Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2019

Thư Buffon gửi bản thân: 'Đừng để bóng đá làm mục nát tâm hồn'

Thủ môn Gianluigi Buffon, trên trang The Player's Tribune, viết bức thư giả tưởng gửi chính anh lúc 17 tuổi, chia sẻ những bài học về cuộc đời và bóng đá.

Thân gửi Gianluigi-của-tuổi-17,

Tôi viết lá thư này cho cậu tối nay với tư cách của một người đàn ông 41 tuổi từng trải với rất, rất nhiều kinh nghiệm và đã mắc cả những sai lầm. Tôi có một vài tin -  cả tốt lẫn xấu - dành cho cậu. Sự thật là tôi ở đây để nói với cậu về tâm hồn cậu.

Đúng, tâm hồn cậu đó. Tin hay không thì tùy nhưng cậu thực sự có một tâm hồn.

Hãy bắt đầu với tin xấu trước nhé. Cậu là một anh chàng 17 tuổi và sắp trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp như giấc mơ ngày bé. Cậu nghĩ rằng mình biết tất cả rồi. Nhưng sự thực là cậu chẳng biết cái quái gì, anh bạn ạ.

Biếm họa về màn trình diễn đỉnh cao của Buffon trước các chân sút thượng thặng bên phía AC Milan trong lần thủ môn này trình làng cùng Parma tại Serie A.

Biếm họa về màn trình diễn đỉnh cao của Buffon trước các chân sút thượng thặng bên phía AC Milan trong lần thủ môn này trình làng cùng Parma tại Serie A.

Chỉ trong vài ngày thôi, cậu sẽ có cơ hội bắt chính trận đấu Serie A đầu đời cho Parma và cậu thậm chí còn chẳng hiểu đời để biết sợ. Cậu đáng lẽ nên ở nguyên trên giường và uống sữa ấm. Nhưng cậu sẽ làm gì nào? Cậu sẽ tới hộp đêm cùng người bạn thân từ đội trẻ.

Cậu chỉ định làm một ly bia đúng không?

Nhưng cậu bắt đầu làm quá lên, muốn thử làm anh hùng như phim cine. Đó là cách cậu thường đối phó với sức ép mà chính cậu cũng chẳng hiểu nổi. Nhanh thôi, cậu sẽ ở ngoài hộp đêm lúc một giờ sáng và cãi nhau với cảnh sát.

Hãy về nhà và lên giường ngủ đi.

Và làm ơn, tôi xin cậu, đừng tè lên vô-lăng xe cảnh sát. Cảnh sát, hộp đêm đều sẽ chẳng thấy hành động này là buồn cười, và mọi công sức cậu bỏ ra có thể đổ sông đổ bể.

Đó là dạng rắc rối mà cậu tự chuốc lấy chẳng vì lý do gì cả. Có một ngọn lửa bên trong dẫn cậu tới những sai lầm. Dĩ nhiên, cậu sẽ nghĩ rằng mình đang cho đồng đội thấy cậu là một gã mạnh mẽ và tự do, nhưng thực tế, đó chỉ là một tấm mặt nạ mà cậu đeo.

Chỉ trong vài ngày, cậu sẽ được trao tặng ba thứ rất, rất hấp dẫn nhưng cũng nguy hiểm vô vàn: Tiền bạc, Danh tiếng và Công việc trong mơ.

Cậu chắc đang tự hỏi: ‘Thế thì có gì mà nguy hiểm cơ chứ?’

Đó chính là một nghịch lý đấy.

[Caption] Buffon 

Buffon là trụ cột của một Parma kiêu hùng của Serie A suốt giai đoạn 1995-2001, trước khi anh gia nhập Juventus với tư cách thủ môn đắt giá nhất thế giới vào hè 2001. Ảnh: AC Parma.

Một mặt thì người thủ môn cần sự tự tin. Anh ta cần phải là kẻ không biết sợ. Nếu một huấn luyện viên phải chọn giữa thủ môn giỏi kỹ thuật nhất thế giới và thủ môn chẳng biết sợ là gì, tôi đảm bảo ông ấy sẽ luôn luôn chọn gã không biết sợ.

Mặt khác, một người không biết sợ có thể dễ dàng quên đi họ có tâm trí. Nếu cậu sống và coi mọi thứ đều là hư vô, chỉ biết mỗi bóng đá, tâm hồn cậu sẽ khô héo. Rồi sẽ tới lúc cậu trở nên tuyệt vọng tới mức chẳng muốn ra khỏi giường.

Cậu cứ cười đi, nhưng điều này sẽ xảy ra với cậu. Nó sẽ xảy ra vào đỉnh cao sự nghiệp, khi cậu có tất cả những gì một người đàn ông có thể mơ tới trong đời. Đó là lúc cậu 26 tuổi, là người trấn giữ khung thành của Juventus và đội tuyển Italy. Cậu sẽ có tiền bạc và sự tôn trọng. Mọi người thậm chí còn gọi cậu là Siêu nhân.

Nhưng cậu không phải siêu anh hùng. Cậu chỉ là một người bình thường như bất kỳ ai khác. Và sự thực là sức ép của nghề này có thể biến cậu thành một con robot. Những công việc thường ngày của cậu có thể trở thành nhà tù: Cậu tới sân tập, về nhà xem TV rồi đi ngủ. Ngày hôm sau mọi thứ lặp lại y hệt. Có thắng, có thua... Mọi thứ cứ lặp lại như vậy.

Một ngày nọ, khi cậu tỉnh dậy để chuẩn bị đi tập, đôi chân cậu sẽ run không thể kiểm soát nổi. Cậu sẽ yếu tới mức chẳng thể lái xe. Ban đầu cậu nghĩ đó chỉ là ốm vặt hoặc một con virus nào đó. Nhưng mọi thứ sẽ dần tệ hơn. Cả ngày cậu chỉ muốn ngủ. Mỗi pha cứu thua trong các buổi tập đều chẳng khác gì một nỗ lực phi phàm. Trong suốt bảy tháng, cậu chẳng thể tìm nổi niềm vui trong cuộc sống.

Đó là lúc chúng ta cần tạm nghỉ.

Tôi biết cậu đang nghĩ gì khi đọc những dòng này ở tuổi 17.

Cậu đang tự hỏi: "Làm sao lại có chuyện như vậy? Mình là một người hạnh phúc, một thủ lĩnh bẩm sinh. Nếu mình là thủ môn của Juventus, kiếm tiền triệu thì đáng ra mình phải hạnh phúc chứ. Không thể có chuyện chán chường như vậy được".

Buffon ăn tập cùng đội trẻ Barca từ năm 13 tuổi, 

Buffon ăn tập cùng đội trẻ Parma từ năm 13 tuổi, và ra mắt ở đội một ở tuổi 17. Ảnh: AC Parma.

Vậy tôi phải hỏi cậu một câu hỏi: Tại sao cậu lại muốn dâng trọn cuộc sống cho bóng đá hả Gigi? Cậu còn nhớ không?

Và làm ơn đừng nói là do Thomas N’Kono nhé. Cậu phải nhớ kỹ hơn thế, từng chi tiết một.

Khi đó cậu 12 tuổi, và World Cup 1990 được tổ chức tại quê hương Italy.

Trận đấu đầu tiên là Argentina và Cameroon tại sân San Siro. Nhưng cậu đang ở đâu lúc trận đấu diễn ra? Hãy nhắm mắt lại. Cậu ở phòng khách một mình. Tại sao các bạn cậu không ở đó như thường lệ? Cậu chẳng nhớ nữa. Bà đang ở trong bếp nấu bữa trưa. Và ngày hôm đó nóng, tới mức bà phải đóng hết cửa sổ trong nhà lại để căn phòng được thoáng. Bốn bề đều tối om, trừ ánh sáng phát ra từ chiếc TV.

Cậu thấy gì trên đó?

Cậu thấy cái tên thật kỳ lạ: Cameroon.

Cậu chẳng biết Cameroon ở đâu. Cậu thậm chí còn chẳng biết có nước này trên đời trước khoảnh khắc ấy. Dĩ nhiên cậu biết Argentina và Maradona, nhưng dường như có một thứ ma thuật nào đó toát ra từ những cầu thủ Cameroon. Ánh nắng hè hôm đó như thiêu như đốt, nhưng thủ môn của họ vẫn đóng bộ đầy đủ: quần dài đen, áo xanh với sọc hồng. Cái cách anh ấy di chuyển, đứng sừng sững, rồi bộ ria mép tuyệt hảo nữa..., tất cả đều làm con tim cậu mê đắm theo một cách không lý giải nổi.

Anh ấy là người ngầu nhất mà cậu từng biết. Bình luận viên nói rằng tên anh ấy là Thomas N’Kono.

Và rồi ma thuật xảy ra: Argentina được một quả phạt góc và Thomas nhảy ra giữa đám đông cầu thủ, đấm trái bóng bay xa gần 30m. Đó là khoảnh khắc mà cậu biết mình muốn làm gì sau này.

Mà trình diễn xuất thần của Thomas NKono trong trận Cameroon - Argentina ở World Cup 1990 là cảm hứng để Buffon theo đuổi sự nghiệp thủ môn. Ảnh: colgadosporelfutbol. 

Mà trình diễn xuất thần của Thomas N'Kono trong trận Cameroon - Argentina ở World Cup 1990 là cảm hứng để Buffon theo đuổi sự nghiệp thủ môn. Ảnh: colgadosporelfutbol

Cậu không muốn trở thành một thủ môn đơn thuần. Cậu muốn trở thành một thủ môn như anh ấy: hoang dã, dũng cảm và tự do.

Càng xem trận đấu, cậu càng tiến gần tới bản ngã của mình hơn. Cuộc sống cậu đang được thành hình. Cameroon ghi bàn và cậu cảm thấy lo lắng cho họ tới mức cậu chẳng thể chịu nổi áp lực nữa. Cậu nhảy khỏi ghế sofa và dành trọn hiệp hai để chạy quanh giá để TV. Khi Cameroon bị đuổi người thứ hai, cậu còn chẳng dám nghe bình luận nữa.

Trong năm phút cuối trận, cậu bò ra đằng sau TV với âm thanh đã được tắt. Cứ thi thoảng cậu lại ghé vào xem chuyện gì đang xảy ra, rồi lại quay mặt đi.

Cuối cùng cậu ngó đầu ra và thấy các cầu thủ Cameroon đang ăn mừng. Cậu chạy ngay ra ngoài phố, nơi hai thằng nhóc cùng khu phố cũng đang làm điều tương tự. Tất cả đều hò reo phấn khích: "Mọi người có xem Cameroon không?"

Ngày hôm ấy, một ngọn lửa bùng cháy trong cậu. Cameroon là một nơi có tồn tại. Thomas N’Kono là một người đàn ông có tồn tại. Cậu cũng phải cho cả thế giới thấy: Buffon cũng tồn tại!

Đó là lý do cậu trở thành một cầu thủ. Không phải vì tiền tài hay danh vọng, mà bởi tính nghệ sĩ và phong cách của Thomas N’Kono. Bởi tâm hồn của anh ấy.

Cậu phải luôn nhớ lấy điều này: tiền và danh vọng không phải là đích đến. Nếu cậu không để ý tới tâm hồn mình, nếu cậu không tìm cảm hứng từ những thứ khác trong cuộc sống ngoài bóng đá, cậu sẽ héo mòn. Nếu tôi có thể cho cậu một lời khuyên, thì đó là hãy tìm hiểu thêm về cuộc sống quanh mình khi còn trẻ. Cậu sẽ giảm cho bản thân và nhất là gia đình mình rất nhiều nỗi đau.

Đúng là làm một thủ môn thì cần phải dũng cảm. Nhưng dũng cảm không có nghĩa là mặc kệ tất cả, Gigi ạ.

Ở đáy vực của căn bệnh trầm cảm, một điều kỳ lạ và đẹp đẽ sẽ xảy ra. Một buổi sáng nọ, cậu quyết định sẽ phá vỡ thông lệ thường ngày và chọn một nhà hàng khác tại Torino để ăn sáng. Và thế là cậu chọn một con đường khác quanh thành phố và đi ngang qua một bảo tàng nghệ thuật.

Tấm poster ở ngoài đó sẽ đề tên "CHAGALL".

Buffon, ở tuổi teen, liên tục chạm trán với những siêu sao hàng đầu thế giới vốn quy tụ ở Serie A đang hưng thịnh vào cuối những năm 1990. 

Buffon, ở tuổi teen, liên tục chạm trán với những siêu sao hàng đầu thế giới vốn quy tụ ở Serie A đang hưng thịnh vào cuối những năm 1990. 

Cậu đã nghe về cái tên này trước đó, nhưng cậu chẳng biết gì về nghệ thuật.

Cậu còn có chuyện phải làm, và đang trên đường cơ mà.

Cậu là Buffon.

Nhưng cậu có biết mình là ai không? Cậu có thực sự biết không?

Đây là phần quan trọng nhất của bức thư này. Cậu PHẢI đi vào bảo tàng ngày hôm ấy. Đó sẽ là quyết định quan trọng nhất cuộc đời cậu.

Nếu cậu không đi vào bảo tàng ấy và tiếp tục cuộc sống với tư cách một thủ môn, một Siêu nhân, rồi cậu sẽ luôn giữ kín những cảm xúc trong đáy lòng và để tâm hồn mục nát.

Nhưng nếu cậu đi vào bên trong, cậu sẽ thấy hàng trăm bức tranh của danh họa Chagall. Hầu hết trong số này sẽ không khiến cậu rung động. Có những bức rất đẹp, có những bức thú vị, có những bức chẳng đem lại cho cậu cảm xúc gì.

Nhưng rồi cậu sẽ thấy một bức tranh đặc biệt khiến cậu cảm thấy như bị sét đánh.

Đó là bức họa "The Walk" (Bước đi).

Nó gần giống như một bức vẽ trẻ con. Một người đàn ông và một người phụ nữ ở trong công việc, đi picnic nhưng mọi thứ thật sự kỳ diệu. Người phụ nữ đang bay trên trời như một thiên thần, trong khi người đàn ông đứng trên mặt đất, nắm tay người phụ nữ và mỉm cười.

Nó giống như giấc mơ của một đứa trẻ.

Bức tranh này sẽ đem tới cho cậu cảm xúc từ một thế giới khác: Đó là cảm giác của một đứa trẻ, cảm giác hạnh phúc theo hình thái giản đơn nhất.

Cảm giác được thấy Thomas N’Kono đấm trái bóng văng xa vài chục mét.

Cảm giác nghe tiếng bà gọi từ trong bếp.

Cảm giác ngồi đằng sau TV trong bóng đêm và cầu nguyện.

Khi chúng ta già đi, ta thường quên những cảm giác này.

Cậu phải quay trở lại viện bảo tàng ngày hôm sau. Điều này rất quan trọng.

Người phụ nữ ở quầy bán vé sẽ nhìn cậu một cách kỳ quặc. Cô ấy sẽ hỏi: ‘Không phải anh vừa ở đây hôm qua à?’

Buffon, sau nhiều chiêm nghiệm, thấy rằng thời trai trẻ anh đã tự gây áp lực cho bản thân bằng suy nghĩ anh là một siêu anh hùng. 

Buffon, sau nhiều chiêm nghiệm, thấy rằng thời trai trẻ anh đã tự gây áp lực cho bản thân bằng suy nghĩ anh là một "siêu anh hùng". 

Chuyện đó chẳng quan trọng. Hãy đi vào trong, bởi nghệ thuật chính là liều thuốc tốt nhất cho cậu. Khi cậu mở lòng, gánh nặng mà cậu cảm thấy bên trong sẽ được gỡ bỏ, như cái cách người phụ nữ được nâng lên không trung trong bức tranh của Chagall.

Khoảnh khắc ấy thật sự trớ trêu. Đôi lúc tôi nghĩ rằng cuộc sống đã được viết sẵn cho chúng ta. Có quá nhiều điều đẹp đẽ và không lý giải nổi sẽ xảy ra với cậu dường như có liên hệ với nhau. Đây là một trong số đó.

Bởi khi cậu còn là một cầu thủ trẻ ở Parma, cậu sẽ làm một thứ ngu ngốc sẽ ám ảnh cậu. Trước một trận đấu lớn, cậu sẽ làm một hành động chứng minh với các đồng đội và cổ động viên là cậu là thủ lĩnh, cậu rất dũng cảm và cá tính.

Cậu sẽ viết lên áo mình một thông điệp mà cậu từng thấy ai đó khắc trên bàn khi còn ở trường: "Những tên hèn hãy chết đi".

Cậu nghĩ đó chỉ là một câu khẩu hiệu hô hào mà không biết rằng đó là khẩu hiệu của những kẻ Phát-xít cực hữu. Đó là một trong những sai lầm sẽ khiến gia đình cậu chịu nhiều nỗi đau. Nhưng những sai lầm này là quan trọng, bởi chúng sẽ nhắc nhở một điều: Cậu cũng chỉ là con người thôi. Chúng sẽ nhắc đi nhắc lại cho cậu rằng cậu chẳng biết cái quái gì, anh bạn ạ. Điều này là tốt, bởi bóng đá rất giỏi trong việc thuyết phục cậu là mình rất đặc biệt. Nhưng cậu phải luôn nhớ rằng mình chẳng khác gì người pha chế rượu hay người thợ điện – những người sẽ trở thành bạn cả đời của cậu.

Đó là điều sẽ giúp cậu thoát khỏi cơn trầm cảm. Không phải là nhớ mình đặc biệt ra sao, mà nhớ rằng mình cũng bình thường như bao người khác. Ở tuổi 17, cậu sẽ chưa thể thấu hiểu được đâu, nhưng tôi cam đoan với cậu rằng sự dũng cảm thực sự là phơi bày điểm yếu và không hổ thẹn.

Cậu xứng đáng với món quà cuộc sống, Gigi ạ. Như bao người khác. Hãy nhớ lấy điều này.

Mọi thứ kết nối với nhau theo những cách mà cậu còn quá trẻ và khờ dại để có thể hiểu. Điều hối tiếc duy nhất là cậu không cởi mở với thế giới sớm hơn nữa. Có lẽ cậu là thế. Ở tuổi 41, cậu vẫn sẽ cảm thấy ngọn lửa trong lòng. Xin lỗi nhé, nhưng cậu vẫn chưa thấy thỏa mãn đâu. Kể cả khi đã cầm chiếc cúp vàng World Cup trong tay, cảm giác ấy vẫn không được xoa dịu. Cậu sẽ không hài lòng trừ khi cậu có một mùa giải mà không có bàn thua nào.

Buffon, ở tuổi 41, đang tận hưởng cuộc sống và bóng đá khi trở lại Juventus và chấp nhận làm kép phụ trong khung thành. 

Buffon, ở tuổi 41, đang tận hưởng cuộc sống và bóng đá khi trở lại Juventus và chấp nhận làm kép phụ trong khung thành. 

Ừ, có lẽ cậu từ trước tới giờ luôn như vậy.

Cậu còn nhớ mùa đông đầu tiên lên thăm người chú ở Udine trên núi không? Hay đây là ký ức chỉ một người già mới nhớ được?

Lúc ấy cậu mới bốn tuổi. Trời bão tuyết cả đêm. Cậu chưa bao giờ thấy tuyết trước đó. Cậu tỉnh dậy, nhìn ra ngoài và thấy cảnh tượng như mơ: Cả vùng quê đã phủ một màu trắng.

Cậu chạy ra ngoài trong bộ pajama và thậm chí còn chẳng biết tuyết là cái gì. Nhưng cậu chẳng thấy chùn chân. Cậu nhìn vào tuyết mênh mông và cậu đã làm gì? Cậu có suy nghĩ gì không? Cậu có thắc mắc gì không? Cậu có chạy vào nhà lấy áo khoác không?

Không, cậu nhảy ngay vào đống tuyết mà chẳng hề biết sợ.

Bà chứng kiến và la thét: "Gianluigi!!!!!!!!! Không! Không! Không!".

Cậu ướt như chuột lột và cười toe toét.

Kết quả là cậu bị ốm suốt một tuần sau đó.

Nhưng cậu chẳng hề bận tâm.

Không hề chùn chân, cứ thể lao thẳng vào tuyết.

Đó là con người cậu.

Cậu là Buffon.

Cậu sẽ cho cả thế giới thấy rằng cậu tồn tại.

Thịnh Joey dịch

Let's block ads! (Why?)

Unknown

About Unknown

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :