Đang đứng đỉnh bảng với cách biệt bốn điểm so với Hà Nội, nhưng Sài Gòn không thể không lo lắng, nhất là khi có thêm Viettel gia nhập cuộc đua V-League 2020.
Trước khi V-League phải tạm ngưng lần hai do Covid-19, Sài Gòn là ứng viên số một - xét theo các thông số. Họ chưa thua trận nào, thắng tới sáu trong 11 trận đã đấu - tức là đạt hơn 50% yêu cầu tối thiểu để có thể lên ngôi vô địch. Họ còn ghi nhiều bàn nhất giải (19 bàn) và để thủng lưới ít nhất (6 bàn). Quan trọng hơn, Sài Gòn bỏ cách năm điểm so với ĐKVĐ Hà Nội, đồng nghĩa với quyền được thua tối thiểu hai trong chín trận còn lại của mùa giải.
Có thể vì thế, khi Sài Gòn đủ điểm để vào top 8 - sau vòng 9 họ đạt 19 điểm, HLV Vũ Tiến Thành quyết định "lật bài ngửa" với hai trận đấu xua quân chơi tấn công theo kiểu áp đặt lối chơi.
Phép thử đó có cả "Được" lẫn "Mất". Sáu bàn qua hai trận với Nam Định (vòng 10) và Quảng Nam (vòng 11) cho thấy hỏa lực của Sài Gòn không tồi. Nhưng ở chiều ngược lại, hàng phòng ngự của họ lộ nhiều sơ hở. Sài Gòn thua Quảng Nam ba bàn, có thể cũng thủng lưới ít nhất một lần trước Nam Định nếu không có một số vấn đề về trọng tài và may mắn. Số bàn thua của họ trong hai trận bằng đúng con số của chín trận trước đó.
Nhưng V-League đột ngột tạm dừng sau vòng 11, và cuộc thử nghiệm của ông Vũ Tiến Thành cũng gãy ngang. Thông thường, sự thay đổi cách tiếp cận trận đấu theo một cách toàn diện như vậy cần thêm thời gian để HLV có sự đúc rút chuẩn xác nhất. Có lẽ ông Thành muốn đá tấn công trong bốn trận cuối giai đoạn một, hòng có phương án tốt nhất cho giai đoạn hai. Nếu mùa giải không bị gián đoạn, có thể Sài Gòn càng đá càng tưng bừng, hưng phấn để đến gần hơn với chức vô địch. Nhưng công cuộc ấy khó thành.
Cục diện cuộc đua đảo chiều đến chóng mặt sau hai tháng nghỉ. Sài Gòn chỉ đá các trận giao hữu, chủ yếu giữ phong độ, chứ cảm hứng thi đấu khó đảm bảo như hồi tháng 7. Nếu Sài Gòn đá ào ạt như trận đấu với Quảng Nam, đó chẳng khác nào hành động "tự sát". Chủ tịch kiêm HLV Vũ Tiến Thành rơi vào thế khó. Quay về lối chơi thực dụng như cũ thì dễ, nhưng rõ ràng điều đó không nên và cũng không phải là cách tiếp cận đúng của một nhà vô địch tương lai. Còn nếu giữ cách đá ở hai vòng đấu gần nhất, thì phải chấp nhận thất bại sẽ đến bất kỳ lúc nào.
Những gì đã diễn ra trong trận thua Viettel ngay phút bù giờ đã nói lên tất cả. Khi HLV đang băn khoăn về chiến thuật, thì sự chắc chắn trong phòng thủ bị giảm sút, nét tinh anh trong tấn công cũng nhạt nhòa. Cả trận, đội bóng của Vũ Tiến Thành hứng chịu 15 cú dứt điểm, trong đó có đến sáu lần bóng đúng hướng cầu môn. Ở chiều ngược lại, họ chỉ bốn lần dứt điểm, và hai trong số đó đi trúng hướng mục tiêu. Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng hơn khi bàn thua của Sài Gòn đến ở phút cuối, từ pha bóng ở trung lộ, vào đúng lúc mà thông thường các đội cố tình chơi phòng ngự như Sài Gòn luôn có nhiều ưu thế để đạt được mục đích.
Thua trận, dù là theo cách nghiệt ngã nhất, chưa phải là điều quá tệ với thầy trò Vũ Tiến Thành. Cái đáng nói là Hà Nội lại đang quá mạnh. Đấy chính là câu chuyện hấp dẫn nhất khi V-League trở lại.
Đỉnh bảng mà Sài Gòn đang giữ, bên cạnh yếu tố nội lực của chính họ, còn có sự đóng góp của Hà Nội với khởi đầu tệ nhất kể từ năm 2010. Đá 12 trận, nhưng đội ĐKVĐ đã thua đến ba, hòa bốn, chỉ thắng năm. Nghĩa là, để bảo vệ chức vô địch, tốt nhất là Hà Nội không được thua thêm trận nào nữa và thắng càng nhiều càng tốt.
Hai tháng trước, nhiệm vụ này là "bất khả thi". Còn bây giờ, mọi thứ trông có vẻ đơn giản hơn nhiều. Ba chiến thắng tưng bừng ở Cup Quốc gia, vừa giúp Hà Nội "làm nóng" tốt hơn các đối thủ, vừa là màn thị uy. Đặc biệt hai trận thắng với bản lĩnh hơn hẳn trước TP HCM và Viettel đã cho thấy thói quen chiến thắng đã trở lại trọn vẹn với đội bóng dưới trướng HLV Chu Đình Nghiêm.
Nếu thực lực của họ vẫn chưa hoàn toàn hồi phục, hoặc nếu muốn... "giúp" Sài Gòn vô địch, có thể Hà Nội đã "buông" Cup Quốc gia. Nhưng họ vẫn thể hiện sự thèm khát vinh quang một cách dữ tợn nhất. Hiểu một cách đơn giản: Cup Quốc gia mà Hà Nội vẫn còn muốn thắng, thì chuyện trở thành đội bóng đầu tiên sáu lần vô địch Việt Nam lại càng muốn hơn. Thế nên, việc chỉ có một điểm tại sân Tam Kỳ khi V-League trở lại hôm 26/9 chỉ khiến người ta lăn tăn đến mối quan hệ của họ với Quảng Nam, hơn là nghi ngờ vị thế ứng viên số một của đội bóng Thủ đô.
Trước khi V-League trở lại, đã có những nhận định rằng cơ hội để Sài Gòn giải cơn khát danh hiệu của làng cầu TP HCM từ năm 2003 đó là "mặc kệ" sức mạnh của Hà Nội. Việc cần tập trung của HLV Vũ Tiến Thành và các học trò là cố gắng thắng nhiều trận hơn. Nghĩa là Sài Gòn FC cần có cách tiếp cận trận đấu mạo hiểm hơn trong phần còn lại mùa giải. Họ không thể đá an toàn, giữ thành tích bất bại, nhưng điểm số chẳng tiến bộ bao nhiêu.
Cho nên, trận thua Viettel trên sân Hàng Đẫy vừa có mặt xấu lẫn mặt tốt cho Sài Gòn. Xấu là giờ đây, cuộc đua vô địch đã xuất hiện thêm cái tên Viettel. Tốt là đã đến lúc, HLV Vũ Tiến Thành nên "chơi tất tay" bằng những gì tốt nhất mà ông đang có trên hàng công. Đằng nào thì các đối thủ cũng đã phả hơi nóng vào gáy, có muốn chậm, chắc thì cũng chẳng được nữa.
Song Việt