Một năm thử sức cùng Quảng Nam khiến HLV Vũ Hồng Việt nhận ra những khác biệt giữa đào tạo trẻ và môi trường V-League. Nhưng anh không muốn trở lại vùng an toàn.
- Sau khi chia tay CLB Quảng Nam, cuộc sống của anh hiện tại thế nào?
- Tôi trở về Hà Nội cuối tháng 6, và xin lãnh đạo thêm chút thời gian nghỉ ngơi trước khi quay lại công việc tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội. Một năm xa gia đình, tôi thấm thía nhiều nỗi buồn. Bây giờ tôi muốn tranh thủ thời gian gần gũi các con. Tôi còn tham gia một số khóa học tiếng Anh cũng như công nghệ về phân tích trận đấu, phân tích hình ảnh để chuẩn bị cho bước tiếp theo trong sự nghiệp huấn luyện.
- Tại sao phải là tiếng Anh?
- Nó xuất phát từ trải nghiệm thực tế ở Quảng Nam. Khi tuyển ngoại binh mùa này, chúng tôi rất ưng tiền đạo Bruno và đồng ý để cậu ấy tới thử chân. Nhưng mối lương duyên bất thành bởi phiên dịch viên của đội bóng. Đôi bên đã không hiểu ý nhau, dẫn đến việc truyền đạt thông tin có vấn đề khiến tiền đạo người Brazil cảm thấy chán nản và bỏ đi ngay hôm sau. Tôi còn chưa kịp gặp mặt Bruno để nói chuyện vì cậu ấy đến trước, trong khi hôm sau tôi và toàn đội mới trở về đại bản doanh.
Sau này, tôi tìm hiểu thì được biết khi Bruno đến nhà ăn của CLB, cậu ấy cảm thấy đồ ăn không được ưng ý. Bruno thắc mắc thì phiên dịch viên của đội bảo đại ý rằng 'Ở đây chúng tôi chỉ có thế thôi'. Cũng là câu nói nhưng phiên dịch xử lý không khéo dẫn đến việc Bruno tự ái. Sau đấy, đội buộc phải cho cậu phiên dịch đó nghỉ việc. Và phần sau của câu chuyện thì như mọi người đã thấy, Bruno là một ngoại binh rất chất lượng và chơi nổi bật trong màu áo Viettel.
Kể câu chuyện này để thấy bóng đá bây giờ không như ngày xưa nữa. Mình phải tìm hiểu, học hỏi rất nhiều. Từ ngôn ngữ đến việc áp dụng công nghệ, phân tích đối thủ cũng rất quan trọng. Tất nhiên HLV trưởng sẽ có những trợ lý để hỗ trợ nhưng bản thân cũng phải tự biết cách. Từ những tính toán chiến thuật đến chuyện truyền đạt, trao đổi trực tiếp với cầu thủ trong đội, đặc biệt là ngoại binh.
- Trước khi tới Quảng Nam, Vũ Hồng Việt được biết đến với tư cách một HLV rất mát tay với bóng đá trẻ. Bây giờ khi đã rời đi, anh cảm thấy việc nhận lời dẫn dắt một CLB V-League năm ngoái có phù hợp hay không?
- Trải qua 10 năm làm việc tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội và đạt được nhiều thành tích với các lứa U17, U19, tôi tin mình đủ sức để làm việc ở V-League. Chính vì vậy, khi Quảng Nam ngỏ lời, tôi đã nghĩ đây là lúc để đến với bóng đá đỉnh cao.
Thực tế, mùa đầu tiên diễn ra suôn sẻ khi tôi giúp Quảng Nam trụ hạng và vào chung kết Cup Quốc gia. Mùa này, mọi thứ khó khăn hơn và tôi phải sớm kết thúc hợp đồng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết cục này. Đầu tiên, sự chuẩn bị của tôi chưa tốt. Kế đến, phần lớn các cầu thủ chấn thương, lại bị dài hạn và đều là trụ cột. Có những lúc tôi không đủ hai đội hình để lắp ghép, đá tập chiến thuật. Mà dẫn đến những chấn thương như vậy cũng có rất nhiều nguyên nhân. Ví dụ như mặt sân không tốt, ảnh hưởng trực tiếp đến lực lượng của đội bóng, khiến tôi không có những nhân sự tốt nhất để sử dụng.
- Thế tin đồn về chuyện nội bộ lục đục thì sao?
- Đầu mùa này, tôi gần như không đưa về cầu thủ mới nào ngoại trừ Trịnh Duy Long. Bộ khung vì vậy không thay đổi nhiều. Nhưng có lẽ, trong quá trình chuẩn bị cho mùa mới, các cầu thủ không duy trì được động lực như trước. Khi bắt đầu vào giải, nhiều cầu thủ xuống phong độ trầm trọng. Điển hình là hàng phòng ngự, kể cả thủ môn, đều xuống phong độ, mắc lỗi rất nhiều. Trong tay tôi có đến năm trung vệ, tôi xoay vòng nhưng tất cả đều không bắt nhịp được, nhiều bàn thua hoàn toàn xuất phát từ lỗi cá nhân. Đó là yếu tố chính khiến Quảng Nam sa sút.
Khi làm việcm tôi luôn gần gũi với cầu thủ. Vì vậy, hoàn toàn không có chuyện tôi nói họ không nghe, hay đội chia bè phái, nhóm này nhóm kia. Những lỗi trên sân mà cầu thủ mắc phải là do chuyên môn thôi.
Nhưng đối với một HLV, khi đội bóng thi đấu không tốt thì mình phải chịu trách nhiệm lớn. Hồi mới về, tôi đã tìm hiểu và xem rất nhiều trận đấu của Quảng Nam. Khi đó đội thi đấu rất tệ, mắc nhiều lỗi sơ đẳng, hàng phòng ngự chơi thiếu tập trung, thường để thua ở những phút mà cần sự tập trung cao độ nhất. Tôi đã cố gắng tạo ra sự thay đổi, giúp mọi thứ cải thiện hơn một chút. Nhưng thực tế vẫn còn những thiếu sót. Và đến mùa giải năm nay, các cầu thủ vẫn mắc lỗi như vậy. Đôi lúc, tôi thấy bất lực khi mình phát hiện ra lỗi, tập luyện rồi chỉnh sửa nhưng lỗi như vậy vẫn cứ lặp lại.
- Nhìn lại quá trình làm việc suốt nhiều năm qua, anh thấy sự khác biệt lớn nhất giữa làm bóng đá trẻ và cầm quân ở V-League là gì?
- Đội bóng chuyên nghiệp là tập hợp của nhiều cá tính, từ cầu thủ nội đến cầu thủ ngoại và cả những nhân tố ngôi sao nữa. Vì thế ngoài vấn đề chiến thuật trên sân, HLV còn phải làm sao để tạo ra sự đoàn kết, quyết tâm, biến tập thể thành một khối thống nhất để hướng tới chiến thắng.
Còn khi làm bóng đá trẻ, mình là người thầy, dạy dỗ, uốn nắn chỉ bảo cho các em. Vai trò của HLV lúc này giống như một người cha. Các em còn rất nhỏ, tôi làm việc với cầu thủ từ độ tuổi 15-16 nhưng nhìn chung vẫn là trẻ con. Mình phải dạy bảo từng li từng tí, từ đánh răng rửa mặt thế nào đến ăn uống ra sao. Có nhiều cầu thủ ương bướng, nhưng với lứa tuổi dậy thì mình phải lạt mềm buộc chặt. Chuyện học trò vi phạm nội quy, trốn học, trốn đêm đi đánh điện tử không phải ít.
Tôi từng kể về trường hợp của Đoàn Văn Hậu, khi đang thuộc biên chế đội U17 thì trốn đêm đi chơi điện tử. Chúng tôi bắt được nhiều lần như thế. Rồi đi học cũng trốn nhiều lần khiến giáo viên chủ nhiệm phải gọi điện thoại phản ánh. Khi Văn Hậu vi phạm đến lần thứ ba, tôi mời bố em ấy từ quê lên để nói chuyện. Tôi mới hỏi xem bây giờ Hậu muốn ở lại đá bóng tiếp hay về quê chơi điện tử. Có mặt cả bố ở đấy, Văn Hậu sau khi suy nghĩ đã nhận lỗi và hứa không tái phạm. Từ đó về sau, Văn Hậu chuyên tâm tập luyện, không còn vi phạm như trước nữa.
Khi làm bóng đá trẻ, mình phải dành tâm huyết, sát sao với công việc, gần như ngày nào cũng ăn ở tại trung tâm, tập luyện cùng các em. Nói thật, điều này cũng ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của mình. Có những lúc khiến gia đình trục trặc. Nhưng đó là đam mê, cũng là cái nghiệp, biết sao bây giờ. Gắn bó với nó từ bé, trở thành cầu thủ rồi làm HLV nên cũng rất mong muốn người thân bên cạnh thông cảm, chia sẻ với đặc thù nghề nghiệp của mình. Một ngày mà không ở trên sân, không thi đấu, huấn luyện thì thực sự rất nhớ. Chưa kể, như tôi đã nói ở trên, bắt đầu từ công việc làm bóng đá trẻ khiến tôi càng phải chú tâm nhiều để tích lũy chuyên môn cho bản thân. Còn tất nhiên tốt nhất vẫn là cân bằng được giữ sự nghiệp và cuộc sống gia đình.
- Nói như vậy chứng tỏ sau khi giải nghệ, việc anh chọn theo con đường huấn luyện là điều gần như không phải đắn đo quá nhiều?
- Tôi kết thúc sự nghiệp thi đấu năm 2009 trong màu áo Hòa Phát Hà Nội. Lúc ấy tôi cũng chưa có ý định đi học làm HLV đâu. Tôi nghỉ do chấn thương, thời gian đó cũng buồn, ở nhà cả năm trời. Rồi bất ngờ anh Triệu Quang Hà mời sang làm ở Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội. Tôi thấy đây cũng là công việc phù hợp nên nhận lời.
Ban đầu tôi làm trợ lý ở đội U17, rồi đi học lớp HLV. Tôi có quãng thời gian rất dài làm trợ lý cho chú Doãn Dũng rồi anh Trương Việt Hoàng. Đến năm 2014 tôi mới bắt đầu làm HLV trưởng của một lứa thi đấu ở giải U17. Tôi vẫn còn nhớ cảm giác bỡ ngờ từ việc là một trợ lý chuyển sang làm HLV trưởng. Lúc ấy mình chưa quen với cách chỉ huy, phải bắt đầu lên giáo án, làm kế hoạch, mọi thứ ban đầu gần như là số 0.
Năm 2017, tôi dẫn dắt đội U19 Hà Nội dự giải U19 quốc tế do Báo Thanh niên tổ chức và giành chức vô địch. Đó là chiếc Cup đầu tiên ở một giải quốc tế đối với tôi, nhưng dù sao cũng chỉ là giải giao hữu. Còn chức vô địch U15 Đông Nam Á cùng năm mới thực sự mang lại cảm giác sung sướng, vì đó là danh hiệu ở một giải đấu chính thức. Lần đầu tiên cầm quân một đội trẻ quốc gia, đi thi đấu trên đất Thái mà lại đánh bại được Thái Lan để lên ngôi. Thành tích các giải trẻ của Việt Nam trước đó không tốt nên niềm vui càng nhân lên gấp bội.
- Chức vô địch đó mang lại niềm vui nhưng dường như nó cũng tạo ra áp lực cho U16 Việt Nam ở vòng chung kết U16 châu Á 2018?
- Giải đó, tôi gặp vấn đề lớn khi chuẩn bị cho vòng chung kết. Do VFF nhầm lẫn giữa quy định về mốc năm sinh nên khi chỉ còn một tháng nữa là vào giải, 10 cầu thủ tốt nhất của U16 Việt Nam không thể thi đấu do quá tuổi. Nói chính xác hơn là quá tháng, vì điều lệ giải quy định chỉ được sử dụng những cầu thủ sinh từ tháng 9/2002 trở về sau.
Thế là những em sinh từ tháng 1 đến tháng 8/2002 đành rời đội, còn tôi buộc phải tuyển chọn lại từ chính những cầu trước đó mình đã loại. Mà các em đó thì về nhà cũng không tập luyện nhiều, lên tập lại được một buổi thì gần như chuột rút hết vì đuối. Cộng thêm việc Iran, Ấn Độ, Indonesia đều khá mạnh nên U16 Việt Nam đã không đạt được kết quả ưng ý, sớm dừng chân sau vòng bảng.
- Con đường nào đưa anh đến với bóng đá?
- Thú thật, tôi không phải một cầu thủ được đào tạo từ bé mà đến với bóng đá chuyên nghiệp chỉ là tay ngang thôi. Tôi bắt đầu tập bóng đá khi đã 18 tuổi. Ngày ấy, trong lúc chờ điểm thi đại học, tôi đi tập cho vui. Chú Hoàng Văn Phúc là người thầy đầu tiên, dẫn tôi sang đội Đường Sắt để chuẩn bị cho giải U19 quốc gia năm 1997.
Sau đấy tôi chuyển sang tập ở Thể Công, cùng lứa với Bảo Khanh, Quốc Trung. Ở đây được hơn một tháng, HLV Quản Trọng Hùng chấm tôi, nên bảo về nhà nói với bố làm đơn xin nhập ngũ, để coi như mình là người của quân đội. Nhưng, tôi đang quen với nếp sinh hoạt ở bên ngoài, giờ vào đây cảm thấy có phần gò bó, chỉ tập trung trong CLB thôi, không được ra ngoài. Ngày ấy còn trẻ, lại ham chơi nên nghĩ cứ bị "nhốt" thế này thì cũng chán nên quyết định xách balo đi về. Ra đến cổng tôi gặp bố đang đi lên, cầm theo lá đơn xin nhập ngũ. Thấy con nói thế, bố cũng chiều ý, hai bố con đi về. Nhưng rồi bên Đường sắt lại gọi. Bác Lê Thế Thọ còn đến tận nhà để thuyết phục. Vào tập luyện và thi đấu ở giải U19 quốc gia, tôi đá tiền vệ cánh, ghi được rất nhiều bàn và được gọi đội U19 Việt Nam. Đúng lúc đó có điểm đại học, tôi đỗ trước hai trường là Viện ĐH Mở và ĐH Giao thông vận tải. Lại phải suy nghĩ xem nên đá bóng hay đi học. Cuối cùng tôi xin bố làm thủ tục bảo lưu kết quả ở trường Giao thông vận tải trong một năm, nếu sau chán bóng đá thì lại đi học.
Đến khi khoác áo U19 Việt Nam đi đá vòng loại U19 châu Á ở Nhật Bản, tôi lại thi đấu tốt, góp năm trong sáu bàn của đội. Đợt đó tôi còn lọt vào danh sách sáu cầu thủ trẻ Việt Nam được sang Sampdoria (Italy) tập luyện hai năm, gồm có tôi, Bảo Khanh, Minh Nghĩa, Quốc Trung, Vũ Dũng, Thanh Xuân, Tô Đức Cường. Mọi thủ tục chuẩn bị xong xuôi thì kế hoạch hợp tác đổ bể, nên chúng tôi không được đi nữa. Đến hết một năm bảo lưu, tôi thấy mình máu bóng đá quá nên quyết định đi luôn, không vào đại học nữa.
- Một trong những điểm nhấn sự nghiệp của anh là chức vô địch V-League 2004 cùng HAGL. Nhưng tại sao chỉ ở phố núi một năm, anh đã rời đi?
- Năm đó, bầu Đức trực tiếp gọi điện đặt vấn đề và tôi nhận lời. Tuy nhiên, thật lòng là sự đóng góp của tôi trong chức vô địch V-League 2004 của HALG không nhiều. Đội khi đó rất mạnh, lực lượng gồm nhiều tuyển thủ quốc gia Thái Lan và Việt Nam. Sau mùa giải đó tôi quyết định về Bắc đá cho Hòa Phát Hà Nội. Có hai lý do. Một là muốn có cơ hội thi đấu nhiều hơn, hai là được về Hà Nội, thi đấu gần nhà để có thời gian cho gia đình. Vô địch cũng quan trọng nhưng đời cầu thủ ngắn lắm, được chơi bóng mới là tiêu chí hàng đầu với tôi.
- Nhìn lại quãng thời gian thi đấu, anh cảm thấy nuối tiếc nhất điều gì?
- Sau xuất phát tốt, tôi bị một chấn thương nặng khiến một mảnh xương vỡ găm bên trong cổ chân. Phẫu thuật gắp ra là giải pháp tốt nhất. Nhưng ngày đó còn trẻ, tâm lý có phần chủ quan nên tôi mặc kệ. Chân đau chỉ bó bột thôi, mà cũng chỉ một tuần là tôi tự tháo ra để tập đi. Hơi đau nhưng cứ đỡ một chút là lại ra chạy, thành ra về sau bị ảnh hưởng nhiều đến tốc độ.
- Đó có lẽ là tiếc nuối không thể sửa chữa. Nhưng nếu bây giờ được lựa chọn lại, anh sẽ ứng xử thế nào trước lời mời từ một CLB ở V-League và một từ đội tuyển trẻ quốc gia?
- Trong năm nay, tôi cứ tạm thời tích lũy. Nhưng sang năm, nếu có điều kiện, tôi muốn tiếp tục làm việc ở V-League. Tôi muốn đứng lên ở chính nơi mình ngã xuống. Hơn nữa, dẫn dắt đội tuyển trẻ quốc gia cũng chỉ trong một khoảng thời gian nhất định, và cũng chỉ là trẻ thôi. Còn khi làm việc ở V-League, đó là bóng đá đỉnh cao rồi, sẽ giúp ích cho mình rất nhiều trong việc làm nghề.
An Ngọc