Nga đang triển khai một lực lượng khổng lồ ở ngoài khơi Syria, được cho là lớn chưa từng có ở Địa Trung Hải kể từ Moscow quyết định can dự vào xung đột Syria năm 2015.
Theo báo The Independent, số lượng tàu chiến Nga triển khai ở vùng biển ngoài khơi Syria lên tới hàng chục chiếc. Truyền thông Nga xác nhận ít nhất 2 tàu ngầm và 10 tàu chiến được phái tới khu vực trong tuần này. Tờ Al-Masdar của Lebanon, ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, đưa tin có tới 17 tàu chiến Nga đang hiện diện trong vùng.
Các tàu khu trục Đô đốc Grigorovich và Đô đốc Essen, được trang bị các tên lửa tầm xa Kalibr, được thấy di chuyển qua các eo biển Thổ Nhĩ Kỳ nối Biển Đen với Địa Trung Hải hôm 25/8. Một ngày trước đó, tàu khu trục Pytlivy và tàu đổ bộ Nikolai Filchenkov cũng thực hiện hải trình tương tự. Tàu hộ vệ tên lửa Vishny Volochek mới đi qua eo biển Bosphorus trong tháng 8.
Việc Moscow quyết định triển khai lực lượng lớn tới Syria được thực hiện khi quân đội của Tổng thống Assad, với sự yểm trợ của Nga cả từ trên không, trên biển và trên bộ, đang chuẩn bị thực hiện cuộc tổng tấn công nhằm giành lại Idlib – thành trì cuối cùng còn lại của quân nổi dậy.
Trận đánh này dự kiến sẽ là sau chót trong cuộc xung đột 7 năm qua ở Syria. Các lực lượng chính phủ đã thành công trong việc giành lại quyền kiểm soát hầu hết lãnh thổ Syria kể từ khi Nga quyết định can dự năm 2015.
Hôm 28/8, Liên Hợp Quốc cảnh báo một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào Idlib có thể gây ra tình trạng khẩn cấp về nhân đạo "mức độ chưa từng có" ở Syria. Idlib nằm ở tây bắc Syria, giáp biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ, là nơi cư trú của khoảng 3 triệu dân. Tỉnh này có sự hiện diện đáng kể của các thánh chiến binh và phần tử al-Qaeda, nhưng cũng là nơi trú ngụ của nhiều dân thường và quân nổi dậy đến từ các vùng miền khác của Syria.
Nhiều người cho rằng, việc Nga huy động lực lượng lớn tới ngoài khơi Syria không chỉ là sự chuẩn bị cho cuộc tổng tấn công vào Idlib mà còn nhằm cản trở Mỹ, Anh và các đồng minh. Hôm 29/8, Moscow khuyến cáo phương Tây không nên ngáng đường "chiến dịch chống khủng bố" ở Idlib.
Trước đó, các quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ và Anh cảnh báo Moscow và Damascus rằng họ sẽ đáp trả nếu vũ khí hóa học được sử dụng ở Idlib hay bất kể nơi nào ở Syria.
Hồi tháng 4, Anh, Mỹ và Pháp từng tấn công vào Syria để trừng phạt chính quyền Assad về một vụ tấn công khí độc chlorine nhằm vào dân thường ở Douma, ngoại ô thủ đô Damacus. Một năm trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng ra lệnh nã nhiều tên lửa Tomahawk vào Syria với cáo buộc chính phủ Assad sử dụng khí sarin nhằm vào dân thường ở Khan Sheikhoun.
Thanh Hảo
Dấu hiệu chứng tỏ Nga thực sự 'ngại' NATO
Quân đội Nga đang sẵn sàng cho một cuộc tập trận chưa từng có tiền lệ mang tên Vostok-2018 cùng với Trung Quốc và Mông Cổ.
Tại sao Mỹ bất ngờ mù thông tin về Nga?
Trong vài tháng gần đây, nhiều cơ quan tình báo Mỹ hoàn toàn mù tịt về các chiến lược và kế sách của Moscow do các nguồn cung cấp tin bí mật trong Chính phủ Nga đồng loạt "nằm im".
Đề phòng Mỹ tấn công, Nga điều chiến hạm bảo vệ Syria
Trước nguy cơ Mỹ và hai đồng minh Anh, Pháp có thể tái tấn công Syria, Nga đã điều các chiến hạm tới bảo vệ quốc gia Trung Đông này.
Cận cảnh dàn vũ khí phiến quân Syria bị Nga tịch thu
Nga đã trưng bày những khí tài quân sự mà họ tịch thu được trong chiến dịch chống khủng bố tại Syria, từ tàn tích của Thế chiến II cho tới máy bay không người lái hiện đại của Mỹ.
Xem 'quái vật' bọc thép của Nga dọn đường phá tường
Cỗ xe khổng lồ này có khả năng phân tích chướng ngại vật và dỡ bỏ mọi vật nặng ngăn cản quân đội di chuyển.
Ngắm chiến cơ Nga nâng cấp để khẳng định sức mạnh
Nga đang liên tục nâng cấp lực lượng không quân cùng các máy bay chiến đấu các loại, trong đó có Tupolev-22M3, để khẳng định sức mạnh của mình.