Ông Phạm Thanh Hùng (áo đỏ) cho rằng muốn cải thiện bóng đá Việt Nam thì trước tiên cần nhìn nhận cho đúng. |
“V-League nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung còn nhiều điểm phải nỗ lực cải thiện, đó là chuyện không có gì phải tranh cãi. Nhưng chúng ta nên góp ý theo kiểu xây dựng, không nên bôi đen tất cả. Nếu mọi thứ hoàn hảo thì giải đấu của chúng ta đã là Ngoại hạng Anh. Nói bóng đá Việt Nam đang ở đáy, V-League chỉ toàn màu tối là phiến diện, phủ nhận công lao của những người bỏ tiền làm bóng đá như chúng tôi cũng như các cầu thủ”, Chủ tịch CLB Quảng Ninh Phạm Thanh Hùng chia sẻ với VnExpress.
Hôm 15/8, 100 cựu cầu thủ và cựu trọng tài Việt Nam đã gửi đơn kiến nghị tập thể lên Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện. Họ cho rằng bóng đá Việt Nam hiện đã xuống đáy, sân chơi V-League toàn màu đen…
“Góp ý vì sự phát triển của cái chung thì đáng quý nhưng góp ý vì động cơ cá nhân, lợi ích nhóm thì tôi không ủng hộ. Tôi biết hiện có nhiều kẻ cơ hội, bôi xấu lẫn nhau. Một ví dụ rất cụ thể thế này, năm trước tôi thương bóng đá nữ thu nhập kém nên ủng hộ 500 triệu đồng, có hóa đơn và chứng từ đàng hoàng. Thế nhưng vẫn có người cố tình giấu nhẹm đi rồi nói tôi đút lót cho VFF. Làm thế còn ai muốn ủng hộ nữa”, người đứng đầu CLB Quảng Ninh nói thêm.
Ông Hùng cho biết bên cạnh những điểm chưa được, V-League cũng đang có những nét tích cực. Ví dụ như thời gian qua hàng loạt các trọng tài sai phạm bị xử lý, nhà tài trợ áo đấu bắt đầu tìm đến với các CLB, giải còn ba vòng nữa hạ màn nhưng cuộc đua tranh ngôi vô địch vẫn chưa ngã ngũ với năm đội bám sát nhau...
Quảng Ninh đang dẫn đầu V-League 2016. Ngoài ra, đội bóng này còn sở hữu lực lượng CĐV đông đảo, trận nào sân Cẩm Phả cũng kín khán giả. “Đừng đổ lỗi hoàn toàn cho VFF trong chuyện khán giả không đến sân. Họ chỉ đứng ra tổ chức, chứ không thể bắt các đội bóng phải chơi thế này hay thế kia. Chính các đội bóng, các ông bầu và cầu thủ mới phải chịu trách nhiệm cho chuyện đó. Cứ chơi đẹp, chơi sạch, chơi cống hiến thì khán giả sẽ tới sân. Bí quyết của chúng tôi chỉ có vậy”, ông Hùng bật mí.
Ông Lê Nguyên Hồng ủng hộ VFF sử dụng người trẻ, biết làm việc. |
Ông Lê Nguyên Hồng Chủ tịch CLB Quảng Nam cũng bức xúc trước quan điểm cho rằng bóng đá Việt Nam đang ở đáy, mọi thứ đều đen tối. Ông đặc biệt không đồng ý với việc kiến nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch can thiệp vào VFF bởi như vậy là vi phạm quy định của FIFA, các đội tuyển của Việt Nam có thể rơi vào cảnh bị cấm thi đấu quốc tế, gây hậu quả nghiêm trọng. “Góp ý cải thiện bóng đá Việt Nam mà lại đưa ra giải pháp vi phạm quy định FIFA, điều đó không chấp nhận được. Còn chuyện nói bóng đá Việt Nam đang ở đáy là phiến diện, thiếu khách quan. Góp ý vì bóng đá Việt Nam thì cần cái tâm trong sáng”, ông Lê Nguyên Hồng chia sẻ.
“So với nhiệm kỳ trước nhiệm kỳ lần này của VFF đã làm được nhiều việc đáng để hoan nghênh. Chúng ta trước đây đã quen với câu bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc, nhưng bây giờ đang xây từ móng. Ví dụ như VFF trú trọng công tác đào tạo trẻ, buộc các CLB phải có bốn tuyến trẻ và dự ít nhất ba giải quốc gia, nếu không sẽ bị phạt. Bên cạnh đó các tuyển trẻ như U16, U17, U19 được đầu tư tập huấn nước ngoài, gặt hái được không ít thành công như lọt vào vòng chung kết châu Á… Ngoài ra, VFF còn quyết liệt, buộc các CLB phải nâng cấp sân. Điển hình như sân của Hải Phòng, Quảng Nam, Quảng Ninh đã được cải thiện, không còn có ổ gà, ổ voi như trước”.
Theo thống kê từ VFF, hai năm qua là giai đoạn bóng đá Việt Nam đạt được nhiều thành tựu đáng kể, nhất là tuyến trẻ. Lần đầu tiên tất cả các đội tuyển trẻ quốc gia từ U16, U19 cho đến U23đều giành quyền tham dự vòng chung kết châu Á, đội tuyển nam quốc gia giành HC đồng giải AFF Cup sau bốn năm trắng tay, đội U23 lần đầu tiên sau sáu năm giành HC đồng tại SEA Games, đội Olympic lọt vào tứ kết với vị trí nhất bảng tại ASIAD, lần đầu tiên trong lịch sử đội futsal giành vé dự vòng chung kết FIFA Futsal World Cup 2016... Bóng đá nữ cũng có sự khởi sắc trở lại với thành tích top 4 tại ASIAD, và là đội tuyển nữ duy nhất của Đông Nam Á lọt vào vòng loại cuối cùng của Olympic Rio de Janero 2016.
Chưa phải là những danh hiệu đáng giá, nhưng việc một loạt đội tuyển trẻ được thi đấu nước ngoài và có thành tích gần đây là chuyển biến tích cực. Ảnh: MFF. |
Trước ý kiến cho rằng làm ở VFF phải là những người có chuyên môn bóng đá, ông Hồng phản đối: “Quản lý rất khác với thi đấu. Ví như các ông chủ CLB đâu phải là cựu cầu thủ mà họ vẫn làm tốt. Ở FIFA xưa nay, Chủ tịch có mấy ai xuất thân từ dân bóng đá đâu. Không phải cứ đá bóng giỏi thì làm quản lý bóng đá tốt, đó là quan niệm sai lầm. Tôi hy vọng sẽ có nhiều người góp ý để bóng đá Việt Nam tiến bộ, nhưng phải với cái tâm thực sự vì thể thao nước nhà, không phải bôi đen, phủ nhận tất cả để phục vụ mưu đồ cá nhân”, người đứng đầu CLB Quảng Nam nói thêm.
Chia sẻ trên VTC News, một chuyên gia phân tích rằng VFF không còn như thời bao cấp là chỉ biết lấy tiền ngân sách để tổ chức các trận đấu, mà họ giống như một công ty phải kinh doanh rồi đối nội đối ngoại để tạo ra dòng tiền nuôi bóng đá, bên cạnh việc hoạch định sách lược hay đấu tranh vì quyền lợi của bóng đá nước nhà trên đấu trường quốc tế. Chính vì vậy, đứng đầu tổ chức này phải là những người biết việc chứ không chỉ giỏi chuyên môn bóng đá thuần túy như kiến nghị của các cựu cầu thủ.
Chuyên gia Trần Duy Long thì khẳng định bóng đá Việt Nam đang có tiềm lực lớn khi hệ thống đào tạo trẻ không chỉ tập trung ở một vài thành phố lớn như trước, mà trải rộng ra nhiều địa phương. "Chúng ta sau nhiều năm cũng đã có Giám đốc kỹ thuật hay chuyên gia thể lực người nước ngoài, có sự định hướng và kế hoạch xuyên suốt cho các đội tuyển... Đó là những điều đáng ghi nhận cho VFF", ông nói. "Còn việc tính chuyên nghiệp trong bóng đá Việt Nam chưa cao, theo tôi đó không phải là trách nhiệm riêng của VFF, mà là của các CLB, các cầu thủ và kể cả CĐV. Tổng hòa các yếu tố đó mới có thể tạo nên nền tảng của bóng đá chuyên nghiệp".
Nam Anh