Thứ Sáu, 1 tháng 5, 2020

Drogba - từ chân gỗ đến huyền hoại Chelsea

Từng không muốn tới và gặp nhiều trắc trở ở Chelsea, nhưng sau cùng Didier Drogba cũng xác lập được vị trí đáng kính nể trong lịch sử CLB thành London.   

Trên đường từ vạch giữa sân đến chấm 11 mét của sân Allianz Arena, Drogba cố đi thật chậm. Anh chuẩn bị thực hiện cú sút quan trọng nhất đời, và đang cân nhắc những phương án.

Ban đầu, Drogba định làm thủ thành của Bayern Munich là Manuel Neuer bất ngờ với một cú Panenka. Nhưng anh bỏ ngay ý định ấy, vì mạo hiểm quá. Sau đó, anh định sẽ chạy đà ngắn hơn thường lệ, để Neuer không có nhiều thời gian phân tích ngôn ngữ cơ thể của anh.

Khi cầm quả bóng đặt lên chấm 11 mét, trước khoảnh khắc sẽ đóng đinh di sản của anh tại Chelsea, Drogba quả thực chưa có chủ ý gì. Nhưng anh cũng không chút gì hoài nghi bản thân. Sau này, Drogba viết trong tự truyện: "Lúc ấy, tôi nói với mình điều mà tôi vẫn tâm niệm từ khi còn là một cậu bé. Này Didier, mày thích việc này. Nếu mày ghi bàn, đội thắng. Nếu mày đá hỏng, ừ thì hỏng. Nhưng mày thích việc này, mày yêu cái trọng trách này. Thật vậy. Tôi yêu cảm giác chịu trách nhiệm cho một việc lớn. Và dù thỉnh thoảng tôi đá hỏng, số lần thành công lại lớn hơn nhiều".

Drogba đánh lừa Neuer đổ người sai hướng. 

"Trước chấm 11 mét, thủ môn thất thế hơn nhiều. Hơn nữa, tôi cảm giác như số mệnh đã an bài để Chelsea đăng quang. Cái gì của mình rồi sẽ là của mình, không ai lấy được. Vào một ngày khác, có thể tôi sẽ căng thẳng. Nhưng hôm ấy, tôi bình tĩnh lạ kỳ. Hoàn toàn yên bình".

Rồi Drogba thực hiện cú sút. Bóng bay một hướng, Neuer bay hướng ngược lại. Cảm giác tự tin đến bình yên của Drogba đã mang Chelsea đến chức vô địch Champions League đầu tiên trong lịch sử. Đấy là một xúc cảm vỡ òa sau tám năm điên rồ đuổi theo vinh quang châu Âu, sau biết bao nhiêu những thất bại, từ tâm phục khẩu phục đến tủi hờn uất ức. Và chức vô địch lạ lùng ấy cũng đã ghim cái tên Didier Drogba mãi vào lịch sử Stamford Bridge, một câu chuyện thần tiên đã bao lần ngỡ như phải kết thúc một cách xấu xí.

Không phải lúc nào Drogba cũng tự tin về việc làm chủ cuộc đời anh. Khi Marseille bán Drogba cho Chelsea với giá 24 triệu bảng (khoảng 30 triệu USD) hè 2004, chỉ vài tuần sau khi ký hợp đồng mới, anh mô tả mình chỉ biết "khóc và khóc". Drogba nhớ lại: "Cảm giác như có ai đó vừa đâm vào tim mình. Tôi không muốn rời Marseille. Tôi cảm thấy tức giận vì phải ký với Chelsea. Nghe thật lạ lùng, nhưng tôi đã rất thất vọng khi phải sang London".

Sự hiện diện của Jose Mourinho tại Stamford Bridge đã giúp anh thay đổi suy nghĩ. Ông đã tha thiết muốn có Drogba trong đội hình suốt một năm trời sau khi cùng Porto đánh bại Marseille ở Champions League. Vì quá thích Drogba, Mourinho đã cử trợ lý thân tín của mình là Andre Villas-Boas theo dõi sát sao anh này. Và khi có núi tiền từ ông chủ mới ở Chelsea - Roman Abramovich, Mourinho đã có thể đạt được mục tiêu.

Mourinho theo dõi và thèm khát Drobga từ khi xem anh thi đấu ở Marseille mùa 2003-2004. Ảnh: Le Dauphine

Mourinho sau này nói với beIN Sport: "Tôi nhớ rõ Abramovich hỏi lại tôi: Ai cơ? Anh nói sẽ ký với ai? Giữa những cái tên lẫy lừng của châu Âu vào lúc đó, tôi đã nói Drogba. Abramovich lại hỏi: 'Ai cơ? Anh ta đang đá ở đâu vậy?' Và tôi nói: 'Ngài Abramovich này, cứ chi tiền và đừng nói nữa'".

Abramovich và Mourinho cùng đích thân ra đón Drogba khi anh đáp xuống phi trường Farnborough trên chiếc chuyên cơ của tỷ phú người Nga. Mourinho giúp Drogba đỡ căng thẳng khi chào anh bằng tiếng Pháp: "Anh khỏe không, bạn mình?"

Rồi ông nói với Drogba: "Anh là một cầu thủ giỏi. Nhưng nếu muốn trở thành một cầu thủ vĩ đại thì phải đá cho tôi. Marseille là một CLB giỏi, nhưng để chơi hay hơn nữa thì anh phải đá cho một CLB lớn, như Chelsea, và phải đá cho tôi".

Quá trình hòa nhập của Drogba tại Chelsea rất gập gềnh. Anh không được lòng nhiều đồng đội tại Chelsea thuở đầu, chủ yếu vì vốn tiếng Anh quá hạn chế. Anh cũng không nhận ra John Terry. Drogba nhớ lại trong cuốn tự truyện: "Tôi để ý thấy một chàng trai cao lớn, trẻ trung và cứ ngỡ cậu ấy từ đội dự bị lên. Tôi nghĩ: thú vị nhỉ, người ta cho cả cầu thủ trẻ lên tập cùng để lấy kinh nghiệm. Cuối buổi tập, tôi mới hỏi một cầu thủ khác trong đội xem gã kia là ai. Và anh ta phá ra cười, đáp lại: 'Là thủ quân của chúng ta chứ ai!'".

Drobga từng chật vật khi phải thay đổi lối chơi giàu bản năng, theo yêu cầu của Mourinho. Ảnh: PA

Trên sân cỏ còn khó khăn hơn sân tập. Mourinho yêu cầu Drogba phải thay đổi lối chơi đầy bản năng của anh. Ở Marseille, Drogba thường hay đứng ngang hàng với hậu vệ đối phương rồi dùng tốc độ thoát qua để ghi bàn. Ở Chelsea, anh là tiền đạo mỏ neo, thường phải nhận bóng xoay lưng về khung thành và phải tìm cách đưa bóng đến những cầu thủ tấn công khác. Anh phải đối đầu về thể lực nhiều hơn, trước những hậu vệ khỏe nhất thế giới.

Drogba nói: "Ở bất kỳ nơi nào tại châu Âu, khi bạn ngã xuống sau một pha phạm lỗi, trọng tài rút thẻ ngay cho người hậu vệ. Ở Anh, bạn phải đứng dậy và bắt tay người hậu vệ ấy. Giờ nghĩ lại tôi cảm thấy buồn cười, nhưng lúc ấy thật sự là một cú sốc văn hóa mà tôi mất nhiều thời gian để vượt qua".

Dùng sức quá nhiều, cơ thể của Drogba bị quá tải. Anh phải nghỉ hai tháng ở mùa 2004-2005 vì phải phẫu thuật háng. Trong hai mùa giải đầu tiên, Drogba vào sân 55 trong tổng số 76 trận đấu tại Ngoại hạng Anh. Cả hai mùa ấy, dù Drogba là trung phong, thành tích ghi bàn của anh đều thua Frank Lampard.

Chelsea đã chơi vượt trội trong hai mùa bóng đầu tiên cùng Mourinho, chỉ Drogba là lạc lõng. Anh gần như là mắc xích kém quan trọng nhất trong đội hình. Ngay cả những CĐV Chelsea cũng không yêu mến anh. Cứ bị các hậu vệ theo sát và đá rát, Drogba bắt đầu tự bảo vệ mình bằng cách... ngã vờ, và điều đó khiến anh bị chính những CĐV ghẻ lạnh. Trận đấu cuối mùa với Man City vào tháng 3/2006, Drogba ngã xuống sau pha va chạm với Richard Dunne và đám đông ở Stamford Bridge ngay lập tức la ó tiền đạo đội nhà, dù hôm ấy anh ghi cả hai bàn trong chiến thắng 2-0 của Chelsea.

Drobga lập cú đúp giúp Chelsea hạ Man City 2-0 tháng 3/2006
Drogba lập cú đúp giúp Chelsea hạ Man City 2-0 ngày 25/3/2006. 

Đấy là một trải nghiệm chua chát. Drogba phải thừa nhận là dù Chelsea rất thành công, anh không hạnh phúc tại nước Anh. Sự ghẻ lạnh ấy trái ngược hoàn toàn với sự kính ngưỡng như thần linh mà Drogba nhận được ở quê hương Bờ Biển Ngà. Tháng 10/2005, Drogba cùng các đồng đội chính thức giành vé dự World Cup đầu tiên trong lịch sử. Và trên sóng truyền hình trực tiếp, anh đã gửi đi một lời thỉnh cầu rằng "mọi người hãy buông súng và đối thoại, hãy kết thúc cuộc nội chiến đã gieo rắc tang thương tại Bờ Biển Ngà suốt nhiều năm". Và sau lời kêu gọi này, Tổng thống Bờ Biển Ngà Laurent Gbagbo cùng thủ lĩnh phe liến loạn Guillaume Soro rốt cục đã chịu đối thoại. Vài tháng sau World Cup 2006, các bên ký thỏa thuận hòa bình, và hai nhân vật này đã cùng xuất hiên trên khán đài, cùng hát quốc ca và chứng kiến Bờ Biển Ngà đánh bại Madagascar 5-0.

Trong lúc đó, tương lai của Drogba sau World Cup 2006 vẫn là một dấu hỏi. Và đấy là lúc Frank Lampard xuất hiện. Drogba nhớ lại: "Một ngày nọ, ngay sau khi World Cup kết thúc, tôi đang nghỉ mát cùng gia đình tại Marrakech thì nhận được tin nhắn từ anh ấy. Thật lạ lùng, bởi vì suốt hai mùa giải tại Chelsea, Lampard hình như chưa từng nhắn gì cho tôi cả. Tôi vẫn nhớ tin nhắn hôm ấy: 'DD, tôi hy vọng anh sẽ ở lại, vì chúng ta đã vô địch Ngoại hạng Anh cùng nhau, nên sẽ vô địch Champions League cùng nhau'. Tôi cứ nhìn chằm chằm vào điện thoại của mình, vào tin nhắn ấy".

Tin nhắn ấy, theo Drogba, đã "giải phóng và chắp cánh" cho anh. Một tin nhắn đã giúp anh hoàn toàn tự tin vào bản thân mình, một tin nhắn khiến anh cảm thấy mình được yêu thương và trân trọng, những điều mà anh vẫn kiếm tìm từ ngày sang Chelsea. Một tin nhắn đã trở thành chất xúc tác để Drogba chính thức bước vào một chương rực rỡ nhất trong sự nghiệp.

Mùa giải 2006-2007, Drogba ghi 33 bàn trên mọi mặt trận, nhiều hơn cả hai mùa đầu cộng lại. Sự xuất sắc của Drogba làm người ta quên đi việc Hernan Crespo rời đi và mà Andriy Shevchenko mang đến. Mùa ấy, Man Utd vô địch, nhưng Drogba cho thấy phẩm chất ở những trận cầu lớn, khi ghi bàn ấn định chiến thắng trong trận chung kết Cup FA trước chính "Quỷ Đỏ".

Drobga ghi bàn hạ Man Utd ở chung kết Cup FA 2007

Drogba kể về trận đấu ấy: "Trong hiệp phụ, tôi bị chuột rút. Tôi bèn chạy ra đường biên và nói với HLV là hãy thay tôi ra, chứ tôi chạy hết nổi rồi. HLV nói: 'Không, chạy không nổi thì đừng có chạy, cứ đứng yên đó thôi, đứng yên và bóng tới thì ghi bàn. Tập trung vào, một pha bóng thôi và cậu sẽ ghi bàn'".

Và mọi việc đã diễn ra như thế. Trong khi các cầu thủ Chelsea mừng Cup  tại Wembley, Drogba chạy vào phòng thay đồ, giật lấy điện thoại lúc Mourinho đang nói chuyện với vợ, ép ông ra chia vui với mọi người.

Lúc này, mối liên kết giữa Drogba và Mourinho đã rất mạnh mẽ. Nên khi Mourinho bị sa thải vào tháng 9/2007, Drogba đã khóc ngay tại Cobham. Anh đến gặp Abramovich để nghe lời giải thích và có một bài trả lời phỏng vấn rất kích động trên France Football ít lâu sau.

Drogba nói: "Tôi đã ra quyết định rồi. Không gì có thể giữ tôi ở lại Chelsea nữa. Dù Ronaldinho hay Kaka đến đây cũng thế, tôi sẽ không đổi ý. Mối quan hệ giữa tôi và Chelsea đã tan vỡ, dù nó vẫn luôn là mối quan hệ không mấy dễ chịu. Ngay từ khi đến đây, tôi đã muốn rời đi. Mỗi mùa hè mong muốn ấy càng rõ ràng. Vậy mà tôi đã ở đây được bốn mùa rồi".

Sau khi bài báo ra lò, Chelsea lập tức ra thông cáo, nhấn mạnh Drogba vẫn là cầu thủ của họ. Trong cuộc họp nội bộ, Drogba vẫn giữ quan điểm: 2007-2008 sẽ là mùa cuối của anh tại đây. Nhưng Drogba cho thấy một đức tính ngay giữa lúc cơm không lành canh không ngọt: anh luôn tận hiến ngày nào còn ở lại. Sau khi ghi bàn mở tỷ số trong trận thắng 2-0 trên sân Middlesbrough, anh chạy đến chỗ các CĐV Chelsea và hôn lên ngực áo.

Chấn thương đầu gối và Cup châu Phi khiến Drogba đóng góp không nhiều dưới thời Avram Grant, người thay thế Mourinho. Nhưng anh ghi cả hai bàn trong chiến thắng 2-1 trên sân nhà trước Arsenal, lại ghi tiếp hai bàn vào lưới Liverpool để mang Chelsea vào chung kết Champions League 2008 tại Moscow. Tại đây, cảm xúc của Drogba lại bộc phát và một lần nữa thay đổi sự nghiệp của anh.

Drobga lĩnh thẻ đỏ ở chung kết Champions League 2008

Trước khi bước vào hiệp phụ, Drogba yêu cầu Grant cho anh đá cặp với Nicolas Anelka. Grant từ chối. Drogba mang nỗi bực dọc ấy vào sân và nhận thẻ đỏ phút thứ 116 vì tát vào mặt Nemanja Vidic. Sau đó Chelsea thua tức tưởi Man Utd trong loạt luân lưu. Cần nói thêm: trước khi đá trận chung kết Drogba đã nhận hung tin là bà của anh ở Bờ Biển Ngà đang hấp hối. Abramovich cho phép Drogba sử dụng chuyên cơ để về quê nói lời từ biệt với bà sau khi trận đấu kết thúc.

Nhưng trước khi lên máy bay, anh đã kịp nói với người con cả của Abramovich, là Arkadiy, trong phòng thay quần áo: "Tôi sẽ trở về, và một ngày nào đó sẽ lấy lại Champions League cho anh".

Con đường từ Moscow tới Munich vẫn còn đầy những khúc cua bất ngờ. Và không một cầu thủ nào trải qua hành trình ấy với những cảm xúc mãnh liệt như Drogba. Kết thúc đêm bán kết Champions League 2009 đáng quên ở Stamford Bridge, hình ảnh đọng lại trong lòng mọi người chả phải là cú vô-lê của Andres Iniesta, mà là đôi mắt mở trừng thịnh nộ của Drogba, chỉ thẳng vào mặt trọng tài Tom Henning Ovrebo và thét lên: "Ô nhục! Chết tiệt!".

Drobga tức giận với trọng tài Ovrebo

Trước ấy chỉ vài tháng, vào tháng 1/2009, Drogba ngỡ đã rời Chelsea vì HLV Luiz Felipe Scolari tuyên bố không cần anh nữa. Người ta còn bàn đến một cuộc trao đổi với Inter Milan để lấy Adriano. Nhưng vào phút chót, Abramovich đã không để việc ấy diễn ra. Các CLB Ngoại hạng Anh sẽ sớm hối tiếc vì điều này. Vì dẫu đã ghi bàn ít lại, Drogba lúc này đã trở thành con quái vật với mọi hậu vệ tại nước Anh. Anh nhanh, khỏe và cực kỳ thông minh. Hãy hỏi Arsenal, nhất là Philippe Senderos khốn khổ thì rõ. Anh đã ghi tới 13 bàn trong 15 lần đối đầu Arsenal trên mọi mặt trận.

Mãi đến khi rời Chelsea sang Arsenal, William Gallas mới thấu hiểu nỗi khổ của Senderos. Anh nói: "Tập luyện với Drogba ở Chelsea, tôi không thể hiểu nổi tại sao Senderos gần như biến mất mỗi lẫn đối đầu với Didier. Nhưng khi chạm trán thật sự trên sân, tôi mới hiểu. Anh ấy tỏa ra một sức mạnh và một sự đáng sợ mà tôi không bao giờ cảm nhận được khi làm đồng đội. Hoặc có thể Drogba đã ngày một giỏi hơn, nên chạm trán với anh ta thì các hậu vệ sợ vãi ra".

Uy lực của Drogba lên đỉnh cao vào mùa giải 2009-2010 mà Chelsea ăn cú đúp. Anh ghi 29 bàn qua 32 trận Ngoại hạng Anh, giành danh hiệu Vua phá lưới, dù nghỉ gần như hết tháng 1, vì Cup châu Phi.

Drobga cùng Chelsea diễu hành mừng cú đúp danh hiệu mùa 2009-2010. 

Robert Huth là đồng đội của Drogba từ 2004-2006, nhưng ký ức lớn nhất về Drogba là khi anh cùng Stoke City đến sân Stamford Bridge để đá trận tứ kết Cup FA vào tháng 3/2010. Huth nói: "Tôi phải đối đầu trực tiếp với anh ấy. Sau hai phút đầu tôi đã lăn quay ra đất. Anh ấy rất thích những màn tì đè đua sức, hậu vệ càng khỏe anh ta càng khoái đấu. Chúng tôi có bốn hậu vệ, Didier đo ván cả bốn. Bình thường, chúng tôi chỉ chèn ép các tiền đạo. Hôm ấy, chúng tôi bị bắt nạt ngược lại và trải qua 90 phút địa ngục. Bạn mà né xuống một chút, anh ta sẽ dốc bóng thẳng vào người bạn. Kiểu gì cũng chết. Đấy là tiền đạo giỏi nhất Ngoại hạng Anh mà tôi từng đối đầu".

Kỳ phùng địch thủ của Drogba ở nước Anh là Jamie Carragher, một trung vệ cực kỳ máu lửa. Qua 26 lần chạm trán trực tiếp trên sân cỏ, Carragher viết ra kinh nghiệm trên tờ Telegraph sau khi giải nghệ: "Nguyên tắc tối thượng: đừng chọc giận Didier. Anh ta giống Hulk, càng giận càng khỏe, càng giận càng hay. Nhìn lại thì tôi thấy Drogba đã thay đổi khái niệm về một tiền đạo. Nhiều lần anh ta làm công việc của hai cầu thủ cùng lúc và các HLV nhờ đó có thể thay đổi lối chơi dựa trên anh ta".

Thực tế, Drogba xem Rio Ferdinand và Vidic là hai đối thủ đáng gờm nhất anh từng chạm trán. Ngược lại, Vidic cũng rất nể trọng Drogba. Trả lời phỏng vấn tạp chí FourFourTwo vào năm 2016, trước câu hỏi Fernando Torres hay Drogba mới là đối thủ đáng sợ nhất, Vidic không ngại ngần đáp ngay: "Drogba khó chơi hơn nhiều. Torres luôn chờ thời cơ để ghi bàn, nhưng Drogba hành hạ bạn suốt cả trận".

Một trong những lý do Chelsea phải ký với Torres vào tháng 1/2011 với giá kỷ lục thời ấy - 50 triệu bảng - là vì Drogba đã có tuổi và không thể cáng đáng hàng công Chelsea suốt cả mùa. Trước đó vài tháng, Drogba còn mắc bệnh sốt rét. Nhưng dẫu không còn ở đỉnh cao phong độ, Drogba đã trở thành một trong những tiếng nói lớn nhất trong phòng thay quần áo. Khi Roberto di Matteo được bổ nhiệm thay Andre Villas-Boas vào tháng 3/2012, Drogba đã lên tiếng: "Tôi lẽ ra đã rời đi vào tháng Giêng. Nhưng vì sao giờ tôi vẫn ở đây? Vì tôi tin chúng ta sẽ có cơ hội vô địch Champions League. Có thể tôi sai, nhưng tôi sẽ làm mọi cách để chứng minh mình đúng".

Và rồi anh truyền đi thông điệp bình định phòng thay quần áo: "Tôi đã ở đây tám năm. Có nhiều lúc tôi phải dự bị, nhưng tôi không than phiền. Nên nếu có bất kỳ ai than phiền vì mình dự bị hay phải đá không đúng sở trường, người ấy sẽ mệt với tôi. Nếu không thấy vui, cứ đến gặp HLV. Nhưng giữa các cầu thủ với nhau, mọi người phải vui vẻ, phải chơi tốt nhất và phải cố vô địch Champions League".

Drobga đánh đầu ghi bàn, giúp Chelsea ngược dòng vượt qua Napoli ở vòng 1/8 Champions League mùa 2011-2012.

Uy quyền của "Con voi rừng" Drogba lúc này đã bao trùm Cobham. Và uy tín ấy ngày càng củng cố khi anh liên tục lên tiếng vào những khoảnh khắc hệ trọng nhất. Một cú đánh đầu như đạn pháo mở màn cho màn lội ngược dòng của Chelsea trước Napoli tại vòng 1/8 Champions League. Rồi trong vòng có ba ngày của tháng Tư, anh ghi bàn mở tỷ số vào lưới Tottenham ở bán kết Cup FA, ghi bàn ấn định thắng lợi trên sân nhà trước Barca, đều từ chân trái.

Hãy nói về bàn thắng trước Tottenham, được ghi theo phong cách quen thuộc. Nhận đường chuyền dài của Frank Lampard, Drogba hãm bóng bằng ngực, đưa quả bóng sang bên hông. Gallas dùng hết sức để tì đè, vẫn không cách gì lại gần nổi quả bóng. Drogba cứ lao lên với sức mạnh không gì cản nổi trước khi ghim cú sút cũng không gì cản nổi. Những pha phối hợp giữa Lampard và Drogba đã thành một đặc sản, đã dẫn đường cho Chelsea đi qua không biết bao nhiêu thác ghềnh. Họ đã phối hợp trong 36 bàn tại Ngoại hạng Anh, là cặp tấn công ăn ý bậc nhất lịch sử giải đấu này.

Drobga ghi bàn trước Tottenham ở bán kết Cup FA 2012

Drogba nói về Lampard: "Sau buổi tập, chúng tôi nán lại thêm 5, 10 hoặc thậm chí 20 phút, cố người chuyền người sút, sao cho ăn ý đến mức cảm nhận được đường chuyền của nhau. Frank cứ tập và tập, tôi cũng thế, và chúng tôi đã cùng kéo nhau trở thành những cầu thủ giỏi hơn".

"Giống tôi, Frank cũng phải tập luyên cật lực để đạt được trình độ cao nhất. Thành công của chúng tôi chẳng đến dễ dàng, chúng tôi đều biết tài năng không bao giờ là đủ, chỉ có tận hiến mới là con đường thành công. Tôi nghĩ đây là lý do tôi luôn dành cho Frank một sự thán phục, và vinh dự được cùng anh ấy tạo nên một cặp cầu thủ tuyệt vời tại Chelsea".

Họ lại kết hợp để tạo nên bàn ấn định tỷ số của Drogba ở chung kết Cup FA 2012 với Liverpool. Đấy là bàn thắng thứ 8 của Drogba trong các trận chung kết cho Chelsea. Bàn thứ chín đến trong phút bù giờ trận chung kết Champions League với Bayern Munich sau đó nửa tháng. Và đấy cũng là bàn thắng nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của anh.

Lúc ấy, Chelsea đang bị dẫn 0-1 và trận đấu chỉ còn lại vài phút ngắn ngủi. Một quả phạt góc, ai cũng tập trung, nhưng Drogba vẫn có thể tung ra một cú đánh đầu vào góc gần. Manuel Neuer - thủ môn hay nhất thế giới lúc đó - chạm được tay vào bóng nhưng vẫn không thể ngăn được bàn thua.

Let's block ads! (Why?)

Unknown

About Unknown

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :