Video Nguyễn Thị Oanh về nhất chạy 3000m vượt chướng ngại vật (nguồn: Next Sports)
Cú đúp vàng phi thường và ánh mắt ngơ ngác của đối thủ
Trên sân Morodok Techo, hàng trăm phóng viên Việt Nam và quốc tế như nín thở khi theo dõi Nguyễn Thị Oanh tranh tài. HCV SEA Games với cô bé “tí hon” của TTVN là quá dễ bởi Oanh đã “out trình” khu vực từ nhiều năm nay.
Nhưng việc bảo vệ 2 HCV lần này của Nguyễn Thị Oanh ở nội dung 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật lại là một cột mốc đặc biệt. Nó giống như cuộc chinh phục nằm ngoài giới hạn của con người. Dân điền kinh đều cho rằng, Oanh không thể làm được điều phi thường như thế khi hai nội dung chỉ cách nhau có 20 phút.
Hơn 4 phút, Oanh đã về đích, bỏ xa đối thủ tới hàng chục mét ở nội dung đầu tiên. Lá cờ Việt Nam được HLV Trần Văn Sỹ chuẩn bị còn chưa kịp mở ra để Oanh khoác lên người mà chạy như bao VĐV giành HCV khác.
Gương mặt nhà vô địch SEA Games lộ vẻ lo âu, rồi hớt hải chạy vào phía trong thay số bib. Cô chỉ có chưa đầy 20 phút chuẩn bị cho cuộc thi tiếp theo, lần này còn khắc nghiệt hơn nhiều khi vừa chạy, vừa phải vượt chướng ngại vật.
Những vòng đầu của Oanh sử dụng chiến thuật núp gió và giữ khoảng cách bằng một bước chân với đối thủ người Philippines. Cô phải thực sự thận trọng vì có thể bị hụt hơi bất cứ lúc nào.
Khi cuộc đua còn hơn 1 vòng là kết thúc, “cô gái vàng” của TTVN bứt tốc, băng về đích trong sự ngơ ngác của đối thủ. Chân chạy Philippines không thể hiểu vì sao Oanh lại khỏe như vậy bởi chỉ vài chục phút trước còn đua HCV ở cự ly 1.500m.
Oanh về đích trong sự hò reo của tất cả những ai đã dán mắt vào cô từ đầu cuộc thi. Lúc này, "siêu nhân" quê Bắc Giang mới nở nụ cười thật tươi, cùng đồng đội cầm cờ tổ quốc và chạy ăn mừng bằng tất cả sự tự hào, hạnh phúc.
Siêu nhân lương “ba cọc, ba đồng”
Làm “dậy sóng” ở SEA Games 32, lập chiến tích ở cả tầm châu lục, nhưng cuộc sống của Nguyễn Thị Oanh lại rất bình thường, nếu không muốn nói là khó khăn.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, từ nhỏ Oanh đã phải cùng bảy anh chị em vất vả mưu sinh để giúp đỡ bố mẹ. Lớn lên, khi theo nghiệp thể thao, Oanh suýt bỏ giữa chừng vì bị chê bé và mắc bệnh thận. Đó là giai đoạn khó khăn nhất với cô gái quê Bắc Giang.
Nhưng cái khó vẫn cứ đeo bám Oanh đến tận bây giờ, ngay cả khi cô là chân chạy số 1 Đông Nam Á, là niềm tự hào của thể thao Việt Nam.
Nguyễn Thị Oanh tiết lộ, mỗi tháng cô được nhận 7 triệu tiền lương. Với khoản lương ít ỏi này Oanh phải “bóp mồm, bóp miệng” mới đủ sống. Trước mỗi giải đấu, khi phải tăng cường thêm thuốc bổ, dinh dưỡng, Oanh tự xoay xở, từ việc bán hàng online tới thi đấu ở các giải chạy phong trào để “săn” tiền thưởng.
“Tôi rất buồn về chế độ đãi ngộ dành cho VĐV như tôi quá thấp, không tương xứng với khó khăn, vất vả mà chúng tôi phải trải qua”, chân chạy sinh năm 1995 chia sẻ.
Có lúc Oanh muốn đầu quân cho một địa phương chi trả mức lương cao, nhưng rồi cô suy nghĩ lại, bởi Bắc Giang không chỉ là quê hương, các thầy cô cũng đều ở đó, mà còn là cái tình…
Không có tiền, căn nhà cũ của gia đình Oanh ở quê vẫn chưa được xây mới. Đây là điều mà nhà vô địch SEA Games đau đáu trong lòng.
"Siêu nhân", "Cô gái vàng"... là những biệt danh được người hâm mộ nhắc đến mỗi khi Nguyễn Thị Oanh vô địch. Nhưng phía sau những chiến tích, hào quang chiến thắng, là một cô gái nhỏ bé với những giấc mơ rất bình thường, giản dị, nhưng cũng khiến nhiều người phải suy ngẫm.
Lương thấp, liên tục phải tập luyện, thi đấu, nhưng Nguyễn Thị Oanh vẫn dành thời gian để theo học Đại học, Cao học. Trong năm 2023, Oanh sẽ lấy bằng thạc sĩ để sẵn sàng làm huấn luyện sau khi giải nghệ.
“Tôi vẫn muốn đóng góp hết sức cho đội tuyển. Còn sau này sau khi nghỉ thi đấu, tôi hy vọng được làm công tác huấn luyện để tiếp tục gắn bó với điền kinh”, Nguyễn Thị Oanh nói.