Khi Kylian Mpabbe nhấn follow (theo dõi) trang Twitter chính thức của Real Madrid, lập tức có tin đồn tiền đạo người Pháp chỉ muốn khoác áo CLB Hoàng gia Tây Ban Nha. Gerard Pique thông báo việc Neymar ở lại trên Instagram trong khi Everton ra mắt Wayne Rooney qua hình thức livestream.
Mời các bạn đến với thị trường chuyển nhượng thời mạng xã hội!
Lần đầu tiên ký hợp đồng với Everton, Wayne Rooney ngồi sau một chiếc bàn làm việc tại sân Goodison Park, có bố mẹ đi cùng để giám hộ. Cậu bé mặt hãy còn búng ra sữa được bảo ký tên vào chỗ đã đánh dấu để ghi hình. Lần thứ hai ký với Everton, Rooney đi một mình, và anh... ký lên chiếc camera. Hành động này đã tạo ra một hiệu ứng khủng khiếp.
Đoạn video ghi hình buổi ký kết của Rooney với CLB cũ Everton chỉ kéo dài 40 giây, nhưng nó tạo ra sự tương tác chưa từng có trên tài khoản mạng xã hội của CLB vùng Merseyside. Chỉ riêng tài khoản Twitter @everton đã có 27.000 lượt chia sẻ lại, 45.000 lần "thả tim" và 1.300 bình luận. Nó còn lan rộng hiệu ứng (viral) qua tận Đông Nam Á và Nam Mỹ - những nơi vốn chưa quan tâm nhiều đến Everton trước đó.
* Everton công bố việc Rooney ký hợp đồng
Đoạn phim 40 giây ấy cho ta thấy điều gì? Thứ nhất: những cuộc công bố tân binh đang ngày càng hấp dẫn hơn, với nhiều hình thức mới lạ. Thứ hai: mạng xã hội đang ngày càng giữ một vai trò quan trọng hơn trong bóng đá. Ai nói chỉ thanh niên Việt Nam mới sống ảo?
Bóng đá đã trở thành một ngành công nghiệp giải trí khổng lồ. Và nó chịu áp lực phải mang đến cho khán giả những điều mới mẻ. Buổi ra mắt của Rooney là một sự kiện được đầu tư kỹ lưỡng. Đoạn phim với hashtag #welcomehomeWayne đã được lên kế hoạch từ ngay sau khi Rooney đồng ý trở lại CLB mà anh đã khởi nghiệp.
Chỉ 40 giây, nhưng là bao nhiêu chất xám đổ vào từ kịch bản, quay phim, dựng phim và âm nhạc. Chỉ 40 giây, nhưng người ta được nghe lại những khoảnh khắc đáng nhớ nhất của Rooney trong màu áo Everton thông qua giọng bình luận, thấy quang cảnh từ ngoài sân đến phòng thay đồ, đi qua những hành lang từ góc nhìn của chính Rooney. Duncan Ferguson đang bước về phía anh, người lo trang phục Jimmy Martin ném cho anh một chiếc áo và cuối cùng là anh ký vào camera, với gương mặt tràn ngập sự đăm chiêu, xúc động.
Khoác áo CLB kiếm tiền giỏi nhất hành tinh Man Utd bao nhiêu năm, Rooney còn lạ gì những thủ thuật "câu like" hay "kiếm view". Và chính lực lượng người theo dõi đông đảo trên mạng xã hội của Rooney cũng khiến cho sự quan tâm của người xem dành cho video của Everton tăng cao. Nói cách khác, Everton là một nhãn hàng, và Rooney là một KOL (nhân vật định hướng dư luận).
Lượng fan đông đảo của Rooney giúp Everton như đào được mỏ vàng khi thuyết phục thành công anh trở về từ Man Utd. |
Số lượng người theo dõi tài khoản mạng xã hội của Rooney cao hơn so với nhiều CLB Ngoại hạng Anh khác. Bên ngoài xứ sương mù, bản thân Rooney đã là một thương hiệu. Và với việc chiêu mộ anh, Everton đã đồng thời tăng sự nhận diện thương hiệu của họ nương theo số lượng CĐV của chân sút người Anh. Và câu chuyện một chàng trai rời Everton như một cậu nhóc, trở lại như một người đàn ông thực sự lôi kéo được sự quan tâm của đám đông.
So với Rooney, lượng người theo dõi mạng xã hội của Cristiano Ronaldo còn đông gấp bội. Chỉ riêng Twitter thôi, CR7 đã có 55,2 triệu người theo dõi. Con số này trên Instagram là 107 triệu. Ronaldo không có đối thủ về độ nhận diện trong thế giới ảo. Nhưng ở vị trí thứ bảy, và dù đã qua thời đỉnh cao, Rooney vẫn có lượng theo dõi đông đảo hơn Gareth Bale, Sergio Aguero và Luis Suarez.
Và việc có lượng người theo dõi đông đảo cũng là một giá trị cộng thêm cho CLB. Nếu hai cầu thủ đồng tuổi, có tài năng ngang nhau, người có độ nhận diện trên mạng xã hội cao hơn sẽ có khả năng nhận lương cao hơn. Vì CLB đâu chỉ có cầu thủ, họ có luôn hàng triệu CĐV của cầu thủ ấy. Nếu Ronaldo rời Madrid trở lại Man Utd, số lượng người bỏ theo dõi Twitter của Real Madrid sẽ không còn như trước vì họ đã kéo sang trang chủ của đội bóng Anh.
Bởi thế, một cầu thủ ngày nay còn phải trang bị cho mình những kỹ năng sống ảo. Khi Tiemoue Bakayoko gia nhập Chelsea từ Monaco hồi tuần trước, anh kéo theo cả... một đoàn phim. Trên nền nhạc hip hop bắt tai của nhóm Rae Sremmurd, họ quay cảnh Bakayoko đang ngồi trên máy bay của hãng Eurostar băng qua hoàng hôn, đến St Pancras rồi lên một chiếc taxi đi dọc đường phố London. Anh đăng đoạn clip này lên Twitter với nhan đề 'TB14 Story'. Nhưng với vỏn vẹn 86.500 người theo dõi trên Twitter, sự nghiệp sống ảo của Bakayoko chỉ đang khởi đầu.
* Bakayoko với đoạn video sang London để chuẩn bị ra mắt ở Chelsea.
Paul Pogba là một tín đồ của mạng xã hội. Chỉ một đoạn video không qua chỉnh sửa, quay lại cảnh anh chơi bóng rổ với bạn bè là đủ để tạo hiệu ứng. Khi Pogba chuyển sang Man Utd với giá chuyển nhượng kỷ lục hè năm ngoái, hãng Adidas - nhà tài trợ của anh và chính Man Utd - thậm chí đã làm luôn cả một đoạn MV.
Pobga, Rooney hay Ronaldo, là những đại diện ưu tú của những thương hiệu cá nhân. Họ không buộc chặt mình với một màu áo nào cả, như Lionel Messi. Thế nên khi họ rời đi CLB khác, CĐV của họ cũng đi theo. Ở Trung Quốc và viễn Đông, đa số người theo dõi Twitter của cầu thủ là vì họ thích cầu thủ ấy, thay vì thích CLB hoặc giải đấu mà anh ta đang đầu quân.
Trong chiều ngược lại, những ai đã là CĐV của CLB thì sẽ trở thành CĐV của cầu thủ khoác áo CLB ấy. Lấy ví dụ như Daley Blind. Chỉ 14 ngày sau khi đầu quân cho Man Utd, lượng người theo dõi Twitter của anh đã tăng 72%. Man Utd là CLB số một về nhận diện trên mạng xã hội. Lượng tương tác của họ trên Instagram hoặc Twitter nhiều hơn cả 19 CLB còn lại của Ngoại hạng Anh gộp lại.
Và càng đông người theo dõi thì càng hái ra tiền, bởi vì các nhãn hàng bao giờ cũng muốn được góp mặt trong video viral như thế. Mạng xã hội đã giúp Bitis hồi sinh ngoạn mục, chỉ sau một vài giây xuất hiện trong MV của Sơn Tùng M-TP. Sự phát triển vũ bão của mạng xã hội cũng khiến các cầu thủ nói riêng và những người nổi tiếng nói chung cần những người quản lý tài khoản mạng xã hội thuần thục. Bởi họ thỉnh thoảng phải trả lời bình luận của người hâm mộ, phải "thả tim" cho CĐV để giữ sự liên kết. Và để thu hút thêm nhiều CĐV, họ phải nghĩ ra những chiêu trò mới.
Khi Kyle Walker chuyển sang Man City với giá chuyển nhượng kỷ lục cho một hậu vệ, anh tự sản xuất một đoạn phim cho riêng mình thông qua những chuyên gia về truyền thông xã hội của 90/24. Công ty 90/24 này còn chịu trách nhiệm với các tài khoản của Divock Origi, Erik Lamela, Arjen Robben và nhiều cầu thủ khác.
Bức ảnh cùng dòng chú thích trên Instagram của Pique khiến báo chí và người hâm mộ sốt xình xịch từ hai ngày qua về chuyện Neymar đi hay ở lại Barca. |
Báo chí bây giờ cũng đi sau mạng xã hội. Chỉ một bức ảnh chụp cùng Neymar trên mạng xã hội, kèm dòng chú thích ngắn: "Cậu ấy ở lại", Gerard Pique đã tạo ra biết bao nhiêu bài báo viết về việc này. Chỉ để ba ngày sau, Pique nói phát ngôn của anh chỉ là cá nhân, không phải là thông cáo chính thức của mạng xã hội.
Với bức ảnh "so deep" (tỏ ra diễn rất sâu) trên sân tập ở Mỹ, ngó xa xăm nghĩ ngợi, Neymar tạo ra một cuộc tranh luận bão tố trên mạng xã hội về tương lai của anh. Khi Luis Suarez đánh vào gáy của Neymar trong một đoạn video được ghi lại trên sân tập gần đây, Leo Messi quay qua che miệng và chấn chỉnh hai người đồng đội. Đây là thời đại mà nhất cử nhất động của một cầu thủ đều sẽ bị đặt dưới kính hiển vi.
Và mạng xã hội có thể dậy sóng bất kỳ lúc nào, chỉ với một trạng thái "tôi buồn" của Ronaldo. Đây là chuyển nhượng thời mạng xã hội, nơi cả thế giới bỗng chốc thu bé lại, vừa bằng một status!
Hoài Thươngtổng hợp