới cò cầu thủ quan tâm bậc nhất khi xem hợp đồng từ CLB. Mino Raiola, khi đưa Paul Pogba về Man Utd, định vị luôn thân chủ ở vị trí số một. Siêu cò người Hà Lan không chấp nhận con số nào khác ngoài 20 triệu USD sau thuế cho cựu cầu thủ Juventus - cao nhất Ngoại hạng Anh lúc ấy, bởi ông quá rõ thu nhập của từng cầu thủ Man Utd năm 2016. Ở phía bên kia, khi tiếp xúc với những món hàng nóng trên thị trường chuyển nhượng, CLB thường cắn răng móc sâu hầu bao để thắng trên bàn đàm phán. Trong thương vụ Frenkie De Jong hồi năm ngoái, Barca cắn răng chi 25 triệu USD lương trước thuế cho tiền vệ sinh năm 1997, bởi họ phải chạy đua với hai đại gia lắm tiền PSG, Man City. Tới đây, một sự bất ổn nữa xuất hiện, khi lương De Jong cao hơn những công thần như Sergio Busquets (18 triệu), Ivan Rakitic (16 triệu) hay Gerard Pique (15 triệu).

Thứ bù đắp duy nhất cho những khoản lương tăng phi mã ở Barca là thỏa thuận tài trợ với hãng thể thao Nike, bắt đầu từ năm 2018, trị giá 185 triệu USD một mùa. Nhưng thực tế, chính hợp đồng này lại tác động xấu với Barca khi lương trước thuế của Messi vọt lên 84 triệu USD trong lần gia hạn cuối năm 2017. Nguyên nhân bởi khi ngồi vào bàn đàm phán, đội trưởng Barca đã hay tin về gói tài trợ khổng lồ từ Nike. Cả anh lẫn lãnh đạo Barca đều hiểu, một cú hích lớn về thu nhập là lẽ tất nhiên, nhất là khi Camp Nou vừa chia tay Neymar.

"Khoản lương khổng lồ của Messi làm sai lệch cấu trúc lương của Barca. Nó khiến bất cứ cầu thủ nào khi đến Camp Nou đều đặt những con số khởi điểm cao hơn hẳn so với mặt bằng chung. Điều đó kéo tổng chi phí của Barca tăng lên khủng khiếp", Bloomberg phân tích. Dù là CLB thể thao có doanh thu số một thế giới, lợi nhuận ròng của Barca chỉ chiếm 0,5% trong gần một tỷ USD doanh thu. Báo cáo tài chính sau mùa 2018-2019 cho thấy, tổng hóa đơn tiền lương của Barca, tính cả cầu thủ, ban huấn luyện, nhân viên và giới lãnh đạo tròm trèm 577 triệu USD - cao nhất thế giới bóng đá. Quỹ lương khổng lồ này vẫn không ngừng phình ra, khi đội bóng xứ Catalonia đón De Jong và Griezmann.

Quỹ lương phình to khiến Barca không thể mua lại Neymar, người được đích thân Messi chỉ định trong hè 2019. Khi cân đối tài chính để chốt phương án với PSG, chi phí lương của Barca đã ngốn 62% doanh thu, chạm trần cảnh cáo 70% mà UEFA đặt ra. Để so sánh, Liverpool vô địch Champions League năm 2019 với quỹ lương 328 triệu USD, chiếm 50% doanh thu. Man Utd, đội vẫn bị chê là "không biết đi chợ" và thường xuyên mua hớ, quỹ lương của họ cũng chỉ chiếm 56% doanh thu.

CĐV Barca giơ biểu ngữ, khẩn thiết mời Messi ở lại. Ảnh: Reuters.

CĐV Barca giơ biểu ngữ, khẩn thiết mời Messi ở lại. Ảnh: Reuters.

Tại những đội bóng thuộc quyền sở hữu của người hâm mộ như Barca, dòng tiền là quan trọng số một với các cổ đông. Nguyên nhân là họ không thể viện tới những giải pháp vay nợ như các ông chủ Man Utd thường làm mỗi khi túng thiếu hoặc cần xoay vòng vốn. Cổ đông Barca không được phép tự ý bán cổ phần, hoặc bán mà không có sự đồng thuận của đa số thành viên ở hội đồng quản trị. Càng chi nhiều tiền lương, đội bóng càng có ít nguồn dự trữ trong ngắn hạn. Nếu gặp những cú sốc kinh tế như Covid-19, Barca rất dễ chật vật trong việc duy trì hoạt động vì thiếu tiền.

Những cổ đông Barca, do đó, rất quan tâm đến EBITDA (thu nhập trước lãi vay, thuế, khấu hao và khấu trừ dần). Đây là một nghiệp vụ kế toán được tính dựa trên thu nhập ròng của doanh nghiệp, và thể hiện lợi nhuận hoạt động hiện tại. Nếu EBITDA âm, doanh nghiệp nhiều khả năng có vấn đề với lợi nhuận và dòng tiền. Do thuộc sở hữu của số đông, trong quy chế hoạt động, Barca giới hạn những khoản nợ ở mức hai lần EBITDA, ít hơn so với 2,7 lần của Man Ud. Ngay cả khi vay nợ ở ngưỡng tối đa, giới chóp bu ở Camp Nou cũng luôn đòi hỏi một dòng tiền ổn định để chi trả những khoán phí ngắn hạn, đồng thời tạo sự bảo đảm như một tấm đệm tài chính.

Đòi hỏi ấy đi ngược với lợi ích của Chủ tịch Josep Maria Bartomeu và các giám đốc. Quy định của Barca ghi rõ, chủ tịch và các thành viên ban giám đốc phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại tài chính cho đội bóng nếu kết thúc nhiệm kỳ trong tình trạng thua lỗ. Khoản tiền này xuất phát từ thể chế đặc biệt của Barca cũng như ba CLB khác ở La Liga là Real Madrid, Athletic Bilbao và Osasuna. Vào năm 1990, Liên đoàn Bóng đá Tây Ban Nha yêu cầu các CLB chuyển sang mô hình hoạt động là công ty cổ phần thể thao, ngoại trừ bốn đội kể trên nhờ nền tảng tài chính vững mạnh lúc ấy. Tuy nhiên, Barca - mà đại diện là chủ tịch, cũng như ba người đồng cấp - hàng năm sẽ phải đóng tiền bảo lãnh bằng 15% ngân sách dự kiến cho mùa kế tiếp.

Từ lúc Bartomeu tiếp quản ghế chủ tịch từ người tiền nhiệm Sandro Rosell đến mùa 2018-2019, Barca làm ăn có lãi, ở mức 228 triệu USD. Ngân sách hoạt động dự kiến của Barca mùa 2019-2020 vào khoảng 1,27 tỷ USD, và số tiền bảo lãnh họ cần nộp là 190 triệu USD. Nếu Bartomeu cùng cộng sự để thua lỗ quá 38 triệu USD (lấy 228 triệu trừ 190 triệu) trong mùa 2019-2020, họ sẽ phải bỏ tiền túi ra bù lỗ. Vì thế, thứ mà bộ máy của Bartomeu cần và gắng sức thực hiện hơn một năm qua luôn là làm đẹp số sách kế toán, nhất là sau Covid-19, thay vì để tâm xem đội bóng hoạt động có thực sự hiệu quả không.

Thương vụ trao đổi Arthur Melo và Miralem Pjanic là minh chứng cho cách làm đậm chất thời vụ của Bartomeu cùng bộ sậu. Arthur được mua từ Gremio vào hè 2018, với giá 36 triệu USD. Anh ký hợp đồng 5 năm, và theo cách tính khấu hao cầu thủ theo nguyên tắc kế toán (lấy phí chuyển nhượng chia cho số năm hợp đồng), giá của Arthur trong sổ sách vào hè 2020 chỉ là 21,6 triệu USD. Barca và Juventus thống nhất định giá tiền vệ Brazil 79 triệu USD. Như vậy, sau hai năm sử dụng Arthur, bỏ qua các khoản lương, thưởng, chủ sân Camp Nou lãi 57,4 triệu USD. Con số này được ghi vào sổ sách.

Duy nhất Messi đau đầu khi dính vào vụ lùm xùm với Barca, trong khi giới chóp bu ở CLB luôn biết rất rõ họ cần gì về kinh tế. Ảnh: Reuters.

Duy nhất Messi đau đầu khi dính vào vụ lùm xùm với Barca, trong khi giới chóp bu ở CLB luôn biết rất rõ họ cần gì về kinh tế. Ảnh: Reuters.

Trên phương diện thể thao, đổi một tiền vệ 24 tuổi lấy lão tướng 30 tuổi chỉ để nhận 12 triệu USD là một quyết định khó hiểu. Nhưng vào lúc chốt sổ sách mùa 2019-2020 (ngày 30/6), duy nhất Arthur có giá và được Juventus quan tâm. Trước khi nghĩ tới kế hoạch cải tổ Barca, Bartomeu phải tự cứu mình. Điều đáng nói, doanh nhân 57 tuổi hơn một lần dùng chiêu này. Hè 2019, ông cũng có một thương vụ kỳ lạ khi đổi ngang vị trí thủ môn với Valencia. Jasper Cillessen, người được mua với giá 15 triệu USD và ký hợp đồng 5 năm, được bán với giá 41 triệu USD. Barca thu lãi 35 triệu USD từ thương vụ này, dù thực tế, dòng tiền và doanh thu của họ không tăng thêm một xu. Đối ngược lại, chủ sân Camp Nou đồng ý mua Neto từ Valencia với giá 31 triệu USD, giúp "Bầy dơi" làm đẹp sổ sách tới 27 triệu USD.

Trong dòng chảy lịch sử của Barca, khó có thể coi Bartomeu là chủ tịch bất tài. Về chuyên môn, ông là người thứ hai, sau Joan Laporta, giúp đội nhà đoạt cú ăn ba. Về quản trị, tính đến hết mùa 2018-2019, Barca vẫn làm ăn có lãi trên sổ sách. Ngay cả khi mùa 2019-2020 đã trôi qua, ông cùng các kế toán dưới quyền vẫn làm việc cật lực để giảm thiểu khoản thua lỗ được dự báo lên tới 100 triệu USD. Thậm chí xét đến phương diện cá nhân, Bartomeu chưa lần nào dính đến tin đồn tham nhũng như người tiền nhiệm Sandro Rosell.

Với người yêu bóng đá, CĐV Barca và các đồng đội, Messi có thể xem là một vị thánh, bởi thành tích và kỹ năng chơi bóng siêu hạng. Nhưng với Bartomeu, siêu sao người Argentina chỉ là một quân cờ giúp ông "hạ cánh an toàn" vào năm sau. Có một điều trùng hợp, nhiệm kỳ của Bartomeu kết thúc đúng vào lúc hợp đồng hiện tại của Messi hết hạn. Từ chỗ ở thế bị động, vị doanh nhân sinh năm 1963 dần lấy lại được cục diện. Bởi chỉ cần tiết kiệm được 84 triệu USD tiền lương một năm của Messi, Barca vừa đưa quỹ lương về vùng an toàn, vừa hạn chế tác động lạm phát lên các khoản lương khác.

Không dễ để Barca mất ngôi sao số một, nhưng giá trị hữu dụng của sự ra đi này khiến bất cứ cuộc đàm phán nào cũng trở nên đáng giá với chủ sân Camp Nou.

Thắng Nguyễn (theo Bloomberg, Goal)

Let's block ads! (Why?)

Unknown

About Unknown

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :