CĐV của Liverpool nói riêng và bóng đá Anh nói chung không biết bao giờ mới có thể tìm thấy một cặp tiền đạo ăn ý như Emile Heskey và Michael Owen.
Họ lại tái ngộ cùng nhau, dù chỉ là qua màn hình của phần mềm Zoom trong giai đoạn giãn cách xã hội. Không hẹn mà gặp, cả hai cũng ra tự truyện một lúc. Và tự truyện người này không thể thiếu được phần về người kia. Là một tiền đạo huyền thoại của bóng đá Anh, nhưng những năm tháng rực rỡ nhất của Owen diễn ra khi anh đá cặp với Heskey. Ngược lại, dù có một sự nghiệp bền bỉ, Heskey vẫn được nhớ đến nhiều nhất, như một "cạ cứng" của .
"Chúng tôi rõ ràng đã vươn đến đỉnh cao của sự nghiệp khi đá cạnh nhau", Owen nói. "Emile là tri kỷ trên sân của tôi". Họ đã chơi cạnh nhau tổng cộng 185 trận trong màu áo của Liverpool và đội tuyển Anh từ 2000 đến 2004. Nhưng không đợi đến khi đã thành danh, Owen và Heskey "tìm thấy nhau" từ thuở còn đá cho đội U18 Anh. Lần đầu tiên đứng chung một sân bóng, họ đã cảm nhận được mối liên kết thật kỳ lạ.
"Chúng tôi ăn ý gần như ngay lập tức", Heskey nói. "Thế mạnh của người này khỏa lấp cho điểm yếu của người kia. Mọi thứ cứ thế mà kết nối như một cú búng tay".
Owen chơi có phần ích kỷ, Heskey lại là một người cực kỳ đồng đội. Owen nhỏ bé nhưng cực kỳ tốc độ, Heskey cao to và càn lướt tốt. Họ cứ như sinh ra để dành cho nhau vậy. Owen nhớ lại giải đấu đầu tiên tại Pháp, trong màu áo của đội U18 Anh. Anh nói: "Tôi nhớ trận đấu với Italy, khi chỉ còn vài phút nữa là hết trận thì tôi đã nóng nảy đấm một cầu thủ đối phương. Trọng tài không thấy tình huống ấy, nhưng khi vừa dứt trận, các cầu thủ đối phương lao đến chỗ tôi tính sổ. Nhưng Emile đã ở đó cản tất cả. Anh ấy là một gã cao lớn, và giây phút ấy tôi biết, đây sẽ là cạ cứng của mình rồi".
Trong 74 trận cùng đá chính trong màu áo Liverpool, cặp tiền đạo này cùng nhau ghi 72 bàn. Owen ghi 49 bàn, Heskey ghi 23 bàn, nhưng có 12 pha kiến tạo cho các đồng đội. Đấy là một thành tích rất đáng nể trong những năm chuyển giao giữa hai thế kỷ. Nhưng bây giờ, họ đang có một cuộc cạnh tranh nho nhỏ khi tự truyện của mỗi người đều lọt vào danh sách những quyển tự truyện hay nhất năm do Telegraph bình chọn. Cuốn của Owen mang tên "Khởi động lại" (Reboot), còn cuốn của Heskey tên "Đến cả Heskey cũng ghi bàn được" (Even Heskey Scored).
Cuốn tự truyện của Heskey mang hàm ý chế giễu chính anh, và đó là điều mà tất cả mọi người đều nói. Suốt một thời gian dài, Heskey là một cái tên ưa thích trên mạng trong các chủ đề châm chọc. Cư dân mạng phong anh là "thánh chân gỗ" với thành tích ghi bàn quả thực khiêm tốn với một trung phong: chỉ 7 bàn qua 62 lần khoác áo tuyển Anh, và 110 bàn qua 516 trận . Nhưng tất nhiên mọi người đã bỏ qua một con số khác: 53 pha kiến tạo, chỉ kém hai lần so với Paul Scholes, tiền vệ huyền thoại của Man Utd.
Trong danh sách những cầu thủ ra sân nhiều trận nhất tại Ngoại hạng Anh, Heskey cũng xếp thứ 7. Nó phản ánh đúng một sự nghiệp bền bỉ trải dài qua các CLB Leicester City, Liverpool, Birmingham City, Wigan Athletic, Aston Villa và Bolton Wanderers. "Tôi chơi vì đội bóng, nên những lời dèm pha không ảnh hưởng gì đến tôi", Heskey nói. "Tôi biết có những tiền đạo sẽ mất ngủ khi đội nhà ghi năm bàn còn cá nhân họ không có bàn nào. Tôi thì không như thế".
Nhìn vào những điểm mạnh của bản thân mà vươn lên, Heskey dạy cho các đàn em điều đó. Anh nói: "Hãy tưởng tượng con trai của bạn tám tuổi. Nếu tôi nói đến năm 24 tuổi, nó sẽ khoác áo tuyển Anh trải dài từ các lứa U lên đến đội tuyển quốc gia, sẽ ra mắt đội một ở tuổi 17, vào ba trận chung kết các giải Cup trong vòng 4 năm với CLB quê hương Leicester, được bán cho Liverpool với giá kỷ lục vào lúc đó, rồi giành cú ăn ba - Cup FA, Cup Liên đoàn, Cup UEFA - ngay màu đầu tiên, cùng tuyển Anh dự hai kỳ World Cup, một kỳ Euro và góp mặt ở một trong những trận cầu đáng nhớ nhất lịch sử bóng đá Anh, liệu bạn sẽ nghĩ gì? Không tệ một chút nào phải không!".
Và Heskey đã đạt được tất cả những thành tựu vừa nêu với một tư duy đơn giản: "nếu không thể ghi bàn thì chuyền cho đồng đội làm việc ấy". Anh không bao giờ chần chừ nếu thấy đồng đội ở vị trí tốt hơn - điều mà không phải một tiền đạo nào cũng làm được. Thuở vừa lên đội tuyển, anh đã ích kỷ như Owen, nhưng theo thời gian, đã trở nên đồng đội và hy sinh như Heskey.
Owen nói: "Nếu chiều theo những gì đã làm trong sự nghiệp, Emilie nên nhường danh hiệu quyển sách hay nhất cho tôi luôn. Nếu sách anh ấy được chọn, tôi sẽ mừng, nhưng đồng thời cũng rất ghen tỵ. Vì cũng như thuở còn đá bóng, tôi chẳng bao giờ chuyền cho anh ấy. Tôi luôn kẻ kẻ tham lam, còn Emile thì quý ông hơn tôi nhiều".
Đâu phải ngẫu nhiên sau khi không còn được đá cặp với Heskey nữa, phép màu từ đôi chân của Owen biến mất. Ở Real Madrid, Owen vẫn chơi rất hay, nhưng anh không còn là tay sát thủ lạnh lùng từng giành Quả Bóng Vàng như thời ở Liverpool.
Owen nhớ lại: "Emile đồng đội kinh khủng. Đá cặp với một đồng đội như thế thật dễ dàng. Nếu như đá với một tiền đạo cũng ích kỷ, có lẽ tôi sẽ luôn chăm chăm lựa vị trí sút bồi thành bàn mỗi khi đồng đội của mình dứt điểm. Nhưng nếu đá với một tiền đạo luôn đưa ra những quyết định chuẩn xác nhất cho đội bóng, tôi cũng sẽ có mặt ở vị trí tốt nhất. Emile thật sự đã giúp tôi đưa ra những quyết định đúng nhất".
Sau khi Heskey chuyển từ Leicester City đến Liverpool năm 2000, lương duyên từ các tuyến trẻ của Anh lại càng trở nên bền chặt. Họ không phải là bạn bè của nhau bên ngoài sân cỏ, nhưng cứ vào sân là cứ như đọc được ý nghĩ của nhau. Heskey nói: "Chúng tôi không ra ngoài nhậu nhẹt, cũng chẳng ăn cùng nhà hàng mỗi cuối tuần. Nhưng sự thấu hiểu về mặt nghề nghiệp thì thật sự ở một đẳng cấp khác. Thật sự không cần là bạn bè thân thiết để hiểu nhau trên sân. Chris Sutton và Alan Shearer đâu có hợp cạ ngoài sân, Teddy Sheringham và Andy Cole cũng thế".
Đỉnh cao của bộ đôi Owen - Heskey đến vào năm 2001, khi Liverpool giành cú ăn ba vào một thời điểm giông bão mà ít ai nghĩ họ có thể vô địch một giải đấu nào. Họ đã xé toang mọi hàng phòng ngự vào thời gian nó. Bộ đôi này cũng kề vài sát cánh khi Anh hủy diệt Đức 5-1 ngay trên sân khách, một trong những trận đấu hay nhất của "Tam Sư" trong lịch sử. Hôm ấy Owen lập một hat-trick, Heskey cũng ghi một bàn. Và đó là nguồn cơn của tựa sách "Đến cả Heskey cũng ghi bàn được".
Heskey nói: "Đấy là đỉnh cao của chúng tôi. Chúng ăn ý tuyệt vời không chỉ trong một vài trận mà suốt cả mùa. Và người Đức đã hiểu rõ điều đó".
Nhưng chiến thắng trước tuyển Đức không mang lại cho người Anh một danh hiệu nào cả. Và dù sở hữu một thế hệ vàng, những gì "Tam Sư" mang lại chỉ là những tiếng thở dài tiếc nuối ở các giải đấu lớn. Heskey đổ lỗi cho vận may, còn Owen tin đội tuyển đã phạm phải những sai lầm chiến thuật.
Owen nói: "Nếu có một điều gì đó muốn thay đổi, tôi sẽ đổi sơ đồ chiến thuật ở những năm tháng ấy. Trong khi tất cả các đội bóng đều chiếm ưu thế ở tuyến giữa, chúng tôi vẫn cứ duy trì sơ đồ 4-4-2. Chưa kể ngày ấy chúng tôi không có một tiền vệ cánh trái đúng nghĩa, nên lúc nào cũng phải có một người chơi trái vị trí. Nếu là HLV, tôi sẽ chọn sơ đồ 3-5-2. Đấy không phải sơ đồ ưa thích của tôi, nhưng trớ trêu là tuyển Anh dường như luôn chơi thật hay với sơ đồ này. World Cup 1990 hay Euro 1996 dưới thời Glenn Hoddle là những ví dụ. Tôi sẽ xếp Ashley Cole ở cánh trái, để David Beckham hoặc Gary Neville ở cánh phải và để những tiền vệ trung tâm tuyệt vời của đội làm đúng vai trò của họ: những tiền vệ trung tâm. Tôi luôn tin tuyển Anh sẽ thành công nếu chơi như thế".
Gần 20 năm đã trôi qua kể từ khi Owen giành Quả Bóng Vàng. Và có lẽ sẽ còn rất lâu nữa mới xuất hiện một cầu thủ người Anh có khả năng chạm tay vào giải thưởng danh giá này. Và có lẽ sẽ còn lâu hơn bóng đá thế giới mới xuất hiện một cặp tiền đạo ăn ý như Owen - Heskey. Từ khi Jose Mourinho để Didier Drogba một mình độc lập tác chiến trên hàng công, cả thế giới đều đã đổ xô theo mô hình một trung phong, hoặc có khi chẳng có trong phong nào.
Những năm tháng chuyển giao thiên niên kỷ ấy, bên cạnh Heskey - Owen chúng ta còn phải nhớ đến Raul - Morientes của Real Madrid, Shevchenko - Rebrov ở Dynamo Kiev, Yorke - Cole ở Man Utd, Del Piero - Inzaghi ở Juventus. Đấy là thời mà bóng đá thật đẹp, nơi các HLV vẫn dành đến hai vị trí trên hàng tấn công với mục tiêu ghi nhiều bàn hơn đối thủ. Trận đấu cuối cùng của mùa bóng 2000-2001 ấy, Liverpool đoạt Cup UEFA nhờ đánh bại Alaves ở trận chung kết. Bạn nhớ tỷ số trận ấy không? 5-4.
Đâu phải ngẫu nhiên mà dạo này những bài viết hoài niệm xuất hiện ngày càng nhiều. Đâu phải chỉ vì Covid-19, mà bởi vì những gì đẹp đẽ nhất có lẽ chỉ còn được tìm thấy trong hồi ức.
Hoài Thương (theo The Telegraph)