Trên đất Qatar những ngày đầu năm, Thái Lan đến với giải U23 châu Á cùng sự kỳ vọng rất cao. Song, họ phải nhận gáo nước lạnh khi bị loại từ vòng bảng. Việc chỉ giành được 2 điểm dấy lên một cuộc tranh luận dữ dội về những gì Thái Lan làm được ở sân chơi này. Người khen thì cho rằng, các cầu thủ trẻ rời giải trong thế ngẩng cao đầu. Kẻ chê lại bảo Thái Lan chỉ giỏi thị uy sức mạnh ở ao nhà Đông Nam Á.
HLV Kiatisuk của Thái Lan còn nhiều việc phải làm trong năm 2016.
Bên nào có lý chưa vội bàn đến, nhưng nếu xét về mặt tích cực, Thái Lan không có gì xấu hổ nơi đất Trung Đông. Trước đến nay, chưa bao giờ họ qua mặt những đội bóng lớn như Iraq, Hàn Quốc, Qatar hay Nhật Bản. Vì vậy, thất bại trong bảng đấu có Nhật Bản, Triều Tiên và Saudi Arabia không phải thảm họa và mọi chuyện chỉ có thể lý giải rằng, Thái Lan chưa sẵn sàng để cạnh tranh với những gã khổng lồ châu Á.
Ngoài ra, mục tiêu cao nhất Kiatisuk và các học trò hướng tới không phải vòng chung kết U23 châu Á. Họ mơ tới chiếc vé dự World Cup 2018, nơi tuyển Thái Lan thi đấu rất hay sau loạt trận đầu tiên của vòng loại. Lúc này, chỉ cần một kết quả hòa ở Tehran vào ngày 24/3 trước Iraq, Kiatisuk và đội nhà sẽ lọt vào vòng đấu cuối cùng của vòng loại. Thậm chí nếu có thua, Thái Lan vẫn còn cơ hội đi tiếp dành cho những đội xếp hạng 2 có thành tích tốt nhất.
Qua được vòng loại đầu tiên là một chuyện, nhưng thi đấu thế nào ở bảng đấu quy tụ nhiều tên tuổi như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Iran... lại thuộc về phạm trù khác. Tuy nhiên, người Thái không đặt nặng vấn đề thành tích. Mỗi sân chơi với họ như trải nghiệm mới để học hỏi và tiếp tục phát triển. Những trận đấu với các tên tuổi lớn trở thành cơ hội giúp Thái Lan chui rèn tinh thần, cọ xát và kiểm nghiệm chính năng lực bản thân.
Chanathip (phải) chơi tốt ở giải U23 châu Á nhưng vẫn chưa đủ giúp đội nhà đi tiếp.
Có thể Thái Lan phải nhận những thất bại đậm trước Hàn Quốc hay Nhật Bản, song, họ cần điều đó để tự rút ra bài học quý báu. Nếu tạo ra cú sốc, một hồi chuông cảnh báo cho các đối thủ khác sẽ vang lên và truyền tải thông điệp Thái Lan đã sẵn sàng vươn mình ở sân chơi châu lục. Làm được điều đó, đội tuyển với biệt danh “những chú voi chiến” (War Elephants) sẽ có một năm 2016 thành công. Đó cũng trở thành bước đệm để họ hướng tới nhiệm vụ bảo vệ chức vô địch AFF Cup 2016 diễn ra vào cuối năm nay.
Theo John Duerden, tất cả giải đấu với U23 Thái Lan đều mang ý nghĩa quan trọng. Đất Qatar, những cuộc đối đầu với Nhật Bản, Saudi Arabia và Triều Tiên giúp Kiatisuk tìm ra điểm yếu của đội nhà. Nhìn lại ba trận đấu ở vòng bảng, dễ dàng nhận thấy các cầu thủ trẻ chưa có được sự kết nối và hợp thành một thể vững chắc. Đây là bài toán Kiatisuk phải tìm ra lời giải. Khi hạn chế được điểm yếu, Thái Lan sẽ khó bị đánh bại hơn.
Trong đội hình U23 Thái Lan, Kiatisuk sở hữu nhiều cầu thủ đầy triển vọng, nổi bật có Chanathip 'Messi Jay' Songkrasin, tuy nhiên, họ lại bị Saudi Arabia, Nhật Bản và Triều Tiên "vờn" dễ dàng. Tử huyệt của người Thái nằm ở sự hoán chuyển từ tấn công sang phòng ngự, khi các cầu thủ di chuyển không tốt. Trước Nhật Bản, họ để lộ tử huyệt và phải trả giá bằng 4 bàn thua. Điều này cho thấy Thái Lan vẫn còn thiếu tính kỷ luật và tổ chức.
Lối chơi của Thái Lan dưới thời "Zico Thái" (biệt danh Kiatisuk) dựa trên thứ bóng đá tấn công phóng khoáng, sáng tạo, và mang nét gì đó giống với trường phái tiki-taka của Barcelona. Họ sử dụng nhiều pha ban bật nhanh để tiếp cận khung thành đối phương. Cầu thủ cũng luôn biết cách di chuyển và chọn vị trí sao cho thích hợp tạo ra cơ hội. Nhưng bóng đá không chỉ tồn tại khái niệm tấn công, mà phải hội đủ cả nghệ thuật phòng ngự. Lúc này, Thái Lan nên học cách giành chiến thắng bằng thứ bóng đá xấu xí. Đó là những gì một đội bóng mạnh và khôn ngoan cần đến.
Tại giải U23 châu Á, nguyên nhân khiến Thái Lan thất bại một phần do thiếu thủ lĩnh dẫn dắt lối chơi. Điều này giải thích tại sao HLV Kiatisuk trong thời gian tới rất cần Charyl Chappuis, tiền vệ 24 tuổi (đã quá tuổi tham dự sân chơi U23) tài năng của bóng đá Thái.
Rõ ràng, thất bại trên đất Qatar không phải chất xúc tác đưa Thái Lan vào cuộc khủng hoảng, ngược lại, mở ra cho đội tuyển nhiều cơ hội nhìn ra điểm mạnh và yếu. Trong quá khứ, tuyển Australia từng xây dựng thành công ở Asian Cup 2015 dựa trên thất bại ở World Cup 2014 khi toàn thua cả 3 trận. Với người Thái, họ có thể học theo công thức của Australia.
Tuy nhiên, thành quả "Zico Thái" và các học trò có được chỉ đến nếu họ tiếp thu và rút ra được kinh nghiệm từ những bài học ở Doha (Qatar).
Nguyên Trí (theo ESPN)