Thứ Hai, 1 tháng 2, 2021

Đặng Văn Lâm và câu chuyện khó khăn trong ngõ hẹp

Thủ môn Đặng Văn Lâm có thành công khi đến Cerezo Osaka hay không, chỉ thời gian mới có thể trả lời. Nhưng sự ồn ào vừa qua càng cho thấy con đường xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam rất hẹp.

Trong một vài thời điểm, việc cầu thủ xuất ngoại có thể bị thổi phồng quá mức về bản chất. Ví dụ như cho rằng, cầu thủ xuất ngoại phản ảnh được đẳng cấp của nền bóng đá. Kiểu như nếu Lê Công Vinh, Đoàn Văn Hậu hay Công Phượng sang châu Âu thì có thể nhiều cầu thủ khác cũng sang được. Điều này rõ ràng không đúng. Theo thống kê của statista.com, trong năm 2017, số cầu thủ người Argentina ra nước ngoài thi đấu là 753, chỉ bằng phân nửa so với cầu thủ Brazil. Chỉ 37% cầu thủ Argentina sang châu Âu, trong khi con số này của cầu thủ Brazil là 65%. "Xuất khẩu" ít nhưng không thể nói là Argentina kém Brazil về đẳng cấp.

Chanathip của Thái Lan sang J-League thi đấu ba năm qua và tỏa sáng. Nhiều cầu thủ Thái Lan cũng đang chơi bóng ở Nhật Bản. Nhưng cùng thời gian đó, bóng đá Thái Lan bị bóng đá Việt Nam vượt mặt trên các đấu trường. Cho dù còn tranh cãi về đẳng cấp giữa hai nền bóng đá, không thể phủ nhận, trong một trận đấu cụ thể thì khả năng giành chiến thắng của đôi bên là 50-50, dù Việt Nam ra sân với đội hình toàn cầu thủ đá trong nước, còn Thái Lan có đến một phần ba đội hình đá ở nước ngoài. Chính vì thế, việc Đoàn Văn Hậu sang Hà Lan hay Đặng Văn Lâm thi đấu ở J-League chưa đủ để tác động đến yếu tố đẳng cấp của bóng đá Việt Nam. Nói cho cùng, để đưa ra một kết luận mang tính khái quát như vậy, cần một số mẫu lớn, một tỷ lệ cầu thủ xuất ngoại nhất định và quan trọng hơn cả, là khả năng thành công của cầu thủ đó trong môi trường có đẳng cấp cao.

Đặng Văn Lâm cản phá quả phạt đền trong trận hoà Thái Lan 0-0 ở vòng loại World Cup 2022 trên sân Mỹ Đình tối 19/11/2019. Ảnh: Giang Huy.

Đặng Văn Lâm cản phá quả phạt đền trong trận hoà Thái Lan 0-0 ở vòng loại World Cup 2022 trên sân Mỹ Đình tối 19/11/2019. Ảnh: Giang Huy.

Câu chuyện của Đặng Văn Lâm cho thấy bóng đá Việt Nam cần một cái nhìn khác về việc "xuất ngoại cầu thủ". Hay nói đúng hơn, đó là phải nhìn nhận lại quan điểm: có nhất thiết hay quan trọng hóa việc cầu thủ ra nước ngoài thi đấu hay không?

Thực tế, việc cầu thủ ra nước ngoài hành nghề trước tiên là một công việc mang yếu tố cá nhân của cầu thủ đó, và kế đến là vấn đề về thị trường lao động đá bóng, không liên quan nhiều đến đẳng cấp hay trình độ của một nền bóng đá và cũng không phải là chuyện để khuyến khích hoặc tranh luận nên hay không.

Năm 2017, trong số 1.202 cầu thủ Brazil thi đấu ở nước ngoài, có đến 89 người chơi bóng tại Thái Lan, Hàn Quốc, Hongkong và thêm 54 người đá ở Nhật Bản. Có thể nói, các giải vô địch ở châu Á tràn ngập cầu thủ Brazil. Hiểu nôm na, đây là một ngành công nghiệp lao động thuần túy và cầu thủ Brazil giống như "lao động tay nghề cao", được phân bổ cũng như ưa chuộng ở qui mô toàn cầu. Tại châu Âu, cầu thủ mang quốc tịch Pháp nhưng có nguồn gốc nhập cư châu Phi lại chiếm đa số thị trường cầu thủ nước ngoài. Đông đảo đến mức năm 2017, có đến 64 cầu thủ Pháp chơi bóng tại... Luxembourg, con số này tại Bỉ là 83 người, gần bằng với 107 người đá ở Anh. Cũng theo thống kê, trong số 25 quốc gia xuất khẩu cầu thủ nhiều nhất trong năm 2017 chỉ chín quốc gia nằm ngoài châu Âu, chủ yếu là từ Nam Mỹ và châu Phi. Trong hai châu lục này, những quốc gia châu Phi như Nenegal, Nigeria hay Bờ Biển Ngà cho tỷ lệ cầu thủ chơi bóng ở châu Âu rất cao, từ 86% trở lên. Trong khi đó, ngoài Brazil, tỷ lệ các cầu thủ Nam Mỹ khác ở châu Âu không quá 40%. Nhìn vào các con số này cũng thấy tính cạnh tranh khốc liệt đến mức nào, và cơ may cho một cầu thủ Việt Nam sang châu Âu thi đấu nhỏ đến mức nào. Tầm cỡ như Nhật Bản và Hàn Quốc, Iran cũng chưa có chỗ trong top 25.

Rõ ràng, đây không phải là vấn đề của tài năng, mà là thị trường, là miếng bánh của những nhà đại diện, tuyển trạch viên và hệ thống phức tạp của các nguồn cung cầu thủ trên khắp thế giới. Vì là một ngành kinh doanh, nên thị trường chuyển nhượng cầu thủ cũng không thể thoát khỏi các yếu tố bảo hộ của từng quốc gia bằng những rào cản kỹ thuật và cũng không thể thiếu yếu tố chủ nghĩa dân tộc đang phát triển mạnh. Ví dụ như năm ngoái, đội U18 của Man City đoạt Cup FA trẻ lần đầu tiên kể từ năm 2008 nhưng trong đội hình của họ chỉ có đúng một cầu thủ người nước ngoài vốn là học viên của học viện Etihad. Tức là ngay những nơi sử dụng nhiều cầu thủ nước ngoài nhất, thì cũng đã có cạnh tranh khốc liệt.

Trở lại câu chuyện của cầu thủ Việt Nam. Trong khi mức độ thành công của Đặng Văn Lâm chưa biết ra sao thì chuyến đi của Đoàn Văn Hậu hầu như không mang ý nghĩa nào. Nếu có điều gì đó tích cực, nó cũng chỉ dừng ở mức độ cá nhân cầu thủ, ví dụ như một điểm cộng trong hồ sơ cá nhân, một khoảng thời gian tiếp xúc đáng giá với qui trình chuyển nhượng quốc tế. Nhưng chỉ vậy thôi, tuyệt nhiên chưa nói lên được gì về triển vọng xuất khẩu cầu thủ sang châu Âu, cũng không đủ để kết luận cầu thủ của Việt Nam có đủ trình độ để sang châu Âu đá bóng hay không.

Cuộc tranh cãi giữa Đặng Văn Lâm và Muangthong United chưa có hồi kết, nhưng nó cho thấy không hề đơn giản để thực hiện một thương vụ chuyển nhượng cầu thủ ở môi trường toàn cầu kể cả khi Đặng Văn Lân sở hữu nhiều tố chất quốc tế nhất so với những đồng hương Việt Nam khác. Chuyển nhượng cầu thủ là chuyện làm ăn, luật lệ, cạnh tranh trực tiếp giữa từng cá thể với nhau. Nếu cầu thủ Việt Nam được chơi bóng ở J-League hay châu Âu, đó là niềm tự hào ở khía cạnh con người. Nhưng nếu không có điều đó, cũng chẳng có vấn đề gì to tát.

Nói cho cùng, cái Việt Nam cần vẫn là một nền bóng đá phát triển toàn diện hơn là vài cá nhân có tố chất hơn người.

Song Việt

Let's block ads! (Why?)

Unknown

About Unknown

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :