Thứ Năm, 2 tháng 7, 2020

Bóng đá Việt Nam và nỗi lo khoảng trống thế hệ

Khi HLV Park Hang-seo đến, bóng đá Việt Nam vào chu kỳ đi lên, sau một thời gian khủng hoảng. Nhưng hiện tại có thể là lúc đi xuống.

HLV Park Hang-seo, hôm 2/7, nói rằng lứa U22 của bóng đá Việt Nam hiện nay như Công Phượng, Duy Mạnh... Đó không hẳn là mối lo, cũng không hẳn là dấu hiệu của bất kỳ cuộc khủng khoảng nào cả. Than thở của thầy Park đơn giản chỉ là chút trăn trở của một người có trách nhiệm với công việc của ông.

Đội ngũ trụ cột trong tay HLV Park Hang-seo ở tuyển Việt Nam có thể chơi tốt trong khoảng năm năm tới. Ảnh: Đức Đồng.

Đội ngũ trụ cột trong tay HLV Park Hang-seo ở tuyển Việt Nam có thể chơi tốt trong khoảng năm năm tới. Ảnh: Đức Đồng.

Vì nếu bây giờ lứa U22 có những "Công Phượng mới", "Duy Mạnh mới" đi nữa, cùng lắm họ cũng chỉ làm dự bị hoặc thay thế khi các "bản gốc" bị chấn thương, thay vì có cơ hội giành chỗ đứng vững chắc trong các đợt tập trung tuyển quốc gia. Trong tay HLV Park Hang-seo hiện nay là đội tuyển Việt Nam có tuổi bình quân trẻ nhất trong lịch sử. Nhìn vào lần tập trung gần nhất cho trận đấu với Thái Lan tháng 11/2019, chỉ 4 cầu thủ - Nguyễn Trọng Hoàng, Nguyễn Anh Đức và 2 thủ môn dự bị - trên 29 tuổi. Phần còn lại đều ở độ 22-27, trải đều ở sáu CLB được đầu tư tốt tại V-League. Độ tuổi bình quân đó, về lý thuyết, còn chưa đến thời đỉnh cao của sự nghiệp - khoảng 28-29 tuổi. Nên nhóm cầu thủ này có thể đá cho ĐTQG ít nhất 5 năm nữa, mà vẫn còn dư địa phát triển tài năng. Chưa hết, những cầu thủ không tham gia ở đợp tập trung gần nhất chẳng hề thua sút về độ trẻ trung và tài năng, như Phan Văn Đức, Hà Đức Chinh, Trần Văn Kiên, Nguyễn Trọng Hùng... Trong khi đó, V-League cũng đã xuất hiện một nhóm cầu thủ trẻ của Hà Tĩnh, Đà Nẵng và TP.HCM đủ sức góp mặt ở đội tuyển.

Các đội bóng trẻ (tuyến U), về lý thuyết, chỉ là lực lượng kế thừa, tạo số đông để tiến đến chuyện sàng lọc tinh hoa đưa lên đội tuyển quốc gia. Nếu đội tuyển đang quá ổn định, lại còn trẻ, thì cơ hội cho những cầu thủ tuổi 20 là rất thấp. Phải là những trường hợp đặc biệt kiểu Phạm Văn Quyến ở Tiger Cup 2002, hay Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu ở AFF Cup 2018... mới được các HLV lão làng đôn lên tuyển nhằm xây dựng nòng cốt cho lứa cầu thủ kế tiếp. Nên bây giờ, nếu có một đội U22 mạnh, thì HLV Park Hang-seo cũng rất khó trao các thành viên lứa này cơ hội vào bộ khung đội tuyển mà ông dày công tạo lập suốt 3 năm qua.

Nên khi HLV Park Hang-seo than thở, đó không phải vì ông lo lắng cho công việc của bản thân, là vì triển vọng dài hạn của bóng đá Việt Nam. Nghĩa là ông Park không cần lo, người hâm mộ cũng vậy, nhưng các nhà quản lý thì nhất định ...phải lo, để tránh cho một cuộc khủng khoảng mới.

Bóng đá Việt Nam phát triển theo chu kỳ. "Thế hệ vàng" 1995, với lứa cầu thủ sinh đầu những năm 1970 duy trì được khoảng 5 năm đỉnh cao, sau đó mới đến lứa sinh năm 1985-1987. Lứa này bị "gãy" vì vụ tiêu cực tại SEA Games 2005 nên phải mất đến gần 10 năm, sau chiếc HC bạc SEA Games 1999, Việt Nam với đăng quang ở AFF Cup 2008. Rồi cũng phải đến gần mười năm sau, chúng ta mới có lứa mới, các cầu thủ sinh 1995-1997 đạt đến đỉnh cao tại AFF Cup 2018 rồi SEA Games 2019.

Một chu kỳ đến 10 năm là tương đối dài. Bởi trong công tác đào tạo cầu thủ chuyên nghiệp, từ khi bắt đầu cho đá bóng bằng giày trên sân cỏ, tầm U15 cho đến U21, là khoảng 6 năm đào tạo. Công tác đào tạo càng tốt, khoảng cách giữa các phần đỉnh cao hình sin sẽ được thu ngắn. Nếu làm tốt hơn nữa, cứ 4-5 năm có một lứa, thì đồ thị phát triển sẽ đi ngang nhiều hơn là cứ lên rồi xuống. Như vậy, nếu nhìn tương lai của bóng đá Việt Nam, đội U22 hiện nay chưa đáng lo, mà thay vào đó, sự quan tâm nên dành cho lứa U19. Đó mới là lực lượng của ĐTQG sau 5 năm nữa, khi đội ngũ trong tay thầy Park hiện tại qua đỉnh cao.

Và đó là nỗi lo thực sự. Giải vô địch U19 quốc gia 2020 vừa kết thúc với không ít tín hiệu xấu. Từ vòng loại, đã có nghi án dàn xếp tỷ số. Vòng chung kết có 8 đội, thì HAGL góp đến hai đội, trong khi An Giang và Công An Nhân Dân không thuộc V-League. Nhà vô địch giải - PVF - chỉ là "lò" đào tạo, không có đội chuyên nghiệp, phải mượn nhiều cựu cầu thủ từ đội hạng Nhất Phố Hiến. Trong khi đó, lần đầu tiên kể từ năm 2010, Hà Nội - đội 5 lần vô địch, 9 lần vào bán kết - lại không có mặt ở VCK. Giải U19 năm 2019 cũng không khá hơn. Vòng loại có vụ bán độ của U19 Đồng Tháp, còn ở VCK, trong 8 đội mạnh nhất lại xuất hiện An Giang (hạng Nhất) và Phú Yên (hạng Nhì).

Những giải trẻ như U19 quốc gia có số trận thi đấu ít và gặp nhiều vấn đề về chất lượng là một mối lo cho bóng đá Việt Nam trong tương lai gần. Ảnh: Giang Huy.

Những giải trẻ như U19 quốc gia có số trận thi đấu ít và gặp nhiều vấn đề về chất lượng là một mối lo cho bóng đá Việt Nam trong tương lai gần. Ảnh: Giang Huy.

V-League hiện có 14 CLB, nhưng trung bình chỉ có khoảng 6 CLB có lứa U19. Đây là điều đi ngược với mô hình bóng đá chuyên nghiệp. Các giải từ U17 trở lên, thông thường, sẽ là nơi để các CLB kiểm tra những tuyến trẻ của họ, phát hiện nhân tài thông qua thi đấu để đôn sớm lên đội một, tiết kiệm được chi phí chuyển nhượng. Và vì cơ hội để các cầu thủ trẻ đá ở đội một bao giờ cũng khó, họ cần những giải đấu dành cho đội hình dự bị (Reserve League) như ở châu Âu, hay tệ lắm cũng là những giải trẻ U21, U19 để rèn giũa tài năng và lọt vào mắt xanh của các nhà tuyển trạch. Nhưng tại Việt Nam, giải U19 và U21 hiện chỉ có tối đa 12 trận mỗi năm. Như thế là quá ít cho bóng đá trẻ, nếu so sánh với việc những Quang Hải, Công Phượng... từng chơi đến 45 trận đỉnh cao một năm khi mới 19-20 tuổi. Chính vì số trận quá ít, các CLB V-League chỉ đăng ký tham gia để tránh bị phạt, và không quyết tâm thi đấu. Ngược lại, các "lò" hoặc các CLB chuyên đào tạo trẻ thì rất chịu khó dự các giải U, bởi đó là nơi duy nhất để giới thiệu "gà nhà".

Bóng đá trẻ là một quá trình tiếp nối, sàng lọc. SLNA có "hụt" Công Phượng năm 2007 cũng không sao cả. Tài năng xứ Nghệ này đến với lò HAGL, còn Nghệ An vẫn có thể sản sinh ra các tài năng khác. Công tác đào tạo cầu thủ không quan trọng ở khâu tuyển sinh, mà vấn đề lớn nhất nằm ở đầu ra, tức là những sân chơi và nơi đầu tư cho các cầu thủ trẻ. Các giải U17 và U19 giai đoạn 2014-2018 gần như bị thống trị bởi hai đội Hà Nội và Viettel. Nhờ đó, hiện tại, họ cũng cung cấp nhiều nhất nguồn nhân lực cho các đội tuyển. Cùng giai đoạn, lứa U19 HAGL được đôn lên đá V-League và đã trưởng thành. Tầm quan trọng của hệ thống thi đấu tuổi U nằm ở chỗ này. Lẽ ra, nó phải được tổ chức song song, với số lượng trận đấu nhiều hơn cả V-League, để thực hiện một việc quan trọng nhất của quá trình phát triển bóng đá: sàng lọc cầu thủ.

Bóng đá Việt Nam phát triển theo chu kỳ, trồi trụt với biểu đồ hình sin, do chúng ta quá quen với việc chờ đợi một thế hệ tài năng thông qua đào tạo. Nhưng trên thực tế, các địa phương có CLB đá hạng Nhất, hạng Nhì hiện nay đều có các trung tâm đào tạo bóng đá. Rồi các CLB chuyên nghiệp cũng có trung tâm đào tạo, bên cạnh những "lò" tuyển sinh toàn quốc như PVF, Viettel, HAGL... Điều này khiến đầu vào bị phân tán tài năng, và phải may mắn lắm mới có một nhóm cầu thủ giỏi xuất hiện cùng nơi, cùng thời điểm. Ngược lại, nếu đề cao vai trò của thi đấu, nâng cao chất lượng những giải đấu trẻ, buộc các CLB V-League phải tham gia suốt năm, thì cách làm này sẽ hình thành mô hình như kiểu Hà Nội. Theo đó, một CLB "săn" tài năng nhiều nơi, hình thành các tuyến U cốt để thi đấu, không đào tạo.

Câu chuyện giữa Công Phượng và Hũng Dũng là một minh họa rõ nét. Tiền đạo của lò HAGL được "chăm chút" từ gốc, được tạo mọi điều kiện để tỏa sáng, còn tiền vệ đội Hà Nội hoàn toàn trưởng thành qua quá trình sàng lọc, khởi đầu V-League trễ. Nhưng xét về sự tỏa sáng và cống hiến, Hùng Dũng không hề kém Công Phượng. Vì thế, bóng đá Việt Nam, thay vì chờ đợi nhiều năm trời để có những Công Phượng từ khâu đào tạo, thì tốt hơn nên cần những Đỗ Hùng Dũng được phát hiện mỗi mùa thông qua thi đấu.

Song Việt

Let's block ads! (Why?)

Unknown

About Unknown

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :