Trần Văn Thảo nhận đai sau trận đấu lịch sử ở Thái Lan. Ảnh: NVCC. |
Văn Thảo là con thứ hai trong gia đình có ba anh em trai. Ngay từ nhỏ, anh đã có sở thích... đánh lộn. Đôi khi, cứ tụ tập cùng đám bạn là anh “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”. Nhưng từ khi theo học quyền Anh, năm 16 tuổi, anh không còn cộc tính và ưa động thủ như trước. “Võ thuật dạy cho mình phải điềm tĩnh trong mọi tình huống, đặc biệt không dùng võ thuật với người không tập võ. Nhờ đó, mình kiềm chế được bản thân khi phải đối mặt với nhiều rắc rối. Điều mình học hỏi nhiều nhất từ võ thuật là sự tôn trọng dành cho mọi người”, Trần Văn Thảo tâm sự với VnExpress.
Biệt danh: The Trigger (Cò súng) |
Ban đầu Văn Thảo tập quyền Anh như một thú vui, chứ không mảy may nghĩ đến chuyện thi đấu. Thời điểm được anh trai dẫn đi tập luyện cho đến khi vào đội tuyển của TP HCM, Văn Thảo nặng chưa đến 40 kilogam. So với chiều cao 1m68, anh trông chẳng có vẻ gì của một tay đấm. Nhưng dần dần, tiềm năng bên trong của võ sĩ sinh năm 1992 tuôn trào. Anh nhanh chóng tìm thấy niềm đam mê ở quyền Anh, và xác định được mục tiêu để theo đuổi.
Chỉ một năm từ lúc bén duyên với quyền Anh, Văn Thảo đã vô địch quốc gia. Anh duy trì thành tích trong những năm kế tiếp, trước khi chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp năm 2015 – bước ngoặt không chỉ với Văn Thảo, mà cả làng quyền Anh nước nhà.
Văn Thảo có sở trường ở những cú đấm tay trước (tay trái). Với chiều cao được coi là lợi thế so với hạng siêu ruồi, anh tìm cách tận dụng tối đa những cú đấm thắng (jab) hay đấm móc (hook) bằng tay trước. Theo HLV Trịnh Văn Trí, cú đấm tay trái của Văn Thảo có thể hạ gục bất cứ đối thủ nào nếu trúng tâm điểm. Như khi đánh gục võ sĩ người Indonesia George Lumoly, Văn Thảo sử dụng cú móc từ dưới lên trúng hàm dưới đối thủ. Dù vậy, lối đánh chủ đạo của anh là phòng thủ thông minh và phản công, tựa thần tượng Floyd Mayweather.
Quyền Anh du nhập vào Việt Nam từ nửa đầu thế kỷ 20, nhưng chỉ phổ biến với những trận đánh nghiệp dư, phong trào. Giới quyền Anh đều biết rằng theo đuổi sự nghiệp chuyên nghiệp, thượng đài cùng các đối thủ quốc tế không đơn giản. Vấn đề không chỉ nằm ở năng lực, tài chính và môi trường thi đấu. “Theo tôi, rào cản để trở thành võ sĩ chuyên nghiệp là sự quyết tâm, hy sinh và nhất là mạo hiểm”, HLV Trịnh Văn Trí nói.
Nghe chừng đơn giản, nhưng không phải ai cũng sẵn sàng đương đầu ba thử thách đó. Võ sĩ chuyên nghiệp luôn tập luyện, ăn uống bắt buộc theo chế độ của chuyên gia. Nếu không quyết tâm, họ rất dễ nản chí. Khối lượng tập luyện, ăn uống và ngủ nghỉ chiếm phần lớn thời gian rảnh của võ sĩ chuyên nghiệp, buộc họ phải hy sinh. Quan trọng hơn cả, khi đã theo con đường chuyên nghiệp, họ buộc phải đi đến thành công. Bằng không, công sức bỏ ra sẽ đổ xuống biển. Đó là đánh đổi khiến bất cứ tay đấm nào cũng phải lưỡng lự. Văn Thảo từng do dự, nhưng khác với phần còn lại, anh chấp nhận mạo hiểm.
Để có được thành công, Văn Thảo đã trải qua rất nhiều khổ luyện, có lúc mệt đến mức "không thở nổi". Ảnh: NVCC. |
“Trong quá trình tập luyện, có nhiều lúc mình thực sự muốn buông xuôi. Nhưng mình đặt mục tiêu đoạt bằng được chiếc đai vô địch về cho Việt Nam, cũng như phong trào boxing ở Việt Nam. Mình bắt ép bản thân phải vượt qua những bài tập HLV đề ra. Có những lúc tập về, nghỉ trưa mà mệt quá đến nỗi mê sảng”, Văn Thảo cười.
Cho đến lúc này Văn Thảo vẫn là tay đấm bất bại, toàn thắng bảy lần thượng đài. Võ sĩ 25 tuổi tiến bộ thấy rõ trong thời gian gần đây. Năm trận thắng gần nhất, anh đều hạ đo ván đối thủ. Lần đầu đánh 12 hiệp để tranh đai WBC châu Á với Lumoly, Văn Thảo cho knock-out đối thủ trong chưa đầy một phút. Anh trở thành nhà vô địch thứ 10 của WBC châu Á hạng siêu ruồi (52kg), trong 50 trận đã được tổ chức từ tháng 8/2001. Lần đầu tiên xuất hiện nhà vô địch kết liễu đối thủ ngay ở hiệp đầu tiên.
Văn Thảo từng có thời điểm bầm dập đôi mắt vì những vết thương chồng chất, nhưng chưa bao giờ anh rời bỏ cái đích phía trước, với quyết tâm và lòng can đảm vững bền. “Văn Thảo có đầy đủ tố chất của một huyền thoại võ thuật Việt Nam, vì cậu ấy luôn cố gắng học hỏi và chịu lắng nghe”, ông Văn Trí tỏ ra tự hào. “Hiện tại cậu ấy tập luyện tám tiếng mỗi ngày, chưa bao giờ tỏ ra lười biếng. Ngay cả khi HLV không có mặt, Văn Thảo cũng tự tập luyện theo sát giáo án. Đây là yếu tố cực kỳ quan trọng của một nhà vô địch. Nhất định Văn Thảo sẽ trở thành hình tượng boxing Việt Nam. Tôi muốn đưa cậu ấy vươn tầm thế giới, trở thành biểu tượng tầm cỡ như Manny Pacquiao ở Philippines”.
Đai WBC châu Á của Văn Thảo lớn như thế nào Hội đồng quyền Anh thế giới (WBC) là một trong bốn tổ chức quyền Anh hàng đầu thế giới, bên cạnh Liên đoàn quyền Anh quốc tế (IBF), Hiệp hội quyền anh thế giới (WBA) và Tổ chức quyền Anh thế giới (WBO). Đai WBC châu Á mà Văn Thảo vừa đạt được thuộc về Hội đồng quyền Anh châu Á, một nhánh của WBC (WBC Asian Boxing Council). Đai WBC châu Á có giá trị hơn WBC châu Á lục địa (WBC Asian Boxing Council Continental), WBA châu Á, WBO Viễn Đông và đai OPBF của Liên đoàn quyền Anh Viễn Đông và Thái Bình Dương, ngang ngửa WBO châu Á-Thái Bình Dương (WBO Asia-Pacific). Đai WBC châu Á mà Văn Thảo vừa đạt được là tạm thời, do nhà đương vô địch Rex Tso không thể thi đấu vì chấn thương. Theo HLV Trịnh Văn Trí, võ sĩ người Hong Kong sẽ chuyển sang hạng cân khác trong năm tới nên Văn Thảo nghiễm nhiên đoạt đai chính thức. Mục tiêu trước mắt của Văn Thảo có thể là bảo vệ đai WBC châu Á, chuyển sang thách đấu đai WBO châu Á-Thái Bình Dương hoặc các đai WBC, WBO quốc tế (International titles), WBC bạc (Silver titles) và cao nhất là WBC, WBO, IBF, WBA thế giới (World titles). |
Xuân Bình