Bên cạnh những danh hiệu mang về cho CLB trong bảy năm gắn bó, Diego Maradona còn cứu rỗi cả linh hồn người dân thành phố Napoli vốn luôn vật lộn với gian truân thường nhật.
NA NA... NA NA NA NA
Trung vệ Napoli, Ciro Ferrara như hoàn toàn lạc lối khi bước ra sân Olympiastadion, Munich để khởi động trước trận đấu. Hệ thống loa tại của sân được bật hết công suất, dội thứ âm thanh khô khốc chát chúa chói tai, như muốn làm các cầu thủ Napoli nổ tung đầu.
Ferrera khi đó nghĩ rằng chủ nhà Bayern đang cố làm rối trí, để loại bỏ anh và các đồng đội khỏi cuộc chơi. Tiếng nhạc càng lúc càng to và dữ dội hơn.
NA NA... NA NA NA NA
Ferrera, trong vô thức, lia mắt tìm Diego Maradona để tìm nguồn động viên, và ông như không tin vào những gì diễn ra.
Maradona, như một nhà ảo thuật, đang nhảy múa và tung hứng với trái bóng. Người đồng đội kiệt xuất của Ferrara chơi đùa cùng trái bóng, như thể chẳng có chút áp lực nào. "Cậu bé Vàng" giữ trái bóng bằng gót chân, vai và đầu. Một người nghệ sỹ thực thụ trên sân khấu ồn vào và choáng ngợp.
"Diego này, chết tiệt, sao anh bình thản như thế được chứ?" Ferrara gào lên. "Tôi đã không chợp mắt được, dù chỉ một giây khi nghĩ về trận đấu này".
Quyền năng của một thiên tài
Đó là cảnh tượng trước trận lượt về bán kết Cup UEFA 1989. Napoli chưa bao giờ tiến xa đến ngưỡng này ở đấu trường châu lục. Họ cũng chưa từng được nếm mùi vinh quang tại châu Âu, và hôm ấy, họ đụng Bayern - vật cản to lớn, chắn trước cánh cửa vào trận chung kết. Đội bóng Đức khi đó đã không thua trên sân nhà ở Bundesliga suốt 18 tháng.
Nhưng Maradona không chút ưu phiền. "Cậu hãy thả lỏng cơ thể, tự nhiên vui thú với bản thân đi, Ciro", tiền đạo người Argentina nói.
"Cứ tự nhiên thế à?" Ferrara hỏi lại. "Tôi đang để những suy nghĩ lấn át và tự nhồi nhét nó vào đầu mình."
Trung vệ này cảm thấy rõ sức nặng áp lực đang đè nặng trên lưng mình. Sinh ra và lớn lên tại Napoli, dòng máu ấy luôn chảy trôi trong huyết quản của Ferrera. Trước mỗi trận đấu, hậu vệ này luôn làm dấu thánh giá, như tin rằng Thiên Chúa và đất mẹ sẽ tiếp thêm sinh khí để vượt qua chông gai. Trận đấu với Bayern sắp diễn ra cũng không ngoại lệ.
Nhưng Maradona hoàn toàn ngược lại. Ông tâng bóng lên, ghìm xuống, dùng ngực, xoay người thoăn thoắt, kiểm soát bóng điệu nghệ và thanh thoát. Lần duy nhất ông làm dấu thánh giá đến sau đó một giờ. Nhưng đó không phải là cảm tạ Chúa. Đó là hành động cảm ơn Careca, người vừa ghi bàn thắng trên sân khách, giúp Napoli dẫn Bayern tới tổng tỷ số 3-0, và đảm bảo cho họ một suất ở trận chung kết.
"Chúng ta sẽ tận hưởng chính mình, Ciro", Maradona bảo.
Một đoạn video cũ kỹ về thói quen khởi động của Maradona tại Munich lan truyền chóng mặt vào ngày ông qua đời. Nó đem lại niềm phấn khích cho bất cứ ai theo dõi. Chỉ riêng kỹ năng điêu luyện mà ông thể hiện đã là một suối nguồn thần diệu và tạo nên âm thanh vang dội ở nhiều cấp độ. Từng thước phim - được ghi lại một cách hoàn hảo về cách Maradona nhìn nhận và chơi bóng - cho phép người xem, trong giây phút nào đó, quên đi thực tại và đắm mình trong khoảnh khắc. Điều đó có tác dụng như trị liệu bằng phương pháp thôi miên vậy. Người xem như bị hút hồn vào từng đường nét, từng động tác điêu luyện mà thoải mái như hít khí trời. Những vất vả và cơ cực trong cuộc mưu sinh thường nhật như tan biến trước sức hút mãnh liệt của trái bóng tròn.
Đối với những người dân Napoli, sự hấp dẫn của toàn bộ bài khởi động đó không hề xa cách trong khuynh hướng thoát ly thực tế mà nó mang lại. Hoàn toàn trái ngược. Đó không phải là sự trốn chạy, mà là thách thức hoàn cảnh thực tại. Đó là lòng tự tôn. Các đồng đội của Maradona đêm đó cảm thấy như thể Bayern đang cố "ăn tươi nuốt sống" họ. Cầu thủ được chỉ dẫn khởi động sớm. Âm nhạc được bật lên, lặp đi lặp lại liên hồi, tưởng chừng như không có điểm dừng. Thông điệp mà Maradona gửi đi, dù vô tình hay hữu ý, là "Napoli ơi, đừng sợ hãi. Không ai có thể đe dọa được chúng ta". Thay vì run rẩy, đôi chân của họ đang nhảy múa. Họ sẽ cho người Đức thấy rằng Napoli không thua kém bất kỳ ai hoặc bất cứ thứ gì. Đây là quyền năng và sức mạnh toàn bích của Maradona. Ông khiến người dân Napoli được nhìn nhận và thấu hiểu theo cách chưa từng có. Một nhà vô địch đúng nghĩa cả ở trong và ngoài sân.
Maradona, sinh thời, từng nói: "Mọi người cứ bảo 'Cầu thủ này hay nhất trong lịch sử Barca. Cầu thủ kia là số một trong lịch sử Real Madrid hoặc Chelsea. Nhưng cá nhân tôi tự hào là cầu thủ hay nhất trong lịch sử Napoli". Điều đó có ý nghĩa cao cả với không chỉ một đội bóng, mà còn là đại diện cho cả một thành phố, nơi mà cựu HLV Ottavio Bianchi từng nhận xét: "Bóng đá không chỉ là niềm tin, đó là cuộc sống, là sự khao khát đến tận cùng của một thành phố mong muốn được cứu rỗi thông qua thành công trong bóng đá như Napoli".
Viết lại lịch sử của Napoli
Trong những thuật ngữ khắt khe nhất của bóng đá, Maradona có tác động thay đổi Napoli. CLB này chưa một lần đoạt scudetto trước khi ông xuất hiện. Năm 1926, trong mùa giải họ ra đời, Napoli kết thúc với vị trí bét bảng tại Divisione Nazionale - tiền thân của Seria A - với 17 trận thua sau 18 vòng. Logo của Napoli khi đó mang hình chú ngựa nhỏ, lấy từ huy hiệu của thành phố miền Nam Italy này. Nhưng kết quả bết bát của đội khiến họ bị người hâm mộ mỉa mai, sử dụng hình ảnh một chú lừa như biểu tượng mới của đội bóng. Đám đông thậm chí đã dắt một chú lừa thật đi diễu hành một vòng quanh sân Vesuvio - sân nhà của Napoli lúc ấy - trước một trận đấu với Juventus, dù trận ấy đội của họ bất ngờ cầm hòa đại gia phương Bắc.
Napoli không có tiềm lực tài chính như Inter với các ông chủ tài là tài phiệt dầu mỏ, hay Juventus được tập đoàn công nghiệp nặng FIAT chống lưng . Nhưng họ cũng không thiếu tiền. Ký hợp đồng với Maradona không phải là lần duy nhất Napoli phá kỷ lục chuyển nhượng thế giới. Hans Jeppson vào năm 1952, hay cầu thủ có mức phí tính bằng đơn vị triệu bảng đầu tiên Giuseppe Savoldi năm 1975, là những minh chứng rõ rệt nhất. Tuy vậy, đó đều là những danh thủ đến từ miền Bắc, và dù nổi danh, được ngưỡng mộ ở khắp nơi, Jeppson và Savoldi chưa bao giờ thực sự hòa mình vào thành phố này như Maradona. "Đá tại Naples hay một nơi nào khác, với hai người đó, cũng như nhau cả thôi", Gianni Mura, ký giả huyền thoại của tờ La Repubblica, người cũng qua đời trong năm nay, từng nhận xét.
Maradona hoàn toàn trái ngược. Napoli thật đặc biệt. Thành phố mang dáng dấp Nam Mỹ nhất châu Âu đã chạm tới trái tim của ông. "Thật sự bạn không nghĩ rằng bạn đang ở Italy. Bạn có thể nghĩ nơi đây là Brazil", HLV đương nhiệm Gennaro Gattuso đã nói như thế. Maradona phản chiếu hình ảnh của người dân Napoli, và ngược lại. Họ như những tâm hồn đồng điệu, chung nhịp đập, hòa hợp làm một. Trong buổi ra mắt, Maradona nói: "Tôi muốn trở thành thần tượng của những đứa trẻ nghèo ở Napoli, vì chúng nhắc lại cho tôi nhớ về hình ảnh của bản thân ở Buenos Aires". Các mã vùng hành chính có thể khác nhau. Nhưng những trải nghiệm đường phố là bất biến, không hề suy suyển và không ai tương xứng với hình ảnh "scugnizzo" - tiếng lóng của người Napoli, nói về đứa trẻ hoạt bát và vui nhộn, đầy phóng khoáng - tốt hơn Maradona. Cái má lúm đồng tiền, sự tinh khôn, ranh mãnh đan xen với tố chất thông minh chính là những điều cần có để vươn lên trong cuộc sống đầy gian truân.
Khi Maradona đến Napoli năm 1984, thành phố này vẫn trong quá trình tái thiết sau những thiệt hại khủng khiếp mà trận động đất Irpinia gây ra cách đó bốn năm. Hàng nghìn tỉ lire viện trợ từ nhà nước đã bị phân bổ sai chỗ, và tệ hơn cả, rơi vào tay những kẻ xấu. Việc phi công nghiệp hóa đất nước khiến các nhà máy đóng cửa, và khi chiến tranh Lạnh kết thúc, ý thức hệ cũng biến mất. Giữa bối cảnh ấy, Maradona mang đến hy vọng ngập tràn, một điều gì đó để tin tưởng. Sự sùng bái dành cho ông đã lấp đầy những khoảng trống trong tâm hồn. Maradona theo chủ nghĩa dân túy, một nhân vật chống lại các nguyên tắc xã hội, chính trị và kinh tế truyền thống. Ông từng kêu gọi Vatican hãy làm tan chảy những trần nhà dát vàng ở Thánh quốc này, để quy ra tiền mặt, ủng hộ những người khốn cùng, nghèo khổ. Maradona là một kẻ nổi loạn đúng nghĩa.
Khi được một nhà môi giới đánh tiếng rằng Barca đang muốn thải loại "con cừu đen" Maradona, CEO Juventus Giampiero Boniperti đã cảm ơn lịch sự, nhưng từ chối đầy dứt khoát. Phong cách của Maradona không phù hợp. Boniperti thích các cầu thủ Juventus được kiểm soát. Ông nhấn mạnh vào sự đồng nhất. Nó cũng phản ánh một phần lịch sử, Turin là nơi đế chế nhà Savoys thành lập học viện quân sự của Italy. "Bà Đầm Già" thích những người lính nghiêm khắc và kỷ cương, chứ không phải những kẻ nổi loạn, ngoài vòng pháp luật. Không những thế, lúc ấy, họ đang sở hữu viên ngọc quý Michel Platini, người có gốc gác Piedmontese và một biệt danh "Hoàng Đế" đầy tính vương giả và sang trọng, phù hợp với dòng máu quý tộc đích thực và chuẩn mực của triều đại Agnelli. Gianni Agnelli và người anh trai Umberto có lẽ đã rất háo hức với việc phá vỡ quy luật, dành ngoại lệ cho Maradona, như họ từng làm với huyền thoại gốc Argentina Omar Sivori, nhưng Boniperti kiên quyết phản đối.
Việc Maradona chọn Napoli tạo ra thứ xúc cảm mãnh liệt và khác lạ, khiến cả thành phố này có cảm giác xứng đáng và đầy giá trị. Đó là điều vô cùng đặc biệt, vì cầu thủ hay bậc nhất thế giới bóng đá lúc ấy muốn đầu quân cho đội bóng quê hương họ. Lúc ấy, chẳng ai còn nhớ rằng mới cách đó hai tháng, chính đội bóng ấy còn vật lộn để trốn xuống hạng. Điều đó giải thích vì sao có tới 70.000 người - một số khổng lồ - chen chúc vào sân San Paolo hôm 5/7/1984 để chứng kiến lễ ra mắt, và như nổ tung trong phấn khích ở khoảnh khắc Maradona bước ra khỏi đường hầm với chiếc khăn Napoli quàng trên cổ. Đám đông ấy hò reo như lạc giọng khi Maradona biểu diễn màn tâng bóng cho truyền thông ghi hình.
Dù hạnh phúc ngất ngây, nhiều người Napoli có mặt hôm đó vẫn không hết hồ nghi trước những gì họ đang chứng kiến và tận hưởng. Sự hồ nghi ấy vẫn còn được lưu lại trong lời bài ca tiếng Italy mà người dân Napoli vẫn hát cho đến ngày nay. "OH MAMA, MAMA, MAMA, OH MAMA MAMA MAMA", nó kể về câu chuyện của một CĐV tại sân vận động, người thuật lại cho mẹ của anh ấy những gì mọi người đang được mắt thấy tai nghe.
"SAI PERCHE MI BATTE IL CORAZON", nhịp tim đang dồn dập, adrenaline đang được bơm đầy, trái tim đang loạn nhịp, đập mạnh và nhanh vô cùng. "HO VISTO MARADONA HO VISTO MARADONA, OH MAMA, INNAMORATO SON", vì họ đã thấy Maradona và tình yêu nảy nở như lẽ tự nhiên phải như thế.
Bài hát truyền tải đặc ân hiếm có của một người hâm mộ khi chứng kiến một tài năng thiên bẩm mà Chúa ban tặng và mô tả trải nghiệm khi đến San Paolo cũng giống như quan sát một người làm nên phép thần diệu, tạo ra những kỳ quan của thế giới mà họ cần được nhìn thấy để tin tưởng.
"Nếu bạn tổ chức một cuộc thi giữa San Gennaro - vị thánh bảo trợ của Napoli - và Maradona, ắt hẳn Maradona sẽ thắng", Gattuso nói hôm thứ Năm 26/11 - một ngày sau khi "Cậu bé Vàng" qua đời. Người ta bông đùa đó là tuần tồi tệ với các vị thánh, bởi sân nhà của Napoli lấy tên của Diego thay vì Thánh Paul (San Paolo trong tiếng Italy), đó cũng là một ví dụ khác về việc Maradona được xem như tôn giáo thịnh hành của thành phố. Số 10 đến từ Argentina dường như có khả năng làm những điều không tưởng. Trong thời đại tiền Internet, khi các bàn thắng không thể được tua đi tua lại nhiều lần, việc được chứng kiến tận mắt những khoảnh khắc khải huyền này càng mang sức mạnh to lớn hơn. Năm người ngất xỉu và hai người nữa bị lên cơm đau tim khi Maradona thực hiện cú sút phạt gián tiếp ở cự ly gần qua hàng rào và găm thẳng vào góc cao khung thành Juventus năm 1985.
Ở Napoli, người dân đặt cho ông một tên gọi trong phương ngữ là "Isso", với chữ "I" được viết hoa, có nghĩa là "Anh ấy". Như thể cái tên Maradona không cần phải nói rõ cụ thể ra. Như thể ông là thần thánh. Thay vào đó, các đền thờ trên các góc phố tràn ngập hình ảnh của Maradona. Ông hiện diện ở mọi nơi, mọi lúc, khi người dân nhìn lên những bức tranh tường được vẽ trên mặt tiền của những khu chung cư chưa hề có dấu hiệu phai nhạt.
Tình yêu vượt thời gian dành cho ông, đã đi qua lằn ranh của bóng đá vì ông không bao giờ chỉ giới hạn bản thân trong môn thể thao. Maradona đã đứng lên chiến đấu vì Napoli. Trận đấu đầu tiên của Maradona ở Verona là lần đầu ông phải hứng chịu và tiếp xúc với những sự phân biệt và kỳ thị mà người dân Napoli phải đối diện bấy lâu nay. Những biểu ngữ đầy tính đớn đau cầu xin núi lửa Vesuvius phun trào và rửa trôi thành phố, ám chỉ đến đợt bùng phát dịch tả năm 1973. Maradona vốn rất nhạy cảm với tổn thương quanh ông, và hành động của CĐV Verona như nhát dao đâm vào tim cầu thủ Argentina bé nhỏ này, đã khiến bản năng trỗi dậy, và ông tuyên bố sẽ không bao giờ đầu hàng trước điều đó. Kể từ đó, Maradona thề rằng mỗi Chủ nhật sẽ là một cuộc phục thù của Napoli, và phần còn lại của dải đất hình chiếc ủng sẽ phải học cách tôn trọng con dân của miền nam Italy nói chung, cũng như thành phố Napoli nói riêng.
Maradona khi đó giống một lãnh đạo của thành phố Napoli, chứ không chỉ là người đội trưởng của đội bóng nữa. Mọi lời nói và hành động của Maradona khi xem như thể của một bộ trưởng, một nhà ngoại giao, một lãnh tụ. "Maradona đã thống nhất đội bóng Napoli và người dân Napoli," Luigi De Magistris, cựu Thị trưởng thành phố và là người có vé mùa bên khán đài "curva" đầy máu lửa từ thời đó, cho biết thêm. "Anh ấy là thiên tài của miền Nam, người thống nhất miền Nam trên toàn thế giới và thể hiện cho họ thấy sức mạnh của thành phố chúng tôi".
Tấm lòng nhân ái
Một trong những màn trình diễn đáng nhớ nhất của Maradona cùng Napoli không diễn ra tại Serie A, cũng chẳng phải ở Cup Italy hay các Cup châu Âu. Đó là một trận đấu giao hữu tại ngôi làng cách Napoli 15 kilomet có tên là Acerra. Maradona được nghe kể về người đồng đội Pietro Puzone, một cầu thủ vô kỷ luật đang lạc lối. Con trai của Puzone mắc một căn bệnh hiếm gặp và cần phải ra nước ngoài để phẫu thuật. Nhưng gia đình không đủ khả năng chi trả, vì vậy Puzone đã tìm đến Napoli và hỏi liệu họ có thể đến chơi một trận đấu từ thiện mang tính biểu diễn ở quê hương của anh không, và toàn bộ tiền thu về sẽ giúp được con trai anh.
Đó là mùa giải đầu tiên của Maradona tại Italy, và Napoli đang đạt kết quả thất vọng ở Serie A. Nếu để thua Torino cuối tuần ấy, họ có nguy cơ rớt xuống khu vực xuống hạng. Viễn cảnh ngôi sao của họ dính chấn thương khiến ban lãnh đạo Napoli không mặn mà với trận cầu từ thiện. "Để lúc khác nhé" là câu trả lời dành cho Puzone. Nhưng Maradona không nghĩ như vậy. Ông quyết định: "Chúng tôi phải đá trận này vì con trai của cậu".
Sức hút của Maradona là không thể cưỡng lại. Ông có mặt cùng đội và khởi động trong bãi đỗ xe địa phương. Cả đội vào sân dưới bầu trời xanh thẳm, nhưng dưới chân họ là một mặt cỏ như bãi tắm bùn. Dù vậy, điều kiện tồi tệ ấy không ngăn Maradona phô diễn tài năng hảo hạng. Ở Acerra, ông rê bóng từ giữa sân và ghi một bàn thắng tương tự như tuyệt phẩm vang danh vào lưới Anh ở bán kết World Cup năm 1986. Bàn thắng ấy không mang lại một chiếc cúp vàng thế giới, cũng chẳng đem về Scudetto. Nhưng bàn thắng đó quan trọng chẳng kém những bàn thắng giàu ý nghĩa khác trong sự nghiệp của ông. Vì với gia đình Puzone, nó có nghĩa là tất cả.
Những cử chỉ và tinh thần hào hiệp quên mình đã khiến Maradona trở thành một người đồng đội được yêu mến và tôn trọng. Khi trở thành đội trưởng Napoli, ông yêu cầu ban lãnh đạo chia cả tiền thưởng cho những cầu thủ trẻ trong đội. Những người từng học lái xe mô-tô, nhờ đó, có thể mua được cả chiếc ô-tô. Salvatore Carmando, săn sóc viên trung thành của CLB, nhớ lại một ngày nọ Maradona đến và nói: "Này Salvatore, anh lập giúp danh sách chuẩn bị cho Giáng sinh. Tôi muốn mua quà cho tất cả vợ và con của đồng đội".
Món qua lớn nhất trong số đó, đương nhiên, là scudetto vào các năm 1987 rồi 1990, và chúng không đến một sớm một chiều. Maradona và Napoli phải mất ba năm trời để phá vỡ trật tự vốn có của giải đấu cạnh tranh nhất thế giới từ trước đến nay, nơi mà chất lượng chiều sâu thể hiện qua việc một ngôi sao tầm cỡ hàng đầu thế giới như Zico chỉ có thể khoác áo... Udinese - một đội bóng bình dân. Napoli cần Ma-Gi-Ca làm điều đó (bộ ba Maradona, Bruno Giordano và Andrea Carnevale) và họ đã làm nên lịch sử. Trước Napoli, không đội bóng miền Nam nào vô địch Italy, và cũng chẳng có nơi nào mà những bữa tiệc được tổ chức liên tục và náo nhiệt trong tuần lễ vinh quang đó như Napoli.
Nhưng ở một thành phố đầy tính cực đoan như Napoli, những thói hư tật xấu dần dà vô tình ảnh hưởng đến Maradona: nghiện ngập, sa lầy vào các quan hệ tình ái, thậm chí có liên hệ với cả mafia qua gia tộc Giuliano. Khi đến muộn hoặc không có mặt để tập luyện tại đại bản doanh Centro Paradiso của Napoli - Paradiso có nghĩa là thiên đường, trong tiếng Italy, Maradona như thấy ông đang ở trong địa ngục của bản thân. "Ba năm ở đây đã mang lại cho tôi rất nhiều thứ, nhưng cũng phải trả giá đắt. Tôi không thể ra ngoài. Trong ba năm, tôi chưa nhớ được một tên đường nào ở Naples", ông kể năm 1987. Ai ở Napoli cũng đều biết nơi Maradona ngụ tại số 3, đường Scipione Capece. Cuộc sống giữa những con phố cao và quanh co của khu Tây Ban Nha ở Napoli dần trở nên ngột ngạt với Maradona.
Trong suốt hơn 20 năm, Maradona có thể không muốn hoặc không thể nhận Diego Maradona Jr - người con rơi ông có trong thời gian ở Napoli, ngoài cuộc hôn hân chính thức với Claudia Villafane - người bạn từ thuở niên thiếu. Tuần vừa rồi, sau khi Maradona qua đời, mẹ của Diego Jr - bà Cristiana Sinagra - tiết lộ với Corriere della Sera rằng các chị gái của Maradona đã kể lại với bà rằng: "Diego thường khóc vì đứa con trai mà anh từng không nhận. Diego Jr là người con trai mà ông hằng mong ước". Khi được yêu cầu mô tả Maradona bằng một cụm từ, Sinagra đáp lại bằng hai. "Trái tim rộng lớn, tâm hồn mong manh". Maradona bất khả chiến bại và bất khuất trên sân cỏ, nhưng khác xa với con người của ông thường nhật. Cuộc đời của ông hệt như cách tiểu thuyết gia người Mỹ F Scott Fitzgerald từng viết: "Hãy cho tôi thấy một anh hùng và tôi sẽ viết cho bạn một tấn bi kịch".
Nỗi đau đớn từ sự ra đi của Maradona dường như vẫn in hằn trong tim người dân Napoli. Hình ảnh của ông có lẽ là bất tử trong lòng họ. Một trong những mảnh giấy dán ở cổng sân Diego Armando Maradona - được Hội đồng thành phố đổi tên từ San Paolo ngay sau khi "Cậu bé Vàng" qua đời - mang thông điệp: "Cứ như thể Vesuvius đã sụp đổ."
Đổi tên một địa điểm để vinh danh Maradona không chỉ là một biểu hiện của sự tôn trọng. Nó phản ánh nhu cầu về một hình ảnh đại diện hữu hình của Maradona. Dù không thể vào sân để xem đội nhà tiếp Riejka ở Europa League tối thứ Năm 26/11 do quy định phòng dịch của UEFA, rất đông CĐV Napoli vẫn đến dự buổi cầu nguyện cho Maradona bên ngoài sân bóng mang tên ông. Ở buổi lễ đó, đội trưởng và là một người Napoli gốc, Lorenzo Insigne đã chung tay cùng các CĐV đặt vòng hoa cho Maradona. "Chi ama non dimentica" (Đã yêu rồi thì không thể lãng quên) họ đồng thanh hô vang câu nói mà Maradona đặc biệt thích trong bảy năm đỉnh cao thi đấu cho Napoli.
Trong lời tựa cuốn sách mà Ciro Ferrara viết về mối quan hệ của họ năm ngoái, Maradona đề cập đến sự tôn thờ trường tồn mà thành phố này vẫn yêu dấu thể hiện với ông suốt những năm tháng sau này. Ông cho rằng thời gian chỉ là tương đối, một thứ "phụ kiện đầy khó chịu". "Điều quan trọng là chất lượng, như thực tế là tôi đã dành bảy trong số 60 năm cuộc đời của mình ở Napoli. Trong tim tôi, chúng đáng giá hơn gấp ba lần". Những năm tháng sát cánh của ông và thành phố là những năm tháng khốc liệt.
"Đến nhìn thấy Napoli một lần rồi chết cũng được" là câu nói nổi tiếng của nhà văn người Đức Johann Wolfgang von Goethe về vẻ đẹp của thành phố này. Nhưng tới thời của ông, Maradona đã đảo ngược lại mệnh đề. Giữa những hoang tàn của thời cuộc, "Cậu bé Vàng" xuất hiện, bằng thiên tài đá bóng và lòng nhân hậu của ông, truyền cảm hứng, tiếp thêm sinh lực, giúp người dân nơi đây cảm thấy tràn trề nhựa sống, thấy cuộc đời thật đáng để hy vọng. Điều đó giải thích về những biểu ngữ "Bạn không biết mình đã bỏ lỡ điều gì đâu" mà CĐV Napoli gắn lên các bức tường của nghĩa trang thành phố khi Napoli vô địch giải đấu.
Những thế hệ tương lai của Napoli không được tận mắt nhìn thấy Maradona thi đấu ở thời kỳ đỉnh cao, và đó chắc chắn là một sự nuối tiếc lớn. Nhưng họ không thể không nghĩ đến ông, vì Maradona hiện diện ở mọi nơi chốn, cả hữu hình, lẫn trong tâm tưởng của nhiều thế hệ người Napoli.
Chấn Cương (theo Athletic)