Năm 2010, khi Juventus thất thế rõ rệt trước các đối thủ cả trong lẫn bên ngoài Italia, gia đình Agnelli đưa ra một quyết định hệ trọng: đưa Andrea Agnelli lên ghế Chủ tịch CLB, sau 50 năm đứng ngoài giữ vai trò tư vấn.
Sau bảy năm, cả thế giới đều thấy quyết định ấy của nhà Agnelli đã thay đổi hoàn toàn vận mệnh Juventus. Mời bạn bước vào thế giới của gia tộc Agnelli, để biết họ không phải là cừu (Agnelli trong tiếng Ý có nghĩa là cừu) mà là những con sư tử chính hiệu.
"Lão phu nhân" vừa bỏ túi scudetto - chức vô địch Serie A thứ 33 trong lịch sử. Trong số đó có sáu danh hiệu liên tiếp gần đây, chỉ đến sau khi Andrea ngồi vào ghế Chủ tịch Juventus. Họ cũng đã ẵm Cup Italy sau trận chung kết thắng Lazio, và vẫn còn một trận chung kết Champions League với Real Madrid cuối tuần này. Đấy là lần thứ hai trong ba năm gần nhất, họ vào đến chung kết của giải đấu danh giá nhất thế giới cấp CLB. Suốt nhiều năm qua, Juventus đã chiến đấu để giành giật lại sự tôn nghiêm của họ. Và khi họ đã làm việc ấy thành công, các đối thủ chỉ còn biết ngước nhìn.
Dẫu vậy, thành công hiện tại là điều ít ai ngờ đến vào thời điểm Andrea chính thức tiếp quản ghế Chủ tịch Juventus hôm 19/5/2010. Ngày ấy, Andrea mới 35 tuổi, bị những kẻ chống đối gọi là "nhóc con". Juventus thì đang hỗn loạn với cuộc khủng hoảng thời "hậu Calciopoli". Trước đó một tháng, nhà Agnelli đã có một quyết định trọng đại khác: đưa John Lapo Elkann ngồi vào ghế Chủ tịch tập đoàn FIAT vào ngày 21/4/2010 (Lapo Elkann là cháu ngoại của Gianni Agnelli, còn Andrea là cháu, gọi Gianni bằng bác ruột). Vừa tiếp quản FIAT, Elkann gọi điện ngay cho Andrea Agnelli để bàn về việc giải cứu Juventus. Họ là chú cháu, cách nhau chỉ một tuổi (Elkann sinh năm 1976, Andrea sinh 1975). "Chỉ có người nhà Agnelli mới biết làm thế nào là tốt nhất cho Juventus" là lời Elkann nói ngày ấy.
Là thế hệ thứ ba của nhà Agnelli trực tiếp tham gia điều hành Juventus, Andrea (trái) và Lapo Elkann (phải) đã đưa đội bóng thoát khỏi những hỗn mang hậu Calciopoli để trở lại vị thế quyền lực số một bóng đá Italy.
Và những gã trẻ măng ấy đã làm thay đổi vận mệnh của cả FIAT lẫn Juventus. Tre già măng mọc, trẻ hóa vị trí lãnh đạo, đó chẳng phải là con đường mà Don Vito Corleone đã vạch ra cho đứa con út Michael trong "Bố già" đấy sao? Và cũng trong bộ truyện lẫy lừng ấy, phải sau bao nhiêu hoài nghi, dè bỉu, cánh giang hồ New York rốt cục đã phải tuân phục gã cựu quân nhân thủy quân lục chiến "vắt mũi chưa sạch" Michael còn gì?
Khí chất kiêu hãnh là một đặc tính của gia tộc Agnelli. Trong văn phòng của Andrea ở trụ sở Juventus có treo một bức ảnh. Trong bức ảnh ấy là một cậu bé mặc quần short, tóc nâu, đứng nhìn vào trong sân bóng mà Juventus đang thi đấu. Cậu bé ấy chính là Andrea. Còn người ngồi trên băng ghế huấn luyện của Juventus chính là bố đẻ của cậu, Umberto Agnelli, người điều hành Juventus cách đây nửa thế kỷ. Nguyên tắc của nhà Agnelli: làm chủ Juventus, nhưng chỉ để người trong nhà ngồi vào ghế Chủ tịch khi "có biến". Còn lại, họ trao quyền cho người khác và lùi về sau để tư vấn.
Lần đầu ngồi vào chiếc ghế Chủ tịch Juventus từng thuộc về bố Umberto, bác Gianni, ông nội Edoardo, Andrea không khỏi cảm khái. Nhà quản lý sinh năm 1975 này từng băn khoăn: "Liệu bóng đá Italy có còn đáng xem? Các sân lúc nào cũng trống phân nửa, bạo lực ở mọi nơi. Nếu bóng đá là một ngành kinh doanh, rõ ràng chúng ta chưa có được sản phẩm tốt nhất".
Andrea Agnelli (phải) được người cha Umberto (trái) ươm mầm tình yêu với Juventus từ thuở bé thơ. Ảnh: L'Aragosta.
Những vấn nạn trong bóng đá Italy - tham nhũng, bạo lực, khủng hoảng kinh tế, chủ nghĩa địa phương và thiếu sự quan tâm của chính phủ - chính là những ẩn dụ tuyệt vời cho chính bản thân mảnh đất hình chiếc ủng này. Và Andrea đã quyết định: cũng như Ferrari, Gucci, những quán cà phê tuyệt đẹp ở những góc đường trên đất Italy, Juventus sẽ hướng đến một mục tiêu thật khó: trở thành một sản phẩm xuất chúng, giữa một đất nước đang rệu rã.
Người Italy ví von nhà Agnelli là "hoàng gia Italy" vì những cống hiến tuyệt vời của họ cho đất nước. Ông cố của Andrea - Giovanni Agnelli - đã nhìn ra một tương lai không còn xe ngựa. Thế nên, năm 1899, ông đồng sáng lập một nhà máy mang tên Fabbrica Italiana di Automobili Torino (tức FIAT), từ nền tảng là một nhà máy cơ khí. Ban đầu là sản xuất động cơ, sau là sản xuất xe chở hàng. Rồi từ nhà máy thành hãng, FIAT thừa thắng xông lên để sản xuất xe hơi, xe tải, máy bay, xe tăng, các linh kiện cho ngành đường sắt, một bước trở thành thủ lĩnh của ngành công nghiệp nặng từ Italy ra đến châu Âu.
Năm 1923, ngay sau khi giành quyền làm chủ Juventus, Giovanni đã khuyến khích con trai ông, Edoardo Agnelli, trở thành Chủ tịch CLB. "Với hơn 90 năm làm chủ Juventus, chúng tôi là gia tộc yêu thể thao nhất trong toàn bộ lịch sử thể thao thế giới," Andrea Agnelli nói. "Juventus và FIAT là hai tài sản mà chúng tôi phải luôn tìm mọi cách để duy trì và bảo vệ". Bản thân Andrea cũng có tên trong Ban lãnh đạo FIAT, công ty sản xuất ô tô lớn thứ bảy thế giới, nơi người anh họ John Elkann đang là Chủ tịch (người anh cùng cha khác mẹ với Andrea, Giovanni Alberto, từng được bổ nhiệm để điều hành FIAT, nhưng ông qua đời vì bệnh ung thư năm 1997, ở tuổi 33).
Con của ông chủ lại làm ông chủ, nhưng không một ai dám nói vị trí mà Andrea và John Elkann có được là nhờ "cơ cấu". Họ không được trao quyền, mà đã chứng tỏ bản thân đủ trưởng thành để nhận lấy trọng trách từ thế hệ tiền bối. Họ là những con người của thời đại mới, vest xám, nói thứ tiếng Anh hoàn hảo (Andrea từng tốt nghiệp Đại học ... Oxford), lịch thiệp và là một quý ông hoàn hảo.
John Foot, giáo sư nguyên cứu về lịch sử Italy hiện đại tại Đại học London, viết: "Các thế hệ của dòng họ Agnelli đã coi sóc Juventus, mua bán cầu thủ, sa thải HLV và thảo luận chuyện bóng đá với báo chí Italy. Dẫu vậy, họ luôn ngại xuất hiện trước truyền thông để bảo tồn sự riêng tư của giòng họ. Chỉ có ông bác Gianni của Andrea là hơi ra ngoài khuôn mẫu. Được mệnh danh là L’Avvocato (luật sư), Gianni có mái tóc bạc, đẹp trai như tài tử, nổi tiếng ngay cả ở bên ngoài biên giới Italy, bởi tình bạn đẹp với John F. Kennedy, Henry Kissinger và Jacqueline Kennedy Onassis. Dưới thời Gianni, thế giới mới thấy rõ mối liên quan giữa tập đoàn FIAT và Juventus".
Trong thập niên 1980, Michel Platini giành đến ba Quả Bóng Vàng trong sắc áo sọc trắng đen của Juventus. Ông quyết định tặng riêng một quả cho Gianni, và nói: "Đây là thứ nhà Agnelli không thể mua được, dù các ông rất nhiều tiền". Gianni hỏi: "Thế nó là vàng thật à?", Platini mỉm cười đáp: "Nếu nó là vàng thật, ông nghĩ tôi có đưa nó cho ông không".
Tôi đâu biết Gianni Agnelli là ai lúc ký hợp đồng với Juventus. Nên khi (Giampiero) Boniperti đưa điện thoại bảo tôi nói chuyện với Gianni, tôi còn hỏi Gianni nào cơ. Nhưng tôi cũng cầm lấy điện thoại. Đầu dây bên kia nói: 'Michel, chào mừng tới Turin, cậu biết mình sẽ phải nỗ lực để thắng mọi trận đấu rồi chứ'. Tôi hồi đáp: 'Vâng, chúng tôi sẽ cùng cố hết sức'. Nhưng thú thực tôi vẫn chưa biết Gianni là nhân vật như thế nào vào lúc ấy.
Michel Platini
Gianni "L'Avvocato" Agnelli (phải) là người duy nhất đi ngược lại truyền thống kín tiếng của dòng họ, nhưng lại có công tiếp thị mạnh mẽ hình ảnh Juventus ra thế giới. Ảnh: Gazzetta dello Sports.
Biệt danh của Juventus là La Vecchia Signora, tức "Lão phu nhân" mà người hâm mộ Việt Nam chúng ta quen gọi. Nhưng Andrea Agnelli có một cách lý giải khác: "Juventus là nàng thơ của Italy. Đấy chính là người phụ nữ mà mọi người đàn ông đều muốn gần gũi". Thật vậy, ở Italy, người ta hoặc là yêu nàng (Juventus), hoặc là ghen tỵ với nàng.
Bạn hãy nhìn tên những đội bóng lớn nhất Italy để thấy nó đều mang dáng vấp của thành phố: AS Roma, Lazio Roma, AC Milan, Inter Milan, Napoli. Còn Juventus, nó là một cái tên độc lập, có thể vang lên trên môi của bất kỳ ai. Gianni Angelli từng lý giải: "Không có tên của thành phố ở tên CLB giúp chúng tôi trở nên phổ biến hơn. Nó biến chúng tôi thành một CLB của quốc gia".
Tifosi của Milan, Napoli, Inter hay Roma có lẽ không thích cách nói này của nhà Agnelli. Nhưng họ làm sao phủ nhận được sự thật: có 11 triệu người Italy tự nhận mình là Juvetini (fan ruột của Juventus), cùng rất nhiều người thực ra yêu thầm nhưng... chối. Biết bao nhiêu thế hệ người Italy gửi con cháu họ đến Turin để làm việc cho các nhà máy của FIAT. Và bạn có thể làm cho FIAT mà không yêu Juventus được chăng?
Andrea Agnelli không đi vào chi tiết của những di sản trong quá khứ. Anh ấy chẳng thích bất kỳ sự so sánh nào. Sự vĩ đại của Juventus được xem như một điều đương nhiên, nó vượt lên trên mọi ý niệm về không gian và thời gian.
Andrea Pirlo
Nhà Agnelli vĩ đại, thành công là nhờ phương châm xuyên suốt của cả gia tộc: phải làm việc để giành lấy sự thừa nhận, chứ không sống trong hào quang của cha ông. Triết lý này được Andrea Pirlo lý giải qua hình ảnh Andrea trong cuốn tự truyện "Tôi tư duy, nghĩa là tôi chơi bóng":
"Phương châm của Andrea: Làm việc, làm việc và làm việc nhiều hơn. Trên thực tế, chẳng cần phải làm việc cũng sống khỏe cả đời, nhưng Andrea là người say mê công việc. 'Đó là con đường duy nhất để chiến thắng', Andrea từng nói.
Andrea yêu Juventus nhiều đến mức bệnh hoạn. Yêu quý bạn bè, tiêu diệt kẻ thù. Chớ dại mà giờ đặt mình vào thế đối nghịch với anh ấy. Mọi hành vi xúc phạm Juventus là cái tát vào mặt anh ấy, và buộc anh ấy phải hành động. Andrea sẽ phản đòn và những tuyên bố của anh ấy có sức nặng như một mệnh lệnh từ tòa án".
Andrea đơn giản là người nhà Agnelli chính hiệu. Đấy là con đường mà ông cố của ông - Giovanni Agnelli - đã đi. Từ miền quê Turin, FIAT vươn lên trở thành công ty hàng đầu thế giới. Và Juventus chính là hình ảnh song hành với FIAT trong địa hạt bóng đá. Cả hai đều có một phương châm trong đầu: "Chiến thắng".
Trong ngăn kéo bàn làm việc của Andrea có một bức tranh, nhìn là biết do một cậu bé vẽ. Chính là Andrea vẽ năm chín tuổi. Bức ảnh vẽ một quả phạt đền đang bay vào lưới, chính là quả phạt đền của Michel Platini, đánh bại Liverpool để giành Cup C1 tại sân vận động huyền thoại Heysel, nơi chứng kiến tấn thảm kịch khiến 39 Juvetini thiệt mạng. Phía dưới bức ảnh ấy là hàng chữ: "Juventus, nàng là một nữ hoàng".
Andrea xin lỗi phóng viên vì bức vẽ ấy. Ông nói khi còn bé, cảm giác hạnh phúc vì chiến thắng đã lấn át tấn thảm kịch. Tất nhiên không ai có thể trách cậu bé 9 tuổi ngày ấy, chỉ vì cậu ta luôn ghi nhớ lời của người lớn: chiến thắng là mệnh lệnh của nhà Agnelli.
Đội bóng mà Andrea thích nhất là Juventus của năm 1996, năm vô địch Champions League. Ông trích lại lời của thủ quân đội nhà năm ấy, Gianluca Vialli: "Tôi bước vào sân cỏ, nhìn thẳng vào đối thủ của mình, những kẻ đang nghĩ trong đầu: Tại sao mình còn ra sân làm gì, trong một trận đấu mà mình cầm chắc thất bại?".
Với tôi, một trận đấu không có gì quan trọng. Mọi trận đấu đều mang lại ba điểm, điều quan trọng nhất là ai đứng trên đầu bảng điểm, khi mùa giải khép lại. Juventus chỉ nhìn về đại cục.
Andrea Agnelli
Juventus vô địch Champions League năm 1996.
Juventus dạy cho người ta kiêu hãnh, nó là văn hóa của gia đình Agnelli. Andrea nói thêm: "Nhưng tôi ngày càng thích đội hình hiện tại hơn, vì nó là đội bóng của tôi. Tôi trực tiếp tạo ra nó, chứ không chỉ là người quan sát như trước đây".
Và sản phẩm của Andrea Agnelli đang được nhiều người xem như là Juventus hay nhất lịch sử. Đội bóng có mạch vô địch dài nhất lịch sử, đã vào chung kết Champions League hai lần và mùa này lại có khả năng giành cú "ăn ba". Chính Andrea bổ nhiệm Giueppe Marotta vào ghế Giám đốc thể thao, để rồi nhà quản lý đến từ Sampdoria này đã có rất nhiều quyết định xuất sắc sau khi ngồi vào nhiệm sở năm 2011. Cũng chính Andrea là người giật sập sân bóng cũ Delle Alpi, để xây sân mới - Juventus Arena, sức chứa ít hơn, nhưng khán giả gần với sân hơn, đến đông hơn và hiệu quả kinh tế lớn hơn.
Tài nghệ tuyệt vời của các thành viên trong gia tộc Agnelli tất nhiên cũng đi kèm với những lời dèm pha, ganh tỵ. Nắm kinh tế tức là nắm về chính trị. Juventus luôn vươn lên trong vô vàn những thuyết âm mưu, về việc nhà Agnelli đã dùng tiền lẫn thế lực để thao túng các trận đấu, và quên mất AC Milan từng thuộc về một... Thủ tướng. Nhưng đây là Italy, và người ta tin vào thuyết âm mưu và những lời đồn đại, càng ly kỳ lại càng có sức nặng.
Những kẻ thù của Juventus có cảm giác công lý được thực thi vào năm 2006. Tổng giám đốc của Juventus khi ấy là Luciano Moggi bị kết án đã mua chuộc trọng tài và dàn xếp các trận đấu. Vụ đại án ấy đã có cả một cái tên là Calciopoli. Mùa hè năm ấy, cựu cầu thủ Juventus và giờ là một thành viên trong Ban điều hành CLB, Gianluca Pessotto, nhảy lầu tự sát. Rất may, ông không chết.
Nhưng Juventus thì... "chết", trong mùa hè năm ấy. Họ bị giáng xuống Serie B và khởi đầu với số điểm -9. Các trụ cột của Juventus khi ấy là Zlatan Ibrahimovic, Lilian Thuram, Zambrotta, Emerson, Fabio Cannavaro... đều lần lượt "nhảy tàu". Để rồi bây giờ, sau 11 năm, tất cả mới ngày càng nhìn rõ được bức tranh của ngày ấy, khi Juventus trở thành nạn nhân của một cuộc "đánh hội đồng".
Andrea Agnelli nói: "Đó không phải là dàn xếp tỷ số. Xin mọi người nhớ cho kỹ: chúng tôi bị cáo buộc vì những hành vi phi thể thao, chứ chúng tôi không bị kết án mua chuộc trọng tài". Phóng viên hỏi ngược lại: "Những Moggi đã gọi điện trực tiếp vào số điện thoại cá nhân của trọng tài". Andrea nói: "Moggi, và rất nhiều người khác, xin anh nói cho kỹ".
Zlatan Ibrahimovic, người duy nhất khoác trên mình cả ba màu áo quan trọng nhất Italy: Inter, Milan và Juventus, trong cuốn tự truyện, đã khẳng định là anh tuyệt đối không tin có chuyện dàn xếp gì ở đây. Bởi anh đã đổ mồ hôi và cả máu cho hai chức vô địch mà sau đó người ta đã tước đi của Juventus.
Người ta đã mở cuộc chiến tranh để chống lại một mình Juventus
John Elkann nói về Calciopoli.
Còn trong tự truyện của Pirlo, tiền vệ tài hoa này viết: "Những ngày còn ở Milan tôi đã tự hỏi: nếu không có sự trợ giúp từ các 'thế lực bên ngoài' thì Juventus có thể vô địch? Câu trả lời của tôi luôn là có. Vì thế, tôi mặc chiếc áo có giòng chữ '30 chức vô địch trên sân' khi đoạt scudetto ở Trieste (scudetto đầu tiên của anh với Juventus)".
Pirlo sinh ra không phải là một bianconero, nhưng nhờ Andrea Agnelli, anh đã trở thành một bianconero thực thụ. Người nhà Angelli không xem Juventus như một món đồ chơi. Đó là di sản cần bảo vệ, kế thừa và phát huy cho mạnh hơn. "Andrea là người đến từ quá khứ để kiến tạo tương lai", Pirlo viết.
Andrea rất thích cách miêu tả này của Pirlo. Ông nói: "Scandal ấy là một cơ hội để chúng tôi trở lại, ồn ào hơn, mạnh mẽ hơn và con đường trở lại ấy sẽ lại càng khiến cho Juventus trở nên vĩ đại". Những gì không thể giết ta sẽ làm ta mạnh mẽ hơn. Đấy chính là phương châm của Juventus và nhà Agnelli.
Một năm Juventus phiêu lưu ở Serie B.
Chúng tôi chọn ở lại cùng nhau, vinh danh một màu áo, một CLB, vinh danh các CĐV và những con người của CLB. Chúng tôi đều phải hy sinh một điều gì đó để đạt được những điều còn to lớn hơn: tình yêu thương và sự tôn trọng. Nhờ ở lại mà chúng tôi đã tìm ra chân giá trị của một tập thể, một đội bóng.
Gianluigi Buffon nói về mùa giải 2006-2007 ở Serie B.
Nhưng Calciopoli đã hủy hoại hình ảnh của bóng đá Italy và mối quan hệ giữa những CLB. Sau Calciopoli là Calcioscommesse, một scandal dàn xếp tỷ số dính líu đến 20 CLB (không có Juventus trong đó). Trong đó, HLV của Juventus - Antonio Conte - bị cấm chỉ đạo trong bốn tháng vì tội không trình báo dù đã biết có dàn xếp thuở còn cầm quân cho Siena. Thời gian ấy Juventus đã thỏa thuận mua được Robin van Persie. Nhưng nhận thấy Calcioscommesse sẽ bùng nổ dữ dội, người đại diện của Van Persie đã mang thân chủ sang Man Utd.
Và đấy là một thử thách nữa dành cho Andrea Agnelli, phải xây dựng một sản phẩm thật tốt trong một môi trường rất xấu, với niềm tin là mình sẽ là đầu tàu cho một cuộc đại thay đổi. Trong cuốn sách mang tên: "Football Against the Enemy" cách đây đã 20 năm, ký giả Simon Kuper viết: "Khi một fan bóng đá chết đi, anh ta sẽ đến Italy. Ở đó anh ta sẽ nhìn thấy những cầu thủ giỏi nhất thế giới, những trận đấu được trực tiếp miễn phí trên truyền hình và vô vàn những tờ báo thể thao viết về các trận đấu. Và thời tiết thì còn tuyệt vời nữa".
Trong ký ức của Kuper, Andrea Agnelli và cả những tifosi trung niên, bóng đá Italy từng là thiên đường. Đấy là một buổi sáng nắng đẹp, miệng nhấp capuccino, tay cầm Gazzetta dello Sport, ngồi ở ngã tư và chém gió liên tu bất tận với bạn bè. Không khí yên bình những năm tháng ấy là sự tương phản tuyệt đối với bóng đá Anh, vốn đang khốn khổ với vấn nạn hooligans.
Berlusconi (trái) cũng thành công với AC Milan, góp phần làm nên giai đoạn thịnh trị gần hai thập niên của Serie A, nhưng nhà tài phiệt này đi theo một triết lý hoàn toàn đối lập với triết lý của nhà Agnelli. Ảnh: ANSA.
Bây giờ, ngay lúc này, Serie A và Ngoại hạng Anh đã đổi chỗ cho nhau hoàn toàn. Và Silvio Berlusconi phải hứng chịu một phần trách nhiệm. Bởi vì trong lúc nhà Agnelli cố lùi ra xa thì Berlusconi lại biến bóng đá thành một thứ vũ khí chính trị.
Dưới thời Berlusconi, Italy trở thành một quốc gia mà ở đó, người bỏ phiếu bầu ông và người căm ghét ông phải xem những trận đấu có đội bóng do nhà tài phiệt - chính trị gia này làm chủ, giương cao biểu ngữ ủng hộ ông trên những kênh truyền hình trả tiền do ông thao túng, trong một giải đấu được điều hành bởi Adriano Galliani, cánh tay phải của ông. Rồi sau đó, người ta sẽ coi lại các bàn thắng thông qua những kênh truyền hình miễn phí do chính Berlusconi cung cấp.
Điều duy nhất Berlusconi không làm chính là sử dụng quyền hành của ông để giúp các sân vận động trở nên an toàn hơn. Nhà Agnelli luôn cần một quốc gia thịnh vượng, yên ổn để làm ăn, Berlusconi nhìn thấy cơ hội quyền lực trong sự hỗn loạn.
Thành quả mà Juventus đạt được chủ yếu dựa vào khả năng tổ chức đội bóng và một mạng lưới tuyển trạch viên dày đặc, tài năng và làm việc bất kể ngày đêm. Chúng tôi không muốn chạy theo những vụ chuyển nhượng nhiều tiền.
Gianni Agnelli nói về triết lý chuyển nhượng của Juventus
Từ khi ngồi vào ghế Chủ tịch Juventus vào năm 2010, Andrea Agnelli đã có những quyết định mang tính bước ngoặt. Đầu tiên là việc bổ nhiệm Marotta ngồi vào ghế Giám đốc thể thao. Và từ đó, một sách lược mua bán khôn ngoan tuyệt vời đã giúp Juventus luôn có được một đội ngũ cực kỳ hùng hậu. Bộ đôi Agnelli - Marotta tỏ ra rất ăn ý và sáng suốt, đặc biệt là khi họ chọn Antonio Conte và sau đó là Massimiliano Allegri cho vị trí HLV trưởng.
Năm 2011, Juventus bỏ sân cũ Delle Alpi để chuyển sang sân mới mang tên Juventus. Sức chứa giảm từ 69.000 xuống còn 41.254, nhưng nó luôn được lấp đầy. Không còn đường piste, khán giả được gần cầu thủ hơn và sân bóng trở thành một pháo đài thật sự. Sau sáu năm chuyển sang sân mới, Juventus mới thua có ba trận Serie A ở đó.
Không những thế, sân bóng ấy còn xác lập vị thế độc lập mà không đội bóng Italy nào có được. Trong khi các CLB khác đều phải đá trên sân mặt sân thuê của thành phố, và không được phép rời khỏi đó, Juventus có sân bóng do chính họ sở hữu.
Andrea đọc diễn văn khánh thành sân nhà mới, sân Juventus Arena.
Trên sân thậm chí còn có hai khu vực dành riêng cho CĐV nhí. Trong phòng thay đồ có một dãy máy sấy tóc (một vật cực kỳ thiết yếu với các cầu thủ Italy), đã cắm sẵn và chỉ cần bấm nút là dùng. Có bồn tắm nước nóng và lạnh, có bàn trị liệu, có bàn ăn tối với giỏ trái cây có thể ăn ngay sau khi kết thúc trận đấu. Đấy là sự trang bị mà không một sân bóng nào khác ở Italy có được. Và các khán đài ở đây, rất gần nhưng an ninh tốt đến mức sẽ không thể có một quả pháo sáng nào được ném xuống sân. Một môi trường lành mạnh sẽ giúp người ta cư xử lành mạnh, Agnelli quan niệm như thế.
Conte là người đã mang văn hóa chiến thắng trở lại Juventus, với ba chức vô địch Serie A liên tiếp. Thế nhưng dưới thời của ông, Juventus chưa từng vượt qua được vòng tứ kết Champions League. Ngày rời đi, ông còn nói một câu nổi tiếng: "Chúng ta không thể gọi món trong một nhà hàng 100 đôla, khi chỉ có 10 đôla trong túi. Trong nhiều năm tới, tôi không thấy có một đội bóng Italy nào có thể tiến xa được ở Champions League".
Marotta đóng vai trò then chốt trong các vụ tuyển mộ, góp phần giúp Juventus lột xác suốt bảy năm qua. Ảnh: ANSA.
Nhưng Conte đã lầm. Vì đừng bao giờ nói với nhà Agnelli là họ không làm được gì. Với việc bổ nhiệm Allegri cùng các vụ tuyển mộ hợp tình, hợp lý của Marotta, Juventus tiến thêm một bước dài ở sân chơi châu lục. Hai lần vào chung kết trong vòng ba năm, Juventus lấy lại sự tôn nghiêm của họ ở châu Âu.
Và Agnelli cho thế giới thấy ông hoàn toàn có thể dẫn "Lão phu nhân" vào nhà hàng 100 đôla đường hoàng, bằng bản hợp đồng đắt kỷ lục ở Serie A với Gonzalo Higuain. Nhưng đấy không phải là một cuộc vung tay quá trán, mà tiền ấy được trích từ vụ bán Paul Pogba cho Man Utd. "Juventus không chạy theo những hợp đồng bạc triệu, chúng tôi chọn những người phù hợp với lối chơi của mình, thông qua công việc tuyển trạch và phân tích của hàng chục con người xuất sắc", Marotta lý giải.
Nhưng con đường của Juventus vẫn còn chông gai. Trong lúc tiền bản quyền truyền hình của Ngoại hạng Anh giờ đã là 2,23 tỷ đôla mỗi năm, Serie A chỉ kiếm được bằng nửa con số ấy . Giải đấu lẫy lừng một thời chỉ còn là "trạm trung chuyển" của những cầu thủ giỏi, trước khi họ sang Ngoại hạng Anh hoặc Real Madrid, Barcelona.
Tổng thu nhập mỗi năm của Juventus chỉ là 250 triệu đôla, chưa được phân nửa của Real hay Barca. Sân bóng đã giúp cho tiền bán vé tăng hơn nhiều, nhưng tiền thu được từ vật phẩm lưu niệm lại chưa cao. Vì sau bao nhiêu năm, văn hóa mua đồ... giả của Italy vẫn còn rất nặng. Họ hay vào sân với chiếc áo đấu hàng nhái thay vì hàng chính hãng của CLB.
Về việc này, người Italy quả thực rất giống với Việt Nam, như Beppe Severgnini từng viết trong cuốn "Đầu óc người Italy" xuất bản năm 2007: "Bóng đá Italy, thậm chí là đất nước Italy, cần một cuộc tái cấu trúc. Cách đây bốn năm, chúng ta từng đứng trước một ngã rẽ. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có muốn giải quyết ngọn nguồn vấn đề để giữ vững sự cạnh tranh với các đối thủ không. Và chúng ta đã chọn cách... không làm gì. Trong bóng đá, chúng ta cần một nỗ lực phi thường để giải quyết các vấn đề về bạo lực, sân bãi và bảo vệ bản quyền sản phẩm. Nhưng chính phủ không động tĩnh gì, mà bộ trưởng thể thao cũng chưa thấy nói gì".
Thời gian bốn thành viên gia tộc Agnelli làm chủ tịch Juventus. Đồ hoạ: Tiến Thành.
Vậy Juventus làm gì? Làm theo cách mà gia tộc Agnelli đã tồn tại và vươn lên giữa một quốc gia đầy rẫy những vấn đề. Người ta có thể ghét họ, nhưng không thể phủ nhận FIAT và Juventus chính là niềm tự hào của Italy trên trường quốc tế. Và bàn tay phong trần của các thế hệ đàn ông nhà Agnelli vẫn đang làm tất cả cho "Nàng thơ Italy".
Chung kết Champions League ngày 3/6 tới, ngay cả những người vẫn luôn miệng bảo ghét Juventus, cũng phải dõi theo "nàng". Vì "nàng" là niềm tự hào của Italy, là nguồn sống của cả một giải đấu đang chờ ngày phục sinh, là cứu cánh cho những suất dự Cup châu Âu của Serie A và là khát vọng khôn cùng của mọi đội bóng Italy.
Ai dám dũng cảm nói bản thân không muốn được như Juventus? Được một gia tộc hùng mạnh chống lưng, có sân riêng và văn hóa chiến thắng luôn tuôn trào trong huyết quản.
Với nàng thơ Italy, hoặc bạn yêu nàng, hoặc bạn ghen tỵ với nàng. Vì nàng luôn được vòng tay bảo bọc của những con sư tử nhà Agnelli!
Hoài Thương tổng hợp