Đã tám năm từ giây phút có lẽ là huy hoàng nhất trong lịch sử bóng đá Philippines. Đó là ngày 6/12/2010, khi họ xuất hiện từ bóng tối của những kẻ nhược tiểu lâu năm và bắt đầu con đường trở thành một đối thủ đáng gờm tại Đông Nam Á.
Philippines làm nên lịch sử khi đánh bại Việt Nam 8 năm trước tại Hà Nội. Ảnh: AFF. |
Được mệnh danh là "Phép màu ở Hà Nội", Philippines khiến cả khu vực choáng váng khi giành chiến thắng 2-0 trước các nhà ĐKVĐ ngay trên sân của họ, trước đám đông 40.000 khán giả. Với chiến thắng đó, họ đã tiến một bước dài để lần đầu tiên trong lịch sử vào bán kết AFF Cup.
Rất nhiều thứ đã xảy ra từ ngày đó nhưng như những gì họ làm tám năm trước, Philippines một lần nữa lọt vào bán kết và Việt Nam một lần nữa đứng chắn trên đường làm nên lịch sử của họ.
Nếu đánh bại Việt Nam sau hai lượt trận vào ngày 2/12 và 6/12, Philippines sẽ lần đầu vào chơi chung kết của giải đấu danh giá nhất khu vực.
Không ai có thể bàn cãi việc Philippines tiến bộ từng ngày từ sau chiến tích lịch sử hồi năm 2010 và bây giờ, họ có thể thoải mái đối đầu Việt Nam ở bán kết, vậy tại sao Phlippines vẫn cần một phép màu?
Một sự thật đơn giản là HLV Sven-Goran Eriksson chỉ còn 18 trong 23 cầu thủ ông triệu tập. Đấy là chưa kể đến trường hợp của người truyền lửa - thủ quân Phil Younghusband, sau khi anh phải rời sân ở hiệp một trận hòa 0-0 với Indonesia do chấn thương nghiêm trọng.
Thủ môn Neil Etheridge, hậu vệ trái Daisuke Sato và tiền vệ trung tâm John-Patrick Strauss phải trở lại CLB chủ quản của họ vì thời gian tập trung cùng đội tuyển do FIFA quy định đã hết. Điều này khiến Philippines mất ba cầu thủ mà nếu góp mặt, sẽ là những sự lựa chọn ở đội hình chính của họ.
Philippines chỉ còn 18 cầu thủ trong đội sau khi một số trụ cột phải trở về CLB. Ảnh: Fox. |
Cầu thủ đa năng Luke Woodland cũng hết cơ hội ra sân khi dính chấn thương trong trận gặp Singapore. Thiếu nhân lực và phải đối đầu một trong số những ứng cử viên vô địch của giải, đội có những cầu thủ tốt nhất để lựa chọn, liệu Philippines có cơ hội?
Câu trả lời là có, dựa vào uy tín của lãnh đội Dan Palami, Eriksson và đội ngũ huấn luyện của ông ấy. Họ đã chuẩn bị cho những sự vắng mặt này - có lẽ chỉ ngoại trừ trường hợp của Strauss.
Dù có thể ra sân ở trận đấu thứ hai, trước khi trở về Cardiff, Etheridge đã phải ngồi dự bị và Michael Falkesgaard, người sẽ bắt chính cho Philippines trong phần còn lại của giải đấu, đã được ra sân để tập làm quen.
Sato không ra sân ở trận mở màn, có thể vì phong độ hoặc lý do khác. Trong khi Martin Steuble và Paul Mulders đều đá ở hàng tiền vệ, Philippines hiểu họ có thể tin tưởng vào bộ đôi này nếu cần giải quyết bài toán vị trí ở hàng thủ.
Trong khi đội hình còn lại của Philippines không hề kém chất lượng, một trong những sức mạnh lớn nhất của họ là tinh thần chiến đấu, điều được thể hiện ở biệt danh "Azkals" (nghĩa là những Chú chó hoang), vẫn còn đó. Biệt danh ấy có thể bắt nguồn từ việc mỗi cầu thủ chiến đấu cho lợi ích cá nhân hơn là niềm tự hào chung, nhưng tinh thần đó đang giúp sức cho Philippines trên đường chinh phục ngôi vua của Đông Nam Á.
Phil Younghusband là một trong những cầu thủ góp mặt trong đội hình Philippines ở trận đấu tám năm trước. Ảnh: AFF. |
Tinh thần không bao giờ chịu khuất phục đó khiến CĐV Philippines có lý do để tin vào cơ hội đội nhà sẽ đánh bại Việt Nam, kể cả khi họ phải làm điều đó với một sự thiếu hụt nhân sự, mất nhiều cầu thủ quan trọng.
Trở lại năm 2010, thành tích tuyệt vời với Philippines khi đó chỉ đơn giản là thắng một trận vòng bảng trước đối thủ họ chưa từng đánh bại trước đó. 8 năm trôi qua, mục tiêu của họ cao hơn, đó là giành vé vào chung kết.
Ít nhất, trong giới hạn của AFF Cup, bỏ qua việc đã giành vé dự Asian Cup 2019 vào tháng 1/2019, đây là thời điểm để Philippines mang lại cho người hâm mộ của họ một khoảnh khắc tuyệt vời hơn trận thắng 2-0 của 8 năm trước.
Và nói theo một cách thơ văn, thứ duy nhất có thể che mờ chiến thắng 8 năm trước là "Một phép màu khác tại Hà Nội".
Duy Đoàn