Dòng xe dung tích trên 3.000 cm3 dự kiến sẽ bị tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt
Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức kết thúc đàm phán tại Atlanta vào tuần qua. Đánh giá về tác động của TPP tới thị trường hàng hoá, nhiều chuyên gia cho rằng, cùng với các hiệp định thương mại tự do khác, khi thuế nhập khẩu giảm về 0%, người tiêu dùng trong nước sẽ có cơ hội tiếp xúc với nhiều hàng hoá nhập ngoại như ô tô, điện thoại… từ các nước khác với mức giá rẻ hơn.
Tuy nhiên, đó là về mặt nguyên tắc bởi khi áp dụng với trường hợp Việt Nam, mong ước của người tiêu dùng còn gặp phải "lực cản” lớn bởi câu chuyện thuế phí.
Riêng đối với mặt hàng ô tô, Chính phủ vừa có tờ trình lên Quốc hội về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và luật quản lý thuế. Trong đó, kiến nghị tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với một số dòng xe lên mức 150%.
Cụ thể, Chính phủ đề xuất tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt ở mức cao và đặc biệt cao đối với các dòng xe 2.000 - 3.000 cm3 từ mức hiện hành 50% lên 60% từ ngày 1/7/2016-31/12/2017; 55% từ ngày 1/1/2018.
Dòng xe có dung tích trên 3.000 - 4.000 cm3 tăng từ mức hiện hành 60% lên 90% từ năm 2016; Loại có dung tích xi lanh từ 4.000 - 5.000 cm3 tăng từ mức hiện hành 60% lên 110%; dung tích 5.000 - 6.000 cm3 tăng từ 60% lên 130% và trên 6.000 cm3 sẽ áp dụng mức thuế tăng từ 60% lên 150%.
Tuy nhiên, với các dòng xe ưu tiên phát triển có dung tích xi lanh thấp hơn, mức thuế tiêu thụ đặc biệt được điều chỉnh giảm từ 20 - 25% so với mức hiện hành đang áp dụng là 45%.
Hiện thuế nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc từ các nước như Nhật Bản, Mỹ, EU về Việt Nam ở mức 70%. Trong tương lai, khi thuế nhập khẩu giảm từ 70% về 0% nhưng với mức thuế tiêu thụ đặc biệt “đặc biệt cao” tăng vọt từ 65% lên 130-150%, dòng xe có dung tích trên 3.000 cm3 chắc chắn sẽ ít có khả năng giảm giá trong tương lai ngay cả khi các hiệp định thương mại tự do chính thức có hiệu lực.
“Cùng với những biến động về giá cả, tỷ giá và tình hình thị trường, giá xe nhập không tăng đã là may lắm rồi”, đại diện một hãng xe nhập khẩu dự báo.
Trước đó, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cũng thừa nhận, về nguyên tắc khi thuế nhập khẩu giảm về cam kết thuế nhập khẩu giảm giá hàng hoá sẽ rẻ đi nhưng còn phụ thuộc nhiều yếu tố.
“CPI tăng nhưng thu nhập không tăng thì sức mua không tăng tương ứng. Bên cạnh đó, như TPP không đặt ra quy định về thuế phí nội địa, tuỳ theo ngân sách và miễn được Quốc hội phê duyệt. Do đó, không thể khẳng định giá hàng hoá sẽ rẻ”, Thứ trưởng nói.
Theo Phương Dung - Dân Trí