Các cầu thủ thường xuyên vây trọng tài phản ứng với hi vọng quyết định sẽ được thay đổi. Ảnh: Ngọc Dung |
- Ông đánh giá thế nào về công tác trọng tài tại V-League 2017?
- Công tác trọng tài vẫn còn một số sai xót, từ chuyên môn cho tới phương pháp. Tuy nhiên, đó là một phần của bóng đá. Trên thế giới chắc chắn không có giải đấu nào mà trọng tài đúng tuyệt đối. Đến như sân chơi hàng đầu thế giới Champions League hay World Cup cũng thường có những tình huống trọng tài mắc lỗi.
Trọng tài cũng là con người, có lúc không chuẩn. Bóng đá thế giới đang thử nghiệm đưa thêm công nghệ trọng tài video (VAR), nhưng những sai sót, tranh cãi vẫn xảy ra, điển hình như giải U20 FIFA World Cup mà Việt Nam mới tham dự.
- Ông đánh giá sao về việc mùa giải năm nay các đội bóng thường xuyên đổ lỗi cho trọng tài?
- Một phần nào đó các trọng tài đang bị biến thành vật tế thần. Các đội bóng nhăm nhăm đổ hết lỗi cho trọng tài khi thi đấu không thành công. Họ bây giờ chịu áp lực thành tích rất lớn nên xảy ra chuyện này. Ví như vòng đấu gần nhất, cầu thủ Đà Nẵng chơi xấu phải nhận hai thẻ đỏ chính xác, thua Quảng Nam nhưng thay vì xem lại mình, họ lại công kích trọng tài.
Hiện nay còn có tình trạng từ lãnh đạo các đội bóng tới các cầu thủ luôn nhăm nhăm phản ứng trọng tài để gây áp lực, với hi vọng buộc họ phải thay đổi quyết định. Nhiều tình huống chưa biết đúng sai ra sao họ đã phản ứng. Ví như trận TP HCM thua Quảng Ninh. Tiền đạo TP HCM ngã trong vòng cấm, nhiều người xem đi xem lại video cũng không khẳng định được có phạm lỗi hay chưa nhưng trên sân các cầu thủ đã quây trọng tài, kiên quyết đòi phạt đền.
Trọng tài bây giờ chịu áp lực rất lớn, ngay từ trước khi ra sân. Điều này càng khiến họ dễ mắc sai sót trong các tình huống nhạy cảm, đòi hỏi quyết định nhanh và dứt khoát. FIFA có quy định trong trận đấu nếu từ hai cầu thủ trở nên quây trọng tài thì có quyền rút thẻ vàng. Có lẽ chúng tôi cần mạnh mẽ áp dụng điều này.
Trưởng Ban trọng tài Nguyễn Văn Mùi cho rằng các đội bóng luôn nhắm tới trọng tài để công kích khi thành tích không tốt. |
- Các đội bóng thường xuyên nói “trọng tài có vấn đề tư tưởng”, ám chỉ tiêu cực. Ông đánh giá sao về vấn đề này?
- Vào giai đoạn 2005-2006, một loạt trọng tài dính tiêu cực, vướng vòng lao lý. Điều này khiến niềm tin vào trọng tài bị mất, đến nay vẫn chưa lấy lại được nên luôn có những ghi ngờ.
Tuy nhiên, lãnh đạo các đội bóng nên cân nhắc trước khi phát ngôn. Nếu nghi ngờ, có thể đề nghị Ban tổ chức hay an ninh vào cuộc nhưng không thể nói vô tội vạ trên truyền thông. Khi không có chứng cứ, bạn không thể nói người ta tiêu cực. Việc kết luận đó thuộc về cơ quan điều tra. Nói vội vàng như vậy là vu khống. Tôi nghĩ Ban kỷ luật cần mạnh tay với các phát ngôn bừa bãi. Hãy tưởng tượng một trọng tài chưa có bằng chứng gì khẳng định họ tiêu cực nhưng đã bị các đội bóng bêu riếu trên truyền thông, mạng xã hội thì họ sẽ cảm nhận thế nào, gia đình cảm nhận ra sao.
Mùa trước ở sân chơi Champions League, trọng tài bắt trận PSG - Barca mắc hàng loạt sai lầm nghiêm trọng. Thế nhưng các đội bóng có nói gì đến việc tiêu cực không?
- Công cuộc kiểm soát tiêu cực của các trọng tài diễn ra như thế nào?
- Chúng tôi có giám sát 2-3 ngày trước và trong trận đấu. Bên cạnh đó là đội ngũ giám sát. Tuy nhiên, không thể nói là mọi chuyện chặt chẽ 100% được. Chúng ta chỉ giám sát các trọng tài vài ngày chứ đâu có thể cả tuần được.
- Ông đánh giá thế nào về phương án thuê trọng tài ngoại?
- Trình độ trọng tài nội và ngoại không chênh nhau mấy. Ban tổ chức thuê trọng tài ngoại để các đội bóng bớt lấn cấn và phản ứng. Nhưng như trận Thanh Hoá và Hà Nội, trọng tài Nhật Bản bắt mà sau đó các đội vẫn kêu.
Nhiều người nói trọng tài có dây nọ, dây kia, có chỉ đạo bắt lợi cho một số đội. Điều đó thật nực cười. Ai dám chỉ đạo các trọng tài. Cái kim sao để mãi trong bọc được. Chúng tôi chỉ đạo rồi khi họ nghỉ hay tức gì thì phun ra ngay. Các đội bóng nên phản ứng, phát ngôn cho chuyên nghiệp. Đừng vì trọng tài không được phép phát ngôn mà nói họ sao cũng được.
Lâm Thỏa