Quốc gia nhỏ bé nằm lọt thỏm giữa Thổ Nhĩ Kì, Gruzia và Azerbaijan đang sở hữu ba chức vô địch trong sáu kỳ Chess Olympiad gần đây - giải cờ vua hấp dẫn nhất dành cho các đội tuyển quốc gia. Đó là không tính giải đấu gần nhất tại Baku, khi Armenia từ chối tham dự vì xung đột với Azerbaijan.
Armenia cũng sở hữu tỷ lệ đại kiện tướng trên đầu người cao nhất hành tinh hiện tại. Họ đã giành huy chương Olympic ở đấu vật, cử tạ và boxing, nhưng cờ vua là môn thể thao đại diện cho đất nước chỉ 3 triệu dân này.
Petrosian (trái) trong trận tranh ngôi vô địch thế giới với Botvinnik năm 1963. |
Cờ vua bắt đầu trở thành thú vui của cả dân tộc Armenia từ năm 1963, khi Tigran Petrosian thách đấu Mikhail Botvinnik cho danh hiệu “Vua cờ” tại Tbisili (Gruzia). Hàng chục nghìn người Armenia đã đổ về quảng trường Opera ở thủ đô Yerevan theo dõi trận đấu trên một bàn cờ khổng lồ, với các nước đi được gửi về thông qua điện tín.
Chiến thắng của Petrosian tạo ra một "quả bom" cờ vua tại đất nước này. Cho đến này, khi nhắc đến con số 1963, nếu như người Mỹ nghĩ ngay đến vụ ám sát tổng thống John F Kennedy, thì người Armenia sẽ nói về chức vô địch lịch sử của Petrosian. Ông còn giữ danh hiệu "Vua cờ" cho đến năm 1969.
Những chiến thắng tại Chess Olympiad gần đây của đội tuyển Armenia cũng mang lại sự hân hoan tầm cỡ quốc gia. Dẫn dắt họ đến với những vinh quang là Levon Aronian, kỳ thủ số năm thế giới hiện tại. Đại kiện tướng sinh năm 1982 từng trải qua khoảng thời gian dài từ cuối năm 2010 cho đến cuối năm 2014 gần như luôn duy trì hệ số elo lớn hơn 2.800. Đỉnh cao của Aronian đến vào tháng 3/2014 khi anh đạt tới elo 2.830, thành tích tốt thứ tư lịch sử, chỉ sau Magnus Carlsen (2.882), Garry Kasparov (2.851) và Fabiano Caruana (2.844).
Người thầy đầu tiên của Aronian là đại kiện tướng Melikset Khachiyan. Khi chiến tranh giữa Azerbaijan và Armenia nổ ra năm 1988, Khachiyan phải tháo chạy khỏi nơi ông đã sinh ra là Baku để trở về quê hương Armenia. Không chốn nương thân, Khachiyan được bố mẹ của Aronian cho phép ở nhờ, với điều kiện phải dạy cờ cho con trai của họ.
Tại Armenia, những kỳ thủ hàng đầu như Aronian có sức hút hơn cả các tài tử. |
Ba năm sau, khi Liên Xô tan rã, Armenia trở thành quốc gia độc lập, Aronian bỏ học để theo nghiệp đấu cờ dù mới chín tuổi. Anh thậm chí kiếm đủ tiền nuôi gia đình khi mới 13 tuổi. Dần dần, Aronian vươn lên tới vị trí số hai thế giới, được truyền thông phương Tây tặng biệt danh “David Beckham của Armenia”. Tại quê nhà, Aronian thường xuyên bị người hâm mộ vây quanh và xin chữ ký, từ nam đến nữ, dù họ không phải kỳ thủ chuyên nghiệp.
Không cần phải là một tài tử điện ảnh, một nhà khoa học xuất chúng hay một phi hành gia vũ trụ, Aronian vẫn trở thành một người hùng dân tộc, dù chưa từng vô địch thế giới như huyền thoại Petrosian.
Người thuyết phục Aronian vào đội tuyển Armenia tham dự Chess Olympiad đầu tiên của anh là Serzh Sargsyan, người trở thành tổng thống Armenia kể từ năm 2008. Trước khi đưa cờ vua vào các trường học, ông từng chia sẻ: “Chúng tôi không muốn mọi người biết về đất nước Armenia với những trận động đất hay diệt chủng”. Ông Sargsyan nói về cuộc thảm sát gần 1,5 triệu người Armenia trong giai đoạn diễn ra Thế chiến thứ nhất (1914-1918). “Chúng tôi muốn nổi tiếng hơn vì cờ vua”.
Với một đất nước nhỏ bé, nghèo khổ và nằm dưới bom đạn chiến tranh trong cả thế kỷ trước, cờ vua dường như là môn thể thao phù hợp nhất để phát triển tại Armenia. Nó không đòi hỏi cơ sở vật chất tốn kém và các trận đấu cũng có thể được tiến hành ở bất kỳ đâu, phù hợp cho mọi lứa tuổi.
Cờ vua được đưa vào trường học ở Armenia từ năm 2011. |
Tại trung tâm thủ đô Yerevan, có một tòa nhà lớn với bốn tầng, nơi mọi người đều được phép xuất hiện để chơi vài ván cờ chớp chỉ trong ít phút cho đến những ván đấu kéo dài cả tiếng đồng hồ. Những kỳ thủ có trình độ trải dài từ mới học cho đến những kiện tướng quốc tế. Nơi đó có tên “Ngôi nhà cờ vua Tigran Petrosian”, biểu tượng cho niềm đam mê của người dân Armenia với môn thể thao trí tuệ này.
Malcolm Pein, chủ mục cờ vua của tờ Telegraph (Anh) rất ngỡ ngàng khi đến thăm đất nước Armenia: “Tôi từng giao lưu ở một trường học. Dù chỉ học lớp bốn, nhưng tất cả học sinh đều có khả năng chơi cờ tưởng tượng (không cần nhìn vào bàn cờ). Thực sự họ quá tài năng”.
Việt Nam cũng sở hữu những điều kiện cơ bản để phát triển cờ vua như Armenia. Các học sinh Việt Nam thường đoạt giải cao tại những kỳ Olympic các môn tự nhiên, chứng tỏ sự thông minh và khả năng phân tích cao. Không dễ để có được một cú hích như Petrosian với Armenia, nhưng Lê Quang Liêm cũng đang dần khẳng định vị thế trên bản đồ cờ vua toàn cầu.
Trong những năm gần đây, cờ vua phong trào ngày càng phát triển bởi các phụ huynh đều muốn con mình nâng cao khả năng tư duy, giữ được sự bình tĩnh và điềm đạm khi đối mặt với vướng mắc. Ở những giải trẻ tầm cỡ quốc gia, số lượng kỳ thủ tự do ngày càng áp đảo những VĐV năng khiếu tỉnh, thành. Nhiều câu lạc bộ và giải cờ vua phong trào được mở ra với quy mô lớn, dù những địa điểm đánh cờ cho kỳ thủ ở nơi công cộng như quán cafe hay công viên chưa hề phổ biến.
Cờ vua cũng như các môn thể thao trí tuệ vẫn chưa được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đưa vào nội dung ở các kỳ Thế vận hội. Suýt lách qua cửa hẹp để trở thành một phần của Tokyo 2020, bộ môn này hứa hẹn sẽ có cơ hội nhiều hơn ở hai kỳ Olympic sau đó, khi chủ nhà là Pháp và Mỹ đều là những cường quốc cờ vua.
Xuân Bình