Là cầu thủ vĩ đại nhất môn bóng bầu dục Mỹ, vợ là siêu mẫu Gisele Bundchen... Tom Brady hoàn mỹ đến mức có kẻ muốn lấy trộm "giống" của anh trong một bộ phim hoạt.
Tháng 3/2020, Tom Brady, 42 tuổi, rời New England Patriots sau 20 năm gắn bó. Nếu trong bóng đá, đây là sự kiện ngang tầm Lionel Messi chia tay Barca. Brady đã khoác áo Patriots từ ngày đầu thi đấu chuyên nghiệp tại giải bóng bầu dục quốc gia Mỹ - NFL. Anh cũng được suy tôn là GOAT - Cầu thủ hay nhất mọi thời đại - của bóng bầu dục.
Những thành tích nói lên tất cả. Cùng Patriots, Brady dự chín trận Super Bowl (chung kết giải NFL) và thắng sáu - nhiều hơn bất kỳ cầu thủ nào trong lịch sử. Anh bốn lần đoạt giải Cầu thủ hay nhất Super Bowl và thêm ba giải Cầu thủ hay nhất khác của NFL. Trong số này có cả trận Super Bowl , nay còn được biết tới với tên gọi "trận đấu 28-3". Khi đó, Atlanta Falcons ngỡ nắm chắc chiến thắng trong tay khi dẫn trước Patriots với tỷ số 28-3, nhưng bị ngược dòng và thua 28-34.
Không chỉ thành công trên sân cỏ, Brady còn có một cuộc đời viên mãn. Anh cao 1m93, sở hữu gương mặt điển trai và có vợ là siêu mẫu đình đám Gisele Bundchen. Không phải ngẫu nhiên mà trong bộ phim hài "Ted 2", hai nhân vật chính đã tìm cách đột nhập nhà Brady để... lấy "giống", khi chú gấu bông Ted muốn có con bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Trong mắt nhiều người Mỹ, Brady là người đàn ông hoàn hảo, một siêu anh hùng ngoài đời thực.
Nhưng để có được vị thế hiện tại, Brady đã trải qua những tháng ngày khổ luyện phi thường và vẫn chưa chịu dừng lại.
Ý chí hơn người
Với những ai còn xa lạ với bộ môn bóng bầu dục và Tom Brady, có thể liên tưởng anh như một phiên bản của Cristiano Ronaldo trong thế giới bóng đá. Cầu thủ người Bồ Đào Nha nổi tiếng không chỉ bởi tài năng đá bóng mà còn nhờ sự chuyên nghiệp, tính kỷ luật, lối sống khoa học và khát khao chiến thắng tới tột cùng. Brady cũng vậy.
Từ khi còn là một sinh viên thực tập của Đại học Michigan tại công ty tài chính Merrill Lynch, Brady đã thể hiện những phẩm chất kỷ luật hơn người. "Tom luôn lịch sự với tất cả, làm việc chăm chỉ, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao và thích cảm giác bận rộn", sếp cũ Oliver Owens kể trên trang CNBC.
Đó là giai đoạn cuối những năm 1990, khi Owens làm Phó chủ tịch Merrill Lynch còn thị trường tài chính liên tục lập những kỷ lục mới, khiến nhiều nhân viên trong tập đoàn không nỗ lực hết sức trong công việc. Điều này làm cậu thực tập sinh Brady chướng mắt, như Owen từng chứng kiến: "Một lần tôi thấy cậu ấy vung tay lên trời và hỏi: 'Ở đây không còn ai làm việc à?".
Khi Brady phàn nàn rằng anh không có việc để làm, ông Owens đề nghị anh cập nhật toàn bộ danh thiếp các đối tác vào phân trang Rolodex. Đến giờ, khi đã chuyển sang làm việc tại UBS, ông Owens vẫn giữ lại chiếc Roledex với hàng trăm tấm danh thiếp do Brady sắp xếp ngày nào trên bàn làm việc và cho biết đó là "một câu chuyện tuyệt vời để kể với các khách hàng là fan bóng bầu dục".
Brady làm công việc thu thập dữ liệu nghiên cứu trước những cuộc gặp khách hàng. Và anh làm tốt tới mức sau mùa hè thực tập sinh thứ hai, anh được sếp Owens mời trò chuyện riêng. Ông này khẳng định anh "sẽ có một tương lai xán lạn trong ngành tài chính", nhưng Brady cương quyết muốn thử sức với môn bóng bầu dục chuyên nghiệp.
Vài tháng sau, Brady được đội New England Patriots chọn ở lượt draft (lựa chọn) thứ... 199 trong vòng draft thứ sáu. Khi mới lên chuyên nghiệp, Brady chỉ là một quarterback dự phòng, nhưng ngay từ lúc đó anh đã khẳng định với ông chủ Robert Kraft của Patriots: "Chọn tôi là quyết định đúng đắn nhất mà đội bóng này từng làm trong lịch sử". Câu chuyện này là một phần lý do khiến tiền đạo người Anh Harry Kane hâm mộ Tom Brady. Kane cũng từng bị đội trẻ của Arsenal thải loại và từng bị đem cho những CLB hạng dưới mượn trước khi tìm được vị thế trong đội hình Tottenham.
Từ khi còn chơi cho đội bóng của trường, Brady đã tuyên bố với HLV rằng nếu anh được lên chơi ở NFL, Patriots sẽ không bao giờ sử dụng lại Drew Bledsoe. Khi ấy, Bledsoe là quarterback chính thức của Patriots và thậm chí được xem như ngôi sao hàng đầu của giải NFL. Nhưng chấn thương nghiêm trọng ở mùa 2001 khiến Bledsoe phải ngồi ngoài và tạo cơ hội cho tân binh Brady.
Cornerback của Patriots từ năm 2000 tới 2004, Ty Law kể trên ESPN: "Khi Tom được ra sân trong đội hình chính, chúng tôi chỉ mong cậu ấy đừng mắc lỗi. Đến giờ, tôi vẫn nhớ như in một câu nói của Tom với chúng tôi trong một lần trò chuyện. Ngày ấy, Drew Bledsoe là một quarterback xuất sắc, nhưng Tom vẫn nói chắc nịch: 'Drew không có cửa lấy lại được vị trí đâu’".
"Một mặt, tôi nghĩ 'Phải có khẩu khí như vậy chứ!', mặt khác tôi lại cho rằng: 'Đây là giải chuyên nghiệp và Drew lại là người được chọn từ lượt draft đầu tiên với một bản hợp đồng lớn. Chúc cậu bé này may mắn trong việc vượt qua anh ta’. Nhưng Tom không nghĩ vậy. Cậu ta hoàn toàn không thiếu tôn trọng Drew mà chỉ nỗ lực hết mình, khiến huấn luyện viên Bill Belichick và ông chủ Kraft không thể đưa Drew trở lại đội hình chính nữa".
Kết quả đúng như lời tuyên bố của Brady: Bledsoe không thể trở lại đội hình chính sau khi bình phục chấn thương. Dù vừa ký hợp đồng 10 năm vào tháng 3/2001, Bledsoe buộc phải chuyển sang khoác áo Buffalo Bills từ mùa giải 2002 rồi giải nghệ trong màu áo Dallas Cowboys năm 2006. Người thay thế anh tại Patriots đã trở thành một huyền thoại của không chỉ giải đấu mà của cả môn bóng bầu dục với biệt danh "TB12".
Năm 2017, Bill Belichick, HLV của Patriots từ năm 2000 đến nay, trả lời phỏng vấn với phóng viên Suzy Welch của CNBC. Theo ông, Brady không phải một VĐV giỏi bẩm sinh, nhưng anh có những phẩm chất khác làm nên sự vĩ đại.
Đầu tiên là ý thức tập luyện. Belichick nói: "Cậu ấy chưa giỏi như ngày nay khi mới tới Patriots, thậm chí phải nói là xa trình độ hiện tại cả cây số. Nhưng Tom làm việc rất chăm chỉ. Cậu ấy tập luyện chăm hơn bất kỳ ai và xứng đáng với mọi thành công hiện tại". Tư duy chiến thuật cũng là điều quan trọng. HLV này nói thêm: "Trên sân, cậu ấy nhìn thấy rất nhiều thứ và có khả năng tiếp nhận một lượng thông tin khổng lồ một cách nhanh chóng. Tom có tư duy chơi bóng tuyệt vời và hiểu rõ cách hoạt động của cả đội bóng lẫn đối thủ".
Điểm mạnh cuối cùng của Brady, theo Belichick, là sự tập trung. "Cậu ấy luôn thực sự tập trung vào những mục tiêu ngắn hạn. Tom có thể chỉ tập trung vào những thử thách tuần này và khi hết tuần, cậu ấy sẽ gạt nó khỏi tâm trí và đặt ra những thử thách hoàn toàn mới", ông kể.
Một thống kê chỉ ra rằng chỉ 5% cầu thủ duy trì được sự nghiệp bóng bầu dục tới năm 42 tuổi. Brady làm được điều đó với một chế độ ăn - ngủ - tập luyện hà khắc. Trên sóng radio WEEI, quarterback này kể anh thường đi ngủ trước 21h. Anh lý giải: "Tôi đi ngủ rất sớm vì thói quen dậy sớm. Tôi cho rằng những lựa chọn cá nhân tôi luôn xoay quanh việc nâng cao trình độ chơi bóng. Do vậy, mọi quyết định về đồ ăn, đồ uống..., đều xoay quanh bóng bầu dục. Tôi muốn trở thành phiên bản tốt nhất có thể mỗi ngày, mỗi tuần. Tôi muốn làm người giỏi nhất vì các đồng đội".
"Tôi yêu bóng bầu dục và muốn chơi bóng thật lâu nữa, nhưng tôi hiểu, để làm được điều đó, tôi cần làm khác những gì mọi cầu thủ khác thường làm. Những bài tập sức mạnh, thể lực và cách sinh hoạt đều rất quan trọng. Bởi không có điều gì khiến tôi hạnh phúc như được chơi bóng, và tôi muốn kéo dài điều này nhất có thể", Brady nói thêm.
Trong cuốn sách "Phương pháp TB12: Làm thế nào để duy trì được phong độ đỉnh cao trọn đời?", Brady tiết lộ thực đơn của anh: "Chế độ ăn của tôi được giao hòa giữa các triết lý Đông-Tây. Một số nguyên tắc thậm chí có tuổi đời lên tới vài ngàn năm. Chế độ dinh dưỡng của tôi có thể là hà khắc với một số người, nhưng với tôi, ăn cách khác mới là không tự nhiên. Nhiều cầu thủ trẻ ngày nay không quan tâm tới dinh dưỡng và thích ăn gì thì ăn, nhưng tôi thì không".
Đầu bếp riêng Allen Campbell hé lộ tới 80% thực phẩm mà Brady nạp vào người là rau. Anh uống rất nhiều nước mỗi ngày và thường xuyên ăn cá, hoa quả. Danh sách những đồ ăn thức uống mà Brady không sử dụng có thể khiến nhiều người bị sốc. Việc một VĐV hạn chế dùng đồ uống có cồn, đồ ăn vặt, đồ ngọt... là có thể hiểu được, nhưng Brady còn nghiêm khắc hơn thế. Trong mùa giải, Brady không ăn các món bánh mỳ và pasta có chứa nhiều gluten, ngũ cốc, cà chua, ớt, nấm, đường, thực phẩm có chất làm ngọt, nước hoa quả, nước ngọt, tương cà chua, cà-phê... Ngay cả dầu chế biến thức ăn của Brady cũng phải là dầu dừa, vì với anh dầu olive vẫn chưa đủ... lành mạnh.
Trên tờ Men’s Health, Brady cho biết đôi khi anh vẫn thả lỏng và tự chiêu đãi bản thân, nhưng chỉ khi đó là đồ ăn ngon nhất. Anh kể: "Nếu tôi thèm ăn thịt xông khói hay pizza, tôi sẽ ăn một miếng. Suy cho cùng chúng ta đều là con người và chỉ có một cuộc đời để sống. Nhưng nếu đã phá lệ thì phải là loại pizza số một. Tôi không muốn ăn một miếng pizza dở tệ và tự hỏi sao mình lại phải ăn nó".
Cristiano Ronaldo nổi tiếng về việc dậy sớm tập luyện tại Man Utd và khiến Carlos Tevez tức điên vì không thể tới tập sớm hơn đồng đội. Brady cũng có câu chuyện tương tự. Nạn nhân là Rodney Harrison – cầu thủ của Patriots giai đoạn 2003-2008. Harrison kể: "Khi tôi mới tới New England, chúng tôi trở thành bạn bè. Tôi đến phòng tập tạ vào 6h30 sáng, và nghe Brady nói: ‘Chào buổi chiều!".
"Thế là ngày hôm sau, tôi đến sớm hơn 15 phút và điều tương tự lặp lại. Ngày tiếp theo, tôi đến từ 5h45 và nghe anh ấy nói ‘Chào buổi chiều’ tới tận hai lần. Cuối cùng, tôi tới lúc 5h30, và trước khi Brady kịp mở miệng, tôi đã chặn họng anh ta: ‘Tôi không quan tâm cậu nói gì nữa đâu Tom. Không đời nào tôi tới tập sớm hơn 5h30 đâu!’. Cả hai chúng tôi đều cười phá ra sau đó".
Mối quan hệ tốt với các đồng đội cũng là một yếu tố giúp Brady vươn tới đỉnh cao. Anh đặt yêu cầu rất cao trên sân với các đồng đội, nhưng lại thể hiện sự quan tâm ở ngoài đời. Khi Sebastian Vollmer gia nhập Patriots năm 2009, anh bất ngờ khi được chính Brady chào đón. Vollmer kể: "Vào phòng thay đồ, dĩ nhiên tất cả đều biết Tom là ai. Nhưng anh ấy vẫn ra tự giới thiệu bản thân với các tân binh: ‘Xin chào, tôi là Tom Brady. Tôi chơi vị trí quarterback’. Tom không hề cố tỏ ra mình là ông chủ hay ngạo mạn".
Matthew Slater thậm chí còn ngỡ ngàng hơn khi lần đầu lên chuyên nghiệp. Anh kể: "Ngày đầu trải qua kỳ draft, tôi cảm thấy lạc lõng và không biết mình sẽ đảm nhiệm vai trò gì trong đội. Nhưng Tom tới làm quen và nói anh ấy biết tôi cũng như sự nghiệp của tôi tại trường Đại học California. Tôi không ngờ rằng một ngôi sao như anh ấy lại dành thời gian đi tìm hiểu về một cầu thủ trẻ. Điều đó nói lên rất nhiều về nhân cách của Tom".
Ám ảnh với chiến thắng
Ở lứa tuổi mà nhiều cầu thủ khác đã dưỡng già, Brady vẫn muốn chiến đấu tiếp tới 45, thậm chí là 50 tuổi. Anh vẫn hừng hực khát khao chiến thắng, như đã thể hiện suốt sự nghiệp. Trên sân, Brady luôn nổi tiếng giàu nhiệt huyết và thích văng tục để xả cơn giận dữ. Anh từng tự thừa nhận ghét cảm giác thua cuộc và phải rèn luyện ngôn ngữ thân thể để không khiến các đồng đội quá khiếp đảm. Brady từng có cuộc trò chuyện khích lệ tinh thần đồng đội để họ không thua trong một trận đấu... từ thiện với đối thủ là các lính cứu hỏa địa phương.
Darrelle Revis, đồng đội tại Patriots, thậm chí còn ví khát khao chiến thắng của Brady là một cơn bệnh. Anh này nói: "Tôi nghĩ rằng bệnh của Tom là luôn muốn cạnh tranh và hủy diệt mọi đối thủ. Từ bên ngoài, khán giả có thể thấy anh ấy là một người máu ăn thua. Nhưng phải ăn tập cùng Tom hàng ngày mới có thể thấy khát khao ấy đến mức độ nào. Tôi có thể hiểu tại sao anh ấy lại thành công đến vậy khi chứng kiến cách anh ấy tiếp cận trận đấu mỗi ngày".
Chính sự đòi hỏi cao độ của Brady khiến các đồng đội giỏi hơn, vì mỗi trận đấu tập với họ đều chẳng khác gì một trận đấu chính thức khi có Brady trên sân. Theo tờ Business Insider, Brady thậm chí từng hy sinh hơn 60 triệu USD thù lao trong hợp đồng tại Patriots để giúp đội bóng có tiền tăng cường lực lượng, qua đó tạo nên một tập thể mạnh hơn.
Brady không chỉ ghét thất bại trong bóng bầu dục. Anh ghét thua cuộc ở ... tất cả lĩnh vực. Đồng đội cũ Danny Amendola cho biết Brady từng đập gãy vợt sau khi thua một trận bóng bàn. Một câu chuyện khác tới từ Wes Welker – người khoác áo Patriots giai đoạn 2007-2012. Anh kể: "Trên máy bay, tôi chơi một trò chơi cho vui với Tom và thắng anh ấy trong vài hiệp đầu. Số tiền cược anh ấy thua là 200 USD. Tôi bắt đầu giễu cợt Tom và thấy thái độ anh ấy bực tức rõ rệt. Anh ấy thậm chí còn cầm bàn cờ vứt xuống sàn, trước khi quay lại chơi tiếp với tôi."
"Sau cùng, anh ấy thắng lại tôi 300 USD và nở nụ cười hạnh phúc chưa từng thấy. Tôi rút tiền ra trả, nhưng Tom nhất quyết không lấy. Anh ấy chỉ muốn thắng cuộc mà thôi".
Hôm 20/3 vừa qua, Brady ký hợp đồng hai năm với đội Tampa Bay Buccaneers, trị giá lên tới 50 triệu USD. Trên các trang mạng xã hội, đa phần các cổ động viên Patriots gửi lời chúc phúc thay vì oán giận Brady. Với họ, việc được chứng kiến một huyền thoại sống như Brady đã là quá may mắn, và nhiều người còn bày tỏ hy vọng Brady sẽ trở lại khoác áo Patriots trong một mùa trước khi giải nghệ.
Nhưng ngày đó có lẽ còn ở xa.
Thịnh Joey