Trong cuộc gặp cựu HLV Vicente Del Bosque, Quique Setien đã trải lòng về tám tháng ngắn ngủi với Barca và nhất là mối quan hệ với Lionel Messi.
Ngày 17/8/2020, Setien bị Barca sa thải, không lâu sau thảm bại 2-8 trước Bayern Munich ở Champions League. Gần đây, ông đã gọi cho các luật sư để kiện Barca ra tòa vì không nhận được tiền đền bù. Trong giai đoạn này, Setien vẫn thất nghiệp, đợi phản hồi của Barca và tòa án.
Tờ El Pais của Tây Ban Nha đã liên hệ mời cựu HLV Real và đội tuyển Tây Ban Nha Del Bosque tới gặp Setien. Bài phỏng vấn được đăng trên tờ báo này hôm qua 1/11.
- Hãy nói về thời gian ông còn thi đấu. Racing, Atletico, Logrones. Ông ghi được rất nhiều bàn thắng dù không đá tiền đạo.
- Hồi đầu, tôi là một "số 9" đấy, nhưng tôi không ghi được nhiều bàn thắng. Sau nhiều năm, tôi chuyển xuống đá tiền vệ. Vì đã mất đi tốc độ và một số kĩ năng, tôi phải thi đấu bằng đầu óc nhiều hơn và tận dụng những kĩ năng còn lại.
- Ông đã thi đấu cho Atletico thời Chủ tịch Jesus Gil
- Tôi đã đầu quân cho sân Vicente Calderon và có một năm tuyệt vời. Chúng tôi vào chung kết C1 gặp Dinamo Kiev nhưng thua 0-3. Mùa sau đó, Luis Aragones có vấn đề nên ra đi. Ngài Calderon qua đời, đó là vị chủ tịch mà sự nghiêm túc, kiên định của ông ấy khiến tôi ấn tượng. Sau đó Gil lên thay, ông ấy là tay mới trong giới bóng đá nhưng cũng rất cứng cỏi.
- Hồi còn là cầu thủ, tôi được biết ông nổi tiếng như một tay nổi loạn đấy.
- Tôi luôn vùng lên chống lại những việc mà tôi cho là bất công. Việc bảo vệ niềm tin của bản thân như thế gây cho tôi nhiều vấn đề, nhưng tôi toại nguyện.
- Ông đã làm việc với bao nhiêu HLV trong sự nghiệp cầu thủ của mình?
- Khoảng 14 hoặc 15 gì đó. Người ảnh hưởng lớn nhất đến tôi là Luis Aragones. Đó là một thay đổi khủng khiếp, lần đầu tôi tập nặng đến vậy. Số lượng bài tập rất kinh khủng. Tôi cũng không thể quên Paquito hồi ở Racing. Ông ấy giúp tôi phát triển về mọi mặt.
- Sau khi nghỉ thi đấu, ông đã mất vài năm mới quyết định theo nghề HLV.
- HLV là một công việc khó làm. Tôi dành khoảng năm hay sáu năm gì đó làm cầu thủ bóng đá bãi biển. Khi họ đề nghị tôi dẫn dắt Racing, tôi rất bất ngờ. Tôi đồng ý và vào việc ngay... Đó là khoảng thời gian tuyệt vời. Tôi cảm thấy rất thoải mái và không hề kí vào bất cứ hợp đồng nào. Tất cả chỉ là thỏa thuận miệng. Tôi đã bắt đầu công việc HLV như vậy.
- Lugo, Las Palmas, Betis rồi tám tháng ở Barcelona. Từ đội đầu tiên đến đội gần nhất, phòng thay đồ các đội bóng này chắc chắn là rất khác biệt?
- Đúng vậy. Trải nghiệm tại Barca thật phi thường. Tôi có cơ hội trải qua những điều chưa từng có trước đó. Tôi đã nói chuyện với các cầu thủ mà trước đó chưa từng có cơ hội tiếp xúc, họ là những người giỏi nhất thế giới.
- Theo tôi thì mối quan hệ cá nhân với mọi người là quan trọng nhất khi điều hành một phòng thay đồ. Nếu tôn trọng lẫn nhau, đó là may mắn lớn. Nhưng sẽ đổ máu nếu có một cầu thủ không nghe lời?
- Hoàn toàn đồng ý. Trong 40 năm sự nghiệp của mình, từ cầu thủ đến HLV, tôi rút ra là sẽ chỉ có 16 đến 18 người trong một đội bóng nỗ lực đồng hành cùng HLV thôi. Sẽ có bốn hay năm người người không đủ nhiệt tình. Họ vẫn tập luyện, nhưng không hòa vào thể thống nhất, nếu mọi chuyện tốt thì họ là sự bổ sung đáng giá, nếu không, họ sẽ bàng quan. Rồi sẽ xuất hiện một hoặc hai cá nhân phức tạp và gây rắc rối. Đội bóng nào cũng xảy ra những chuyện như vậy. Tôi luôn cố gắng trung thực với mọi cầu thủ. Nếu ai đó yêu cầu tôi giải thích vì sao anh ta không được vào sân, tôi sẽ thành thực.
- Tôi không cho là ông cần phải giải thích quá nhiều. Ai cũng có thể mắc sai lầm và bị chất vấn thường xuyên. Họ có thể phản bác những điều ông nói. Trong bóng đá, mọi ý tưởng đều có thể bị phủ quyết. Nên cần thận trọng. Tôi tin rằng mọi đội bóng đều vậy. HLV phải công bằng, giàu uy tín. Họ phải là thủ lĩnh. Bước vào phòng thay đồ và cho họ thấy mình là ai.
- Đó là thứ mà HLV phải tích lũy. Cầu thủ dỏng tai nghe HLV của họ từ ngày đầu tiên ông ta bước vào phòng thay đồ.
- Ông từng dẫn dắt Barca và Lionel Messi. Khi mới nhận công việc đó, ông đã nói rằng thật là một vinh hạnh khi được dẫn dắt cầu thủ hay nhất thế giới.
- Tôi luôn cho rằng Messi là cầu thủ hay nhất mọi thời đại. Có nhiều cầu thủ tuyệt vời khác nhưng cậu ấy đã bền bỉ tỏa sáng trong nhiều năm, điều không phải ai cũng làm được.
- Ông nói chuyện với Messi nhiều không?
- Đó không phải một cầu thủ đơn thuần. Cậu ấy có những khía cạnh khác rất phức tạp, rất khó nắm bắt. Cực kì khó. Dường như đó là lẽ tự nhiên ở các VĐV mà chúng ta được xem trong bộ phim tài liệu The Last Dance (về huyền thoại bóng rổ Michael Jordan) vậy. Họ có những khía cạnh khó kiểm soát.
- Một người bạn cũng làm công tác huấn luyện tại Atletico nói với tôi về một trường hợp mà ông ta mâu thuẫn với một cầu thủ trong đội. Ông ta nói với ban lãnh đạo: "Các người phải chọn, tôi hoặc hắn ta". Tôi nói với ông ấy rằng, họ sẽ sa thải ông ấy. Thông thường, cầu thủ được o bế hơn là HLV.
- Messi, cậu ấy rất kín đáo, nhưng sẽ có cách cho ông thấy điều cậu ấy muốn. Cậu ấy không nói nhiều. Trong quá nhiều làm việc, nhiều lần tôi phải đưa ra quyết định trái ngược, nhưng dù thế nào thì đội bóng vẫn là quan trọng nhất. Đội bóng xếp trên chủ tịch, cầu thủ, HLV. CLB và CĐV là số một. Nhưng ngoài kia hàng triệu người vẫn nghĩ Messi quan trọng hơn CLB và HLV. Cậu ấy và một số đồng đội lâu năm đã có 14 năm giành các danh hiệu, chiến thắng mọi thứ.
- Vì thế có lần HLV Tata Martino đã nói với Messi: "Tôi biết nếu cậu gọi cho chủ tịch, cậu có thể ném tôi ra đường bất cứ lúc nào, nhưng đừng thể hiện điều đó với tôi hàng ngày". Ông muốn nói gì với cậu ấy?
- Vâng, tôi đã nghe câu đó và một số chuyện khác. Tôi không cần bất cứ ai kể với tôi rằng Martino hay ai đó đã nói điều đó. Tôi đã trải nghiệm nó. Tôi đủ kinh nghiệm để nhận định rằng cậu ấy hay bất cứ ai khác là người như thế nào.
- Ông nói về niềm vinh dự khi được dẫn dắt Messi và cũng nói với cậu ấy điều đó, rằng đó là cầu thủ xuất sắc mọi thời đại. Nhưng điều quan trọng nhất ở một tập thể, khác với các môn chơi cá nhân, là sự cảm thông. Giả sử một ngày nọ, ông cho Messi nghỉ đá nửa tiếng vì trận đấu đã an bài, ông trao cơ hội cho cầu thủ khác, thì liệu rằng sự cảm thông có tồn tại ở đội bóng không?
- Rất khó, bởi cậu ấy đã chiến thắng quá nhiều. Khi vì một lý do nào đó mà cảm thấy căng thẳng hoặc không đạt được điều mình muốn, cậu ấy sẽ bị tổn thương. Bóng đá ngày nay có một đòi hỏi khủng khiếp là bạn phải chiến thắng như một thói quen. Thật sự, có những cầu thủ vô cùng khó kiểm soát, trong đó có Leo. Ông phải luôn nhắc bản thân rằng cậu ấy là người giỏi nhất mọi thời đại. Và tôi là ai mà dám thay đổi cậu ấy, nhất là khi họ đã chấp nhận cá tính của cậu ấy ở Barca trong nhiều năm và không thể thay đổi điều đó.
- Dường như đây là sự đánh đổi: Có một tập thể tốt hay là có một cầu thủ giỏi hơn nhiều so với tập thể ấy?
- Đúng vậy. Vấn đề là những chuyện nội bộ đôi khi đánh lừa bạn và với nhiều người, chiến thắng là tất cả, mọi thứ khác đều không quan trọng. Cho đến khi bạn rời bỏ bóng đá và nhiều năm trôi qua, bạn cũng không rõ thật sự chuyện gì đã xảy ra.
- Người ngoài thì thấy rằng mọi đường bóng đều phải có cùng một điểm đến, như thể ai đó đã nói rằng: "Nếu tôi không chuyền cho Messi, tôi sẽ gặp rắc rối". Dường như có sự hiểu lầm nào đó ở đây?
- Rất nhiều thời điểm mọi chuyện không cần phải như vậy. Bạn không cần phải lúc nào cũng chuyền bóng đến một vị trí. Bạn phải đưa ra quyết định của mình và chịu trách nhiệm với nó.
- Tôi không rõ sự can thiệp của Eder Sarabia, trợ lý số hai của ông, có mang lại chút hiệu quả nào không, trong mối quan hệ giữa ban huấn luyện với Messi? (Del Bosque muốn nhắc đến sự kiện Sarabia nổi nóng mắng Messi trong trận gặp Celta Vigo mùa trước vì cho rằng số 10 không làm theo chỉ dẫn của ban huấn luyện. Sau đó nhân vật này đã xin lỗi toàn đội).
- Vicente này, ông phải biết là ngay từ hngàym đầu tiên tôi đã giải thích cho các cầu thủ rằng Eder là người hơi nóng tính. Tôi đã nói với họ rằng cậu ấy thuộc trách nhiệm của tôi. Đó là một người giàu năng lượng, yêu bóng đá cuồng nhiệt và thường xuyên thể hiện trách nhiệm theo cách đó. Chúng tôi không thể thay đổi điều đó được. Chỉ có thể thay đổi một số khía cạnh mà thôi, vì tôi rất mến cậu ấy. Khi camera bắt được cảnh đó, tôi nói với cậu ấy rằng vào lúc đó tôi không để ý. Hôm sau tôi nói chuyện với nhóm cầu thủ chủ chốt và đích thân xin lỗi. Họ đáp lại rằng, họ không quan tâm tôi hét gì. Tôi nào có la hét vào mặt ai đâu, chưa từng như vậy.
- Ông có cho rằng trong thời gian ở Barca, ông đã trở lại là một Setien nổi loạn như bản năng của mình?
- Không, không đời nào. Khi đã kí hợp đồng với một đội như Barca, cần hiểu rằng thử thách sẽ rất lớn dù có trong tay những người giỏi nhất. Nhưng tôi nghĩ chúng tôi đã làm được nhiều điều. Chúng tôi dẫn đầu bảng La Liga trước giai đoạn cách ly vì Covid-19. Khi trở lại, chúng tôi thi đấu tốt trước Mallorca. Nhưng tình hình phức tạp khi Real Madrid bứt lên mạnh mẽ. Sau cùng, họ vượt lên chúng tôi. Thành thật mà nói, có những thời điểm tôi mong mọi việc diễn ra theo chiều hướng khác. Đó không phải là lúc tôi có thể đưa ra những thay đổi quá lớn. Vẫn còn Liga, còn Champions League. Và rồi trận đấu với Bayern diễn ra.
- Ông có cảm thấy bị kì thị khi thua 2-8 trước Bayern?
- Vô cùng tuyệt vọng. Một bước lùi trong lịch sử Barca. Tôi là người đáng bị chỉ trích. Một dịp nào đó tôi sẽ viết về trận đấu đó. Khi về nhà đi ngủ, tôi đã biết quyết định tai hại nào của mình dẫn đến trận thua 2-8. Tôi đã nhận ra mọi thứ.
- Ông còn cảm giác đau đớn vì nó không?
- Không nhiều lắm. Tôi ở nhà, thấy thoải mái, với bãi biển, những chú bò. Tôi đã để tang xong.
- Một HLV phải luôn chịu đựng những điều không may. Nhưng tôi lại chưa từng trải qua tình cảnh kinh khủng đó. Tám tháng khó khăn đó chắc chắn cũng là một trải nghiệm đáng giá?
- Tôi chưa từng ca thán bất cứ điều gì, Vicente. Tôi đã sống trong thế giới bóng đá 40 năm rồi. Từ một người quản lý tư trang ở văn phòng cho đến khi kí hợp đồng đầu tiên. Tôi luôn biết ơn bóng đá.
- Khi làm HLV của Lugo, ông đã công khai rằng bản thân là một môn đệ của Johan Cruyff. Ông bảo vệ bóng đá của mình. Nhưng Cruyffismo không phải là bất biến theo thời gian. Các ý tưởng của nó đã tiến hóa.
- Những người như Guardiola đã cải tiến nó.
- Ông nghĩ sao? Guardiola đã thay đổi bố cục bức tranh. Cruyff dùng ba hậu vệ, Pep dùng hai hoặc bốn, tùy theo cách hiểu.
- Nó khiến tôi được mở mang tầm mắt. Khi đấu lại Barca của Cruyff, ông sẽ chỉ chạy theo quả bóng. Họ cứ chuyền qua chuyền lại cho nhau. Ông có 80 phút như thế rồi tự hỏi họ làm cách nào để ngăn đối thủ cầm bóng lâu như vậy. Rồi tôi nhận ra đó là thứ bóng đá mà tôi muốn. Từ nhỏ tôi luôn thích giữ bóng trong chân. Nó định hình tư duy của tôi. Vấn đề của cầu thủ không phải là chạy nữa mà là đứng đúng chỗ. Tôi không dặn cầu thủ lúc này lúc kia phải đá chậm hay nhanh, nhưng nếu cần điều chỉnh thì họ phải điều chỉnh. Trận đấu luôn chuyển động và bạn phải làm những gì thực tế đòi hỏi.
- Không có công thức chiến thắng trong bóng đá. Luôn có thứ khắc chế các công thức.
- Rõ ràng, chỉ cần nằm trong khuôn khổ luật chơi. Nhiều phong cách đã lên ngôi vô địch. Có đội được xây dựng để chơi bóng và số khác thì để phá lối chơi. Chỉ cần kiên định với ý tưởng của mình.
Đỗ Hiếu (theo El Pais)