Thứ ba, 2/6/2020, 11:26 (GMT+7)
Hơn bất cứ nhà cầm quân nào từng làm việc ở Tây Ban Nha, Johan Cruyff thực sự đã thay đổi lịch sử Barca nói riêng và bóng đá xứ bò tót nói chung.
Catalonia, ngày 28/4/1988. Khoảng 7h tối. Khách sạn The Hesperia trên đường Carrer dels Vergos, một con phố nhỏ ở phía bắc trung tâm thành phố Barcelona và cách sân Camp Nou chừng năm phút đi ô tô, trở nên ồn ào.
21 cầu thủ Barca, cùng HLV Luis Aragones, ngồi trong phòng hội nghị của của The Hesperia. Bất giác một giọng nói vang vọng hơn tất thảy khiến mọi người nín lặng. "Chủ tịch Jose Josep Lluis Nunez đã lừa dối chúng ta với tư cách một con người và làm nhục tất cả dưới tư cách một cầu thủ chuyên nghiệp", đội trưởng Jose Ramon Alexanko mở đầu cuộc họp đi vào lịch sử của đội chủ sân Camp Nou. "Tóm lại, xuất phát từ sự sống còn của những con người trong CLB này, đội bóng yêu cầu Chủ tịch Nunez phải từ chức ngay lập tức".
Sau giây phút thinh lặng, cả hội trường bỗng vỡ òa trong sự huyên náo. Tất thảy đều sốc. Như thể chưa đủ sức nặng, tiền vệ Victor Munoz tiếp lời người đội trưởng: "Nunez không cảm nhận đươc màu cờ sắc áo của đội bóng này, và ông ta cũng không dành tình cảm cho người hâm mộ. Ông ta chỉ biết yêu mỗi bản thân mình".
Vậy là cuộc chiến trong lòng Barca phát nổ. Một cuộc nội chiến với nguồn cơn từ tiền bạc. Kho bạc nhà nước Tây Ban Nha đang điều tra các bản hợp đồng của Barca trong giai đoạn trước đó. Họ tin rằng CLB này đang tìm cách trốn thuế, bởi mỗi cầu thủ trong đội phải có những điều khoản tách rời về số trận họ sẽ chơi và đặc biệt là điều khoản ăn chia bản quyền hình ảnh. Sau đó, các cầu thủ bị ban lãnh đạo yêu cầu trả số tiền chênh lệch, họ thậm chí đòi "lấy thủ cấp" Chủ tịch Nunez.
Sự kiện có một không hai ấy được nhắc đến với tên gọi "Hesperia Mutiny", là điều tồi tệ trong mùa giải tệ hại nhất của Barca kể từ 1941-1942. HLV Luis Aragones - người đang đau khổ với chứng trầm cảm, ra đi sau khi mùa giải 1987-1988. Barca từ chỗ lọt vào chung kết Cup C1 năm 1986, bỗng trở thành trò cười cho thiên hạ chỉ hai năm sau đó. Để xoay chuyển tình hình và đảm bảo tái đắc cử trong cuộc bầu chọn chủ tịch vào tháng 6, Jose Josep Lluis Nunez có một "lá bài tẩy" đầy sức nặng.
Hai ngày sau, 30/4/1988, sân Camp Nou chật như nêm, với tinh thần sôi sục lửa giận. Dưới sân, các cầu thủ Barca cay đắng xếp thành hai hàng chào đón nhà vô địch mới của La Liga - đại kình địch Real Madrid. Cơn phẫn nộ của các cule không dành cho đội khách, kỳ lạ thay lại ném về chính các cầu thủ Barca, bất chấp họ đã chơi một trận rất hay và thắng 2-0. Cuộc họp ở khách sạn Hesperia rò rỉ, để rồi trở thành một vụ nổ về sự vượt quyền của đám kiêu binh. Và người hâm mộ Barca - những người vẫn luôn bày tỏ lòng biết ơn với Chủ tịch Nunez, sẵn sàng lôi các cầu thủ mà họ từng gào thét gọi tên đến khản cả cổ trong những giờ phút ăn mừng chiến thắng lên đoạn đầu đài.
Đến ngày 4/5/1988, tức sáu ngày sau sự kiện Hesperia Mutiny, Luis Aragones ra đi. Người được bổ nhiệm vào vai trò HLV mới của Barca là một cái tên từng trở nên quen thuộc: Johan Cruyff. Đây chính là "lá bài tẩy" mà Chủ tịch Nunez đã chuẩn bị để đối phó với cuộc binh biến của đám cầu thủ. Khi ấy, Barca đã trải qua 14 năm với chỉ một chức vô địch của giải VĐQG Tây Ban Nha. Ngay cả HLV tài danh Luis Aragones trong mùa giải 1987-1988 duy nhất với đội bóng xứ Catalonia, tối đa cũng chỉ giúp đội bóng đoạt danh hiệu Cup Nhà vua sau khi đánh bại Real Sociedad 1-0 trong trận chung kết.
Sau này, tám năm dưới sự lèo lái của nhà cầm quân huyền thoại người Hà Lan - trước khi bị sa thải một cách bất công trong một giai đoạn nhiều biến động khác, Barca giành tới 11 danh hiệu. Nhân vật xuất chúng nhất trong thế hệ của Bóng đá tổng lực đã cứu rỗi đội bóng này bên trong đường pitch khi còn là một cầu thủ những năm thập niên 1970, đến thập niên tiếp theo, ông lại làm điều đó thêm một lần nữa nhưng là với tư cách HLV. Nhiều CĐV Barca cho đến hôm nay vẫn tin rằng Barca của thế hệ "Dream Team 1" là đội bóng mạnh nhất mà nhân loại từng được chứng kiến.
Nhiều năm sau khi Johan bắt đầu mùa giải đầu tiên ở Camp Nou, tờ FourFourTwo tiết lộ những câu chuyện bí mật về niềm đam mê bóng đá toàn mỹ, về cái cách Johan đôi khi trở thành người đàn ông gắt gỏng, về tham vọng chiến thắng. Tất cả những điều đó đã biến Barca trở nên hùng mạnh như hôm nay. Ắt hẳn là bạn đã nghe về lò đào tạo trứ danh La Masia, nơi bồi đắp nên những Lionel Messi, Xavi, Andes Iniesta, Gerard Pique và rất nhiều tài năng khác? Nơi ấy đã ghi dấu một trong những di sản của Johan Cruyff...
"Ngày vừa 23, cánh cửa mở ra cả bầu trời"
Ngay khi ngồi vào "ghế nóng", Johan Cruyff bắt đầu công cuộc xây dựng Barca mới - một Barca sau nỗi hổ thẹn lịch sử mang tên Hesperia. 15 cầu thủ - trong đó phần lớn là những nhân vật quan trọng trong đội hình chính thức bị tống khỏi Camp Nou. Cuộc thanh trừng không có giới hạn, nó bao gồm cả Victor Munoz, Ramon Caldere và đặc biệt là Bernd Schuster - người đã ở đó suốt 8 năm, ghi 63 bàn sau 170 trận, thủ lĩnh phòng thay đồ và được đánh giá là một trong những tiền vệ hay nhất châu Âu ở thế hệ của mình.
Năm 1982, khi Barca chiêu mộ Diego Maradona, người ta kỳ vọng Schuster và Maradona sẽ tạo nên kỷ nguyên vàng cho đội bóng xứ Catalonia. Nhưng điều đó không xảy ra, Maradona chỉ ở lại nơi này hai năm rồi mau chóng chạy trốn sang Napoli, còn Schuster ở lại và tiếp tục cùng với các đời HLV lèo lái con thuyền Barca đi qua giai đoạn lắm thác ghềnh. Thế nhưng, sau khi phản bội Barca lần một với cuộc binh biến Herperia, Schuster sẵn sàng làm điều đó thêm một lần nữa với việc gia nhập kẻ thù Real và chơi bóng ở đó hai mùa, trước khi bị thải hồi sang Atletico.
Mỗi vị tướng cần đoàn quân của riêng mình, Cruyff cũng vậy. Ông đem về Camp Nou 12 nhân vật mới, thay thế 15 người đã ra đi. Cho đến hôm nay, rất nhiều người trong số 12 môn đồ Cruyff chiêu mộ năm 1988 đã trở thành huyền thoại của CLB. Đó là cầu thủ chạy cánh Txiki Begiristain, tiền vệ tấn công Jose Mari Bakero, tiền đạo Julio Salinas, tiền vệ phòng ngự Eusebio Sacristan... Những chiếc bánh răng ấy được Cruyff lắp đặt ăn khớp vừa vặn để cùng nhau tạo nên cỗ máy chiến thắng mang tên "Dream Team của Cruyff" trong tương lai.
"Tôi tự hào là cầu thủ được cả thế giới bóng đá chú ý", Eusebio Sacristan -sinh năm 1956 người Tây Ban Nha - chia sẻ với FourFourTwo về những năm tháng oanh oanh liệt liệt trong sự nghiệp bóng đá đầy màu sắc của ông, với niềm may mắn khi trở thành môn đệ của một Johan Cruyff thần thánh. Ông nói thêm: "Những năm tháng ở Camp Nou, ông ấy đã thay đổi toàn bộ bóng đá Tây Ban Nha và tạo nên hệ tư tưởng Barca. Khi tôi chỉ là một chàng trai 23 tuổi, cánh cửa của tôi được mở ra để thấy cả bầu trời phía trước. Ông ấy đem về đội bóng một đoàn quân trẻ tuổi, đầy tham vọng và mê say, lứa chúng tôi khi ấy không bị đè nặng bởi những binh biến trước đó của đội bóng".
Dù là kẻ cầm đầu cuộc kiêu binh Hesperia và gây ra nhiều muộn phiền cho Chủ tịch Nunez, thật kỳ lạ Cruyff quyết định giữ lại đội trưởng Jose Alexanko. Nhưng những năm tháng sau đó, Alexanko phải hối hận vì những điều mình đã làm. Cầu thủ 32 tuổi hứng chịu cơn thịnh nộ với tiếng la ó từ bốn bề Camp Nou trong một trận đấu tiền mùa giải. Cruyff lý giải: "Alexanko chỉ làm đúng với bổn phận của một đội trưởng. Cậu ta phải phát ngôn và giữ tinh thần cho đồng đội. Cậu ta là sứ giả của các cầu thủ, và sứ giả thường bị trừ khử đầu tiên trong mọi cuộc chiến. Nhưng không phải với tôi. Alexanko là một người lĩnh xướng, là mối liên hệ giữa các cầu thủ".
Một cách khôn ngoan, Cruyff thông qua quyết định giữ lại Alexanko, gửi thông điệp đến Chủ tịch Nunez: Ở đội bóng này, tôi mới là lãnh đạo. Điều đó cũng đồng nghĩa, cái cách Nunez điều hành đội bóng kiểu "cầm tay chỉ việc" theo mô hình giám đốc của một công ty như đã làm với hệ thống bất động sản, khách sạn của ông không có chỗ ở đội bóng mà Cruyff quản lý. Johan thẳng thừng: "Nếu ông muốn nói chuyện với tôi, tôi sẽ đến văn phòng của ông. Ông không được đến phòng thay đồ của tôi".
Nhưng những chiến thắng không đến chỉ với bấy nhiêu. Tiếp đến, Johan Cruyff bắt đầu công cuộc tái cấu trúc phong cách, xây dựng triết lý xuyên suốt mà đội bóng sẽ chơi. Tập hợp đội hình mới toanh vào một ngày tháng 7/1988, "El Flaco" (Chàng Gầy - biệt danh của Cruyff) phác thảo hệ thống mới, nơi các cầu thủ sẽ biết họ ở đâu trong hệ thống đó.
"Johan vẽ lên tấm bảng đen một sơ đồ với ba hậu vệ, bốn tiền vệ, hai cầu thủ chạy cánh và một tiền đạo", Eusebio hồi tưởng lại điều đã xảy ra trong nhiều thập kỷ mà còn nguyên vẹn nét ngỡ ngàng. "Chúng tôi trố tròn mắt nhìn nhau: Cái quái gì thế này? Cần biết rằng thời ấy, 4-4-2 hoặc 3-5-2 đang thịnh hành. Thật khó tin là Cruyff lại xây dựng một hệ thống có nhiều cầu thủ tấn công và ít người phòng ngự như vậy. Một tay ông ấy đã mang đến Tây Ban Nha lối chơi bóng hoàn toàn mới. Với tất cả, đó thực sự là một cuộc cách mạng". Sơ đồ 3-4-3, được nâng cấp từ 4-3-3 mà Cruyff học được từ Rinus Michels ở Ajax và ĐTQG Hà Lan trong những năm 1970, đã ra đời như thế.
Đích thân Johan Cruyff giải thích về hình thái mà ông đã xây dựng cho Barca: "Với bốn hậu vệ chỉ để kèm hai tiền đạo đối phương, đó là một sự lãng phí. Trong khi đó, đội bóng của bạn chỉ có sáu người để đối chọi tám cầu thủ đối phương ở khu vực giữa sân. Làm sao có thể thắng trong một trận đấu như thế? Đó là lý do tôi phải đưa một cầu thủ phòng ngự dâng cao vào đội hình hàng tiền vệ".
Ông nói thêm: "Tôi từng bị chỉ trích khi đội bóng chỉ chơi với ba hậu vệ, nhưng đó là điều xuẩn ngốc nhất mà tôi từng nghe. Điều mà đội bóng cần làm là lấp đầy khu trung tuyến, bởi đó là nơi cần nhiều cầu thủ nhất. Tôi thích những chiến thắng 5-4 hơn là 1-0". Thật vậy, Johan Cruyff hầu như không chú trọng vào phòng ngự, hay nói chính xác hơn là ông không có khái niệm phòng ngự trong tâm trí. Một câu chuyện đã trở thành kinh điển ở Camp Nou, và đến hôm nay còn được nhắc lại: Có lần thủ môn Andoni Zubizarreta hỏi về việc nên phòng ngự trong tình huống cố định như thế nào, Cruyff trả lời tỉnh bơ: "Tôi biết thế nào được? Cậu quyết đi. Rõ ràng là cậu thích chống một quả phạt góc hơn tôi kia mà". Và đó là cách Barca đã chơi bóng trong suốt giai đoạn Johan Cruyff dẫn dắt, nó kéo dài tới tám năm!
Càng ngày các cầu thủ Barca càng mê say với triết lý bóng đá lạ lẫm của Johan Cruyff. Eusebio - một trong những chứng nhân thời kỳ hoàng kim của Dream Team ấy, người đã chơi hơn 250 trận đầy nhiệt huyết cho người thầy vĩ đại, vẫn còn nguyên vẹn niềm tự hào: "Tôi thích thú với 3-4-3. Tôi từng phải vật lộn với nhiều sơ đồ chiến thuật khác nhau ở Barca. Nhưng kỹ thuật, khả năng quan sát và sự sắc bén cũng như khả năng luân chuyển bóng linh hoạt của tôi phù hợp với Barca của Cruyff. Là một tiền vệ trung tâm, tôi luôn tham gia vào thật nhiều tình huống có thể và có nhiều tùy chọn cho mỗi quyết định".
Giá trị cốt lõi - và thứ cho đến hôm nay đã trở thành thương hiệu của Barca, đó là kiểm soát bóng ở tầm cao đến mức ngặt nghèo. Với Johan Cruyff, Barca luôn thống trị quả bóng kết hợp với khả năng di chuyển đa dạng, linh hoạt của toàn đội. Đội bóng của ông có những điều mà phe đối lập không có - quả bóng và không gian, vì thế ít nhất họ sẽ không thể ghi bàn. Cầu thủ di chuyển sẽ quyết định quả bóng đi đến đâu, và nếu di chuyển tốt, các học trò của Cruyff có thể biến áp lực từ đối thủ thành lợi thế của mình. Trái bóng sẽ đến những nơi bạn muốn.
Và điều chắc chắn - một trong những di sản Cruyff để lại cho thế giới bóng đá hôm nay, không có Cruyff sẽ không có "Xavis và Iniestas" - những mẫu tiền vệ có chung hệ tư tưởng với Xavi và Iniesta.
Triết lý thượng tầng Barca là một bản vẽ hoàn hảo, nhưng kết cấu hạ tầng lại có vấn đề với những mảnh ghép loang lổ. Đội hình Barca lúc đó không có nhiều cầu thủ kỹ thuật cao, những người đủ khả năng để hiện thực hóa triết lý trong bộ não siêu việt của Cruyff thành lối chơi được định hình trên sân. Một cuộc "sản xuất" ồ ạt để cung cấp chất liệu cầu thủ cần thiết cho lối chơi của đội bóng. La Masia được đại tu thành một "dây chuyền", nơi các cầu thủ trẻ chơi thứ bóng đá xuyên suốt của đội một.
Thật kinh ngạc khi La Masia cho ra lò những Xavi, Iniesta, Messi. Họ được chọn không phải bởi khả năng thể hiện tức thời, mà là những tố chất tiềm ẩn bên trong - những tố chất mà phải rất kỳ công, các tuyển trạch viên của Barca mới tìm thấy ở họ. Thực tế, chỉ hai năm trước ngày Cruyff đến - năm 1986, những học viên 15 tuổi của lò La Masia phải có tố chất cơ bản là đạt chiều cao từ 1m80 trở lên mới có cơ hội ở lại. "Tôi sẽ cao hơn 1m80, tôi sẽ trở thành một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp" - một cầu thủ trẻ khi ấy giận dữ hét lên trong buổi "sát hạch" chiều cao. Tên của anh ta ư? Josep "Pep" Guardiola.
Mãi đến ngày giải nghệ, Guardiola cũng chẳng thể cao hơn 1m80. Ông chính xác cao 1m80. Nhưng Guardiola đã trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp đúng như những gì đã nói. Trong sự nghiệp, Pep chơi cả thảy 384 trận cho Barca, giành tới sáu danh hiệu VĐQG Tây Ban Nha, giúp CLB lần đầu tiên vô địch European Cup - tiền thân của Champions League ngày nay, cùng hàng chục danh hiệu lớn nhỏ khác. Ông là một tiền vệ thông minh, xoay xở khéo léo và có khả năng làm chủ không gian hoàn hảo để rồi từ đó tung ra những đường chuyền có độ chính xác cao. Đó cũng là những gì Johan Cruyff cần ở một tiền vệ trung tâm. Và Guardiola chỉ là một trong rất nhiều dẫn chứng cho sự thay đổi mà Johan Cruyff mang đến Barca. Nhờ có ông, những Albert Ferrer, Sergi hay Guillermo Amor mới có thể ở lại. Họ là những cầu thủ không sở hữu nền tảng thể chất tuyệt vời, nhưng luôn biết cách "nuông chiều" trái bóng bằng những cú chạm đầy tinh tế và vờn đối thủ như mèo đuổi chuột.
Tất cả các lứa đào tạo ở La Masia, từ những đứa trẻ tám tuổi đến các cầu thủ Barca B, đều được đào tạo theo hình mẫu của cuộc cách mạng 3-4-3 với tư duy kiểm soát bóng xuyên suốt. "Dây chuyền sản xuất" mang tên La Masia đã mang lại điều mà Cruyff khao khát. Những học viên tốt nghiệp từ lò đào tạo của CLB - như bộ ba Ferrer, Amor và Sergi đã chơi cho Barca tổng cộng hơn 1.000 trận đấu. Không một ai trong số họ cao đến 1m80. Cao hơn một chút nhưng lại hơi gầy, Guardiola chơi 384 trận cho CLB quê hương.
"Quả bóng trở thành mối quan tâm duy nhất, thậm chí trong những buổi tập thể lực cũng là với bóng" - nhà báo thể thao Oriol Domenech của tờ Mundo Deportivo - người từng sáu năm ăn tập ở đội trẻ Barca trong thời đại của Cruyff chia sẻ. Ông nhớ lại thời kỳ diễn ra một trong những cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá: "Những cầu thủ nhỏ con như tôi có nhiều cơ hội hơn để được chơi bóng. Ngày tôi còn ở La Masia, Guardiola gầy lắm, nhưng Cruyff luôn nói rằng cậu ấy sẽ có cơ hội vào sân bởi kiểu gì cậu ấy cũng sẽ phát triển cả về thể chất lẫn tư duy chơi bóng. Nếu không có Guardiola dưới bàn tay nhào nặn của Cruyff, sẽ không có những cầu thủ mang hệ tư tưởng của họ như Xavi, Iniesta hay Thiago".
Kế hoạch xây dựng một Barca mới của Cruyff đã thành hình, nhưng có vấn đề phát sinh ngay cả khi đội bóng đã vô địch European Cup Winners’ Cup 1988-1989 và Cup nhà Vua một năm sau đó. Những bản hợp đồng trong mùa hè 1989 như Michael Laudrup hay Ronald Koeman không tỏa sáng như kỳ vọng. Đặc biệt là Koeman, khiến Cruyff luôn trong một cuộc chiến đầy mệt mỏi với báo chí để bảo vệ cậu học trò đồng hương.
Cruyff dần xa lánh báo chí như một thứ dịch bệnh. Trong mỗi cuộc họp toàn đội, ông luôn than vãn "nói chuyện với báo chí rất nguy hiểm". Cruyff hạn hữu thực hiện một vài cuộc phỏng vấn, nhưng nội dung ngày càng trở nên khó hiểu. Và đây là thứ ông lý giải: "Nếu tôi muốn cậu hiểu, tôi sẽ giải thích kỹ lưỡng hơn" - Cruyff nói như thể đánh đố một phóng viên.
Kết thúc mùa giải 1989-1990 với 11 điểm ít hơn kình địch Real, Johan Cruyff thực tế chỉ được cứu vớt sau khi giành Cup Nhà Vua. Chủ tịch Nunez trên thực tế đã phủ quyết một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với chiếc ghế của Cruyff, dù nhiều thành viên trong ban lãnh đạo Barca không còn tin tưởng và muốn sa thải HLV người Hà Lan.
Bước qua lằn ranh sinh tử ấy, Cruyff bắt đầu tạo nên một giai đoạn huy hoàng cho Barca. Mùa giải 1990-1991, lứa cầu thủ cây nhà lá vườn từ lò La Masia bắt đầu cho thấy tham vọng của một đội quân đói khát và hung hăng. Và rồi người Catalonia cũng được thấy một Barca mạnh mẽ như kỳ vọng.
"Tôi đã ở đây dưới chế độ độc tài Franco: Tôi hiểu điều người Catalonia nghĩ, tôi hiểu tính nết của họ. Các CĐV Barca muốn thấy cantera - màu cờ sắc áo của đội bóng, một đội bóng mang đặc tính của Catalonia không thể pha trộn. Điều đó khiến họ cảm thấy rằng HLV của đội bóng bằng cách nào đó trở thành một phần của Barca. Tôi cố gắng mang đến những trận đấu mà đám đông có thể tự hào rằng nó thuộc về Catalonia. Bằng cách đó, người hâm mộ sẽ không ruồng bỏ bạn ngay cả khi đội bóng đi sai đường", Cruyff lý giải về cách ông đã xây dựng nên một "Dream Team" Barca mạnh mẽ chưa từng thấy trong lịch sử CLB.
Hristo Stoichkov trở thành mảnh ghép còn thiếu cho đội quân tàn sát ấy. Một tiền đạo có khả năng chơi bóng cực kỳ linh hoạt, rê bóng dẻo dai, chuyền và sút bóng từ bên cánh trái với hiệu quả tốt đến mức tưởng chừng không thể đong đếm. "The Dagger" sở hữu thứ DNA mà người Tây Ban Nha mô tả bằng cụm từ "mala leche" - một người sẵn sàng làm tất cả để chiến thắng.
Ví dụ cụ thể nhất là trận Siêu Cup Tây Ban Nha tháng 12/1990 - trận El Clasico đầu tiên Stoichkov tham dự. Tiền đạo người Bulgaria ngã sau tình huống tranh chấp với hậu vệ Chendo của Real. Trọng tài Urizar Azpitarte cho trận đấu tiếp tục. Bên ngoài sân, HLV Johan Cruyff phản ứng và bị truất quyền chỉ đạo. Không gì có thể diễn tả hết sự bực bội của Hristo Stoichkov. Trong cơn thịnh nộ, ông đã đạp vào chân của trọng tài. Kết quả, huyền thoại người Bulgaria bị treo giò hai tháng.
Nhưng khi Barca đánh bại Real 2-1 để vượt lên đối thủ với năm điểm nhiều hơn vào cuối tháng 1/1991, không gì có thể ngăn cản đoàn quân của Cruyff được nữa. Đội bóng khi ấy hình thành một bộ khung hoàn hảo: Koeman trông thật rắn chắc phía trước hàng phòng ngự; Laudrup mang đến những nét tài hoa từ hàng tiền vệ; trong khi Goikoetxea - một cầu thủ người Tây Ban Nha, thì đấu thường xuyên và là nguồn cung cấp các bàn thắng quan trọng.
Nhưng khi mọi thứ đang trơn tru như một cỗ máy đã vào phom, bản thân Cruyff gặp vấn đề. Ông nghiện thuốc lá từ thuở thiếu niên, và cái giá phải trả là căn bệnh tim mạch. Thượng đế chỉ trả Cruyff lại với bóng đá sau cuộc phẫu thuật kéo dài bốn tiếng. Bản thân ông sau đó phải rời xa bóng đá một thời gian ngắn. Thật may chín trận Cruyff không thể dẫn dắt đội bóng, các cầu thủ cùng với trợ lý Charly Rexach đã làm tốt nhiệm vụ họ cần làm. Barca thắng sáu trong chín trận ấy, và lần đầu tiên vô địch La Liga sau sáu năm.
Thật ra, những công việc gian khổ nhất, Cruyff đã làm từ trước đó. Trong mỗi buổi tập, ông đã chỉ dạy cho các cầu thủ của mình một cách tỉ mỉ. Eusebio mô tả các buổi tập của Barca dưới thời Cruyff: "Ai cũng từng bị ông ấy sửa vị trí ít nhất bốn, năm lần. 'Không, không phải ở đó. Một mét nữa ở bên phải. Bây giờ hãy quan sát từ góc độ này, cậu có một góc chuyền tốt hơn nhiều để tung ra một đường chuyền chính xác. Như vừa nãy thì không có'". Đó là cách chúng tôi đã luyện tập, cụ thể, tỉ mỉ đến mức mọi thứ sau đó trở nên thuần thục".
Cuối cùng Cruyff cũng trở lại băng ghế chỉ đạo. Thay vì phì phèo điếu thuốc lá, ông ngậm kẹo mút Chupa Chups. Nhưng Barca khởi đầu mùa giải 1991-1992 một cách chậm rãi. Đội bóng để thua ba trong tám trận đấu đầu tiên. Và bước ngoặt đến vào tháng 11, trong cuộc đọ sức với Kaiserslautern ở European Cup. Barca thắng 3-1 lượt đi. Nhưng ở trận tái đấu, đội bóng bị dẫn 0-1 sau hiệp 1. Thua trắng một bàn nữa, Barca sẽ sụp đổ và chẳng bao giờ tồn tại khái niệm Dream Team của Johan Cruyff. Các cầu thủ bước vào phòng thay đồ với trạng thái đông cứng cơ thể vì sợ hãi, e ngại cơn thịnh nộ của Cruyff. Vậy nhưng không. Trung vệ Miguel Angel Nadal - chứng nhân lịch sử của thời khắc ấy kể lại cho FourFourTwo: "Cruyff chỉ bước vào phòng thay đồ và nói: Đúng là địa ngục đẫm máu. Tôi lạnh sắp đóng băng rồi các cậu ạ".
Chỉ một câu nói tưởng chừng vô nghĩa, nhưng Cruyff đã hóa giải mọi áp lực đang bủa vây lấy đám học trò. Họ quay trở lại với sự hăm hở và ý chí ngút trời. Dù có để thua thêm một bàn nữa thật, nhưng cú đánh đầu phút 89 của Jose Bakero đã đưa Barca vượt qua cửa tử. Mọi thứ diễn tiến theo đúng lộ trình mà Cruyff và các trợ lý đã vạch ra. Đến tháng Năm, Barca vô địch La Liga một lần nữa nhờ vào thất bại không tưởng của Real trên sân . Và người Catalonia vẫn còn chung kết European Cup với đội bóng Italy là Sampdoria - trận đấu lớn bậc nhất lịch sử CLB, để hướng về.
"Ông ấy muốn chúng tôi quên đi trọng trách lịch sử cũng như những rắc rối ở trận chung kết năm 1986. Cruyff chỉ nói rằng "Salid y disfrutad" - hãy đi ra ngoài và tận hưởng nó. Đội bóng nhờ vậy mà trút bỏ mọi áp lực lại sau lưng, và chơi một trận đấu để đời" - Miguel Angel Nadal bồi hồi nhớ lại một trong những giai đoạn đáng nhớ nhất cuộc đời.
Nhờ cú đá phạt cháy lưới Sampdoria của Ronald Koeman ở Wembley, phòng truyền thống Camp Nou lần đầu tiên xuất hiện chiếc cúp bạc danh giá. 93 năm, đó là khoảng thời gian kể từ khi thành lập đến lúc Barca giành được chiếc Cup C1 lần đầu tiên. Chặng đường gần một thế kỷ ấy là quá dài cho những đợi chờ mòn mỏi của xứ Catalonia. Trong lúc ấy, kình địch Real đã giành tới sáu danh hiệu, bao gồm chuỗi năm chức vô địch liên tiếp khi giải đấu mới ra đời. Phải là Johan Cruyff, Barca mới có thể chạm tay đến tột đỉnh vinh quang. Đội quân thập tự chinh của Cruyff đã thành công trong chuyến vượt eo biển Manche, chinh phục mảnh đất Wembley với chiến thắng khó nhọc nhưng xứng đáng trước Sampdoria. Và đội quân ấy sau này được mệnh danh là "Dream Team".
Thực ra khái niệm đội bóng "Dream Team" của Johan Cruyff được khơi nguồn cảm hứng từ đội bóng rổ Mỹ - những người đã trải qua Thế vận hội 1992 chói lọi ngay tại thành phố Barcelona. Đây cũng được đánh giá là một trong những đội bóng rổ vĩ đại nhất mọi thời đại, với những huyền thoại như Michael Jordan, Scottie Pippen, Larry Bird, Patrick Ewing, Chris Mullin, John Stockton hay Karl Malone. Và"Dream Team" của Cruyff cũng là một trong những đội bóng đá vĩ đại nhất mà thế giới túc cầu giáo được chứng kiến, với Hristo Stoichkov, Michael Laudrup, Ronald Koeman, Josep Guardiola, Eusebio Sacristan... Bốn năm sau sự kiện Hesperia Mutiny, Barca bước lên đỉnh cao châu Âu, và chỉ thủ môn Zubizarreta cùng đội trưởng Alexanko còn sót lại sau vụ kiêu binh 1988.
Có những nỗi niềm tiếc nuối khi sự nghiệp cầm quân của Johan Cruyff với Barca kết thúc trong dấu lặng, trong những nốt trầm buồn chỉ bốn năm sau đêm huyền diệu ở Wembley. Nhưng có một điều chắc chắn, đó là "Thánh Johan" đã vĩnh viễn thay đổi lịch sử CLB Barca. Kể từ đó về sau, đội bóng giành thêm ba chức vô địch Champions League nữa, một với Frank Rijkaard và hai cùng Pep Guardiola. Tất cả họ đều là những môn đồ của Johan Cruyff. Và mỗi khi Barca tìm HLV mới, họ chỉ đơn giản là tìm một người mang trong mình tinh thần của "Thánh Johan" - vị HLV vĩ đại với tám năm dẫn dắt Barca và mang về cho đội bóng 11 danh hiệu. Ngoài chiến tích Wembley 1992, người Catalonia còn trải qua giai đoạn thống trị tuyệt đối bóng đá Tây Ban Nha với bốn chức vô địch La Liga liên tiếp.
32 năm kể từ ngày Johan Cruyff nhậm chức ở Barca, ông đã gây dựng cho đội bóng một lối chơi mang tính căn bản. Những người ở Camp nou sau thế hệ "Dream Team" đều được xác lập vào hệ thống đã định hình mà Cruyff chính là người khai sinh. Người học trò Eusebio về sau sắm vai HLV cho đội Barca B, lý giải về cách mà Cruyff đã thay đổi lịch sử đội bóng: "Johan đã thiết lập một lối chơi, một ý niệm mang tính liên tục cho CLB. Chúng tôi luôn cảm nhận được DNA của ông ấy. Tất cả các cầu thủ đều hiểu rõ về hệ thống ấy. Nó thâm nhập vào tất cả các lứa cầu thủ, len lỏi và ăn sâu vào tâm trí, từ một đứa trẻ lên tám đến một cầu thủ ngôi sao ở đội một cũng hiểu mình phải làm gì trong từng trường hợp cụ thể. Thành công của La Masia đã chứng minh sự đúng đắn và tầm nhìn vượt thời đại của Johan. Mỗi khi một cầu thủ trẻ được đôn lên đội một, đó lại là một phần di sản mang tên Johan Cruyff".
Ngay cả khi thất bại, Johan Cruyff cũng trở thành bài học cho lớp hậu bối. Không phải ngẫu nhiên mà Pep Guardiola gặt hái thành công vang dội trong một giai đoạn hoàng kim khác của Barca. Ông ấy in hằn những gì đã mất trong trận chung kết Champions League 1994: Làm việc chăm chỉ và tôn trọng đối thủ. Pep đã luôn nghĩ về Milan, về đêm Athens 1994 ác mộng và muốn đánh bại đối thủ mà ông từng thất bại khi còn là một cầu thủ. Người học trò xuất sắc của Cruyff muốn lấy lại những gì đã mất, bởi ai cũng biết rằng thất bại 0-4 trước AC Milan ở chung kết Champions League 1994 là khởi đầu cho sự sụp đổ đế chế "Dream Team" của Johan Cruyff.
Nhưng Cruyff không chỉ thay đổi về căn bản diện mạo của Barca, mà di sản ông để lại còn tạo ra một cuộc cách mạng, đặt nền móng cho bóng đá Tây Ban Nha đương đại. Trên toàn cõi xứ sở này, các đội bóng nhìn vào "Dream Team" của Johan Cruyff, nhìn vào thành công tột bậc của Barca để cố gắng sao chép một cách nguyên bản mô hình này. Ngay cả đại kình địch Real cũng cố gắng học hỏi có chọn lọc từ kẻ thù không đội trời chung. Và nhờ vậy, đến năm 1998, Real kết thúc chuỗi 32 năm không vô địch châu Âu với danh hiệu Champions League.
Sau này, khi Tây Ban Nha thống trị bóng đá thế giới giai đoạn 2008 - 2012, người ta cũng nhận thấy đó là một đội bóng mang trong mình những đặc tính của Johan Cruyff. Triết lý của vị HLV vĩ đại ấy được Vicente del Bosque thấm nhuần, và xây dựng nên một đội bóng bất khả chiến bại trong thời kỳ hoàng kim của ông. Như chính "Ngài râu kẽm" thừa nhận, ông chịu ảnh hưởng rất lớn từ triết lý của Thánh Johan. Đó cũng chính là khởi nguyên cho hai danh hiệu Euro 2008, 2012 và chức vô địch thế giới World Cup 2010 mà đội tuyển Tây Ban Nha giành được.
Dù không còn nữa, Cruyff đã vĩnh viễn khắc tên ông vào dòng chảy vô tận của thế giới bóng đá bằng triết lý vĩ đại, bằng thế giới quan của một nhân tài kiệt xuất.
Quang Minh (theo FourFourTwo)