Ông Park từng là trợ lý cho HLV Guus Hiddink ở World Cup 2002, nơi đồng chủ nhà Hàn Quốc vào tới bán kết. Đó là thành tích tốt nhất mà một đội châu Á có được ở giải đấu lớn nhất hành tinh. HLV người Hàn Quốc dẫn dắt tuyển Việt Nam từ tháng 10/2017, đạt hai thành tích cao là á quân U23 châu Á và vị trí thứ tư ở Asiad.
HLV Sven-Goran Eriksson giàu kinh nghiệm hơn cả ở AFF Cup 2018. Ảnh: AFP. |
Nhưng độ nổi tiếng của ông vẫn không sánh bằng tân HLV của Philippines Sven-Goran Eriksson. Nhà cầm quân người Thụy Điển từng đưa Anh tới vòng chung kết World Cup 2002 và 2006 - nơi họ dừng bước ở tứ kết. Ông mới được Philippines bổ nhiệm hôm 27/10 vừa qua, với mục tiêu vô địch AFF Cup. HLV 70 tuổi cũng không xa lạ với bóng đá châu Á khi có bốn năm làm việc ở Trung Quốc, cùng Quảng Châu R&F, Thượng Hải SIPG và Thâm Quyến. Hợp đồng của Eriksson kéo dài sáu tháng với lựa chọn gia hạn.
HLV Milovan Rajevac của Thái Lan cũng từng vào tứ kết World Cup cùng Ghana năm 2010. Họ dừng bước trước Uruguay vì loạt đá luân lưu ở trận đấu để lại nhiều khoảnh khắc đáng nhớ, mà điển hình là tình huống dùng tay cản bóng trên vạch vôi của Luis Suarez cuối trận. HLV người Serbia cũng từng cầm quân ở Algeria và Qatar và có kinh nghiệm dẫn dắt các CLB châu Á như Bắc Kinh Quốc An, Al-Sadd và Al Ahli. Rajevac được Thái Lan bổ nhiệm từ tháng 4/2017, và gia hạn vào tháng 2/2018. Nhiệm vụ của ông là giúp Thái Lan bảo vệ danh hiệu ở đấu trường khu vực.
Honda dẫn dắt tuyển Campuchia dù chưa có kinh nghiệm cầm quân. Ảnh: AFP. |
HLV cuối cùng tại giải có trải nghiệm World Cup là Keisuke Honda, với tư cách cầu thủ. Tuyển thủ Nhật Bản bất ngờ ký hợp đồng dẫn dắt Campuchia tháng 8/2018, dù chưa có bất cứ kinh nghiệm huấn luyện nào. Honda là tuyển thủ Nhật Bản đầu tiên dự ba kỳ World Cup, từ 2010 đến 2018. Tiền vệ 32 tuổi vẫn đang thi đấu ở A-League cho Melbourne Victory (Australia), nhưng giữ quan hệ thân thiết với Campuchia. Anh đã xây dựng học viện bóng đá ở thủ đô Phnom Penh. Honda đã có hai trận dẫn dắt Campuchia, với kết quả một hòa và một thua.
Xuân Bình