Liberty Media - tập đoàn sở hữu giải đua tốc độ - đề xuất hàng loạt thay đổi để môn thể thao này cạnh tranh và cuốn hút hơn.
"F1 có bề dày lịch sử và sứ mệnh của chúng tôi là bảo tồn và phát triển thể thao tốc độ, bằng cách khai phá tiềm năng của nó", CEO kiêm chủ tịch Liberty Media - Chase Carey - nói. "Chúng tôi muốn F1 giàu cạnh tranh và cuốn hút hơn, để trở thành thương hiệu thể thao số một thế giới. Tiêu chí của F1 phải là thỏa mãn người hâm mộ, tạo thành quả thương mại, mang lợi nhuận cho các đội đua và không ngừng cải tiến công nghệ".
Cạnh tranh và cuốn hút là hai từ khóa quan trọng từ phát biểu của Carey. Các dự thảo của Liberty đều hướng tới hai mục đích này. Sự cạnh tranh đang dần biến mất ở F1, khi Mercedes liên tiếp thống trị. Ngoài họ và hai ông lớn khác - Ferrari và Red Bull - ít người quan tâm đến các đội còn lại.
Những cuộc đua F1 sẽ gay cấn hơn kể từ năm 2021. Ảnh: Formula1. |
Tháng 6/2019, Ross Brawn - giám đốc kĩ thuật F1 - phát biểu về chiến lược của họ trong hai năm tới. Ông vạch ra năm kế hoạch chính, đầu tiên là khía cạnh tài chính. Quan điểm mới ở F1 là cách tiêu tiền quan trọng hơn số tiền tiêu. F1 sẽ áp dụng ngưỡng chi tiêu cho các đội đua, khá giống với luật công bằng tài chính (FFP) trong bóng đá. Trong giai đoạn 2021-2025, các đội chỉ được phép tiêu tối đa 175 triệu USD mỗi mùa. Trong khi có tới năm đội đua tiêu hơn con số này ở mùa 2018, đó là Renault (190 triệu USD), McLaren (220 triệu), Red Bull (310 triệu), Mercedes (400 triệu) và Ferrari (410 triệu).
Nhưng, một số chi phí như động cơ, đi lại, marketing hay lương tay đua không cần đưa vào ngưỡng tính. Con số 175 triệu USD cũng cao hơn so với dự tính của dư luận. Điều này giúp Liberty không bị các đội đua lớn phản đối dữ dội, dù Ferrari, Mercedes hay Red Bull - những đội sở hữu khoảng 1.000 nhân viên - không ủng hộ hoàn toàn.
"Thay đổi có thể khiến hàng nghìn người mất việc", Christian Horner - quản lý Red Bull - nói với BBC. "Cũng như khi một siêu thị lớn đột ngột ngừng hoạt động, truyền thông sẽ làm ầm lên. Tôi nghĩ Liberty hay FIA cần cân nhắc kĩ đến xã hội, trước khi lập giới hạn chi tiêu".
Mercedes lại tỏ ra ủng hộ đề xuất của Liberty. "Ý tưởng giới hạn chi tiêu rất hay, nhưng cần vài năm hoàn thiện cơ chế", lãnh đội Toto Wolff nói.
Phần lớn chi phí của các đội đua F1 nằm ở lương và phụ cấp cho nhân viên. Ba ông lớn đầu tư nhiều vào các nhóm kĩ sư, thiết kế nhằm tạo ra những chiếc xe mạnh nhất. Nếu dự thảo được thông qua, họ sẽ phải tinh giảm biên chế. Đây là cơ hội cho các đội đua nhỏ hơn bắt kịp đối thủ.
Trường hợp tay đua áp đảo F1 như Lewis Hamilton hiện tại sẽ hiếm gặp hơn trong tương lai. Ảnh: Business Insider. |
Phân bổ doanh thu cũng phải công bằng hơn. Hiện tại, doanh thu từ F1 được chia cho các đội theo thứ bậc của họ ở mùa giải. Ngoài ra, Ferrari, Mercedes, Red Bull, McLaren và Williams còn được thưởng thêm vì nhiều nguyên nhân, trong đó có thành tích quá khứ và sự gắn bó với F1. Từ năm 2021, Liberty muốn hệ thống phân bổ doanh thu công bằng hơn, để khuyến khích các nhà cung cấp động cơ tham gia F1.
10 năm trước, F1 có sáu nhà cung cấp động cơ: Mercedes, Ferrari, BMW, Renault, Toyota và BMW. Mùa này, giải chỉ còn Mercedes, Ferrari, Honda và Renault. Autosport tiết lộ Porsche và Aston Martin sẽ tham gia F1 từ năm 2021 nếu các điều luật mới được thông qua.
Liberty muốn chia tiền thưởng cho những nhà cung cấp động cơ. Các đội Mercedes, Ferrari hay Renault có thể nhận hai lần tiền thưởng.
Một kế hoạch khác để thu hút các nhà sản xuất động cơ trở lại F1, đó là cải tiến cục năng lượng (PU). Cục năng lượng mới của F1 phải rẻ hơn, đơn giản hơn, khỏe hơn và tạo tiếng ồn lớn hơn. F1 hướng tới sử dụng động cơ turbo tăng áp điện (hybrid turbocharger) trong tương lai. Những chi tiết quan trọng sẽ được đơn giản hóa để khán giả dễ hiểu hơn. Một số bộ phận như pin sẽ được tiêu chuẩn hóa, để giảm chi phí. F1 cũng có thể không còn giới hạn lượng xăng tối đa một xe có thể mang theo.
"Chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của công nghệ máy. Nhưng, chúng quá đắt đỏ và không phù hợp với đua xe. Tôi muốn chứng kiến cuộc đua cân bằng hơn giữa các tay lái, giúp mang lại nhiều cảm xúc hơn", Brawn nói.
Cải tiến về cục năng lượng được cả bốn nhà cung cấp động cơ ủng hộ. "Chúng tôi muốn để các tay đua điều chỉnh một số bộ phận máy, chẳng hạn như hệ thống thu hồi năng lượng (ERS) từ động cơ hoặc từ pin. Khi đó, họ có thêm cơ hội vượt mặt đối thủ, nhờ vào chiến lược đúng đắn. Các nhà cung cấp động cơ đều nhất trí với thay đổi này", Brawn bổ sung.
Một trong những điều chỉnh gây tranh cãi về ERS là bãi bỏ bộ thu hồi nhiệt năng (MGU-H). MGU-H có tác dụng biến nhiệt lượng tỏa ra từ quá trình đốt trong ở ICE (động cơ đốt trong), làm quay tuabin và tái tạo năng lượng điện. Theo BBC, Porsche chỉ tham gia sản xuất động cơ F1 nếu MGU-H bị lược bỏ. Ban đầu, Ferrari, Mercedes và Red Bull phản đối điều này. Nhưng, đây là phương án tiết kiệm chi phí cho các đội đua và giảm trọng lượng xe.
Khía cạnh phức tạp hơn cả là thay đổi về quy định kỹ thuật. Những chiếc xe cần dễ điều khiển hơn và cải thiện cơ hội vượt mặt. "Hiện tại, những chiếc xe dùng chiến thuật 'núp gió' sau xe khác thường mất 50% lực ép xuống. Con số này quá lớn. Chúng tôi đang nghiên cứu để những xe núp gió chỉ mất 5% đến 10% lực ép xuống, giúp các tay đua có cơ hội vượt mặt", Brawn nói với Sky Sports.
Brawn còn tiết lộ hiệu ứng mặt đất (ground effect) sẽ có tác động lớn hơn để tạo lực ép xuống. Luồng khí nhiễu sẽ được dẫn từ cánh gió trước xuống gầm xe, tạo lực ép xuống. Nhưng, khí nhiễu còn có tác dụng phụ lên lốp xe. Để giải quyết vấn đề đó, F1 sẽ tăng đường kính vành lốp từ 33,02 cm lên 45,72 cm. Người hâm mộ lo ngại thay đổi này sẽ khiến chiếc xe mất tính thẩm mỹ.
Bánh xe to hơn, còn chiều dài cơ sở sẽ nhỏ lại. Chiều dài cơ sở - có thể coi là khoảng cách giữa hai điểm tiếp xúc của lốp xe trước và sau với mặt đường - được giới hạn ở 340 cm, nhỏ hơn 20 cm đến 30 cm so với hiện tại. Lưu lượng xăng cũng sẽ tăng lên 110 kg/h, giúp động cơ ồn hơn và mạnh hơn (vượt 1.000 mã lực). Tốc độ động cơ cũng sẽ tăng từ 10.500 rpm (vòng/phút) lên 12.000 rpm. Lượng xăng tối đa của xe sẽ không còn bị giới hạn, nhưng các tay đua có thể không mang quá 120 kg để tránh thêm trọng lượng cho xe.
Mô phỏng chiếc F1 ở mùa 2021. Ảnh: Formula1. |
Bên cạnh cải tiến về xe và động cơ, Liberty còn hướng tới sự công bằng cho các tay đua. "F1 đang chỉ có ba đội cạnh tranh vô địch. Nhưng trong vài năm tới, tình thế sẽ đổi thay. Các đội đua hạng trung sẽ có nhiều ảnh hưởng hơn tới kết quả chung cuộc", Brawn nói.
Liberty muốn các tay đua phải tự xử lý những tình huống phát sinh như máy quá nóng hay lốp bị mòn, thay vì nhận trợ giúp từ đội đua qua bộ đàm. Một số thiết bị trợ giúp tay đua cũng đang được xem xét bị loại bỏ. "Tôi nghĩ các tay đua F1 có trình độ không chênh lệch nhiều. Chênh lệch giữa họ nằm ở cấu tạo của những chiếc xe", Daniil Kvyat (Toro Rosso) chia sẻ trên Reddit hôm 25/7.
Liberty còn hướng tới những cung đường mới ấn tượng hơn với khán giả. "Grand Prix Việt Nam sẽ là liều thuốc thử đầu tiên cho triết lý F1 mà chúng tôi đang hướng tới", Brawn nhấn mạnh.
Để những triết lý mới sớm đi vào thực tiễn, Liberty còn hướng tới cơ chế quản lý tối giản cho F1. "Liên đoàn đua xe thể thao thế giới (FIA) cần đưa ra mọi quyết định, còn các đội đua không có quyền can thiệp. Bởi đội nào cũng muốn luật có lợi cho họ. Như trong bóng đá, nếu các CLB có quyền gây ảnh hưởng đến luật chơi, họ sẽ chỉ muốn có lợi cho riêng họ. Mục đích của những tổ chức như FIA là biến F1 hấp dẫn trở lại, và họ cần có toàn quyền quyết định", Reuters dẫn lời Lewis Hamilton hôm 24/6.
Đang có nhiều tổ chức có ảnh hưởng đến chiến lược mới của Liberty, như FIA, các đội đua hay hiệp hội tay đua. Không phải lúc nào họ cũng đồng thuận và Liberty hay FIA có thể cương quyết với những thay đổi mà họ định áp dụng.
Xuân Bình (theo Formula1)