Thứ Hai, 26 tháng 10, 2020

Những góc khuất trong vụ Ronaldo sang Man Utd

Một buổi sáng tháng 8/2003, Gerard Houllier, HLV của Liverpool khi đó, đang ăn sáng thì nghe tin Man Utd đã nẫng mất Cristiano Ronaldo. Ông thốt lên bực tức: "Chuyện quái quỷ gì đang xảy ra thế".

Ngày cuối giải VĐQG Bồ Đào Nha mùa 2002-2003, sân Das Antas của Porto náo nhiệt khác thường. Rất đông nhà tuyển trạch bóng đá từ khắp châu Âu tề tựu về đây để xem giò hai tài năng trẻ đá ở hai biên trên hàng công Sporting Lisbon.

Người đầu là Ricardo Quaresma - cầu thủ kết hợp giữa cả kỹ năng lẫn tốc độ và sẽ được Barca chiêu mộ mùa hè năm đó. Cristiano Ronaldo - người còn lại - là cầu thủ mà Liverpool đang khao khát. Anh chàng 18 tuổi này còn đeo niềng răng, thể hình mỏng cơm, mặc chiếc áo có vẻ quá rộng. Nhưng khi có quả bóng trong chân, Ronaldo cho thấy những phép màu khiến HLV Jose Mourinho của Porto phải hỏi "Có phải con trai Marco Van Basten không?".

Tối hôm ấy, trợ lý HLV Phil Thompson của Liverpool dùng bữa với người đại diện Tony Henry để bàn xem mức giá Sporting muốn nhận là bao nhiêu. Henry làm việc cho Paul Stretford – người đại diện của Wayne Rooney – và muốn tìm một CLB Ngoại hạng Anh cho Ronaldo. Cầu thủ trẻ này cho thấy tiềm năng của một ngôi sao, đủ để khiến Liverpool muốn anh, dù Sporting của Ronaldo hôm ấy thua chủ nhà Porto 0-2.

Thompson hồi tưởng: "Tôi vẫn nhớ như in từng lời của Tony: 'Giá của cậu ấy là 4 triệu bảng và có thể được trả trong bốn năm hợp đồng, tức chỉ mất 1 triệu bảng mỗi năm'. Mức giá đó rất hợp lý. Nhưng khi tôi hỏi mức lương, Tony lại đưa ra con số 1 triệu bảng mỗi năm sau thuế. Với một cầu thủ 18 tuổi, đó là một khoản tiền rất lớn. Nhưng Tony bảo rằng con số đó có thể thương lượng được, khiến tôi thấy rằng dường như họ đang tìm mọi cách để bán Ronaldo. Chúng tôi rất kiên nhẫn theo đuổi, bởi rõ ràng cậu ấy là một tài năng xuất chúng".

HLV Liverpool năm 2003, Gerard Houllier, đã trực tiếp tới xem Ronaldo thi đấu cho đội U20 Bồ Đào Nha tại Toulon Tournament - giải đấu được ví như Euro của bóng đá trẻ châu lục. Với đội bóng vùng Merseyside, đôi bên dường như đã nhất trí về vụ chuyển nhượng, với khúc mắc chỉ còn nằm ở lương. Nhưng những gì diễn ra khiến Thompson không thể quên được: "Một sáng ngày thứ Ba, chúng tôi đang ăn trưa tại sân tập và Sky Sports đăng tin: 'Man Utd đã mua Cristiano Ronaldo với giá 12,2 triệu bảng’. Gerard và tôi nghe mà phát nghẹn. Ông ấy còn nhảy lên bực tức: ‘Chuyện quái quỷ gì đang diễn ra thế này?".

Liverpool của Phil Thompson (trái) và Gerard Houllier (phải) có cơ hội tốt nhất để ký với Ronaldo, nhưng vẫn về sau Man Utd của Alex Ferguson trong thương vụ này.

Cho đến nay, nhiều người vẫn tin rằng "Quỷ Đỏ" bị Ronaldo quyến rũ trong trận giao hữu huyền thoại tại Lisbon, khi Sporting khai trương sân mới. Phiên bản quen thuộc của câu chuyện là Ronaldo chói sáng tới mức các cầu thủ Man Utd thuyết phục bằng được Sir Alex Ferguson chiêu mộ chàng trai trẻ vừa khiến họ ngửi khói trên sân.

Nhưng trong thực tế, những người nắm rõ nội tình nhất – bao gồm cả Ronaldo và người đại diện Jorge Mendes – đều bật cười khi nghĩ rằng toàn bộ vụ chuyển nhượng dựa trên trận giao hữu đầu mùa đó. Ronaldo kể với The Athletic: "Tôi đã biết Manchester sẽ là tương lai của mình. Bất chấp những thứ xuất hiện trên mặt báo, sự quan tâm của Man Utd với tôi không chỉ đến từ trận giao hữu đó. Nó không chỉ dựa trên một màn trình diễn, dù tôi biết đó là một màn trình diễn rất cừ".

Để vén bức màn thâm cung bí sử, The Athletic đã liên hệ với những cái tên liên quan ở thời điểm vụ chuyển nhượng diễn ra, gồm CEO Man Utd Peter Kenyon, HLV Laszlo Boloni, Giám đốc Carlos Freitas của Sporting cũng như các quan chức của Arsenal, Liverpool... Hệ quả là một ma trận vây quanh Ronaldo, với sự xuất hiện của những cái tên lớn nhất châu Âu như Real Madrid, Barca, Juventus, Arsenal, Liverpool và cả Tottenham.

Cuộc đua gắt gao

Không dễ để thống kê tất cả đội bóng có thể đã có được Ronaldo - người sẽ đoạt năm Quả Bóng Vàng và được xem như một trong số VĐV vĩ đại nhất lịch sử thể thao. Theo Giám đốc Carlos Freitas, Arsenal là đội đầu tiên tiếp cận Ronaldo thông qua Phó chủ tịch David Dein. Tiếp đó là một loạt những đội bóng như Inter Milan, Valencia, Barca..., tất cả đều xuất hiện với những đề nghị hấp dẫn.

Juventus thậm chí còn đưa ra một bản hợp đồng chính thức, và mọi thứ chỉ đổ bể vì thương vụ đính kèm - Marcelo Salas - từ chối chuyển từ Juventus sang Sporting. Khi đó, tờ Tuttosport thậm chí đã giật tít "Juve: Ronaldo là của các bạn", bởi cầu thủ người Chile đã nghiêm túc cân nhắc khả năng được đem ra trao đổi cho Sporting kèm theo tiền. Nhưng cuối cùng anh lại chọn trở về Nam Mỹ. Không ai thuyết phục được Salas và anh tới River Plate theo diện cho mượn ngày 17/7/2003 - chỉ ba tuần trước khi Man Utd sở hữu Ronaldo. Bên cạnh Juventus, một đội bóng Italy khác là Parma đã gửi lời đề nghị giá trị 7 triệu bảng cho Ronaldo, và sẵn lòng để anh ở lại Sporting thêm một năm.

Ronaldo có thể đã là người của Juventus nếu Salas chấp nhận sang Sporting Lisbon. Ảnh: Empics

Ứng cử viên chủ tịch Paco Roig của Valencia đã thoả thuận với Mendes rằng nếu trúng cử, ông sẽ mua cả Ronaldo lẫn Quaresma hoặc chỉ mình Ronaldo. Khi đó, Valencia của HLV Rafa Benitez là một thế lực khi với giành cả La Liga lẫn Cup UEFA. Song những vấn đề về tài chính đã khiến đội bóng Tây Ban Nha không thể giữ lời. Khi chuyển sang Tây Ban Nha thi đấu cho Real Madrid sau này, Ronaldo đã 15 lần chọc thủng lưới đội bóng anh suýt khoác áo.

Barca và Real đương nhiên không thể đứng ngoài cuộc. Giám đốc thể thao của Man City hiện tại Txiki Begiristain từng đại diện Barca tới xem trận giao hữu giữa Sporting và Man Utd. Real cũng được tân HLV Carlos Queiroz - người vừa rời ghế trợ lý của Sir Alex Ferguson ở Man Utd - yêu cầu giành Ronaldo bằng mọi giá.

Vị HLV cho Ronaldo trình làng tại Sporting, Laszlo Boloni hiểu học trò được nhiều đội bóngsăn đón đến nhường nào. Ông kể lại trên The Athletic: "Cá nhân tôi đã nói chuyện với ba CLB. Người đầu tiên gọi tôi là Guy Roux từ Auxerre. Tôi nói với anh ấy rằng Ronaldo rất, rất đặc biệt. Cậu ấy còn trẻ và Guy thích làm việc cùng những cầu thủ trẻ. Anh ấy hỏi tôi mức giá ra sao và tôi nói rằng sẽ tốn vài triệu đấy. Thế là Guy nói rằng đây không phải cầu thủ dành cho mình và chấm dứt câu chuyện".

Boloni cũng đã đề xuất một bản hợp đồng mượn Tony Vairelles từ Lyon kèm theo điều khoản giúp CLB Pháp được ưu tiên mua Ronaldo. Theo ông, những gì diễn ra với Lyon gây ngạc nhiên nhất: "Lúc đó, Sporting không có tiền và chủ tịch bảo tôi có thể hỏi Lyon xem có để Vairelles ra đi miễn phí được không, đổi lại họ sẽ được ưu tiên khi chúng tôi bán các cầu thủ trẻ. Lyon hỏi những cầu thủ trẻ là ai và nhận được hai cái tên hay nhất: Ronaldo và Quaresma. Sau hai tuần chờ đợi bặt vô âm tín, tôi gọi điện cho họ thêm một lần. Lyon nói rằng họ chưa bao giờ nghe nói tới những cậu nhóc này và không thể chấp nhận thoả thuận trên".

Boloni chỉ bảo Ronaldo trên sân tập năm 2003. Ảnh: Record

Arsenal thậm chí còn đưa Ronaldo tới London ngày 24/11/2002 - chín tháng trước khi bị kình địch Man Utd nẫng tay trên. Boloni đã gặp riêng Arsene Wenger khi tới xem đội dự bị của Arsenal để tìm một cái tên tiềm năng. Ông hồi tưởng: "Arsene hỏi tôi về Ronaldo và tôi lặp lại những gì đã nói với Guy Roux. Thế rồi ông ấy tới tủ tài liệu và lôi ra một tập hồ sơ khổng lồ về Ronaldo. Arsene hiểu Ronaldo từ chân tơ kẽ tóc một cách hoàn hảo, tới mức tôi ngạc nhiên về lượng thông tin mà ông ấy nắm được".

Nhưng khi đó, Arsenal không có nhiều tiền chuyển nhượng do dồn toàn lực để xây sân mới Emirates. Phương châm của Wenger với Arsenal là "không mua mà tự tạo ra những siêu sao". Chính Arsenal là đội bóng theo đuổi Ronaldo nhiệt tình nhất, khác với Man Utd. "Quỷ Đỏ" thành Manchester có thể đã biết về Ronaldo, song họ không cử người xem anh ra sân hàng tuần. Trong khi đó, tuyển trạch viên Damien Comolli của Arsenal đã biết về Ronaldo từ năm anh 15 tuổi. Tuyển trạch viên trưởng Steve Rowley thậm chí xây dựng một hồ sơ dày cộp về Ronaldo, trong khi chuyên gia săn lùng tài năng Francis Cagigao của Arsenal luôn có mặt trong các trận đấu của Sporting.

Liverpool cũng chẳng kém khi cử Thompson tới xem Ronaldo chơi cho đội U20 Bồ Đào Nha. Tuyển trạch viên thường trực của Tottenham tại Lisbon, Barry Silkman còn gọi điện cho HLV David Pleat để giới thiệu về một cầu thủ trẻ "trên cả tuyệt vời". Trong khi đó, Man Utd thậm chí chẳng có một tuyển trạch viên cố định tại Lisbon. Những thông tin về Ronaldo chỉ tới tai Sir Alex thông qua các trợ lý Queiroz và Jim Ryan.

Trước mỗi trận sân nhà của Sporting, hàng loạt tuyển trạch viên từ những đội bóng lớn châu Âu đổ dồn về sân bay Lisbon để theo dõi Ronaldo. Mendes luôn tìm hiểu xem những ai có mặt và chủ động liên hệ các tuyển trạch viên để cho họ biết rằng ông đã thu xếp xe đưa đón. Điều ngạc nhiên cho các chuyên gia này là đôi khi họ thấy mình lên xe cùng đại diện của hai đội bóng lớn khác. Đó là chủ đích của Mendes: càng đông càng vui, để các đội bóng biết rằng họ phải nhanh tay và quyết đoán, nếu không muốn để vuột mất viên ngọc quý của bóng đá thế giới.

Mendes là nhân vật quan trọng nhất trong thương vụ thế kỷ của Man Utd - đưa Ronaldo về từ Sporting.

Arsenal đã nhanh tay, khi đưa Ronaldo cùng Mendes và người mẹ Dolores tới London thăm sân tập, gặp gỡ Thierry Henry và dùng bữa cùng Wenger. Một khoản phí chuyển nhượng 8 triệu bảng đã được ấn định và Wenger thậm chí còn mời Ronaldo vào văn phòng và khẳng định anh có thể khoác áo số 28 như mong muốn. Mọi việc "gần như ván đã đóng thuyền", cho tới khi Mendes thực hiện một cú "quay xe" sững sờ.

Mendes đột ngột biến mất để nghe điện, và khi trở lại, vị này thông báo với Wenger rằng vừa ông nói chuyện với Ferguson, và Man Utd sẵn sàng trả giá lên đến 11 triệu bảng. Một điều chắc chắn là mọi thứ được giật dây bởi Mendes, như một nguồn tin thân cận với siêu cò này xác nhận: "Đó là một trường hợp mẫu mực về cách người đại diện tận dụng tối đa quyền lực, đúng với phong cách Mendes. Với Jorge, bạn luôn thấy mình mắc kẹt trong một cuộc đấu giá do chính ông ta khơi ra và là người đắc lợi cuối cùng".

Về sau, Wenger xem việc không chiêu mộ được Ronaldo là "điều nuối tiếc nhất sự nghiệp". Đương nhiên là ông không bao giờ tha thứ hoặc chí ít là quên người đã gây ra điều đó. Trong mọi sự kiện có cả Wenger lẫn Mendes về sau, HLV người Pháp luôn lạnh lùng thấy rõ với Mendes và chỉ giữ những cái bắt tay theo phép tắc. Mãi tới năm 2014, hai bên mới nối lại liên lạc khi Arsenal muốn mua Diego Costa từ Atletico Madrid, nhưng cuối cùng anh lại tới Chelsea. Việc Arsenal là một trong những đội bóng lớn hiếm hoi không muốn chiêu mộ những thân chủ của Mendes "không phải điều ngẫu nhiên", theo lời những người thân cận với Wenger.

Liverpool từ chối mua Ronaldo và chọn hai cầu thủ trẻ có đề nghị lương thấp hơn là Pongolle (phải) và Le Tallec (trái) trong hè 2003.

Liverpool cũng là một đội khác phải nuối tiếc vì Ronaldo, đặc biệt khi hai cầu thủ tuổi teen Anthony Le Tallec và Florent Sinama-Pongolle được đưa về năm đó với mức lương thấp hơn Ronaldo đề nghị đều chẳng thể vươn lên thành những ngôi sao. Khi biết tin, Thompson ngay lập tức gọi hỏi Tony Henry về việc đã xảy ra, và Henry đành bất lực thừa nhận ngay cả mình cũng bị Sporting gạt khỏi thương vụ.

Theo Thompson, mức phí mà Sporting đề xuất với Liverpool ban đầu chỉ ở mức ... 4 triệu bảng, trước khi tăng vọt lên gấp ba lần chỉ trong vòng hai ngày. Những nguồn tin nội bộ nhận định: "Một khi đã tiến tới bước thoả thuận giá, việc ký được hay không tuỳ thuộc vào Liverpool. Họ đơn giản là không hành động đủ nhanh".

Quả ngọt cho kẻ đến sau

Ưu thế trong cuộc đua của Man Utd đến từ hè 2002, dù khi ấy họ chưa biết điều này. Theo ý tưởng của trợ lý HLV Carlos Queiroz - một cựu HLV Sporting và nắm rõ bóng đá Bồ Đào Nha như lòng bàn tay, Man Utd thiết lập "quan hệ đối tác chiến lược" với Sporting. Theo đó, hai đội có thể chia sẻ những thông tin liên quan tới tuyển trạch, phát triển cầu thủ và tập luyện. Điều này không đồng nghĩa với việc Sir Alex được ưu tiên lấy những cầu thủ trẻ giỏi nhất của Sporting, nhưng rõ ràng nó giúp Man Utd "giành pole" khi cầu thủ giỏi nhất lịch sử Sporting bắt đầu trưởng thành từ lò đào tạo.

Peter Kenyon bật mí: "Chúng tôi muốn quan hệ mật thiết với Sporting, bởi họ nói riêng và bóng đá Bồ Đào Nha nói chung sản sinh ra rất nhiều cầu thủ giỏi. Chúng tôi có Carlos Queiroz và nhờ đó có được cái nhìn sâu sắc với các tài năng bóng đá Bồ. Đay là một cơ hội để hiểu rõ thêm và hợp tác cùng nhau, chứ không chỉ xoay quanh Cristiano".

Mối quan hệ đặc biệt giúp Man Utd trở thành đội khách đầu tiên tới đá khai trương sân mới Estadio Jose Alvalade của Sporting. Và lúc ấy, Ronaldo đã là một trong những tài năng trẻ được chú ý nhất châu Âu, "Quỷ Đỏ" biết sức ép cạnh tranh lớn đến nhường nào.

Trận giao hữu diễn ra ngày 6/8/2003, nhưng một đêm trước đó, Ferguson đã ăn tối cùng các giám đốc Jose Bettencourt và Miguel Ribeiro Telles tại sân golf Quinta da Marinha thuộc Cascais. Mendes xuất hiện giữa bữa ăn, cùng người cháu trai và cánh tay phải Luis Correia. Trong bàn ăn hướng thẳng ra sân golf, cuộc nói chuyện dần xoay quanh Ronaldo.

Khi ấy, Mendes vẫn là một người đại diện cầu thủ thông thường thay vì một "siêu cò chuyển nhượng" như hiện tại, nhưng cựu ông chủ hộp đêm này đã cho thấy tài thao lược đáng gờm. Vào hè 2003, Ronaldinho vừa từ chối Man Utd để đến Barca, David Beckham đã rời Old Trafford để tới Real Madrid trong khi Juan Veron cũng đang trên đường tới Chelsea. Mendes đã sớm dặn dò phía Sporting phương án đàm phán. Ông biết rằng Man Utd có tiền và muốn Ronaldo, nhưng đồng thời cũng muốn biết kế hoạch của đội bóng dành cho thân chủ.

Ronaldo biết tương lai của anh sẽ gắn với Man Utd từ gần một năm trước khi vụ chuyển nhượng xảy ra.

Sau bữa tối, Ferguson và Mendes dành thêm hai tiếng trò chuyện trong phòng riêng của HLV, và đạt được một thoả thuận giữa những người đàn ông. Hai bên nhất trí với một bản hợp đồng năm năm kèm theo điều khoản Ronaldo ở lại Sporting thêm một năm theo diện cho mượn. Ferguson đã nhìn thẳng vào mắt Mendes và nói đúng những gì đối tác muốn nghe: "Chúng tôi sẽ chăm sóc cậu ấy cẩn thận".

Tối hôm sau là màn trình diễn huyền thoại của Ronaldo, khi cầu thủ trẻ này khiến hậu vệ John O'Shea "muốn lên cơn tiền đình" theo Sir Alex mô tả. Ronaldo đã biết về thoả thuận sang Man Utd từ trước trận đấu và chọn đúng ngày để có một màn trình diễn sáng loà. Kenyon hồi tưởng: "Không ai có thể ngăn cản Cristiano tối hôm ấy. Điều này làm mọi người thêm phấn khích, cho chúng tôi nhận thấy cậu ấy giỏi đến nhường nào và thúc đẩy mọi chuyện nhanh hơn".

Ronaldo chơi hay tới mức hết hiệp 1, điện thoại Kenyon bắt đầu rung lên. Ferguson gửi một tin nhắn ngắn gọn nhưng xúc tích: "Cậu nhóc này cần về luôn với chúng ta!". Khi trận đấu kết thúc, Ferguson đề nghị trợ lý đi tìm Kenyon ở khu vực VIP. Kenyon kể lại: "Kế hoạch ban đầu là ký hợp đồng với Cristiano và để cậu ấy phát triển thêm ở Sporting, làm quen với việc chơi ở đội một. Nhưng khoảnh khắc ấy là khi tất cả chúng tôi nhận ra rằng việc chốt sổ thương vụ và đưa cậu ấy ngay về Manchester sẽ là một lựa chọn đúng đắn hơn".

Câu chuyện được kể lại nhiều trên báo chí là trong phong thay đồ cũng như trên chuyến bay trở lại Manchester, các cầu thủ Man Utd đã lần lượt tìm tới Ferguson để thuyết phục ông thầy ký hợp đồng với Ronaldo. Nhưng sự thật là thương vụ đã được thống nhất từ đêm hôm trước, dù các cầu thủ "Quỷ Đỏ" quả thực đã sớm nhận ra Ronaldo là một viên kim cương thô.

Rio Ferdinand kể: "Paul Scholes, Nicky Butt và tôi đều nói rằng Man Utd cần ký hợp đồng với anh chàng này. Chúng tôi vừa bỏ lỡ Ronaldinho và cần một cầu thủ hàng đầu, trong khi Ronaldo mới khiến John O'Shea ngồi thở dốc như thể cần bình oxy".

Ronaldo chọn đúng trận giao hữu với Man Utd để thể hiện anh xứng đáng với việc CLB đưa anh vào tầm ngắm.

Danny Pugh là một trong những cầu thủ dự bị của Man Utd tại Lisbon hôm ấy, bên cạnh Ruud Van Nistelrooy, Darren Fletcher, Phil Neville, Ryan Giggs và đội trưởng Roy Keane. Anh hồi tưởng: "Chỉ sau 15 phút đầu, cả băng ghế dự bị đã há hốc mồm. Ai cũng nói về anh chàng này. Tôi không nhớ có ai nói với HLV rằng cần mua Ronaldo hay không, nhưng quả thực Sir Alex đã ở lại sau trận đấu cùng CEO để đẩy nhanh tiến độ thương vụ".

Theo Ferdinand, khi biết rằng lãnh đạo đội đang ở lại để đàm phán về Ronaldo, các cầu thủ vui vẻ chấp thuận việc muộn giờ. Theo cuốn tiểu sử của Guillem Balague về Ronaldo, đêm đó là lần đầu tiên Ferguson trực tiếp nói chuyện với Ronaldo thông qua "phiên dịch viên" Mendes. Ngoại trừ việc nhầm Ronaldo mới 17 tuổi, cuộc trò chuyện đã diễn ra suôn sẻ.

"Sir Alex đóng một vai trò trong việc thuyết phục Ronaldo. Một trong những điều ông ấy không hay làm là hứa hẹn về thời gian ra sân, bởi cầu thủ cần xứng đáng với vinh dự chơi bóng cho Man Utd. Tuy nhiên, với Ronaldo, ông ấy lại hứa: 'Cậu sẽ được ra sân, được chơi bóng với đội một. Tôi không thể đảm bảo số trận bởi điều đó tuỳ thuộc vào cậu, nhưng cậu sẽ không phải đến để ngồi ghế dự bị. Cậu sẽ tới Manchester và gia nhập đội'. Lời hứa ấy chính là yếu tố quyết định", Balague viết.

Trên chuyến bay về Manchester hôm ấy, có một chiếc ghế trống tại khoang VIP. Peter Kenyon ở lại để làm việc cùng chủ tịch Antonio Dias da Cunha của Sporting và hoàn tất thương vụ. Ronaldo trở thành cầu thủ tuổi teen đắt giá nhất lịch sử bóng đá Anh, nhận mức lương hơn 1,5 triệu bảng mỗi năm và tới Manchester bằng chuyên cơ riêng hai ngày sau đó. Bước chuyển mình không hề tệ với một cầu thủ mới chơi chuyên nghiệp một mùa giải, đá 25 trận và có ba bàn thắng tại giải Bồ Đào Nha.

Giám đốc Freitas của Sporting kể: "Chúng tôi không bao giờ hoàn toàn hài lòng bởi biết mình đã bán đi một cầu thủ với tương lai rực rỡ. Song chúng tôi không ở tư thế nắm đằng chuôi, khi cầu thủ muốn ra đi để bắt đầu một chương mới trong sự nghiệp còn mức giá ở thời điểm đó là rất cao với một cầu thủ đang bước vào năm cuối của hợp đồng. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, bạn sẽ chẳng bao giờ vui được khi phải bán một cầu thủ với tiềm năng lớn đến nhường ấy".

Kenyon thì cho rằng rằng thương vụ Ronaldo tới Man Utd là "đôi bên cùng có lợi": "Thực tế là Man Utd đem tới nhiều điều tuyệt vời cho Ronaldo. Cậu ấy chơi rất tuyệt cho Man Utd và chúng tôi cũng đối xử với anh ấy tương tự. Hãy nhớ Ronaldo chưa phải một cầu thủ toàn diện ở tuổi 18. Cậu ấy có đủ tiềm năng, nhưng hãy nhớ rằng đó là một chàng trai trẻ tới chơi cho một trong những đội bóng lớn nhất thế giới".

"Phần lớn những gì chúng tôi nói chuyện với Jorge và Sir Alex nói với Ronaldo xoanh quanh việc đến Man Utd và trở thành một cầu thủ đẳng cấp thế giới. Chúng tôi có truyền thống, có những ngôi sao xuất thân từ đội trẻ như Paul Scholes, David Beckham, Ryan Giggs và anh em nhà Neville. Chúng tôi làm việc này tốt hơn bất kỳ đội bóng lớn nào tại châu Âu, do vậy chúng tôi luôn tin rằng mình sẽ đem tới cho Ronaldo nhiều hơn những đội khác. Nếu tới Real Madrid, Ronaldo sẽ chẳng thể nào được đá chính sớm như tại Man Utd".

Let's block ads! (Why?)

Unknown

About Unknown

Author Description here.. Nulla sagittis convallis. Curabitur consequat. Quisque metus enim, venenatis fermentum, mollis in, porta et, nibh. Duis vulputate elit in elit. Mauris dictum libero id justo.

Subscribe to this Blog via Email :