Mùa trước là á quân, mùa này đội bóng xứ Thanh đã tụt xuống áp chót với chỉ năm điểm nhiều hơn Khánh Hòa khi mùa giải còn bốn vòng.
Thanh Hóa (vàng) không thiếu nhân tài, lại có lực lượng CĐV đông đảo, nhưng tồn tại quá nhiều vấn đề mang tính chiến lược để có thể thành công. Ảnh: VPF. |
Mùa trước Khánh Hòa đứng thứ ba, năm nay gần như xuống hạng. Nhưng trường hợp của họ khác hẳn Thanh Hóa. Từ năm 2014, có đến bốn mùa Thanh Hóa nằm trong nhóm ba đội mạnh nhất, hai mùa cạnh tranh chức vô địch. Điều đó có nghĩa Thanh Hóa là đội bóng mạnh chứ không phải hiện tượng. Dù phải bán nhiều cầu thủ hồi đầu mùa giải, trong đội hình của Thanh Hóa hiện nay có đến 9 người từng là tuyển thủ quốc gia và U23.
Chẳng nói đâu xa, ngay mùa này Thanh Hóa cũng có lúc khiến tất cả phải ngước nhìn. Họ trải qua tám trận bất bại liên tiếp ở cuối giai đoạn một, bao gồm chiến thắng 4-1 trước Hà Nội hay cầm hòa TP HCM 0-0 ngay tại sân Thống Nhất. Sau 13 trận của giai đoạn một, họ đạt 18 điểm và xếp thứ năm với chỉ ba trận thua. Chuỗi thành tích ấn tượng ấy còn kéo dài đến giai đoạn hai, khi Thanh Hóa thắng tiếp hai trận nữa để lọt vào nhóm đua tranh chức vô địch.
Vậy mà, từ vòng 16, Thanh Hóa chỉ giành một điểm sau bảy trận. Họ thua sáu trận, trong đó có bốn trận gần nhất không ghi nổi một bàn nào và thủng lưới đến 13 lần. Trước những trận thua "tơi tả" đó, Thanh Hóa thậm chí từng ghi nhiều bàn hơn cả Hà Nội - đội bóng đang đứng đầu mọi số liệu thống kê hiện nay. Phong độ của Thanh Hóa giống như một cú lao tử thần của chiếc xe đổ đèo bị mất phanh, hoặc có phanh nhưng không ai muốn sử dụng.
Sau trận thua 0-2 trước Sài Gòn cuối tuần trước, hậu vệ trẻ Lê Văn Đại đã ôm mặt khóc nức nở. Nhiều người tin rằng anh khóc vì bản thân cũng không tin nổi chuyện đội bóng có thể xuống hạng. Và đấy chính là vấn đề nhức nhối của bóng đá xứ Thanh.
Hãy thử đặt trường hợp Khánh Hòa xuống hạng? Sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Khánh Hòa từng rơi xuống tận hạng Ba, rồi trở lại V-League, sau đó vì làm bóng đá chuyên nghiệp... mệt quá nên giải tán đội, chuyển suất đá V-League cho Hải Phòng năm 2012. Nhưng chỉ ba năm sau, bằng một tuyến trẻ, họ lại trở về với V-League một cách đường đoàng. Nếu xuống hạng lần nữa, chắc chẳng có gì ghê gớm.
Hoặc như Nam Định. Bảy năm "biến mất" khỏi V-League, vậy mà họ vẫn có thể làm lại ngay từ hạng Nhì, bằng chính những con người mà họ có. Xét trên mọi khía cạnh, Nam Định kém xa Thanh Hóa nhưng cứ nhìn cảnh hạnh phúc trên khán đài sân Thiên Trường, người ta sẽ thấy khát vọng và niềm đam mê luôn tràn trề. Đó là những nguồn sống mãnh liệt nhất của bóng đá, đặc biệt là bóng đá chuyên nghiệp. Thêm ví dụ khác, đó là HAGL. Bầu Đức không "ngán" xuống hạng một phần thì thực lực không tệ, mà nếu có xuống thì với nội lực có sẵn do mình đào tạo, việc trở lại V-League chỉ là vấn đề thời gian.
Đã là bóng đá chuyên nghiệp, lên – xuống hạng là một phần tất yếu. Trụ lâu chưa chắc đã hay, rớt hạng vài năm cũng chưa hẳn đã xấu. Nhưng Thanh Hóa là một trường hợp kỳ lạ.
Năm 2003, ở trận đấu áp chót của giải hạng Nhất, Thanh Hóa chơi trận quyết định tại sân Bình Dương. Chỉ cần hòa là họ sẽ lên hạng sau gần 10 năm không có tên trên bản đồ bóng đá Việt Nam, kể từ sau khi đội Công an Thanh Hóa giải thể. Nhưng trận đó, nhiều trụ cột của Thanh Hóa bất ngờ chơi rất tệ, để thua Bình Dương 0-2 và nhà cầm quân của họ khi đó là ông Lê Thụy Hải đã chua chát than rằng: "Đội bóng này không muốn lên hạng".
Câu chuyện này cho thấy việc phải đá ở hạng thấp chẳng xa lạ gì với bóng đá xứ Thanh, nhưng kể từ khi giành quyền lên chơi V-League ở mùa 2006, họ lại làm đủ mọi cách để không xuống hạng. Họ là đội bóng đổi tên nhiều nhất nếu so với các đội khác trong cùng khoảng thời gian. Từ Halida, Công Thanh đến Viettel, Lam Sơn rồi FLC... Đó là chưa kể các lần không có nhà tài trợ, chỉ mang tên đơn thuần là Thanh Hóa.
Năm 2009, Thanh Hóa đã nhận vé xuống hạng. Nhưng vài ngày sau, họ bất ngờ ở lại khi được Viettel chuyển giao toàn bộ đội bóng Thể Công cũ. Đó là giai đoạn mà Thanh Hóa hầu như không đủ khả năng làm bóng đá, xóa sổ các tuyến trẻ vì khó khăn về tài chính. Lẽ ra, họ cần thời gian để xây dựng từ gốc cho mọi thứ. Vậy mà họ vẫn "thích" ở lại V-League để tiếp tục sống lay lắt tại V-League ở ba mùa giải liên tiếp sau đó, với việc luôn nằm trong nhóm trụ hạng giờ chót trước khi được FLC tiếp nhận.
Sự thiếu ổn định của Thanh Hóa còn thấy ở cách họ sử dụng con người. Cùng với ông Nguyễn Thanh Sơn của Bình Dương, HLV Hoàng Thanh Tùng của Thanh Hóa là những người làm "HLV tạm quyền" nhiều nhất lịch sử V-League. Kể từ năm 2010, ông Tùng đã bốn lần làm "người đóng thế" vì ở Thanh Hóa có truyền thống thay HLV như thay áo. Chỉ cần hai hoặc ba trận không tốt, là HLV bay ghế, bất chấp năng lực của họ đã được thẩm định trước đó. Ví dụ như, ông Lê Thụy Hải đã bốn lần làm HLV ở xứ Thanh thì ba lần là trong tình trạng "bị sa thải". Một HLV có tiếng tăm khác là Mai Đức Chung cũng hai lần rơi vào cảnh tương tự. Tầm cỡ Ljupko Petrovic, từng vô địch cúp C1 châu Âu nhưng sau một mùa giải làm việc ở Thanh Hóa cũng chủ động nói lời chia tay. Người thay ông ở mùa giải 2018 là cựu giám đốc kỹ thuật của Liên đoàn bóng đá Rumania, Mihail Marian cũng chỉ trụ được bốn vòng rồi từ chức vì "không quản nổi cầu thủ". Sau khi đưa đội đến ngôi á quân, có thành tích cực tốt ở giai đoạn một mùa này, HLV Nguyễn Đức Thắng cũng phải chia tay. Thanh Hóa đưa ông Vũ Quang Bảo, người từng hai lần đến và đi trước đó, về thay thế. Nhưng nhà cầm quân này cũng chịu không nổi nhiệt và... đi tiếp.
Điều gì đã khiến Thanh Hóa, nơi có những CĐV cuồng nhiệt, có lượng CĐV "phủ sóng" toàn quốc không kém gì Nghệ An, luôn rơi vào cảnh "chạy chợ" từng mùa như vậy? Ngay các cầu thủ Thanh Hóa, cũng có truyền thống tha hương tìm việc nhiều hơn là dành tuổi thanh xuân cho đội bóng quê nhà. Đó là các trường hợp của Triệu Quang Hà, Lê Hồng Minh, Mai Tiến Thành hay mới nhất là thủ môn Bùi Tiến Dũng...
Sự kiên nhẫn và những gì gọi là chiến lược dài hạn dường như không có trong "từ điển" của bóng đá xứ Thanh. Họ chính là một phế tích của thời bóng đá bao cấp. Việc cố giữ đội bóng trụ hạng cũng không khác gì thời bao cấp, đội bóng phải tồn tại để giữ ghế cho lãnh đạo nghành thể thao. Vì cứ phải cố gắng thực hiện những điều mà mình chưa đủ thực lực và thời điểm chín muồi để làm, nên Thanh Hóa cứ thay đổi xoành xoạch, làm gì cũng gấp gáp vội vàng, cứ như thể họ chỉ có hai chọn lựa: hoặc vô địch, hoặc biến mất.
Trong khi đó, mới tháng trước, Thanh Hóa vô địch U17 quốc gia. Đấy là quả ngọt đầu tiên của các tuyến trẻ Thanh Hóa được làm lại cách đây bốn năm, khi tập đoàn FLC tiếp nhận đội bóng. Tiếc thay, chưa biết đội U17 sẽ được chăm chút ra sao nhưng hiện tại FLC đã bỏ bóng đá Thanh Hóa, còn HLV của đội bóng trẻ này - cựu cầu thủ Mai Xuân Hợp, năm nay mới 33 tuổi - lại được vội vã ấn cho trách nhiệm tìm đường trụ hạng cho đội bóng quê nhà.
Thanh Hóa có thể vẫn xếp trên Khánh Hòa, và trụ hạng bằng việc thắng đội đến từ hạng Nhất trong trận play-off, nhưng điều đó không nói lên được điều gì ngoài phế tích của một thời bao cấp dường như vẫn còn đó.
Song Việt