Tháng 11/1975, nhà độc tài Franco qua đời sau gần 40 năm nắm quyền sinh sát tại Tây Ban Nha. Lịch sử Real Madrid gắn chặt với Franco khi thành công của họ đến chủ yếu sau khi cuộc nội chiến Tây Ban Nha kết thúc vào năm 1939. Và cái chết của Franco cũng đồng hành với sự sa sút không phanh của đội bóng Hoàng Gia khi bước vào những năm 1980. Đấy cũng là thời điểm Johan Cruyff đến xứ Catalan khoác áo Barcelona.
Sau khi chế độ độc tài Franco sụp đổ, Real Madrid bước vào giai đoạn khủng hoảng nặng nề. |
Hệ quả là Barca chiến thắng Real trên sân cỏ, còn trên chính trường luồng gió dân chủ tràn ngập nước này, với một chính phủ dân sự đầu tiên được bầu lên sau nửa thế kỷ bị đè nén dưới chế độc độc tài Franco. Chính điều này đã góp phần gột rửa tư tưởng của người Tây Ban Nha sau nhiều năm bị kìm kẹp dưới ách độc tài, đời sống bóng đá vì thế cũng phong phú, cởi mở hơn. Trong đó, nổi bật nhất chính là sự hiện diện của thế hệ "Quinta del Buitre" - hay còn gọi là "Kền kền trắng" ở Real.
Cụm từ này nhằm mô tả năm cầu thủ trưởng thành từ chính lò đào tạo Castilla của Real, và đều có gốc gác Madrid. Năm chàng trai ấy gồm: Manuel Sanchis, Miguel Pardeza, Michel, Martin Vazquez và Emilio Butragueno. Trong số này, Butragueno được xem như biểu tượng cho một Real hào hoa và sang trọng trên sân cỏ.
Trước khi được gọi tên cho cả thế hệ năm người rồi thành biệt danh của CLB, "Kền kền" (El Buitre) chính là biệt danh của Butragueno. Cách gọi này được các CĐV dùng để mô tả bản năng sát thủ của ông trên sân cỏ khi ấy. Thế hệ Butragueno sinh ra trong kỷ nguyên của những Alfredo di Stefano, Ferenc Puskas, Gento và chứng kiến Real thống trị tuyệt đối châu Âu, vì thế không có gì đau đớn hơn với họ khi phải chứng kiến sự trỗi dậy của Barca.
"Kền kền Trắng" xuất phát từ "Kền kền" - biệt danh mà các CĐV Real đặt cho Butragueno vì bản năng săn bàn của ông. |
Nhưng bên cạnh tài năng của dàn sao "cây nhà lá vườn" gốc Madrid kể trên, "Kền kền trắng" có lẽ cũng không thể cất cánh bay cao và thể hiện bản năng săn tìm các danh hiệu, nếu không có một nhân vật đặc biệt - Ramon Mendoza.
Nửa đầu thập niên 1980, Real khủng hoảng trầm trọng với năm năm liền trắng tay - điều không thể chấp nhận với truyền thống vĩ đại của CLB này. Sự thay đổi đến khi Ramon Mendoza xuất hiện với tư cách Chủ tịch vào năm 1985. Theo mô tả từ cây bút nổi tiếng Gabriele Marcotti, trước khi Florentino Perez xuất hiện, tầm ảnh hưởng của Mendoza chỉ xếp sau Santiago Bernabeu.
Mendoza là một doanh nhân để lại nhiều tranh cãi, một người ủng hộ phe cánh tả, và theo tư tưởng bảo thủ ở Real. Ông bị chỉ trích dùng hình ảnh của CLB cho mục đích chính trị - điểm khiến ông bị so sánh với hai người bạn tâm giao là những ông chủ lừng danh ở Italy, gồm Silvio Berlsuconi (AC Milan) và Gianni Agnelli (Juventus).
Để lấy lòng các hội viên CLB, Mendoza hướng đến việc lấy lại chất Madrid vốn bị phai mờ theo năm tháng. Và thay vì bỏ tiền mang về những ngôi sao quốc tế, chính sách "Madrid hóa" đội bóng, trọng dụng các nhân tài gốc thủ đô trưởng thành từ chính lò đào tạo của Real là bước ngoặt lịch sử để CLB lấy lại vị thế thống trị.
Sự tin tưởng của Mendoza (trái) giành cho thế hệ cây nhà lá vườn như Sanchis (trái) là nền tảng cho thành công của Real Madrid về sau. |
"Chúng tôi đều là những con người trẻ tuổi từ Madrid, có cùng quan điểm về cách chơi của bóng đá, tất cả đều muốn chơi tấn công bất chấp phải đối mặt với rủi ro thế nào", Manuel Sanchis tâm sự như vậy khi nói về triết lý bóng đá của thế hệ "Kền kền trắng".
Nói đến văn hóa bóng đá ở Tây Ban Nha trong giai đoạn này, có lẽ bạn từng nghe đến biệt hiệu La Furia Roja (Trận cuồng phong đỏ) của đội tuyển Tây Ban Nha. Biệt danh ấy xuất phát từ việc tuyển Tây Ban Nha bị ảnh hưởng từ lối đá quyết liệt, thiên về thể lực kiểu Anh vốn có phát tích từ xứ Basque và lan tỏa ra khắp cả nền bóng đá.
Đấy là một lối đá xấu xí và đầy thô bạo, tiêu biểu nhất chính là cú đốn ngã Diego Maradona của "đao phủ" Andoni Goikoetxea năm 1983. Vô hình chung, thứ bóng đá ấy cũng đại diện cho một Tây Ban Nha được cai trị bởi bạo lực và súng ống. Tình hình tệ đến mức HLV Barca thời đó Cesar Menotti còn nhận xét: "Chừng nào người Tây Ban Nha trở thành những đấu sĩ, thay vì những con bò, thì họ mới bắt đầu chiến thắng trên sân cỏ".
Và với thế hệ "Kền kền trắng", nhất là Emilio Butragueno, người Tây Ban Nha chợt nhìn thấy những tia hy vọng chấn hưng đất nước từ sân cỏ. Trong cuốn Morbo, sử gia Phil Ball dùng từ "Bậc thầy" để mô tả về tuyệt kỹ "Bóng một" (First touch) của Butragueno. Cũng nhờ kỹ thuật điêu luyện, Butragueno như biến những khoảng không hẹp nhất thành sân bóng của riêng ông.
Nói về Butragueno mà chỉ dùng những con số bàn thắng thì không đủ. Gương mặt Butragueno phảng phất nét thơ ngây của Peter Pan, bước di chuyển thì nhịp nhàng tựa điệu nhảy Flamenco, nhưng Phil Ball mô tả rằng ẩn đằng sau đấy là một "sát thủ" máu lạnh với cây kiếm sắc, chỉ cần một cơ hội dù nhỏ nhoi nhất, Butragueno sẽ dễ dàng kết liễu đối thủ. Với người Tây Ban Nha ông đã hiện thức hóa giấc mơ về một "El Matador" (đấu sĩ) thay vì những con bò trên sân cỏ.
* Tài nghệ của Butragueno thời còn khoác áo Real Madrid.
Với Butragueno và bốn bạn đồng lứa làm trụ cột, thế hệ "Kền kền trắng" ấy đã giúp Real giành lại năm chức vô địch La Liga liên tiếp (từ 1986 đến 1990), bên cạnh việc tạo nên thứ bóng đá sang trọng - đẹp mắt làm bản sắc cho đội bóng Hoàng gia. Nếu có điều gì đó đáng tiếc hơn cả về thế hệ này, thì chỉ là việc họ không thể một lần đăng quang ở Cup C1.
Lịch sử của Real được viết nên bởi những con người vĩ đại, từ Santiano Bernabeu đầy mưu lược, cho đến sự dũng mãnh của Alfredo Di Stefano trên sân cỏ. Và truyền thống được kế thừa xứng đáng bởi lớp hậu bối như "Kền kền trắng" của Butragueno - thế hệ vĩ đại thứ hai trong lịch sử đội bóng này. Hơn cả, họ là những đứa con của Madrid, những người đã định hình lên cả lối chơi, quan điểm sống cho cả một thế hệ mới của đất nước Tây Ban Nha dân chủ sau này.
Anh Tuấntổng hợp