Cơn đau đầu của HLV Park Hang-seo về nhân sự cho hàng công đội tuyển Việt Nam ngày một nặng nề khi nhìn vào bức tranh ở V-League.
Chỉ bốn bàn thắng trong tổng số 15 bàn của vòng 7 được ghi bởi các tiền đạo nội, tỷ lệ là 26%. Vòng 6 trước đó, tỷ lệ chỉ là 33%.
Sau hai trận liền "nổ súng", Công Phượng "tịt ngòi" ở trận đấu thứ ba, và TP HCM lại có trận không thắng - bị Đà Nẵng hôm 29/6. Đây có thể không phải là vấn đề quá nghiêm trọng của HLV TP HCM Chung Hae-seung, vì ít ra trong tay ông vẫn có những cầu thủ ngoại. Nhưng câu chuyện của Công Phượng lại cho thấy điểm yếu bao lâu nay của bóng đá Việt Nam chẳng thay đổi.
Trước Đà Nẵng, HLV Chung Hae-seung để Phượng đá 58 phút, sau đó "giở bài cũ" đưa Xuân Nam vào sân để hy vọng cái duyên ghi bàn của "siêu dự bị" sẽ giúp TP HCM tạo đột biến. Mọi thứ vẫn chẳng khá hơn. Kể từ khi V-League trở lại, Xuân Nam không hề ghi bàn, dù đá dự bị hay xuất phát từ đầu. "Kép chính" trong trên sân Thống Nhất vẫn là các ngoại binh. Với các tiền đạo nội, có vẻ khi bị bắt bài, họ dễ rơi vào trạng thái bế tắc, chịu trận. Ngược lại, với các ngoại binh, nhờ thể lực và chiều cao, mỗi cá nhân có thể tạo ra đột biến và gợi mở nhiều phương án để giúp HLV giải quyết trận đấu.
Trong danh sách ghi bàn hiện nay của V-League, ở top 10 chân sút, chỉ có duy nhất một nội binh. Đó là Phan Văn Long của Đà Nẵng, đội đang sở hữu Hà Đức Chinh - tiền đạo mới ghi một bàn dù được HLV Lê Huỳnh Đức tạo điều kiện ra sân liên tục gần đây. Đà Nẵng lại là đội sở hữu nhiều bàn thắng nhất giải. Nếu mở rộng danh sách, trong 20 chân sút hàng đầu, chỉ năm cầu thủ Việt, chiếm tỷ lệ 25%.
Không có gì mô tả một cách chân thực nhất thực trạng khan hiếm tiền đạo nội ở -V-League bằng chính trận ngay sân Hàng Đẫy. Người ghi bàn duy nhất của trận đấu cho Sài Gòn là một cầu thủ ngoại, đến từ một tình huống khó, sút xa. Ngược lại, chân sút nội hàng đầu của Hà Nội - Nguyễn Văn Quyết - lại thất bại ở tình huống dễ dàng hơn nhiều, với cú sút phạt đền đưa bóng lên trời. Chừng đó đủ thấy vai trò của ngoại binh quan trọng thế nào trong việc quyết định kết quả của trận đấu, cũng như sinh mệnh của đội bóng.
Một ví dụ khác là HAGL - đội mới ghi ba bàn từ khi V-League tái đấu đến nay. Những người yêu quý CLB này có thể phiền trách các đối thủ của họ đã chơi bóng quá rắn, như trong trận tại vòng 7, khiến cho những phẩm chất về kỹ thuật của HAGL không có chỗ để phát huy. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, chỉ gặp các đối thủ rắn như vậy, những gì hay nhất của một đội bóng tấn công mới phát lộ được. Nếu đối phương không cho bạn chơi bóng, thì bạn lại càng phải phát huy tối đa điểm mạnh của bản thân là tấn công. Nên khi HAGL cứ đá mãi mà không thể ghi bàn, khái niệm "bóng đá tấn công" vốn dành cho họ cần phải được suy xét lại. Trong đội tuyển của HLV Park Hang-seo, các cầu thủ được gọi lên từ HAGL chủ yếu là phục vụ cho nhu cầu về bàn thắng. Họ không thành công, thầy Park hẳn cũng chẳng vui vẻ gì.
V-League không phải là mảnh đất màu mỡ cho các chân sút. Lối chơi thực dụng đang là một lựa chọn hàng đầu trong cuộc đua ngày càng khốc liệt. Sài Gòn FC, đội đang bất bại và đứng nhì bảng, chỉ ghi được tám bàn qua bảy trận, nhưng họ chỉ mới nhận ba bàn thua. Cựu HLV Sài Gòn, ông Nguyễn Thành Công, khi về làm việc tại Thanh Hóa, đã tạo ra những thay đổi toàn diện với 10 điểm sau bốn trận liên tục bất bại, trong đó có đến ba chiến thắng. Bí quyết thành công của ông? Rất đơn giản: chỉ thủng lưới một bàn duy nhất, trong khi chỉ ghi có bốn bàn. Như vậy, nếu chuyện thành - bại của V-League liên quan đến số bàn thua hơn là số bàn thắng, thì các chân sút nội sẽ khó có cơ hội thể hiện bản thân, chưa nói đến việc họ phải tranh đua vị trí ra sân với ngoại binh.
HLV Park Hang-seo phiền lòng... cũng đành chịu. Thể thức thi đấu mới, theo lý giải của Chủ tịch kiêm HLV đội Sài Gòn Vũ Tiến Thành, buộc các đội bóng phải lựa chọn sự thực tế, nhằm tồn tại trước đã. Nếu Sài Gòn tiếp tục không thua, họ có thể đứng trong nhóm tám đội đầu bảng để đá giai đoạn hai tranh chức vô địch. Khi đó, không còn lo trụ hạng, có muốn chơi "tất tay" hoặc phiêu lưu một chút cũng chẳng ảnh hưởng gì. Quan điểm đó đã giúp Sài Gòn đánh bại lần lượt hai ứng cử viên được xem có hàng công mạnh nhất - TP HCM rồi Hà Nội - ngay trên sân khách.
Ngược lại, với Hà Nội, dù thiếu vắng hàng loạt trụ cột ở hàng phòng ngự vì chấn thương, vấn đề lớn nhất của họ không phải là số bàn thua, mà là năng lực ghi bàn bị giảm đi quá nhiều. Hiện nay Hà Nội chỉ mới lọt lưới tám bàn, tỷ lệ là 1,2 bàn mỗi trận, như vậy là quá ít so với chính họ, khi mà các mùa trước, trung bình họ thủng lưới đến 1,5 bàn mỗi trận. Nhưng nếu mùa 2018, họ ghi trung bình 2,7 bàn mỗi trận, mùa 2019 là 2,3 bàn mỗi trận, thì sau bảy vòng của V-League 2020, tỷ lệ này chỉ là 1,4 bàn mỗi trận.
Hà Nội từng bất lực suốt cả hiệp hai trong trận thua SLNA ở vòng 5. Còn trong trận thua Sài Gòn, ngoài tình huống đá phạt đền bị hỏng của Văn Quyết, gần như nhà vô địch không tạo ra nhiều những cơ hội nguy hiểm tương tự. Một đội bóng có hàng công như Hà Nội mà bị hóa giải quá dễ dàng trước các đội chủ động đá phòng ngự, thì đó là tín hiệu xấu cho khâu tìm kiếm tiền đạo của HLV Park Hang-seo.
Thầy Park có thể lo, nhưng nếu nhìn toàn cục, thì V-League đang hấp dẫn hơn nhiều. Các đội bóng chơi thực dụng có các kết quả thuận lợi ở đầu giải, nhưng trong cuộc đua đường dài, họ sẽ không thể cứ an toàn mãi. SLNA là ví dụ. Họ vừa nhận trận thua thứ hai liên tiếp với ba bàn thủng lưới, trong khi số bàn thắng thì vẫn là bốn, kém nhất giải. Không nằm ngoái dự báo, SLNA có nguy cơ càng đá càng tụt dần xuống dưới nếu không cải thiện được khâu ghi bàn.
Nam Định - đội vừa đánh bại SLNA - chính là sự tương phản. Trước vòng 7, Nam Định xếp chót bảng nhưng không ai đánh giá thấp đội bóng đang sở hữu Đỗ Merlo, tay săn bàn vĩ đại của lịch sử V-League. Dàn ngoại binh của Nam Định chẳng thua kém ai, trong khi tập thể cầu thủ nội thì chơi chung với nhau từ lâu. Vấn đề của Nam Định có thể nằm ở HLV Nguyễn Văn Sỹ. Nhà cầm quân này có một cái "dớp" không tốt khi ngồi ghế HLV. Ông từng cầm quân trong mùa giải đội Vissai Ninh Bình... giải thể. Đến làm ở đội Xuân Thành Hà Tĩnh, thì đội này cũng... xóa tên, chuyển hộ khẩu vào TP HCM hồi năm 2010.
Dù là người đứng sau mọi thành công của đội bóng quê hương Nam Định, khi đăng ký ông Sỹ làm HLV chính thức, thì đội có chơi tốt, vẫn phải nhận kết quả rất tệ. Sau khi giúp đội nhà thắng trận play-off trụ hạng ở mùa 2018, từ đó đến nay, cứ mỗi lần đội có thành tích quá kém, thì ông Sỹ phải "hy sinh" vị trí để "đổi vận" cho đội bóng. Năm ngoái, phải nhờ ông Sỹ chuyển ghế cho người anh Nguyễn Văn Dũng, Nam Định mới dễ dàng trụ hạng cuối mùa. Năm nay, chỉ vừa mới thay HLV, Nam Định đã thắng tưng bừng 3-0 trước SLNA. Người được chỉ định "thế vai" cho ông Sỹ là trợ lý Phạm Hồng Phú, ông này cũng từng làm điều tương tự ở mùa 2017, nhờ thế mà Nam Định mới thăng hạng V-League dù chính ông Nguyễn Văn Sỹ mới là kiến trúc sư.
Thay tướng, đổi vận. Chỉ cần một trận thắng, Nam Định đã thay đổi trạng thái nhanh chóng. Giá trị của việc ghi bàn, của những trận thắng bao giờ cũng quan trọng nhất trong các cuộc đua đường dài. Với thực lực của mình, Nam Định có thể cải thiện thứ tự trong sáu vòng còn lại của giai đoạn một. Ngược lại, những SLNA, HAGL hay Hải Phòng, Hà Tĩnh, dù ít thua, vẫn dễ đi vào vùng nguy hiểm.
Song Việt